30. Gọi hồn, áp vong có giúp bạn nói chuyện với người thân đã mất? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

30. Gọi hồn, áp vong có giúp bạn nói chuyện với người thân đã mất?

Sau khi người thân qua đời, có những việc người thân nghi ngờ không hiểu rõ, có những việc làm không những không tích luỹ công đức mà còn tạo nghiệp khiến người thân không được siêu thoát. Trách nhiệm của chúng ta là tận tâm dốc lòng cầu nguyện và tạo phước để hồi hướng, mong họ siêu thoát. Còn siêu thoát hay không là do sự tỉnh thức chuyển hóa nghiệp lực của chính họ, thân nhân chỉ trợ duyên mà không thể can thiệp được. Cho nên, không cần gọi hồn, triệu hồn, áp vong hay các phương pháp tương tự vì không mang đến lợi ích thiết thực cho hương linh và chỉ tốn kém, gây lo lắng hoang mang thêm cho thân nhân.

Trong bối cảnh cầu cúng mang sắc thái thần quyền đang nở rộ hiện nay, người Phật tử cần thiết lập chính kiến trong việc thờ cúng để khỏi rơi vào tà kiến, mê tín dị đoan. Chúng tôi xin trích dẫn một số câu hỏi thường gặp được trích từ cuốn "Bardo - Hộ niệm người lâm chung", ấn phẩm do Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành năm 2014.

Hỏi: Trong 49 ngày có nên đi gọi hồn hay không?

Đáp: Trong thời gian này, thần thức vẫn sống trong cảnh giới lưu động vọng tưởng. Theo luật nhân quả, người quá cố tùy theo nghiệp đi theo cảnh giới đã tạo nên việc gọi hồn như thế thật trái luật nhân quả. Hơn nữa, người gọi hồn không phải bậc thành tựu tâm linh cao cấp, chưa đạt thiên nhãn thông, tha tâm thông và túc mạng thông nên không có khả năng triệu vong một cách chính xác. Họ thường thờ phụng quỷ thần ma xó, linh cái, âm binh, loại ma đấy có nguyện cúng cấp ràng buộc với nhau, ân oán chẳng thể dứt, hỗ trợ người gọi hồn tìm hiểu gia cảnh chứ thực ra không phải vong về thật. Trong Kinh còn dạy hư không là thành quách của ma quỷ, khi câu triệu như thế các loài ma quỷ vất vưởng nhập vào để thụ hưởng sự cúng bái, cũng không phải thật sự thân bằng quyến thuộc của mình.

Hỏi: Trong một số trường hợp, người thân mới mất hay đã mất rất lâu nhưng vong linh có thể “về” và “nhập” vào người nhà thì việc đó ý nghĩa như thế nào?

Đáp: Trong đa số trường hợp, việc vong nhập đó không phải vong linh của người thân trong gia đình mà là các vong bên ngoài không được siêu thoát nên trở thành ma quỷ lẩn quất đó đây. Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đời thứ 9 đã khai thị về việc này bằng một câu chuyện lịch sử, xin được trích dẫn lại như sau.

Đức Milarepa là một Đại thành tựu giả kiệt xuất của Tây Tạng vào thế kỷ thứ 11. Một lần, trong lúc Ngài đang nhập định, một đệ tử tại gia của Ngài qua đời. Gia đình của người đó không phải Phật tử mà tin theo Thần đạo. Tuy nhiên, khi người đệ tử mất thì gia quyến cũng thỉnh mời Ngài Milarepa tới để ban phước gia trì cho người đó.


Đại Thành tựu giả Milarepa

Trong khi Đức Milarepa định tâm cầu nguyện, một đệ tử khác của Ngài là Ngài Rechungpa ra ngoài và chứng kiến cảnh tượng rất nhiều thầy cúng đang hành lễ gọi hồn khiến xác của người chết bị ma nhập, sống dậy và kể rất nhiều chuyện như, nói tên người chết, nói về những sự kiện trong cuộc đời người chết, về gia đình quyến thuộc của người chết,… Ngài Rechungpa liền thưa hỏi Ngài Milarepa, rằng bên thần giáo ngoại đạo có thể làm những việc như vậy, tại sao Ngài Milarepa lại không thể làm gì? Khi đó, đức Milarepa liền khai thị rằng người vừa sống lại đó thực ra không phải là người mới mất mà là ma quỷ nhập vào. Hàng ngày, xung quanh chúng ta, luôn có các vong linh hay các lực lượng tinh thần. Không nhất thiết tất cả các vong đều là loài ma quỷ xấu ác nhưng họ đều có năng lực sáng suốt biết rõ tất cả mọi việc của chúng ta, vì vậy, khi “vong nhập” họ có thể kể rất nhiều sự việc liên quan tới chúng ta một cách chính xác.

Tuy nhiên, có một việc “vong” không làm được đó là họ không thể tham gia vào Đàn lễ Quán đỉnh do năng lực kết giới, hộ trì của chân ngôn và quán tưởng. Vì vậy, ngài Rechungpa liền đi tới và hỏi con ma, khi này đang nhập vào xác thân người chết, rằng “Xin hãy cho biết pháp danh quy y mà Đức Milarepa đã ban cho ông trong lễ quán đỉnh?”. Con ma đã không thể trả lời câu hỏi này và lập tức thoát khỏi xác chết chạy mất. Sau đó, Ngài Milarepa liền nhập định, quán chiếu thấy rằng, đệ tử của mình đã tái sinh dưới một hòn đá gần đó. Khi người nhà đến lật hòn đá lên thì thấy dưới đó có một con trùng nhỏ. Ngài Milarepa đã cầu nguyện và thực hiện chuyển di tâm thức cho con trùng, đưa thần thức vãng sinh về cõi Tịnh độ.

Hỏi: Sau khi thân nhân qua đời, cách tốt nhất để cúng tế cho hương linh là như thế nào?

Đáp: Sau khi người thân qua đời, trong vòng 49 ngày là khoảng thời gian của giai đoạn thân Trung ấm, ở giai đoạn này thần thức chỉ có thể thụ hưởng được thực phẩm thông qua việc người thân cúng cơm và hồi hướng cho họ. Phần nghi lễ cúng cơm cũng có những lời khai thị tụng đọc, bao gồm cả tài thí, Pháp thí và vô úy thí nên vô cùng lợi ích. Vì thế, người thân hãy thực hiện cúng cơm vong và cúng thí thực. Đây là giai đoạn trung gian chuyển tiếp trước khi thần thức tái sinh vào một đời sống mới trong sáu cõi luân hồi. Đặc điểm của thần thức hay hương linh ở giai đoạn này là tuy không có thân và các căn nhưng thần thức vẫn có suy nghĩ cảm nhận và vẫn lưu giữ lại nhiều dấu ấn của đời sống vừa qua.


Nghi thức cúng dàng Hỏa tịnh

Ở giai đoạn này, hương linh không thể thụ nhận trực tiếp đồ ăn thức uống như khi còn sống mà thay vào đó, chỉ có thể thụ nhận bằng cách cảm nhận mùi hương, nhờ duyên theo đó mà được no đủ. Vì vậy, người thân có thể cúng hương thơm bằng cách đốt các loại thực phẩm, mùi hương tỏa ra sẽ giúp hương linh thỏa mãn cơn đói khác và được mãn nguyện. Cách tốt nhất để làm việc này là thỉnh mời chư Tăng, Ni thực hiện pháp cúng Hỏa tịnh. Đơn giản hơn, thông thường gia đình có thể cúng cơm vong, cúng thí thực hàng ngày trong 49 ngày theo nghi thức hướng dẫn cuối sách. Cần đặc biệt lưu ý, để tránh nghiệp sát sinh và những ham muốn dính mắc làm tổn hại hương linh khiến hương linh không thể siêu thoát, nên cúng đồ chay tịnh hoặc cúng cháo sữa thí thực. Những việc cúng vàng mã, y phục hay ngựa giấy hoàn toàn là mê tín không phù hợp với luật nhân quả cũng như không đem lại lợi ích cho hương linh.

Sau giai đoạn 49 ngày, nhiều khả năng thần thức sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi để bắt đầu một đời sống kế tiếp hoặc trong một số trường hợp do không thể siêu thoát, thần thức tiếp tục lưu lại trong Thân trung ấm. Nếu tái sinh, thần thức có thể trở lại làm người, sinh lên cõi Thiên, A tula hoặc đọa xuống ba đường ác Địa ngục, Ngã quỷ hoặc Súc sinh. Dù sinh vào cõi nào, người chết lúc này cũng không thể thụ thực đồ dâng cúng của thân nhân gia đình ngoại trừ trường hợp của ngã quỷ và thân trung ấm. Đối với hai loại chúng sinh này, cách tốt nhất là cúng thí thực, cúng cơm chay và đọc lời khai thị cầu siêu, hồi hướng công đức cho chúng sinh được sinh về cảnh giới tốt đẹp hơn. Vì vậy, nếu thân nhân có ý định cúng tế gia tiên hay quỷ thần đều nên lập đàn cúng theo cách trên sẽ là tốt nhất.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406975
Số người trực tuyến: