1. Dẫn nhập
Dẫn nhập
Như lầu sò chợ bể
Nếu nhìn đời như thế
Thần chết có hề chi!
Tất cả chúng ta đều biết rằng chết là một điều chắc chắn. Chỉ có điều, không ai biết chắc chắn khi nào mình sẽ chết. Ngày mai hay đời sau, chúng ta không thể biết điều gì sẽ đến trước.
Với nhiều người, chết là phạm trù kiêng kỵ. Chỉ dự cảm về cái chết thôi đã mang lại rất nhiều lo lắng, bế tắc, nên họ không muốn nghĩ đến điều này. Thực tế là cái chết đã rình rập ngay từ khi chúng ta sinh ra và ta không có cách nào thoát khỏi nó. Hãy suy ngẫm về sự bất định, không vững chắc của đời sống, điều gì diễn ra khi ngày mai đã là ngày cuối cùng của cuộc đời? Khi chỉ còn chút thời gian ngắn ngủi để sống, liệu chúng ta có đủ tự tin và kỹ năng để đối diện với Tử thần? Mỗi chúng ta có thể còn vài chục năm, vài năm, vài ngày hoặc có thể ngắn hơn nữa rất nhiều để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng và gay cấn số một của cuộc đời – thời khắc đối diện Cái chết.
Ngược lại với phần đông nhân loại và xã hội hiện đại vẫn coi cái chết như một phạm trù nhạy cảm và bí ẩn, quan kiến của Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Kim Cương thừa nhìn nhận cái chết là một tiến trình tự nhiên của luân hồi và, đặc biệt hơn cả, là cơ hội vĩ đại, hy hữu của giải thoát và giác ngộ. Điều duy nhất đòi hỏi ở mỗi chúng ta là hãy ý thức và thấu hiểu về cái chết, hãy chuẩn bị chu đáo cho hành trình tất yếu này của đời người. Làm như vậy, chúng ta cũng sẽ biết tri ân cuộc sống hiện tại, và tận dụng từng ngày, từng giờ ta đang sống một cách ý nghĩa và lợi ích nhất cho bản thân và mọi người.
Theo Phật giáo Kim Cương thừa, Bardo – trạng thái trung gian – là một phạm trù bao quát toàn bộ tiến trình sống chết. Cuộc đời được hợp thành từ vô số trạng thái trung gian Bardo và có thể được chia làm bốn giai đoạn căn bản: giai đoạn sống, giai đoạn thực tại, giai đoạn chết và giai đoạn tái sinh. Giai đoạn sống được hiểu là trạng thái trung gian giữa lúc sinh ra và chết đi. Giai đoạn thực tại là trạng thái trung gian ở giữa hai ý niệm hiện khởi nhị nguyên. Giai đoạn chết là trạng thái trung gian từ lúc bắt đầu tiến trình chết cho đến khi chết thật sự. Và giai đoạn tái sinh là trạng thái trung gian từ lúc chết thật sự cho đến khi sang một kiếp sống mới. Các tiến trình Bardo cơ bản được giới thiệu và phân tích sẽ bao gồm Bardo đời sống, Bardo cận tử, Bardo Pháp tính và Bardo tái sinh. Do nghiệp lực, chúng sinh bị xoay vần trôi lăn không ngừng trong những trạng thái Bardo này từ vô thủy kiếp không lối thoát.
Giáo lý Bardo dựa trên hệ thống giáo pháp nền tảng của Phật giáo và Kim Cương thừa, vì vậy, để hiểu về những khai thị Bardo, chúng ta cần có hiểu biết nền tảng về thế giới mình đang sống với cốt tủy là vạn pháp duy tâm tạo, hiểu về các yếu tố cấu thành và cơ chế vận hành toàn bộ đời sống thông qua Luật nghiệp (hay luật nhân quả), sự tồn tại và vận hành của vũ trụ bên ngoài, từ cảnh giới của chư Phật cho đến Lục đạo luân hồi, và tương ứng là vũ trụ bên trong thể hiện qua Tổ hợp Thân Tâm (Ngũ đại, các uẩn, phiền não, màu sắc và trí tuệ) nơi mỗi người. Trên tất cả là đích đến tối hậu mà mỗi người cần hướng đến, đó là giải thoát giác ngộ, tức sự hoàn thiện tột cùng hay sự hợp nhất bất khả phân của Từ bi và Trí tuệ.
Những giáo pháp và luận giải được giới thiệu sẽ giúp chúng ta thấy Phật giáo không chỉ là một tôn giáo hay hệ thống tâm linh, tín ngưỡng siêu hình, mà thực sự là một khoa học sâu sắc và toàn diện về các yếu tố tạo thành sự sống và vận hành ở cả hai góc độ thô (bên ngoài) và vi tế (bên trong và bí mật) nơi thân tâm mỗi người.
Với ý nghĩa này, giáo pháp Bardo sẽ giúp chúng ta vén tấm màn bí mật hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm của loài người bằng cách mang đến cho bạn đọc miêu tả chi tiết lộ trình cái chết, điều mà không một ai, kể cả khoa học tối tân ngày nay, có khả năng làm được. Hơn nữa, giáo pháp Bardo còn cung cấp một bản đồ giải thoát, chỉ ra cho bạn một cách tỉ mỉ, cặn kẽ và thấu đáo từng cơ hội vĩnh ly sinh tử trên tiến trình sống - chết – tái sinh.
Không chỉ như vậy, bạn còn được giới thiệu những phương pháp để tiếp cận tối ưu với cái chết, thể hiện thông qua thực hành hộ niệm cho bản thân và mọi người lúc lâm chung, trong giai đoạn 49 ngày sau khi chết. “Hộ” tức là bảo hộ, trợ giúp, “niệm” là tinh thần, tư tưởng. “Hộ niệm” nghĩa là tìm cách bảo vệ, hộ trì, nâng đỡ tinh thần người chết. Trên thực tế, thời điểm chết, tương tự như thời điểm chào đời, là mốc thời gian vô cùng quan trọng rất cần sự trợ giúp. Thời điểm mở đầu và chấm dứt một cuộc đời đều rất mong manh dễ bị xâm hại nhưng cũng mang theo những cơ hội tuyệt vời. Bởi chúng ta đến với cuộc đời và trở về với tự tính tâm, cái Chết tự thân nó mang theo thông điệp giải thoát vĩ đại.
Xin bạn đặc biệt ghi nhớ rằng sự chuẩn bị cho cái chết hay việc hộ niệm người chết không chỉ nằm ở những nghi thức bên ngoài mà quan trọng hơn đó là việc đạt được hiểu biết đúng đắn cũng như thành thục các pháp tu tập thực hành khi đang còn sống. Người nào biết sống một cách tỉnh thức thì sẽ chết an bình! Chỉ khi trang bị được đầy đủ những tư lương đó, chúng ta mới có được tâm thái an định tĩnh tại để sẵn sàng đối mặt với cái chết, dù đó là cái chết của chính mình hay người thân yêu. Chỉ khi đó, sự hộ niệm mới thực sự hiệu quả, viên mãn công đức và đem lại lợi ích giải thoát.
Sau “hộ niệm”, chúng tôi xin giới thiệu các tinh túy giáo pháp Kim Cương thừa như pháp thực hành thù thắng Phowa – giúp siêu việt sinh tử ngay trong đời này, pháp thực hành quán đỉnh cầu siêu Changwa, những mật pháp tu trì và cầu nguyện vô cùng thiện xảo khác mà chúng ta có thể thực hành ngay trong đời sống để định hướng tới một cái chết bình an, giải thoát cũng như trợ giúp chúng ta và người thân lúc cận kề và trải nghiệm Cái chết.
Với mục đích chia sẻ cùng quý độc giả và quý Phật tử gần xa tinh túy giáo pháp vô cùng quý giá và thiết thực về khoa học sinh tử - giúp giải mã bí ấn của cái chết và một cẩm nang giúp bạn chuẩn bị hành trang chu đáo nhất cho mình và người thân trước vấn đề sống chết, được Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời khai thị trong 2 cuốn “Bardo – bí mật nghệ thuật sinh tử” và “Bardo – hành trình liễu sinh thoát tử, hộ niệm người lâm chung”, chúng tôi xin được tổng hợp, biên tập và trích đăng 2 ấn bản này, với những nội dung khái quát như sau:
1. Khái niệm Bardo:
a. Định nghĩa sống chết
b. Một số suy ngẫm về cái chết
c. Giới thiệu về Bardo Thodol – giải thoát thông qua tính nghe trong trạng thái trung gian
d. Bardo là gì
e. Phân loại Bardo
i. Tam thân Phật và ba trạng thái Bardo tương ứng
ii. Đời sống luân hồi và bốn loại Bardo
2. Bardo liên hệ với những giáo pháp nền tảng
a. Luật Nghiệp
b. Tái sinh và luân hồi
c. Tâm tương đối và tuyệt đối
i. Bát thức tâm vương
ii. Ngũ Phật, ngũ đại, các uẩn, phiền não và màu sắc tương ứng
iii. Vạn pháp duy tâm tạo
iv.Tổ hợp thân tâm
v. Tự tính tâm
d. Tam thân Phật
e. Sự hợp nhất của Từ bi và Trí tuệ
3. Tiến trình Bardo từ khi chết tới tái sinh
a. Bardo cận tử
i. Tiến trình tan rã bên ngoài
ii. Tiến trình tan rã bên trong
iii. Một người “chết” có thể sống lại
iv. Tiến trình tan rã bí mật
b. Bardo Pháp tính
i. Không đại hòa tan vào Pháp tính diệu minh thường trụ
ii. Sự hợp nhất của Ánh sáng con và Ánh sáng mẹ
iii.Sự xuất hiện của một trăm Bản tôn An bình và Uy mãnh, âm thanh, ánh sáng, màu sắc Pháp tính
iv. An trụ giải thoát trong Bardo Pháp tính
c. Bardo tái sinh
i. Thần thức thoát khỏi thân xác qua cửu khướu
ii. Thân thần thức trong cảnh trung ấm
iii. Thần thức chưa nhận ra mình đã chết
iv. Những khả năng, đặc điểm, chướng ngại của Thân trung ấm
v. Thần thức đau khổ tột cùng vì nhận ra mình đã chết
vi. Cơ hội thực chứng Bardo Báo thân
Vii. Bốn loại âm thanh ghê rợn mà thần thức phải trải nghiệm
viii. Sự xuất hiện của một trăm Bản tôn An bình và Uy mãnh
ix. Sự phóng chiếu của tam độc thành những vực thẳm
x. Đóng cửa tái sinh vào các cảnh giới đọa lạc, cầu nguyện tái sinh vào các cõi Tịnh Độ
xi. Chọn cửa tái sinh vào Cõi người
xii. Tầm quan trọng của chọn đúng bố mẹ và hoàn cảnh tái sinh
d. Bardo đời sống
i. Bardo đời sống
Ii. Bardo mộng
Iii. Bardo thiền định
4. Tấm gương viên tịch của các hành giả giác ngộ
5. Những vong hồn không siêu thoát
6. Hộ niệm – Trợ giúp bản thân và người khác trước ngưỡng cửa tử sinh
a. Hộ niệm là gì
b. Sự cần thiết của hộ niệm
c. Những điều cần biết khi hộ niệm
d. Hộ niệm như thế nào trong từng giai đoạn của tiến trình chết
e. Hỏi đáp liên quan tới hộ niệm
7. Đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh độ Tây phương
8. Pháp chuyển di tâm thức Phowa
a. Phowa – một pháp tu thù thắng siêu việt
b. Động cơ và lợi ích thực hành Phowa
c. Phân loại Phowa
d. Thời điểm thực hành Phowa
e. Điều kiện thực hành Phowa (một số yêu cầu của pháp tu Phowa)
9. Nghi lễ quán đỉnh cầu siêu Changwa
a. Ý nghĩa và lợi ích
b. Nội dung và trình tự thực hành
10. Kệ cầu nguyện Bardo và các Nghi quỹ liên quan
a. Kệ cầu nguyện Bardo
b. Cầu nguyện vãng sinh Tịnh độ
c. Một số bài cầu nguyện dành cho người đang hấp hối và người chết
d. Trì tụng chân ngôn, danh hiệu Phật cho người đang hấp hối và người chết
e. Một số phương pháp thiện xảo hỗ trợ cho người chết
f. Pháp thực hành chuyển di tâm thức
g. Mật pháp tu trì Bản tôn Phật A Di Đà
h. Mật pháp tu trì Bản tôn Phật Quan Âm
i. Mật pháp tu trì Bản tôn Phật Vô Lượng Thọ
11. Thực hành Bardo chính là thực hành sinh tử và giải thoát sinh tử
- 5713
Viết bình luận