25. 3 lời khuyên người lâm chung dễ dàng đón nhận nhất
Vào giờ phút lâm chung, người ta thường trở nên cởi mở, không cố chấp vào các quan kiến, tư tưởng như khi còn sống. Bởi vậy, hãy giúp họ có những suy nghĩ tích cực, những động cơ thanh tịnh vào thời điểm kề cận cái chết bằng cách hướng suy nghĩ của người đó tới những mong nguyện tốt đẹp, những mong ước về cuộc sống tương lai và đời sống tiếp theo. Nếu người sắp chết không tin có đời sống kiếp sau, hãy khuyên họ trao gửi tình yêu thương, tâm từ bi tới tất cả mọi người. Điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho họ. Bạn cũng có thể nhắc họ nhớ rằng tất cả mọi người đều phải trải qua cái chết, vì vậy họ không phải người duy nhất đơn độc trên hành trình này.
Đối với những ai không phải là Phật tử, bạn cần nói với họ về tình yêu thương, lòng từ bi vô điều kiện, nhắc họ hãy xả bỏ những âu lo, phiền lụy, giận dữ, sợ hãi, hãy chấp nhận những gì đang xảy ra và luôn giữ bình tĩnh. Bạn hãy khuyên họ nên tập trung tinh thần lên trên đỉnh đầu và quán tưởng hình ảnh của một Bậc Thầy tâm linh, một vị thánh nhân hay bậc hiền triết nào đó mà người sắp chết có sự kết nối, ngưỡng mộ, tin tưởng.
Đức Phật A Di Đà
1. Phát nguyện Quy y
Quy y là quay trở về tìm nơi nương tựa nơi những phẩm tính giác ngộ thể hiện nơi Kim Cương Thượng sư, Tam Bảo bên ngoài, bên trong và bí mật hay tự tính tâm chân thật vốn có nơi mỗi người. Nếu biết nương tựa, sống với tâm giác ngộ chân thật, chúng ta sẽ phát triển được toàn vẹn mọi phẩm tính siêu việt của từ bi, trí tuệ và vô úy dũng lực.
Vì lý do đó, người hộ niệm cần nhắc nhở người sắp chết phát nguyện Quy y Tam Bảo, quy y Kim cương Thượng sư, thụ trì giới nguyện căn bản như Ngũ giới, Thập thiện. Đối với những hành giả Kim cương thừa, cần nhắc họ nhớ đến giới nguyện Tam muội da đối với Căn bản Thượng sư. Đây là việc làm hết sức cần thiết bởi nó gợi cho người sắp chết nhớ đến sự kết nối tâm linh thiêng liêng với Bậc Thầy, giúp họ tìm được chốn quy y vững vàng trước sự hiện diện khủng khiếp của Tử thần và trạng thái mịt mù vô định trên những nẻo đường sắp tới.
Cần khai thị cho người sắp chết ý nghĩa của việc Quy y chân thật và những lợi ích mà việc phát nguyện quy y và trì giới đem lại. Trong lúc này, nếu có thể được bậc Thượng sư khai thị sẽ là một thắng duyên hy hữu đối với người lâm chung. Nếu không, cũng sẽ rất lợi lạc nếu thỉnh cầu được chư Tăng Ni thực hiện nghi thức Quy y. Ngoài ra, thiện hữu tri thức, bạn bè người thân cũng có thể hộ niệm bằng cách tập trung đọc to, nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho người sắp chết các khai thị về quy y và với tín tâm chân thành sâu sắc.
Việc người sắp chết chí thành hướng tâm quy y Tam Bảo, quy y Kim cương Thượng sư sẽ giúp họ có được sự nương tựa, giảm bớt đau đớn sợ hãi, đồng thời tạo nên sự kết nối linh thiêng để dễ dàng đón nhận năng lực gia trì, hộ niệm của chư Phật, chư Bồ tát, các bậc Thượng sư giác ngộ giúp họ vượt qua nẻo đường sinh tử một cách bình an, thanh thản. Hãy tụng câu Quy y như sau:
Chúng sinh mẹ khắp hư không biến mãn,
Con xin cùng phát nguyện quy y
Pháp thân thù thắng diệu kỳ,
Kính xin Thầy hãy chứng tri hữu tình.
Chúng sinh mẹ khắp hư không biến mãn,
Con xin cùng phát nguyện quy y
Báo thân viên mãn khôn bì,
Kính xin Thầy hãy chứng tri hữu tình.
Chúng sinh mẹ khắp hư không biến mãn,
Con xin cùng phát nguyện quy y
Hóa thân lân mẫn từ bi,
Kính xin Thầy hãy chứng tri hữu tình.
Chúng sinh mẹ khắp hư không biến mãn,
Con xin cùng phát nguyện quy y
Phật thân tôn quý nan nghì,
Kính xin Thầy hãy chứng tri hữu tình!
2. Phát tâm sám hối
Để tịnh hóa ác nghiệp đã phạm phải trong các đời quá khứ và hiện tại, người bệnh cần được bậcThượng sư, chư Tăng Ni hoặc thiện hữu tri thức khai thị cầu nguyện sám hối mọi lỗi lầm. Nội dung khai thị hướng về quy luật Nghiệp, về lợi ích và sự cần thiết của việc phát tâm chân thành sám hối và tin tưởng chắc chắn rằng mọi lỗi lầm đều có thể được tịnh hóa và tan biến trong bản chất tính không. Hãy hộ niệm cho người bệnh bằng cách trì tụng chân ngôn Trăm âm của Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa:
OM BENDZA SATTO SAMAYA/ MANUPALAYA/
BENDZA SATTO TENOPA TISHTHA/ DRIDHO MEBHAWA/
SUTOKAYO MEBHAWA/SUPOKAYO MEBHAWA/
ANURAKTO MEBHAWA/SARVA SIDDHI MEMPRAYATSHA/
SARVA KARMA SUTSAME TSITTAM SHRIYAM/KURU HUNG
HA HA HA HA HO BHAGAWAN/SARVA TATHAGATA
BENDZA MAME MUNTSA/
BENDZI BHAWA MAHA SAMAYA SATTO AH/
Đức Phật Kim Cương Tát Đoả
Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa, tiếng Tạng là Dorje Sempa, là một vị Phật chủ về Tịnh hóa, và được coi là vị Phật quyền uy nhất trong tất cả chư Phật, Bồ Tát. Về bản chất sâu xa, Đức Kim Cương Tát Đỏa là hiện thân của một trăm bộ Phật, Ngũ bộ Phật cùng hết thảy Như Lai không phân biệt. Trong quá khứ, khi đang còn tu học, Đức Kim Cương Tát Đỏa từng phát lời thệ nguyện: “Trong tương lai, khi ta chứng đắc Phật quả Toàn hảo, nguyện cho những ai phạm phải ngũ nghịch trọng tội với quả báo nhãn tiền, hoặc bất kỳ ai bị bể giới nguyện Tam muội da, đều được tịnh hóa hoàn toàn mọi hành động tổn hại và sự hủy phạm giới nguyện nếu nghe được tên ta, niệm tưởng đến ta hay nhất tâm trì tụng Chân ngôn Trăm âm, chân ngôn tối thắng uy lực trong hết thảy Mật chú! Chừng nào chưa thành tựu như vậy, ta nguyện còn trong luân hồi sinh tử! Nguyện ta sẽ thị hiện trước tất cả những ai lỡ hủy phạm và bể giới để tịnh hóa cho họ mọi bệnh tật, phiền não, chướng ngại!”.
Việc sám hối trì tụng hoặc nghe trì tụng chân ngôn Trăm âm thù thắng này, kết hợp với quán tưởng bậc Thượng sư an toạ trên đỉnh đầu bất khả phân với Đức Kim Cương Tát Đỏa đang ban dòng cam lồ tịnh hóa mọi ác nghiệp thân khẩu ý lỡ tạo, sẽ giúp người bệnh tội chướng tiêu trừ, có được cái chết an lành không đọa lạc.
3. Phát nguyện xả ly, thực hành “cho và nhận”
Mặt khác, để giúp người sắp chết phát khởi tâm xả ly, gỡ bỏ mọi oán hận và uẩn khúc trong tâm, giảm thiểu bám chấp vào xác thân tứ đại giả tạm đang bị đau bệnh và sắp sửa tan rã này, một phương pháp hộ niệm thiết thực là khai thị cho họ về pháp tu “Cho và nhận” (hay pháp Tonglen theo tiếng Tạng). Theo phương pháp này, họ được khai thị để phát tâm nguyện Bồ đề rộng lớn xin nhận về mình khổ đau và nhân khổ đau của vô số chúng sinh, đồng thời trao tặng cho vô biên chúng sinh toàn bộ những gì mình có như nhà cửa, vợ con, sức khỏe, tiền bạc,... thậm chí đến cả thân thể tính mạng của bản thân. Người sắp chết có thể nương theo lời khai thị để phát nguyện như sau: “Trong quá khứ tôi đã cầu nguyện sẽ nhận về mình khổ đau của cái chết từ các chúng sinh khác. Giờ đây tôi đang chịu đựng cái chết thay cho tất cả những chúng sinh đang chết trong lúc này hay sẽ chết trong tương lai. Tôi mong nguyện gánh chịu mọi khổ đau của cái chết thay cho các chúng sinh, để họ được giải thoát khỏi những khổ đau này và hân hưởng hạnh phúc tối thượng”. Ngay khi phát nguyện như vậy, họ có thể phá bỏ tâm vị kỷ, tham lam bám chấp, là căn bản nguồn gốc của khổ đau và luân hồi.
Hãy khai thị cho người sắp chết rằng điểm thiết yếu của thực tập Tonglen là trong mỗi hơi thở vào, họ cần sẵn lòng đón nhận những đau đớn, khổ đau của mọi chúng sinh. Họ thở vào để có thể thật sự hiểu được những gì Đức Phật dạy khi Ngài tuyên thuyết rằng chân lý thứ nhất của cuộc đời là khổ đau. Với mỗi hơi thở vào, họ cần nhận thức sự thật về khổ đau như một phần điều kiện sinh tồn của con người. Bằng sự khổ đau nơi chính thân tâm mình, thân đau đớn vì bệnh tật già yếu dày vò, tâm đau đớn vì nỗi ám ảnh sợ hãi trước cái chết, người sắp chết có thể quán niệm chi tiết về những đau khổ này, đồng thời thấu hiểu những đau khổ tương tự như vậy đang diễn ra nơi vô số chúng sinh khác và phát nguyện rộng lớn hứng chịu hết thảy khổ đau thay vì chúng sinh. Khi đó, thay vì nỗi sợ hãi cái chết và những đau đớn nơi xác thân, người sắp chết có thể dùng chính trải nghiệm này để chuyển hóa tâm bám chấp vào xác thân và tất cả mọi sở hữu thành tâm từ bi thương xót chúng sinh, tích tập công đức bao la như bầu trời và tịnh hóa ác nghiệp không chỉ của đời này mà cả những đời quá khứ.
Cuối cùng, nếu người sắp chết là hành giả thực hành, hãy nhắc họ hồi tưởng các pháp thực hành họ đã từng tu tập trong đời sống vừa qua và cùng thực hành với họ, đặc biệt những pháp tu mà người chết có tâm nguyện. Làm như vậy sẽ giúp tâm thức của họ có sự kết nối tâm linh mạnh mẽ với bậc Kim cương Thượng sư, với chư Phật, Bồ tát, là cánh cửa đưa họ đến với giải thoát.
- 3460
Viết bình luận