24. Hộ niệm cho người lâm chung đúng cách và lợi ích nhất | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

24. Hộ niệm cho người lâm chung đúng cách và lợi ích nhất

Hộ niệm là trợ giúp người chết cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Hộ niệm vô cùng cần thiết với người chết trong mọi giai đoạn Bardo trên tiến trình chết, giúp người chết tiếp cận với những cơ hội giải thoát và có một cái chết bình an.

Chết là trải nghiệm khổ đau và sợ hãi nhất trong các kinh nghiệm của đời người. Khi lâm chung mạng tận, người chết thấy toàn thân nhức nhối như đồi mồi bị lột vẩy, như cua bị nhúng nước sôi, trải nghiệm tứ đại phân ly, gân xương rút chuyển, thần thức hãi hùng, nghiệp chướng dồn dập, oan gia trái chủ từ vô lượng kiếp cùng đến đòi nợ... Bởi cái chết đáng sợ như thế nên các bậc Thánh nhân rất xem trọng thời điểm này. Suốt cuộc đời, các vị tích lũy công đức, tu tập thiền định, sẵn sàng tư lương và chủ động những giờ khắc cuối cùng của cuộc đời để tận dụng cái chết làm cơ hội thành tựu giác ngộ tối thượng. Ngược lại, người thế gian thông thường, mặc dù sợ hãi lo âu nhưng với việc sinh tử đại sự thường vô minh không biết cách chuẩn bị đối phó ra sao. Thay vì tiến lên trên con đường giác ngộ, chúng ta thường chọn nhầm “ngả rẽ” để trầm chìm vào khổ đau luân hồi kế tiếp.

Chính vì lý do này, hộ niệm đóng một vai trò vô cùng quan trọng trên hành trình sinh tử của mỗi chúng ta. Hộ niệm là phương cách thiết thực và trí tuệ nhất để hỗ trợ cho bạn và người thân có được sự chuẩn bị và lựa chọn sáng suốt để đối diện với cái chết một cách tự tại, bình an và nắm bắt những cơ hội hy hữu trên tiến trình chết để thay đổi toàn bộ đời sống kiếp sau!

Vậy Hộ niệm là gì?

Theo nghĩa đen, “hộ” là bảo hộ, trợ giúp, “niệm” là tinh thần, tư tưởng. Như vậy, “hộ niệm” có nghĩa là tìm cách để bảo vệ, nâng đỡ đặc biệt về mặt tinh thần. Trên thực tế, hộ niệm trong các giai đoạn Bardo liên quan tới cái chết sẽ đề cập đến việc hộ trì, nâng đỡ cho người chết cả về khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Hai khía cạnh này cần được thực hiện song song trong từng giai đoạn của tiến trình chết.

Phương pháp và cách thức hộ niệm cũng được phân chia theo ba giai đoạn tương ứng của Bardo liên quan tới cái chết, đó là:

(i) hộ niệm cho người lâm chung,

(ii) hộ niệm cho người trong tiến trình chết sau khi hơi thở bên ngoài đã ngừng cho tới khi cái chết bên trong hoàn tất.

(iii) hộ niệm cho người chết trong giai đoạn thân trung ấm 49 ngày. Sau đây xin được trình bày cụ thể hơn về cách thức hộ niệm và những chuẩn bị cần thiết trong mỗi giai đoạn.

Hộ niệm cho người sắp lâm chung từ ốm nặng đến hấp hối

Giai đoạn này thường bắt đầu khi một người có những biểu hiện lâm bệnh nặng không thể qua khỏi cho tới lúc hấp hối. Tuy họ vẫn sống nhưng cái chết đang đến gần, tiến trình tan rã của tứ đại và các biểu hiện bên ngoài của cái chết như sức khỏe suy sụp, hơi thở khò khè, chân tay rũ liệt,... đã dần thấy rõ. Lúc này, thể trạng người bệnh rất yếu, có những người vẫn còn tỉnh táo, nhưng cũng có những người không còn khả năng nói, nghe hay thậm chí đã bất tỉnh, hôn mê. Cho dù họ đã hết khả năng giao tiếp nhưng tất cả những gì chúng ta đọc, những bài khai thị, câu chân ngôn và tiếng niệm Phật bên tai người sắp chết cũng sẽ được lưu trữ trong tàng thức và sẽ giúp ích họ rất nhiều trong các giai đoạn Bardo tiếp theo. Thời điểm này là lúc người thân nên túc trực và liên tục hộ niệm, cầu nguyện người bệnh có một cái chết bình an và tái sinh an lành, bên cạnh đó chuẩn bị dần những thứ cần cho việc hộ niệm người chết.

Ba điều kiện để có một tái sinh an lành

Bạn cần nắm rõ những điều kiện này như một kim chỉ nam của hộ niệm và dồn hết tâm sức để giúp đỡ người sắp chết bằng cách tạo hoàn cảnh thuận lợi nhất có thể, hạn chế tối đa những nhân duyên tiêu cực có thể dẫn tới đọa lạc.

Thứ nhất, quan trọng là khi còn sống, người đó không được tích lũy nhiều ác nghiệp, đặc biệt là ác trọng nghiệp.

Thứ hai, người sắp mất cần hình dung được rõ ràng cảnh giới mà họ tới và biết được chuyện gì sẽ xảy ra với họ.

Thứ ba là hoàn cảnh tốt lành; người chết cần ra đi trong điều kiện thuận lợi, an ổn.

Thangka cảnh giới Tịnh độ của Đức Phật Di Đà

Sự chuẩn bị về môi trường và điều kiện ngoại cảnh

1. Không nên để người hấp hối nằm trong bệnh viện lúc lâm chung

Trước hết, khi thấy người bệnh ốm nặng không thể qua được, chúng ta không nên để họ trong bệnh viện mà nên trao đổi với y bác sĩ, lựa lấy thời điểm phù hợp để đưa về nhà tạo một không gian an bình và những chuẩn bị cần thiết. Việc phải chết trong bệnh viện tiềm ẩn những hiểm nguy bất tường cho sự giải thoát tâm linh. Đặc biệt, đối với người bị bệnh, nên tránh cho họ không phải chịu đựng nhiều mũi tiêm, ống dẫn trong bệnh viện vì chúng làm mở những huyệt đạo trong khi lẽ ra những huyệt đạo này phải được đóng lại lúc chết. Khoa học hiện đại nói chung vẫn chưa tin vào những điều sẽ xảy ra với tâm thức, mà chỉ nghiên cứu phạm trù thân thể vật lý nên các y bác sĩ vẫn thường xuyên can thiệp như vậy. Mặc dù động cơ tốt đẹp của họ là muốn giúp người bệnh hút các độc tố trong cơ thể ra, rồi thay thế bằng các loại chất dịch, hóa chất và khí để duy trì chỉ số sinh tồn, nỗ lực phục hồi sự sống, nhưng đối với trường hợp người bệnh ốm nặng không thể qua được thì điều này sẽ là không khả thi. Hành động can thiệp y học này có thể gây trở ngại lớn lao đối với người sắp chết. Hơn nữa, sự tiêm chích, phẫu thuật hay can thiệp trên cơ thể người chết lúc lâm chung còn dễ khiến cho họ khởi tâm sân hận, tạo thành Cận tử nghiệp xấu khiến người chết nhanh chóng đọa lạc.

Trường hợp tiến trình hấp hối diễn ra quá nhanh, hoặc khoảng cách địa lý không cho phép di chuyển người bệnh về nhà, chúng ta cần khéo léo trao đổi với y bác sĩ để xin một phòng riêng trong bệnh viện, di chuyển người hấp hối đến khu vực này và thực hành hộ niệm. Nếu điều này vẫn không khả thi, hãy trao đổi với bác sĩ để xin kéo dài thời gian chuyển người chết ra khỏi phòng. Hãy chia sẻ tâm nguyện này để có sự thông cảm của y bác sĩ và các bệnh nhân cùng phòng khác.

2. Nên tạo cho người chết một không gian tâm linh an lành

Tiếp đến, hãy tạo dựng một không gian tâm linh an lành, tĩnh tại bằng cách kiến lập bàn thờ Phật trong phòng người bệnh, giúp người chết được nương tựa và thấy bình an hơn. Tốt nhất là sắp đặt ban thờ sao cho người sắp chết có thể nhìn thấy từ giường nằm những bức tượng Phật, tranh Thangka Bản tôn để tâm thức có thể kết nối, được che chở hộ trì bởi tình yêu thương của chư Phật Bồ tát. Xung quanh nên tránh tiếng ồn, những câu chuyện phiếm và những sự động niệm khác khiến người chết không thể siêu thoát. Thay vào đó, lúc này hãy bật băng đĩa về nội dung khai thị cho người chết, hoặc cùng nhau tĩnh tâm trì tụng chân ngôn, niệm Phật A Di Đà, Quán Thế Âm,... để hộ niệm cho người chết. Trước khi trì tụng, hãy đọc lời khai thị giải thích cho người sắp chết công năng của Chân ngôn trong việc chữa lành và bảo hộ tâm thức.

3. Sự chuẩn bị về thân: Hạn chế những tác động về thân

Người sắp chết cần có được những điều kiện bình an một cách tương đối về thân. Điều này có nghĩa là, thân thể của họ không phải chịu những tác động, kích thích từ bên ngoài như tiêm chích, phẫu thuật cắt bỏ các bộ phận cơ thể đã nói ở trên. Những tác động đó khiến thần thức thoát ra theo những đường dẫn mở ra do tiêm chích phẫu thuật,... dẫn tới sự đọa lạc trong những cảnh giới đau khổ. Bị di chuyển quá nhiều hay các động niệm khác cũng khiến họ đau đớn và phát khởi tâm sân hận. Người sắp chết cần được yên ổn về thân và tuyệt đối tránh những động chạm không cần thiết vào thân trừ phi đó là sự tác động có chủ đích hộ niệm của bậc Thượng sư giác ngộ.

4. Sự chuẩn bị về tâm

Chuẩn bị những điều kiện ngoại duyên thuận lợi cho người sắp chết là vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng và ý nghĩa hơn cả là sự chuẩn bị về mặt tâm linh. Vì tâm giữ vai trò chi phối và quyết định nên nếu người chết có được sự chuẩn bị vững vàng về tâm linh thì đó sẽ là một thuận lợi rất lớn cho cái chết tự tại và tái sinh an lành.

Kinh điển dạy rằng, người nào đến lúc lâm chung, chỉ cần nhất tâm niệm danh hiệu Phật ba lần, người đó cũng có thể được vãng sinh Tịnh độ. Thậm chí, nếu được nghe dù chỉ một danh hiệu Phật mà phát khởi tín tâm cũng có thể được rất nhiều lợi ích như thoát khỏi sự chi phối của nhiều nghiệp xấu ác, sinh về những cảnh giới tốt đẹp. Đó là vai trò vô cùng quan trọng của Cận tử nghiệp .

Sự chuẩn bị về tâm bao gồm nhiều khía cạnh:

Khéo léo nhìn thẳng vào cái chết

Khi lâm trọng bệnh, tuy chưa cận kề cái chết nhưng người bệnh chẳng khác gì đã nhận một bản án tử hình và việc ra đi chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Khi đó, người bệnh có thể bắt đầu nhận thức những gì mình sở hữu sẽ không còn ý nghĩa. Mọi thứ, kể cả tiền bạc, người thân, thuốc men,… đều trở nên vô ích, không thể tiếp tục mang lại cho họ cuộc sống, hạnh phúc, sự an ổn, cũng như không thể mang theo sang thế giới bên kia.

Người bệnh lúc này cảm thấy vô cùng khủng hoảng, bế tắc. Nỗi đau về thể xác không có ý nghĩa gì so với nỗi đau đớn tinh thần mà họ phải chịu đựng. Lúc này, sự hiện diện an ủi, khai thị của những người thân và người phát tâm hộ niệm là vô cùng cần thiết. Bạn có thể phân tích cho họ về bản chất và cơ hội của cái chết, về những gì họ cần nhận thức và chuẩn bị trong tiến trình này, từ đó giúp họ chủ động đối mặt với cái chết và sử dụng một cách hiệu quả nhất thời gian còn lại của cuộc sống làm hành trang cho giai đoạn trung gian tiếp theo. Nếu người bệnh có những uẩn khúc hay oán hận điều gì trong tâm, nên khuyên họ giải toả, đừng chấp giữ thì mới có thể giải thoát, nếu không chắc chắn đọa lạc thành cô hồn khó thể siêu thoát. Nên nhắc lại những công hạnh thiện lành họ đã tạo trong đời sống vừa qua để họ vững niềm tin và có sự thanh thản trước cái chết. Nếu người sắp chết có tâm nguyện trao đổi về việc hậu sự và những tâm nguyện trước khi chết, hãy lắng nghe một cách chân thành. Trong chừng mực những yêu cầu của họ không gây trở ngại cho cái chết an lành, hãy phát tâm nghe theo hoặc giúp đỡ họ!

Tránh sai lầm che giấu sự thật về cái chết

Một số người mắc những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, tuy nhiên, người thân của họ thường cho rằng, cách tốt nhất đối với người sắp chết là không cho họ biết về sự thật phũ phàng này. Họ tìm cách che đậy cái chết đến phút chót, tưởng rằng làm vậy sẽ giúp người chết bớt đau đớn. Ngược lại, hãy tỉnh táo suy ngẫm xem người chết sẽ ra sao khi vào phút cuối đời phải đối mặt với một cái chết nghiệt ngã mà họ hoàn toàn không có sự chuẩn bị? Chắc chắn rằng mọi sự đau đớn, bàng hoàng, nghi ngờ, oán hận sẽ gia tăng tột cùng. Thậm chí sau khi chết rồi, có thể thần thức người chết vẫn chưa nhận ra mình đã chết và sẽ tìm mọi cách níu kéo gia đình, người thân, tài sản của kiếp sống vừa qua. Như thế, thần thức sẽ khó lòng siêu thoát mà sẽ vất vưởng lưu đày trong cõi Cô hồn ngã quỷ, trở thành oan hồn quấy phá, não hại người đang sống.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6437347
Số người trực tuyến: