1. Bài Kệ Hồi Hướng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Bài Kệ Hồi Hướng

Bài Kệ Hồi Hướng

Hồi hướng Tam Bảo chúng Long thiên, thủ hộ già lam chư Thánh chúng:

Hồi hướng: Tam bảo, các Rồng, Trời...., cả thánh chúng giữ giúp vườn chùa.

Từ đây sắp xuống mười câu kệ, là dâng công đức trên, để hồi hướng về cả mười giới. Ý nghĩa của hai chữ hồi hướng nó đi ngay suốt xuống cả mười câu kệ, nên hơi đọc là ý tưởng đều chẳng đặng dứt giữa khoảng nhịp mõ. Hai câu trên đây là hồi hướng lên ngôi Tam Bảo và các Hộ pháp. Với nghĩa của Tam Bảo sẽ rõ ở văn Sám hối sau. Trời, rồng là gồm chung thuộc bát bộ thần Hộ Pháp. Với nghĩa của Già Lam, sẽ thấy rõ ở văn chúc tán. Các vị Thần: Trời, Rồng....Già Lam, phần nhiều là có các đức Bồ tát ẩn hình thị hiện và trong đó, nên xưng là thánh chúng. Giờ ở đây hồi hướng lên Tam Bảo là để nguyện cầu gia hộ cho; hồi hướng về các vị: Thiên, Thần....là để cầu ủng hộ ngôi Tam Bảo.

Tam đồ bát nạn cu li khổ, tứ ân tam hữu tận triêm ân, quốc giới an ninh binh cách tiêu, phong điều vũ thuận dân an lạc.

Ba đồ tám nạn điều lìa khổ, bốn ân ba hữu trọn nhờ ơn, nước cõi an ninh binh cách (giặc cướp) tan, gió hòa mưa thuận dân yên vui.

Bốn cây đây là hồi hướng cho cả pháp giới chúng hữu tình từ chốn u là khuất mắt, đến chốn hiểu rõ thấy, điều được chung nhờ lợi ích.

“Tam đồ bát nạn” sẽ rõ thấy nơi “văn lẽ Phật phát nguyện” của ngài Di Sơn Nhiên Thiền Sư.

“Tứ ân” có ba điểm:

1. Ơn của Thiên Ðịa che chở;

2. Ơn của Nhật Nguyệt soi đến (là ơn của cõi đời thiên nhiên bố thí cho ta bằng cách tự nhiên)

3. Ơn của các đấng mở mang đất nước;

4. Ơn của Cha Mẹ dưỡng dục.

Ðó là tứ ân của thế gian. Kinh Chính Pháp niệm chép:

1. Ơn của Cha;

2. Ơn của Mẹ;

3. Ơn của Như Lai đại sư;

4. Ơn thuyết pháp của các pháp sư.

Ðây là tứ ân của thế gian, xuất thế gian. Tâm địa phẩm nói:

1. Ơn Phụ Mẫu,

2. Ơn chúng sinh (nhân quần xã hội và thú lực): Vì luân hồi lẫn nhau làm cha mẹ, và giúp đỡ lẫn nhau về các phương diện: ăn, mặc, ở và công việc làm, dẫu ta ra tiền mua mướn

3. Ơn Quốc gia

4. Ơn Tam Bảo

Đây là tứ ân nghĩa rộng gồm cả thế gian và xuất thế gian.

Tứ ân dù có nhiều thuyết, song ta phải kỷ niệm, báo đáp tận tâm bình đẳng.

“Tam Hữu”: ba có, tức là ba giới; vì có những nhân quả của thập thiện, hoặc của thập ác, bởi ý chí có chấp trước lấy sự tướng vật chấp để tưởng nhớ mãi chẳng quên, nên gọi là “Hữu: có”. Chữ Triêm, nghĩa: thấm nhuần, chịu ơn.

“Quốc giới”: Cõi nước; với xa thì so cả đại thiên thế giới, sa số thế giới; so với gần, thì có năm châu, chín châu ( 5 châu lớn, là: 1/ Châu á tế, 2/ Châu Âu la ba, 3/ Châu A phi ly gia, 4/ Châu Á mặc ly gia, 5/ châu Úc tước ni á. Với năm châu ấy tức kinh Phật kêu làm một là Thiệm bộ châu phía nam núi Tu di, nay đây bất quá cũng tùy theo thuyết của thế gian để quyền tạm mà nói là năm châu lớn đấy thôi, chớ thật ra thì năm châu ấy đâu có thể gồm hết đặng Nam thiên bộ châu? Với vị trí của chín châu kia, sẽ thấy rõ ở trong văn chúc tán sau).

“Bình”: Những món đồ vũ khí của quân nhung. Thuở xưa, ông Xuy Vu dùng các loại kim thiết để chế tạo ra năm món binh khí: 1/ Cây cung, 2/ Cây đầu, 3/ Mũi mâu, 4/ Mũi qua, 5/ Mũi kích; cũng gọi là ngũ nhung tức ngũ binh đây, thật thế.

“Cách”: da thú đã thuộc chín; cách là áo giáp bằng da. Lại, xe bọc da (nay bọc sắt) tức là xe nhà binh. Nước nhà nào mà lắm cơn loạn lạc, thì nạn binh cách (giặc giã, hay giặc cướp) nổi lên lung tung, như lũ kiến, chòm ong: cắn hút thịt máu của dân chúng! Lúc nào có minh chủ trị đời, thì giữa nước, ngoài cõi đều được an ninh: nên nguyện cho nước nhà đồng được như đời vua Nghiêu, vua Thuấn: năm ngày thì có một ngày gió mát mười ngày có một ngày mưa, tan hẳn binh cách, thiên tai nhân họa đều không, ách nước nạn dân chẳng có, sĩ thứ đồng an cư lạc nghiệp.

Nay dùng công tu phúng tụng này, để hồi hướng cho pháp giới quần sinh đồng hưởng phước vui vô vi như trị ấy.

Ðại chúng huân tu hi thắng tấn, thập địa đốn siêu vô nan sự:

Ðại chúng huân tu mong hơn tới, chóng lên thập địa không việc khó.

Hai câu kệ đây, là nguyện cho bạn đồng tu đều được thắng tiến cả.

“Huân tu” xông, rèn, trau, sửa “Hy” cầu, trông.

“Thắng tấn” có hai nghĩa: 1/ cứ xét theo ngôi thứ để mà tiến, nghĩa: người tu pháp Tiệm giáo, thì y theo vị thứ của 55 bậc mà tiến, đó là trình độ độn căn của đại thừa. 2/ tiến triển bằng cách vượt lớp, tức là thắng tấn. Nghĩa: Người tu pháp đốn giáo, đối với năm mươi lăm ngôi, vượt lớp mà tiến, đó là hạng lợi căn của Đại thừa.

Lại, từ nơi vị trí của phàm phu, vừa phát tâm tu học liền chóng vượt lên bậc Sơ địa Bồ Tát....nhẫn đến bậc thập địa Bồ Tát; hoặc từ nơi sơ địa tu học, mà đốn siêu  bậc thập địa: như đức Quán Thế Âm nghe Phật Thiên quang vương Tịnh trụ Như lai nói thần chú đại bi, từ sơ địa mà siêu ngay lên bát địa, đó là thế.

Lại, bên biệt giáo, từ sơ địa về trước, đều là hạng duyên tu, thì chẳng gọi là thắng tấn được, vì duyên tu là tu bằng cách phải chuyển theo trải qua mỗi sự mỗi cảnh; nếu lên được bậc Sơ địa, thì mới được thuộc về hạng chưon tu, thế mới gọi là niệm tự nhiên để tiến tới, chứ chẳng cần mượn công tu bằng cách tác ý.

Tam bảo, và kẻ có quy y thụ giới, đều vâng nhờ công đức hồi hướng đấy, để tăng thêm chính phước và chính huệ.

Ba bài kệ trên đó (từ “Thượng lai hiện tiền thanh tịnh chúng.....” đến “đàn tín quy y tăng phước huệ” cộng 12 câu, phân là ba bài) của tác giả: Chân yết Thanh Liễu thiền sư đời Tống (960 – 1.276), sinh trưởng ở đất Thục, con nhà họ Ung xứ Miên Châu, đệ tử của Tổ Ðan Hà Thuần thiền sư; đến sau năm Thiệu Hưng thứ 21 (đinh vị 1,151) nhận lời chiếu của Vua Tống Cao Tôn thủynh, lãnh trụ trì nơi chùa mới núi Cao Ðình, xứ Hàng Châu.

Nam mô ta bà thế giới, tam giới đạo sư, tứ sinh từ phụ, nhân thiên giáo chủù, thiên bách ức hóa thân, Bản Sư Thích Ca Mâu ni Phật.

Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Nam mô đại hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

Nam mô Hộ Pháp chư thiên Bồ Tát

Nam mô đạo tràng hội thượng Phật Bồ Tát.

(Trong lúc niệm Phật đi hữu nhiễu đó có 2 ý nghĩa:

1. Là lễ kính bằng cách vừa miệng thì xưng tụng hiệu Phật, và thân thì đi vòng quanh hầu tượng của Phật; đó là cái lễ  rất kính của xứ Ấn độ đối với Phật. Kinh vô lượng thọ nói: “Cúi lạy chân Phật, hữu nhiễu 3 vòng”. Thế gọi là hữu nhiễu.

2. Là phương pháp tiêu dưỡng: hoặc đứng tụng lâu, hoặc ngồi thiền lâu, gân máu ngưng trệ, hay ma buồn nó phá, hoặc mới ăn cơm rồi.....đều phải đi vòng hay đi thẳng tới lui, là để cho gân máu chạy đều, hết lừ đừ ngũ, tiêu thực, vệ sinh dưỡng thân. Thế thì gọi là: Hành đạo hay kinh hành. Truyện ký qui cuốn thứ ba chép: Ði hữu nhiễu Phật điện, đi vòng quanh ngôi tháp, là cốt vì cầu phước cho tự tha, nên tỏ cái nghi cung kính: còn kinh hành là cái phép tiêu thực tán bô, ý nghĩa ở dưỡng thân trừ bệnh).

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6319445
Số người trực tuyến: