35. Với bài thực hành này, chắc chắn bạn sẽ không sợ hãi trong giai đoạn thân trung ấm
Theo quan kiến đạo Phật, lúc chết, con người ai cũng sẽ trải qua hai nỗi sợ hãi lớn nhất: một là, nỗi sợ bị mất đi tất cả mọi thứ và hai là, nỗi sợ vì mất phương hướng. Nỗi sợ bị mất đi tất cả mọi thứ do tâm bám chấp mạnh mẽ và nỗi sợ vì mất phương hướng do không biết mình sẽ đi tiếp về đâu.
Vào thời điểm cái chết đến, bạn không chỉ phải bỏ lại những gì thuộc sở hữu của mình mà ngay chính bản thân, chính cái thân mà bạn yêu quý bao nhiêu năm kể từ khi sinh ra đời, bạn cũng phải bỏ lại. Bạn hãy thử tưởng tượng xem chúng ta phải trải nghiệm nỗi khổ đau và sợ hãi tột cùng như thế nào khi lâm chung. Bạn sẽ phải chịu đựng rất nhiều khổ đau do sự phóng chiếu của sân giận, dục vọng và tất cả các xúc tình tiêu cực khác.
Trong thân trung ấm, bạn không có sự trợ giúp nào nhưng lại rất cần được giúp đỡ. Bạn cố tập trung tìm lối thoát ra khỏi trạng thái trung ấm, đặc biệt là để tìm một thân xác nào đó để nương tựa. Loại thân nào không quan trọng nhưng bạn rất khao khát có được thân bởi vì lúc này bạn vô cùng cô đơn và tuyệt vọng. Vì vậy bạn tìm kiếm thân hay cái gì đó có hình tướng. Ở cuối phần sau của giai đoạn này, bạn thậm chí không thể nhìn thấy bất cứ hình tướng nào, bạn thấy mình lạc lối, và bạn sẽ tìm kiếm một thân xác bằng mọi cách. Bạn bị thôi thúc bởi ước muốn mãnh liệt muốn đi tới nơi nào khác để vượt thoát khỏi trạng thái thân trung ấm đáng sợ đang dày vò, câu thúc bạn lúc này. Bạn thực sự khát khao mong cầu có được một đời sống mới, vì vậy, khi nhìn thấy bất cứ điều gì lôi cuốn, mời gọi, lập tức bạn sẽ lao đến không chút đắn đo, cân nhắc, bạn sẽ bị cuốn hút vào trong đó, bất chấp mọi hậu quả sau này mình sẽ phải trả giá.
Sau đây là 3 bài thực hành hàng ngày giúp bạn chuẩn bị hành trang để vượt qua những nỗi sợ hãi trong giai đoạn thân trung ấm:
1. Trưởng dưỡng hiểu biết về nhân quả và luân hồi
Ở một góc độ nào đó, có thể chúng ta cảm nhận rằng đời sống này rất dài. Nhưng nếu nhìn rộng ra đến vô số kiếp vị lai, kiếp sống này quả thật vô cùng ngắn ngủi. Khi chết, chỉ có những ác nghiệp và thiện nghiệp là người bạn đồng hành với chúng ta. Nghiệp sẽ quyết định đời sống kế tiếp của mỗi người. Bởi vậy, khi thực hành Phật pháp, bạn cần luôn nhớ đến các đời sống kế tiếp. Khi chỉ còn nắm tro tàn chôn xuống đất, tất cả chúng ta đều như nhau, dù già hay trẻ. Bất luận tuổi tác, chúng ta thường lãng quên bản chất vô thường của cuộc sống và điều tất yếu không thể tránh khỏi của cái chết. Đời sống này rất quan trọng và các kiếp vị lai cũng quan trọng không kém.
Nếu bạn không tin vào tái sinh luân hồi, có thể bạn nghĩ rằng chết là hết. Nhưng nếu bạn tin có kiếp sau và ngay trong đời sống này, bạn không chuẩn bị hành trang cho cái chết, thì khi nó ập đến, những gì xảy ra với bạn sẽ vô cùng khủng khiếp. Một bậc Thầy giác ngộ từng dạy rằng dù có hay không có gì xảy ra sau khi chết, tốt nhất nên chuẩn bị sẵn sàng. Nếu có điều gì đó xảy ra, bạn đã có sự chuẩn bị. Và nếu không có gì xảy ra thì cũng không sao. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể đối trị với nỗi sợ hãi mình sẽ đi tiếp về đâu, hay nỗi sợ hãi về một hành trình vô định sau cái chết? Đây là lúc mà chúng ta cần hiểu rõ và thực hành pháp tu của Đức Phật A Di Đà.
2. Thực hành quán tưởng chư Phật và pháp tu A Di Đà
Thông thường, thần thức sẽ theo nghiệp mà đi tái sinh vào đời sống tiếp theo trong vòng 49 ngày. Ngoại trừ một số trường hợp, hương linh bị mắc kẹt trong trạng thái thân trung ấm này rất lâu. Trong vòng 49 ngày, sẽ có sự xuất hiện của một trăm đức Phật Bản tôn gồm bốn mươi hai vị Phật Bản tôn An bình và năm mươi tám vị Phật Bản tôn Uy mãnh. Các Ngài thị hiện để khai thị và ban gia trì cho chúng ta, nhưng hầu hết chúng sinh đều sợ hãi không nhận ra các Ngài mà trốn chạy.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì, lúc này, khi còn sống, chúng ta vẫn tưởng tưởng Phật chỉ là một pho tượng bất động và hàng ngày chúng ta cầu nguyện lên pho tượng bất động đó. Hơn nữa, dù ta có tâm chí thành thì tâm chí thành đó vẫn bị làm cho nhiễm ô bởi những nghi hoặc vọng tưởng của chúng ta. Chúng ta không có đức tin kiên cố rằng Đức Phật A Di Đà là có thật. Niềm tin của chúng ta bị sự nghi ngờ làm vẩn đục khiến hình ảnh quán tưởng thường không sống động, rõ nét mà mờ nhạt và tĩnh lặng như một bức tranh hay một tôn tượng bằng bê tông. Chúng ta cần tin tưởng kiên cố rằng mỗi khi cầu nguyện lên Đức Phật A Di Đà, Ngài lập tức sẽ giáng lâm để ban gia trì cho chúng ta. Đức Phật A Di Đà hiện vẫn đang thuyết pháp ở cõi Tịnh độ Cực Lạc (Dewachen, tiếng Phạn là Sukhavati). Vì thiếu lòng chí thành nên khi chư Phật xuất hiện trong giai đoạn thân trung ấm, chúng ta lại hoảng hốt, khiếp sợ và bỏ chạy. Chính vì vậy, khi còn sống, chúng ta cần nỗ lực thực hành để làm quen và quán tưởng hình ảnh chư Phật sống động, rực rỡ (các Ngài cũng mỉm cười, nói chuyện, chuyển động, và biểu lộ lòng từ bi với chúng ta) chứ không phải là một tôn tượng bất động.
3. Thực hành rèn luyện tâm để xả bỏ bám chấp
Tâm chấp thủ không chỉ phát khởi khi bạn rất giàu có về vật chất. Dù bạn có nhiều hay ít tài sản, của cải, điều đó không quan trọng. Bạn có thể chấp chặt vào một chiếc áo sơ mi, một chiếc túi xách, trong mọi trường hợp, dù bám chấp vào đối tượng nào, tâm bám chấp đều không khác biệt. Bất luận giá trị vật chất nhiều hay ít, nếu còn bám chấp, bạn còn đau khổ và sợ hãi, và đau khổ và sợ hãi trong hoàn cảnh nào cũng đều giống nhau.
Để giảm bớt nỗi đau đớn do tâm bám chấp mạnh mẽ vì bị mất đi tất mọi thứ mà chúng ta vẫn thường cho là thuộc về mình vào thời điểm phải đối mặt với cái chết cũng như sau khi chết đi, điều chúng ta có thể làm được bây giờ là trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết rằng chúng ta không thể giữ mọi thứ xung quanh mình mãi mãi. Vạn pháp thay đổi trong từng sát na. Chúng ta cần hiểu rằng bản chất của vạn pháp là vô thường.
Chúng ta cần hiểu rằng những gì xảy ra hôm qua hay ngày mai sẽ chỉ là giấc mơ. Giả sử bây giờ bạn đang vui đùa cùng nhau, nhưng đến tối, những khoảnh khắc đó sẽ trở thành kỷ niệm. Sự sở hữu vật chất cũng tựa như một giấc mơ. Với trí tuệ hiểu biết về bản chất vô thường của vạn pháp, thay vì cố gắng chấp chặt vào mọi thứ trong cuộc sống cũng như vào thời điểm chết để rồi phải trải nghiệm vô vàn khổ đau, chúng ta nên thực hành cúng dàng thân mạng, tài bảo, danh vọng, địa vị và cả vũ trụ này lên Đức Phật A Di Đà. Hãy cầu nguyện Ngài hoan hỷ đón nhận những phẩm vật bạn cúng dàng vì lợi ích giác ngộ, tích lũy công đức và xả bỏ bám chấp của bạn và mọi người.
Tham khảo thêm
Nghi quỹ tu trì giản lược Đức Bản tôn Phật A Di Đà
- 3250
Viết bình luận