19. Phương pháp thực hành Yoga mộng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

19. Phương pháp thực hành Yoga mộng

Như đã giới thiệu trong kỳ trước, chúng ta cần thực hành cả Bardo sống và Bardo mộng. Thực hành bằng cách trì tụng các câu chân ngôn như Om Mani Padme Hung hay Om Ah Hung Benza Guru Padma Siddhi Hung, hay thực hành pháp tu Guru Yoga, cúng dàng Mandala, Pháp tu mở đầu,... Tất cả những sự tu tập đó giúp bạn giác ngộ được bản chất của như huyễn của vạn pháp. Có điều, bạn cần phải thực hành khi còn sống.
Chỉ cần giác tỉnh một đôi chút về bản chất của ảo ảnh này trong khi thức giấc ban ngày thì vào ban đêm, bạn cũng có thể giác tỉnh được bản chất như huyễn của giấc mơ. Đầu tiên, bạn sẽ nhận thức được rằng mình đang mơ. Sau đó toàn bộ Bardo mộng sẽ được chứng ngộ và trở thành pháp thực hành. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, trước hết bạn phải thực hành rèn luyện thật thuần thục trong lúc thức.

Thực hành Yoga mộng phụ thuộc vào Yoga đời sống

Các bạn hẳn đã từng nghe khái niệm “Yoga mộng”. Thực chất, “Yoga mộng” phụ thuộc rất nhiều vào thực hành Yoga đời sống. Nếu hàng ngày bạn có thể giác tỉnh trong mọi hoạt động thân khẩu ý, tức là thực hành Yoga, thì giấc mơ sẽ trở thành một phương pháp thực hành Yoga. Bằng không, giấc mơ không thể trở thành Yoga được, cho dù bạn có thể thực hành một số pháp tu nào đó trong lúc ngủ. Nhưng tôi cho rằng nỗ lực tập luyện ấy sẽ không hiệu quả nếu bạn không thực hành Yoga đời sống. Đó là kinh nghiệm của tôi. Tôi đã từng trải qua giai đoạn luyện tập Yoga mộng và gặp rất nhiều khó khăn. Sau này tôi mới nhận ra nguyên nhân là do tôi đã không thực hành Yoga đời sống một cách miên mật. Cho nên, mặc dù cố gắng thực hành rất nhiều về Yoga mộng bằng cách áp dụng mọi phương pháp và kỹ thuật thiện xảo của Kim Cương thừa để khiến giấc mơ của tôi trở thành thực hành Yoga, nhưng trong một giai đoạn, điều đó không mang lại kết quả. Và tôi đã nhận ra sai lầm, đó là sai lầm trong thực hành Yoga đời sống.

Nếu bạn có thể phối hợp đồng bộ hoặc cân bằng giữa khi thức và lúc ngủ, điều này vô cùng hữu ích cho con đường thực hành tâm linh của bạn, bởi vì bạn có thể thực hành ngay cả trong giấc mơ. Sự thực hành của bạn không bị giới hạn, ngắt quãng dù ngày hay đêm. Ngay cả lúc ngủ bạn cũng không để lãng phí thời gian và biến giấc ngủ trở thành sự thực hành và giác ngộ. Nhờ thế, bạn có thể thực hành trong từng khoảnh khắc của cuộc sống cả khi thức lẫn khi ngủ. Sự tu tập thực hành của bạn sẽ rất hiệu quả nhờ sự phối hợp này.

Không những vậy, khi đã giác ngộ rồi, bạn sẽ thấy không có gì khác biệt và tách rời giữa những gì xuất hiện trong mơ với những gì diễn ra vào ban ngày. Có vô số những điều mà bạn không muốn xảy ra, những hy vọng, sợ hãi, những khó khăn, chướng ngại về cả thân và tâm. Hãy xem tất cả những điều đó như một giấc mộng. Hãy khoan nói về như huyễn, ảo ảnh, về bản chất của huyễn như vì sự thật này nghe có vẻ quá xa lạ. Thay vào đó, bước đầu hãy tập làm quen với việc xem tất cả những hy vọng sợ hãi, khó khăn trong cuộc sống giống như một giấc mơ. Chẳng hạn, trong cuộc sống nếu bạn gặp phải một bi kịch, một khó khăn rất lớn lao khiến tâm trí bạn rối bời, hoảng loạn, lo lắng như muốn phát điên. Nhưng thực tế sự việc sẽ không thể gây tổn hại cho bạn đến mức tệ hại như bạn tưởng. Vì nhận ra được những gì mình trải qua chẳng khác một giấc mơ, cho nên bạn dễ dàng nhận được sự việc, bớt đau khổ và xử lý vấn đề một cách nhẹ nhàng đơn giản hơn. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên thanh thản và lợi ích. Không những thế, thái độ này giúp bạn rũ bỏ được mọi chướng ngại.

Thực ra, như tôi đã nhiều lần nói ở trên, thực chứng được giấc mơ vô cùng quan trọng và cần thiết. Nó giúp bạn nhận ra rằng mọi chuyện diễn ra hàng ngày trong lúc thức cũng chỉ là một giấc mơ. Đối với cái chết cũng vậy, nó cũng chỉ như một giấc mơ. Như vậy, cái chết, giấc mơ và đời sống đều có thể được hiểu là con đường thực hành. Thực hành hòa nhập bình đẳng ba giai đoạn trung gian này làm một chính là pháp thực hành Bardo.

Trí tuệ hiểu biết về giấc mơ là nguồn cảm hứng sống cuộc đời ý nghĩa

Khi tôi nói chuyện với một vài người bạn về việc này, họ rất thất vọng vì họ cho rằng “Chẳng có gì là chắc thật trong cuộc đời này, những thành tựu chúng ta đạt được trong cuộc đời, những niềm hạnh phúc, tất cả đều không thật, đều chỉ là mộng huyễn. Phải chăng coi mọi chuyện như một giấc mơ là ý nghĩ bi quan?”. Nhưng đối với tôi, tôi hiểu tất cả đều chỉ là giấc mơ, hiểu được như vậy khiến cuộc sống thêm tràn đầy cảm hứng.

Quan niệm về giấc mơ không phải là một suy nghĩ bi quan yếm thế. Nếu bạn biết, bạn có thể tận hưởng giấc mơ. Ngay lúc này, bạn bị sợ hãi và hy vọng phong tỏa, khống chế. Nhưng với giấc mơ, bạn không có cảm xúc đó, không bấu víu, không sợ hãi và mong cầu, bạn trở nên tự do tự tại hơn. Do đó, tôi cho rằng, thật là tuyệt vời khi bạn chiêm ngưỡng từng khoảnh khắc trong cuộc sống, dù ban ngày hay ban đêm, khi thức hay ngủ, khi sống hay chết. Nhất là những khi bạn trải qua những thời khắc quan trọng nhất không chỉ trong cái chết mà ngay tại cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như trong cuộc sống, bạn có những xúc cảm thăng trầm, nhưng nhờ giác tỉnh rằng tất cả chỉ là mộng huyễn, những xúc cảm ấy lại trở thành niềm an bình, hỷ lạc.

Thậm chí, bạn sẽ dễ dàng thực hiện thành công chuyển di tâm thức và lìa bỏ xác thân, nếu bạn luôn tỉnh giác được rằng tất cả đều là như huyễn. Lúc đó bạn sẽ vô cùng an lạc tự tại, không còn bị phiền não nhiễm ô buộc ràng. Bạn hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn mục đích, con đường và định hướng tái sinh cho mình bởi lẽ bạn không sợ hãi mà ngược lại rất thư thái tự tại. Điều này vô cùng cần thiết. Ngược lại, nếu không làm được như vậy bạn sẽ bị gió nghiệp xô đẩy và trải nghiệm những điều hết sức kinh hãi và khủng khiếp trong thân trung ấm.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5756426
Số người trực tuyến: