2. Hiểu về Sinh Tử - Cơ hội giải thoát ngàn vàng
1. Khái niệm Bardo
a. Định nghĩa sống chết
Sống và chết, tưởng là vấn đề hết sức đơn giản và căn bản, nhưng nếu chúng ta thực sự tĩnh tâm lại để tìm hiểu và chiêm nghiệm mới thấy sự hiểu biết của chúng ta về hai phạm trù này rất hạn chế. Thông thường, người ta có thể định nghĩa sống và chết theo các lĩnh vực khác nhau, điển hình như khoa học và tôn giáo.
Theo quan điểm khoa học
Sống là một quá trình diễn ra từ lúc chúng ta sinh ra cho đến khi chết đi. Tuy nhiên, từ xa xưa cho đến tận ngày nay, cái chết của con người vẫn luôn là bức màn bí ẩn chưa được hé mở hết và đang tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu tìm hiểu. Sự hiểu biết của con người về cái chết cũng có những bước tiến thay đổi theo sự phát triển của khoa học, chẳng hạn, trước kia, sự chết được gắn với tim và phổi, khi tim và phổi của một người ngừng hoạt động, người đó được xem là đã chết. Tuy nhiên, về sau, với sự phát triển của kỹ thuật hồi sức tim phổi cũng như kỹ thuật phá rung cho thấy trong nhiều trường hợp, việc hồi sức làm cho tim, phổi hoạt động trở lại. Cho nên, một người có tim, phổi ngừng hoạt động chỉ được xem là chết lâm sàng và vẫn có khả năng sống lại. Tiếp đến, sau khi não được đưa vào nghiên cứu và con người phát minh ra điện não đồ, có khả năng đo khá chính xác các dòng điện phát ra từ não, một người chỉ được xem là đã chết khi dòng điện được ghi nhận bằng không. Chẳng hạn, nhiều người bị rơi vào đời sống thực vật khi thân, não của họ vẫn còn hoạt động. Tuy vậy, ngay cả khi dùng điện não, việc xác định cái chết cũng khó khăn vì máy đo điện não đồ có thể ghi nhận một tín hiệu giả trong khi não đã thực sự ngưng hoạt động, hay ngược lại, não còn sống, nhưng hoạt động điện của nó thấp hơn ngưỡng ghi nhận của máy. Lịch sử y học còn ghi nhận nhiều giai thoại về những người bệnh được các thầy thuốc chứng tử nhưng sau đó đã sống lại khi đang được ướp xác hoặc sau vài ngày nằm trong quan tài.
Gần đây nhất, hai nhà khoa học (Tiến sĩ Stuart Hameroff, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ý thức của Đại học Arizona tại Mỹ và nhà vật lý người Anh Roger Penrose) vừa đề xuất một giả thuyết mới về ý thức con người. Theo hai ông, ý thức của con người nằm trong những ống siêu nhỏ trong tế bào não. Ý thức là kết quả của những tác động do lực lượng tử gây nên trong những ống siêu nhỏ ấy. Hai nhà khoa học nhận định có thể ý thức của chúng ta chỉ là sự tương tác giữa những tế bào thần kinh trong não, vì thế, ý thức là một phần cơ bản của vũ trụ và tồn tại từ khi thời gian bắt đầu. Họ cũng lập luận rằng cảm giác cận kề cái chết xảy ra khi các ống siêu nhỏ mất trạng thái lượng tử nhưng thông tin lượng tử bên trong các ống không bị hủy diệt, mà chỉ rời cơ thể để quay trở về vũ trụ. Nếu bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, thông tin lượng tử sẽ quay trở lại các ống và bệnh nhân kể lại sau khi hồi sinh rằng dường như họ vừa tới thế giới bên kia. Giả thuyết này đang trở thành đề tài gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học thế giới và người ta hy vọng rằng những phát hiện mới trong lĩnh vực vật lý lượng tử sẽ chứng minh và làm sáng tỏ thêm hiểu biết của khoa học về cái chết. Như vậy, cái chết vẫn đang tiếp tục được khoa học tìm hiểu và khám phá.
Dưới góc độ của tôn giáo và tâm linh
Từ xa xưa, con người đã xây dựng những niềm tin và quan điểm khác nhau về sống và chết. Một số người cho rằng con người chỉ có một đời trong hiện tại, từ khi sinh ra đến khi chết, nhắm mắt xuôi tay là hết, là hoàn toàn mất hẳn, không còn lại gì. Ngược lại, nhiều người lại cho rằng linh hồn bất tử. Sau khi chết, thân thể tan rã, nhưng linh hồn thường còn mãi mãi hoặc sẽ lên Thiên đường để thụ hưởng vĩnh viễn những sự an vui khoái lạc (nếu trong đời hiện tại ăn ở hiền lương) hay sẽ bị đọa xuống Địa ngục chịu khổ mãi mãi (nếu đời hiện tại làm nhiều điều tội lỗi).
Trong quan kiến của đạo Phật
Mọi chúng sinh, trong đó có con người là tổ hợp của Thân Tâm và “chết” được định nghĩa là “sự chia tách giữa Thân Tâm rất vi tế với những khía cạnh thô lậu hơn của Thân Tâm”. Khi chúng ta sống, thân và tâm có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Mối quan hệ thân và tâm này cũng thay đổi và sẽ kết thúc khi cái chết diễn ra. Chết là thời điểm tâm thức rời khỏi thân xác. Cái chết không phải là sự chấm dứt hoàn toàn mà là cửa ngõ dẫn tới cuộc sống khác, nó được ví như bỏ áo cũ và mặc một chiếc áo mới. Tuy nhiên, những gì diễn ra từ đời này sang đời khác không phải là một linh hồn hay một thực thể cá nhân tồn tại vĩnh viễn mà chính là dòng tâm luôn thay đổi và không liên quan đến cá nhân cụ thể trong một cuộc đời. Dòng tâm đó sẽ mang theo những “dấu vết” nghiệp đã tạo khi còn sống và những “hạt giống” đã gieo trong quá khứ sẽ lớn lên trong tương lai. Những dấu vết nghiệp này sẽ quyết định trải nghiệm trong tương lai của chúng ta.
Vì vậy, Phật giáo cũng cho rằng chúng ta chỉ là một phần của vũ trụ, trong đó có vô vàn thế giới và chúng sinh liên tiếp xuất hiện rồi lại tan biến, sự vận hành như thế được gọi là luân hồi. Không có sự mở đầu cho quá trình luân hồi và cũng không có Đấng sáng tạo, lực lượng nào thúc đẩy hay đứng đằng sau mọi sự vật, hiện tượng diễn ra trong vũ trụ cũng như trong đời sống của mỗi cá nhân. Chúng ta là kết quả của những hành động thân, khẩu, ý mình đã tạo dựng từ trong quá khứ. Chúng ta tạo nên “số phận” của chính mình trong luân hồi.
Cái chết có thể là cơ hội quý giá để thành tựu giác ngộ
Như vậy, khác với các quan điểm cho rằng chết là hết, rằng cuộc sống có điểm bắt đầu và kết thúc, Đức Phật và chư Thượng sư Giác ngộ đã khai thị cho chúng ta rằng cuộc sống vốn vô thủy vô chung và là một chuỗi sinh tử bất tận. Chúng ta là con cái của cha mẹ ta trong kiếp này nhưng có thể là kẻ thù của họ trong những kiếp trước. Kẻ thù, bằng hữu, những người thân, cha mẹ, tất cả những mối quan hệ thế gian đều mang những hình tướng khác nhau khi chúng ta tái sinh từ đời này sang đời khác. Rồi tất cả các mối quan hệ này được làm mới lại sau mỗi lần tái sinh và chín muồi theo nhân duyên nghiệp báo.
Như vậy bạn sẽ vĩnh viễn nổi trôi trong sinh tử? Không hẳn là như vậy. Quan điểm Phật giáo bộc lộ khía cạnh tích cực và độc đáo ở chỗ cho rằng cái chết chính là một phần của cuộc sống, bởi lẽ, sống hay chết đều chỉ là những trạng thái trung gian Bardo. Vì vậy, nếu đã chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang và kinh nghiệm tâm linh trong cuộc sống, thì thời điểm cái chết xảy đến sẽ là cơ hội quý giá để bạn thành tựu giác ngộ. Đối với bậc Thầy thành tựu tâm linh, khi cái chết đến, các Ngài hoàn toàn có thể buông xả mọi nỗi sợ hãi và an trụ trong tự tính tâm. Các Ngài không bối rối, không khởi vọng niệm, nhờ vậy mà có thể hợp nhất cái chết vào con đường giác ngộ giải thoát. Đối với các ngài, cái chết chính là cơ duyên vĩ đại giúp nhận ra bản chất của sinh tử và hợp nhất cái chết với con đường giải thoát giác ngộ. Điều này thực sự là một tin vui đối với tất cả chúng ta.
b. Một số suy ngẫm về cái chết
Khi lần đầu suy ngẫm về cái chết, chúng ta có thể bị sốc vì chắc chắn nó sẽ gắn liền với những cảm giác hoang mang, sợ hãi, đến nước mắt, khổ đau, chia ly, hài cốt, nghĩa trang… Tại sao chúng ta không thể chấp nhận cái chết bình thản là quy luật vô thường?
Tại sao chúng ta lại khó chịu khi đối diện với cái chết
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến cảm giác khó chịu, bất an và không chấp nhận cái chết là do vô minh chấp ngã. Chúng ta bám chấp vào hình ảnh “cái tôi” như là một thực thể tồn tại vĩnh hằng, không thay đổi và luôn mong muốn trường thọ. Không có gì sai trái cả khi chúng ta cố gắng duy trì sự sống bởi cuộc sống thực sự có giá trị. Tuy nhiên, hiểu biết về sự không tồn tại một thực thể vĩnh hằng sẽ giúp chúng ta thoát khỏi mọi sợ hãi khi đối diện với cái chết và các quan điểm sai lầm.
Lợi ích của việc suy ngẫm về cái chết
Lợi ích của việc suy ngẫm là giúp chúng ta có một thái độ dũng mãnh, vô úy và những hoạt động thiết thực đem lại lợi ích cho hết thảy mọi người. Cuộc sống con người vô cùng ý nghĩa bởi vì chỉ có thân người mới có cơ hội thực hành Phật pháp, phát triển tâm linh, trưởng dưỡng trí tuệ, tình yêu thương, lòng bi mẫn và cuối cùng đạt được giác ngộ. Nhưng cuộc sống thật là ngắn ngủi. Cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nếu như chúng ta không cam kết làm lợi ích cho bản thân và mọi người thì sẽ thật là uổng phí và hối tiếc. Cuộc sống hiện tại và tất cả những trải nghiệm vui buồn đều thoáng qua, bám chấp vào thế giới này sẽ giống như việc đuổi theo ánh sáng cầu vồng. Chúng ta đừng lãng phí thời gian theo đuổi những đam mê thế tục, những thứ mà chúng ta không thể mang theo trong hành trình kế tiếp. Hãy tận dụng mọi cơ hội để làm lợi ích, tránh những nghiệp bất thiện làm tổn hại người khác là nguyên nhân của đau khổ. Hãy trưởng dưỡng những hành động thiện nghiệp là nhân của hạnh phúc.
Cách chúng ta sống nhất định ảnh hưởng đến cách chúng ta chết. Nếu chúng ta thực hành tâm linh, tạo nhiều thiện nghiệp thì chúng ta sẽ chết với sự thanh bình. Nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng cho cái chết, chắc chắn khi tử thần đến chúng ta sẽ sợ hãi và hối tiếc. Sự tỉnh thức về cái chết đòi hỏi chúng ta phải an trụ trong giây phút hiện tại, nhìn về quá khứ như những giấc mộng và xem những mong ước về tương lai chỉ là ảo tưởng chưa chắc đã nắm bắt được. Như vậy, chúng ta sẽ trở nên an ổn, biết hài lòng và nhiệt tâm hơn với chính cuộc sống này.
Những cách khác nhau để suy ngẫm về cái chết:
(1). Cái chết là chắc chắn xảy ra
Đầu tiên chúng ta có thể bắt đầu bằng việc suy ngẫm về những người trong quá khứ, dù là những nhân vật nổi tiếng như nhà văn, nghệ sĩ, triết gia, nhà khoa học, cho đến những con người bình thường nhất. Họ đã từng lao động, sáng tác, phát minh, yêu thương và thù hận, hạnh phúc và khổ đau, nhưng rồi cuối cùng tất cả đều cũng đã phải chết.
Tiếp đến, bạn hãy hướng tâm đến những người đang hấp hối mà bạn quen biết và đến những ai vẫn đang còn sống. Dù là một người bình thường hay thông minh, khỏe mạnh, giàu có, quyền lực và nổi tiếng đi nữa, cuộc sống của họ cũng sẽ phải đi đến hồi kết thúc. Đây là sự thật dành cho tất cả mọi loài. Dẫu cho khoa học và y tế có phát triển đến đâu chăng nữa, không ai có thể tìm ra phương thuốc cải tử hoàn sinh. Hãy suy ngẫm rằng rốt cuộc ai cũng phải đối diện với cái chết và bạn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
(2). Thọ mạng của bạn sẽ liên tục giảm
Thời gian không bao giờ đứng im, mà trôi chảy liên tục. Giây biến thành phút, phút biến thành giờ, giờ biến thành ngày, ngày biến thành năm. Cứ thế thời gian trôi đi và bạn đang tiến gần hơn tới cái chết trong từng giây phút. Hãy tưởng tượng đến đồng hồ cát, cát chảy dần xuống đáy. Thời gian bạn sống cũng giống như hạt cát đang liên tục chảy cho đến khi cạn kiệt.
(3). Thời điểm chết là không định trước
Ngoài ra, sự thật là bạn có thể chết bất kỳ lúc nào. Không ai có thể đảm bảo chắc chắn là ngày mai mình có còn thở ra hít vào nữa hay không. Hãy thử tưởng tưởng, điều gì xảy ra nếu bạn rơi từ máy bay xuống mà không sử dụng chiếc áo phao cứu trợ. Mặc dù có thể bạn trẻ trung và khỏe mạnh cũng không đảm bảo thọ mạng sẽ dài lâu. Đôi khi một đứa trẻ chết sớm hơn cha mẹ mình và một thanh niên khỏe mạnh có thể chết trước những người bị ốm nặng hay những người mắc căn bệnh hiểm nghèo như ung thư… Có người bị chết trong khi ngủ, trong bào thai, trong khi đi từ nhà đến nơi làm việc, đi đến trường học, đang ở sân chơi, đang sửa soạn bữa ăn. Cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hãy nhớ đến những ai bạn biết hoặc được nghe kể về cái chết của một ai đó và suy ngẫm xem họ đã chết như thế nào. Hãy suy ngẫm về bất kỳ điều gì vô thường đã và đang xảy đến với bạn, kiểm tra những suy nghĩ và cảm xúc trong tâm bạn.
(4). Thân thể bạn rất dễ bị tổn thương và không giúp ích được gì cho bạn khi chết đi
Thân thể bạn luôn đồng hành với bạn kể từ khi sinh ra. Bạn hiểu về thân thể mình nhiều hơn bất cứ một ai. Bạn chăm sóc, bảo vệ, lo lắng về thân thể, luôn giữ gìn cho thân thể được thoái mái và khỏe mạnh, cho nó ăn, tắm gội cho nó, chiều theo những điều nó ưa thích và chối từ những gì nó ghét bỏ. Thân thể bạn là tài sản quý báu và thân thương nhất. Nhưng khi bạn chết đi, nó sẽ thối rữa, bị phân hủy và trả về cho đất.
Thân thể cũng rất dễ bị tổn thương. Bạn có thể bị tổn thương hoặc bị đánh ngục trước những trận ốm một cách dễ dàng. Bây giờ bạn cảm thấy mạnh khỏe, đầy năng lượng và an toàn, nhưng chỉ cần một con virus nhỏ hoặc một cái gai nhỏ cũng có thể làm cạn kiệt sức khỏe và dẫn đến tử vong. Bạn có thể xoay sở để không bị ốm đau và tai nạn nhưng thời gian vẫn đuổi theo bạn. Cơ thể bạn sẽ suy giảm dần dần, nhan sắc sẽ phai tàn, sức sống sẽ cạn kiệt và cuối cùng bạn sẽ chết. Hãy nhớ lại thời gian khi thân bạn bị tổn thương hoặc đau nhức. Tai nạn xảy ra một cách dễ dàng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
(5). Thân nhân và bằng hữu không giúp ích được gì
Mặc dù người thân cũng như bè bạn rất yêu thương và không muốn bạn phải chết, nhưng họ không thể làm gì để ngăn chặn cái chết xảy ra. Nếu họ có mặt vào thời điểm bạn chết, họ cũng không thể giúp đỡ được nhiều cho bạn. Khi chết, bạn sẽ ra đi một mình. Không ai, ngay cả người bạn yêu thương và gần gũi nhất, có thể đồng hành cùng bạn. Hầu hết mọi người đều không chấp nhận điều này và thường bám chấp vào những người thân. Chính sự bám chấp này chỉ làm cho tâm thêm cảm xúc luyến ái khiến tâm đau khổ tuyệt vọng vì phải ra đi, điều này sẽ gây rắc rối cho tâm và tâm khó được an bình vào thời điểm chết. Hãy nhận ra rằng bạn đang bị dính mắc vào gia đình và bạn bè. Cố gắng nhận ra sự bám chấp mạnh mẽ của bạn với người thân, nó có thể làm tâm bạn bất an vào thời điểm chết. Tốt hơn hết bạn hãy giảm bớt đi sự bám chấp và học cách chấp nhận mọi thứ đã đến thì đều phải đi.
(6). Của cải và niềm vui thế gian cũng không giúp ích được gì
Những của cải bạn sở hữu trong lúc sống khiến tâm bạn vui thích và thỏa mãn. Nhưng liệu chúng có mang đến cho bạn sự thoải mái và an lạc khi đối diện với cái chết? Sự giàu có có thể giúp mang lại cho bạn những điều kiện tiện nghi hơn, chẳng hạn, bạn có thể có một phòng bệnh riêng cùng những hỗ trợ y tế tốt nhất. Thế nhưng, bạn không thể bắt cái chết không xảy đến và khi chết bạn không thể mang theo những sở hữu vật chất, thậm chí một xu cũng không. Của cải không giúp ích cho bạn tại thời điểm chết mà chỉ khiến tâm bạn thêm lo lắng - bạn phải tính toán xem chia gia tài ra sao và khi bạn chết thì ai sẽ chiếm hữu tài sản của bạn. Vì vậy, tâm khó có thể được an bình và không dính mắc vào thời điểm chết.
(7). Chỉ có trưởng dưỡng tâm linh mới có thể giúp bạn tự tại đối diện với cái chết
Trong cuộc sống, dù cho chúng ta tài giỏi và đạt được những thành tựu to lớn đến đâu đi nữa thì khi chết bạn chẳng mang theo được gì. Chỉ có dòng tâm thức vẫn tiếp tục trôi chảy, mang theo những dấu ấn của suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và việc làm của chúng ta khi còn sống. Vì thế, điều quan trọng nhất là khi chết đi chúng ta có nhiều dấu ấn của thiện nghiệp - là nhân dẫn đến những trải nghiệm tốt đẹp và rất ít hoặc không có dấu ấn bất thiện nghiệp - là nhân của khổ đau. Cho nên, điều duy nhất có giá trị là làm thế nào để chết với năng lượng tích cực, mang theo những thiện nghiệp bạn tích lũy khi còn sống và tạo đà phát triển tâm linh cho đời sống kế tiếp.
Tuy nhiên, hãy suy ngẫm, trong cuộc sống bạn đã dành bao nhiêu thời gian để trưởng dưỡng tâm linh, để đối xử thân ái với mọi người, để phát triển tình yêu thương và trí tuệ? Một ngày bình quân bạn dành bao nhiêu giờ để ngủ? Bao nhiêu giờ để làm việc? Bao nhiêu giờ dành cho cho thực phẩm, ăn uống, những quan hệ xã hội? Bao nhiêu giờ bạn đã tiêu xài cho những cảm xúc thất vọng, tức giận, buồn chán, kiêu ngạo, lười nhác hoặc chỉ trích? Và cuối cùng, bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho những nỗ lực phát triển tâm linh và rèn luyện tâm thức?
Hãy thực hành tích lũy trí tuệ và công đức một cách chân thành. Hãy đánh giá cuộc sống của bạn dưới góc độ thực hành Phật pháp để chứng minh rằng bạn thực sự đã dành nhiều thời gian làm lợi ích cho bản thân và mọi người. Điều này sẽ rất lợi ích cho tâm bạn khi đối diện với cái chết và đời sống kế tiếp.
Nói tóm lại, bằng cách thường suy ngẫm về vô thường và cái chết, bạn sẽ quyết tâm sử dụng cuộc sống một cách ý nghĩa, khôn ngoan và chính niệm để lợi ích cho bản thân và mọi người xung quanh.
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2013)
- 7324
Viết bình luận