31. Nghi thức tâm linh giúp vong linh siêu thoát trong 49 ngày
Giai đoạn Bardo trung ấm thường diễn ra trong vòng 49 ngày sau khi một người vừa qua đời. Trong giai đoạn này, họ sẽ phải trải qua vô số trải nghiệm hãi hùng khác nhau và tiếp xúc với rất nhiều Bản tôn. Nhưng do thiếu công phu tu tập thực hành quán tưởng chư Phật để nhận ra chư Phật hay tự tính tâm thanh tịnh của mình, nên mặc dù có rất nhiều chư Phật An bình và Uy mãnh thị hiện để dẫn dắt giải thoát, vì quá sợ hãi, họ lại thường chạy trốn. Hầu hết mọi người cho tới ngày thứ 49 đều tái sinh vào Sáu đạo luân hồi. Vì lý do đó, tiếp tục hộ niệm, thực hành nghi thức tâm linh đúng pháp và miên mật cho người chết trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng.
1. Các nghi thức bên ngoài
Như chúng tôi đã giới thiệu ở các bài đã đăng trước, cần phải hộ niệm cho người chết một cách hết sức cẩn thận bằng cách không làm phiền và đụng chạm đến thân thể họ tốt nhất là trong vòng 3 ngày, để đảm bảo tiến trình tan rã được hoàn tất trong sự an bình nhất.
Sau một ngày rưỡi đến ba ngày, có thể tắm rửa cho người chết bằng nước thơm. Sau khi tắm xong, dùng mật ong bôi vào luân xa tim và dán khăn Mandala gia trì Bách tôn lên luân xa tim. Mật ong là chất liệu đem lại năng lượng tích cực và an bình, nên được dùng để dán Mandala cho người chết có thể đem lại lợi lạc cho họ. Sau đó, đặt các Mandala Ngữ giác ngộ của chư Phật Bản tôn lên tim người chết, rồi đắp lên người quá cố “Y phục Giải thoát”, phủ lên mặt họ khăn chúc phúc, cho ngậm thuốc và đeo dây gia trì.
Đức Bản tôn Kim Cương Tát Đỏa
Sau khoảng thời gian hộ niệm nhất định, cần thỉnh mời chư Tăng, Ni làm lễ quy y, cúng cơm vong và làm lễ Nhập liệm cho người chết. Trước hết cần làm lễ sái tịnh, gia trì áo quan bằng cách trì chân ngôn Trăm âm, chân ngôn tịnh hóa chướng ngại, chân ngôn tính không hoặc Đại bi Thập chú, rồi tụng bài “Tán Dương Chi”, trong lúc đó sái tịnh áo quan bằng cách rải cát Mandala, đất thánh địa, nước gia trì, các đồ hương liệu như mô tả ở phần trên, hoặc nếu không có các hương liệu này thì ướp hoa nhài, chè buồm,... để chống chảy nước và khử mùi hôi.
Tiếp theo là lễ Thành phục, gia chủ nhận khăn tang từ chư Tăng Ni và xin bố thí các khóa lễ Thí thân pháp Ba La Mật, Thí thực, Phóng sinh,... việc chôn cất hay thiêu tùy theo tâm nguyện của người chết. Thông thường có bốn hình thức mai táng là Địa táng (chôn vào đất), Thủy táng (thả trôi sông biển), Hỏa táng (thiêu xác), Thiên táng (hay Điểu táng, hình thức để an táng để lộ thiên cho thân xác tự tiêu hủy). Theo truyền thống Việt Nam chỉ có Địa táng và Hỏa táng. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ Hỏa táng khi đã hoàn thành chuyển di tâm thức ra khỏi thân xác. Nếu không, thần thức chịu sự thống khổ dẫn đến đọa lạc.
Đức Bản tôn A Di Đà
Nếu chôn cất cần làm thêm một số thủ tục như tụng Chú Đại Bi và chân ngôn Một Trăm âm, rải cát và nước gia trì xuống đáy áo quan, nên viết ba chữ chủng tử: OM AH HUNG trên nắp phía trong quan tài, tụng các chân ngôn và gia trì vào huyệt theo cách tác pháp như gia trì áo quan ở trên, thỉnh ảnh của Đức Phật A Di Đà ra mộ, đến nghĩa trang nếu đủ duyên tụng thêm Mông Sơn Thí Thực (đốt các thực phẩm) hoặc pháp cúng dàng Hỏa tịnh sẽ rất lợi lạc cho vong linh mới mất và các vong linh chưa siêu thoát đang vất vưởng ở khắp nghĩa trang.
Sau khi chôn cất xong, gia quyến cũng nên thỉnh cầu các bậc Thầy cử hành khóa cầu siêu quán đỉnh Jangwa, thực hành các nghi quỹ hộ niệm Thí thân Pháp Ba la mật, Di Đà, Cho và Nhận Tonglen, Phổ Ba Kim Cương (với những trường hợp chết bất đắc kỳ tử và tự sát) cùng các pháp tu, thực hành thiện hạnh và cầu nguyện hồi hướng cho người chết cho tới khi kết thúc giai đoạn thân Trung ấm. Hoặc nhờ chư Tăng Ni chùa gần nơi mình ở làm lễ quy y vong hay còn gọi là đưa vong lên chùa, càng sớm càng tốt trong vòng 49 ngày.
2. Thực hành tâm linh
Trong khi bên ngoài gia quyến tiến hành sắp xếp các nghi lễ, tang sự thì những người hộ niệm vẫn cần ở bên người chết và miên mật trách nhiệm của mình.
Trong suốt 49 ngày, nên tiếp tục tụng đọc những giáo pháp khai thị cho người chết như giáo pháp về Bardo, “Tử Thư Tây Tạng”, bài Kệ khai thị Bardo, những phần cúng dàng đèn và trì chân ngôn niệm Phật. Những khai thị trong giai đoạn trung ấm giống như tấm bản đồ hướng dẫn thần thức hướng đi đúng đắn sau khi rời xác thân vật lý và đang trôi dạt một cách vô định sợ hãi trong giai đoạn trung gian. Tất cả đều giúp cho thần thức người chết không bám chấp vào xác thân đã mất và những sở hữu khác của đời sống vừa qua như người thân, tài sản, danh vọng. Đồng thời, thần thức có thể nhận ra bản chất của mọi cảnh giới trong Bardo chết và tái sinh đều do tâm tạo, từ đó có thể giảm bớt hoang mang, sợ hãi mà sáng suốt tránh xa các cạm bẫy của đọa lạc, và thực hành quy y cầu nguyện vãng sinh Tịnh độ.
Khai thị về Bardo
Gia đình người chết nên thỉnh cầu Thượng sư, chư Tăng Ni hoặc đạo hữu Kim cương thực hiện khai thị cho thần thức người chết. Ngài có thể thực hành nghi lễ cầu siêu quán đỉnh Jangwa, pháp chuyển di tâm thức Phowa, hay những pháp thực hành đặc biệt khác như Thí thân pháp Ba la mật, cúng dàng Ganachakra, cúng dàng Hỏa tịnh, nhưng không chỉ giới hạn sự cúng dàng tới hương linh cụ thể mà hồi hướng cúng dàng tới toàn thể pháp giới vũ trụ và hồi hướng trọn vẹn công đức. Nếu đạo hữu Kim cương hay người đọc khai thị có quan hệ gần gũi với người chết, có cùng một Bậc Thầy, cùng giới nguyện và sống hòa hợp với người chết thì lợi ích sẽ rất lớn. Ngược lại, nếu người chết cảm thấy khó chịu với người đọc thì những khai thị này sẽ không có tác dụng.
Ngoài ra, có thể thực hiện kết hợp đồng thời nhiều phương pháp để lợi ích cho vong linh người chết, chẳng hạn như: Treo Mandala Bách tôn Trung ấm hoặc tranh Thangka hộ trì của Đức Văn Thù trong nhà. Chúng ta nên lưu ý, những vật này cần được sự gia trì của Kim cương Thượng sư trước khi treo thì mới có lợi ích.
Cúng cơm cho vong linh
Hàng ngày cúng cơm cho vong linh ít nhất một lần vào buổi trưa, tốt nhất là cúng cơm chay. Thần thức người đã chết không ăn uống như người thường mà ăn bằng hương thơm. Vì vậy, trong khóa lễ cúng cơm vong, nên chuẩn bị một bát bột gồm có các loại bột ngũ cốc, bánh các loại, bơ, sữa, bột hương, quế, hồi, đinh hương, thảo quả,… Khi đọc bài cúng cơm đến phần “Biến thực chân ngôn” thì đem bát bột này cùng với một số thức ăn trên mâm cúng ra ngoài đốt nhưng không đốt lên lửa mà chỉ đốt bằng than để tạo ra khói thơm. Thần thức người chết sẽ thụ hưởng khói thơm này mà được no đủ.
Trì tụng chân ngôn Bản tôn
Thực hành trì tụng miên mật chân ngôn của các Bản tôn như Đức Phật A Di Đà, Đức Quan Thế Âm, Đức Liên Hoa Sinh, Phật Kim Cương Tát đỏa. Người thân gia đình có thể phát nguyện trì tụng một hoặc nhiều Tạng chân ngôn của vị Phật Bản tôn. Tụng thêm các bài Cầu Vãng sinh Tịnh độ để hồi hướng cho hương linh vào cuối mỗi thời khóa.
Thực hành cúng dàng đèn
Cúng dàng đèn tức là cúng dàng ánh sáng, phẩm vật cúng dàng này tiêu biểu cho trí tuệ. Pháp môn này nếu được thực hành với tâm thanh tịnh vì lợi ích của chúng sinh, là một phương tiện thiện xảo để xua tan màn vô minh. Chúng ta đặc biệt cúng dàng đèn với mục đích đem công đức hồi hướng cho người chết, để dẫn dắt họ đi trong Bardo với ánh sáng của trí tuệ. Ánh sáng này sẽ soi đường cho toàn thể chúng sinh trong sáu cõi, đặc biệt các chúng sinh đang trôi lăn trong thân trung ấm, giúp tịnh hóa mọi ám chướng, phiền não, đánh thức tuệ giác chân thật nơi mỗi người! Trong suốt giai đoạn Thân trung ấm, mỗi tuần cho đến hết bảy tuần, người chết chắc chắn sẽ phải trải qua sự hồi tưởng, phóng chiếu về cái chết của mình bị lặp lại, giống như người đó chết thêm nhiều lần nữa.
Đối với một người phạm phải ác trọng nghiệp là tự kết liễu sinh mạng của chính mình thì trải nghiệm chết lại này càng khủng khiếp gấp bội, chính vì vậy sự hộ niệm lại càng vô cùng cần thiết. Vì vậy, hàng tuần, gia đình, pháp hữu cần thực hành cúng Đại đàn Thí Thực và phóng sinh càng nhiều càng tốt và hồi hướng công đức này tới người chết. Bởi vậy, nếu có điều kiện thì mỗi tuần thất gia đình người chết nên tới các chùa cúng dàng trai Tăng, cùng với quý Thầy tụng các bộ kinh Lương Hoàng Sám, Địa Tạng, Thủy Sám,… điều này càng lợi lạc cho vong linh và cửu huyền thất tổ đã khuất.
3. Những điều thân nhân cần lưu ý
Như đã giải thích, khoảng thời gian trong thân trung ấm là thời điểm vong linh rất hoang mang sợ hãi và luôn trông mong sự hỗ trợ tinh thần từ những người thân của mình. Kinh điển dạy rằng, trong trạng thái trung gian của cái chết, khi không còn sự ngăn ngại của xác thân tứ đại, thần thức trở nên vô cùng tinh nhạy, có thể “thông minh hơn chín lần” khi họ còn sống. Thần thức có rất nhiều năng lực thần thông như có thể đọc được tâm của người khác, có thể biết được tình cảm gia đình quyến thuộc thực sự dành cho họ lúc này ra sao. Vì thần thức quá linh thông, họ càng đau khổ hơn khi biết rằng những người thân không thực sự quan tâm đến cảnh khổ của họ.
Vì vậy, nếu người thân thực hành tu tập, làm các thiện hạnh và hồi hướng mọi công đức cho vong linh cũng như chúng sinh khắp mười phương pháp giới, vong linh sẽ cảm thấy an tâm vì có nơi che chở nương tựa. Ngược lại vong linh sẽ vô cùng đau khổ và tức giận nếu thân nhân của họ không tạo phúc lành, mà còn sát sinh hại vật, tạo tác ác nghiệp, hay mải lo chuyện tranh giành tài sản, anh em bất hòa… Điều này khiến họ tuyệt vọng và có thể đọa ngay xuống địa ngục chịu khổ hành hình, hoặc làm quỷ đói ngàn năm không thể siêu thoát.
Trong thời gian 49 ngày này, thân nhân người chết nên cố gắng ăn chay, niệm Phật, phóng sinh, tụng kinh cầu nguyện và làm các công đức thiện hạnh bố thí, cúng dàng đèn, giữ trai giới thanh tịnh, tránh tạo ác nghiệp, hồi hướng mọi công đức cho vong linh cũng như chúng sinh khắp mười phương pháp giới. Gia đình tuyệt đối không sát sinh vì đó là hành động tội lỗi nhất gây thêm ác nghiệp cho người chết và khiến người đó nhanh chóng bị đọa lạc. Xã hội thường có phong tục làm cơm cúng cho người chết, làm cỗ cho khách tới viếng đám ma hoặc làm cỗ giỗ. Trong những dịp này, việc sát sinh được thực hiện hàng loạt, dù trực tiếp hay gián tiếp. Như vậy sẽ là một nghiệp duyên vô cùng bất lợi với người chết. Cách tốt nhất là thay thế bằng những món ăn chay, cỗ chay để tránh đoạt mạng chúng sinh.
Là Phật tử, chúng ta cũng nên có chính kiến, không nên mời thầy cúng thực hành nghi lễ không đúng pháp vì đó là việc làm tà kiến, chẳng những không đem lại lợi ích cho người chết mà thậm chí còn khiến họ không thể siêu thoát hoặc bị đọa xuống các cõi thấp.
Những người thân cũng nên lưu ý cư xử hết sức thận trọng trong 49 ngày này vì lợi ích của người đã mất. Trong giai đoạn này, vong linh người mới mất thường quanh quẩn ở nhà hoặc bên người thân và những nơi mà họ hay lui tới khi còn sống. Họ có thể chứng kiến tất cả những gì người sống đang làm cũng như thấu hiểu những gì người sống đang nghĩ. Chẳng hạn, nếu người vợ đi với một người đàn ông khác hay người chồng đi với một cô gái khác, những xử sự như thế sẽ làm linh hồn người chết rất đau đớn, đặc biệt nếu đây là vấn đề mà họ đã lo nghĩ ám ảnh suốt cả cuộc đời. Tập khí này rất mạnh, vì thế họ sẽ cảm thấy vô cùng khổ sở. Bởi vậy, nếu bạn có tình cảm với ai đó khác trước khi người thân của bạn mất thì bạn cũng nên tạm thời gạt bỏ mối quan hệ ấy trong vòng ít nhất 49 ngày.
Chúng ta cũng nên xử sự tương tự đối với các vấn đề về tài sản và những việc khác. Chẳng hạn, chúng ta không nên quá tham lam và vội vàng kiểm tra tài khoản ngân hàng, lấy đi mọi thứ như giấy tờ, di chúc, hay nói và nghĩ đến nó, hay chia nhau của cải, tài bảo của người chết,… Việc hành xử thận trọng và đúng đắn trong những vấn đề này cũng là cách hộ niệm cần thiết và quan trọng đối với người chết trong giai đoạn 49 ngày. Ngoài ra, nếu người mất lúc sinh thời là Phật tử có tâm xả ly hoặc trước khi chết có mong nguyện thì có thể đem tài bảo, vật dụng, tiền mọi người phúng viếng đám tang người đó để cúng dàng Tam Bảo, bố thí người nghèo khó, kẻ bất hạnh để tích lũy thêm công đức cho người chết.
Cũng nên lưu ý rằng thực hành hộ niệm sớm trong giai đoạn đầu của thân trung ấm, trước khi thần thức luân chuyển sang giai đoạn quá xa của tiến trình tái sinh là tối ưu, bởi nếu sau một thời gian nhất định, thường là sau 21 ngày, người chết sẽ có khuynh hướng quên đi mọi chuyện trong đời quá khứ và bắt đầu bị những xu hướng nghiệp đẩy tới trạng thái tái sinh kế tiếp. Khi ấy, những nỗ lực thực hành hộ niệm của bạn sẽ không còn nhiều tác dụng. Trong giai đoạn đầu của Bardo trung ấm thân, mặc dù đang ở trong trạng thái vô cùng hoang mang bối rối, nhưng thần thức người chết vẫn đang còn nhiều ký ức và những mối liên hệ của kiếp sống vừa qua, nên vẫn có thể đón nhận được “tín hiệu” từ phía chúng ta. Bởi vậy sự thực hành khai thị hộ niệm cho họ lúc này có tác dụng nhất định.
Chú thích:
* Hỏa tịnh là đại cúng dàng qua phương pháp đốt thực phẩm vì người quá cố chỉ có thể hưởng thụ thức ăn qua hương vị. Đây là pháp tu vô cùng thù thắng của Kim cương thừa, giúp tịnh hóa vô số chướng ngại với cả người sống và người quá cố.
* Một Tạng chân ngôn tương đương 120.000 câu chân ngôn của vị Phật Bản tôn. Tùy vào thời gian và độ tập trung, người thân có thể phát nguyện trì một Tạng hoặc nhiều Tạng chân ngôn của một vị Phật hay nhiều vị Phật Bản tôn. Khi tụng nên thực hành theo Nghi quỹ, dù là nghi quỹ tu trì giản lược. Tham khảo thêm trang 371 và cuốn Mật pháp Nghi quỹ thực hành thường nhật Truyền thừa Drukpa.
* Thông thường khi cúng dàng đèn chúng ta cúng 25 ngọn nến hoặc 108 ngọn nến bơ, hoặc cúng càng nhiều đèn càng tốt. Chúng ta cũng có thể thỉnh cầu chư Tăng ni, các bậc Xuất gia thanh tịnh cúng dàng đèn để hồi hướng cho hương linh người đã khuất. Chi tiết về ý nghĩa lợi ích và thực hành pháp tu này, xem Phần cúng dàng đèn trang 348.
* Tuần thất có nghĩa là trong chu kỳ 49 ngày, cứ vào đúng 7 ngày sau ngày chết chúng ta gọi là một tuần thất. Quan kiến Phật giáo cho rằng cứ hết mỗi 7 ngày này là thần thức lại trải nghiệm lại cái chết. Chính vì thế, gia đình người thân rất cần tu tập tạo phúc, thực hành thiện hạnh vào những dịp này. Số 7 này cũng là con sô tâm linh, tương ứng với tổng số của không gian (bốn phương chính) và thời gian (ba chiều quá khứ - hiện tại - vị lai).
- 90205
Viết bình luận