Thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp bệnh nên chữa như thế nào?
Theo lăng kính Phật giáo, bệnh được tồn tại dưới 3 hình thức, đó là thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp bệnh.
Một là thân bệnh
Bệnh được biểu hiện trong sự mất hòa hợp và cân bằng giữa bốn yếu tố cấu thành cơ thể người (đất, nước, gió, lửa) cũng như trong sự tương quan giữa cơ thể người với bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa trong môi trường tự nhiên mà con người sống. Khi một trong những yếu tố của cơ thể không vận hành hay suy nhược, bệnh tật sẽ phát sinh. Quy Sơn Cảnh Sách đề cập “Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội”, nghĩa là tuy thân này do tứ đại phụ giúp để nó được tồn tại, nhưng trong khi gìn giữ nó vẫn thường hay trái nghịch nhau.
Con người tuy có nhiều bệnh, song chỉ do bốn đại bất hòa mà ra. Do đó, sự khỏe mạnh của con người không thể là sự vắng mặt hoàn toàn bệnh tật trong đời sống, mà chỉ là sự vắng mặt bệnh tật ở một mức độ tương đối mà thôi. Để giảm thiểu thân bệnh chúng ta cần luyện tập lối sống lành mạnh; ăn uống khoa học; ngủ nghỉ điều độ; tránh lạm dụng các chất gây say nghiện; tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao hay tập thể dục mỗi ngày.
Hai là tâm bệnh
Bệnh được phát sinh từ sự vô minh, chấp chước vào “cái tôi” vốn không thực sự hiện hữu, rồi từ “cái tôi” đó hình thành nên những trói buộc vào cái “của tôi”, tức bám chấp vào dục vọng vị kỷ và không muốn chấp nhận quy luật vô thường. Đây chính là nguyên nhân và là nguồn gốc của mọi tâm bệnh như stress, trầm cảm, sợ hãi, lo âu, sân hận, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống, hành vi nghiện và muôn ngàn kiểu phiền não khác. Thông thường, chúng ta chỉ nhìn vào các nguyên nhân của tâm bệnh thuộc bối cảnh bên ngoài vì thấy thực tế có rất nhiều yếu tố bên ngoài mang đến cho mình sự bất an, bất toại nguyện,… thế nhưng trong chiều sâu quán chiếu, Phật giáo cho biết nguyên nhân đích thật của tâm bệnh chính là dục vọng, tức là sự thèm khát. Như vậy, muốn giảm thiểu tâm bệnh một cách căn bản và bền lâu, Phật giáo khuyên mỗi người hãy phát triển những trạng thái tâm thiện như hoan hỷ, cởi mở, từ bi, hỷ xả để giảm bớt dục vọng như tham lam, sân hận, si mê,…
Kết quả là tâm được thảnh thơi, không bám víu và từ đó những nỗi khổ của tâm được đoạn trừ, sức khỏe tinh thần nhờ vậy được cải thiện. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm Tổ chức Y tế thế giới khi đưa ra ba trụ cột về sức khỏe tinh thần là sức khỏe tâm thần, sức khỏe tình cảm và sức khỏe đạo đức. Những nghiên cứu về Y học hiện đại cho thấy, người hay ở trong trạng thái thiện, tập trung tư tưởng suy nghĩ về những việc tốt lành, hệ thống não bộ tiết ra các loại hormone giúp cho tâm hồn thật sự an bình, không còn căng thẳng, tiêu cực. Ngược lại, khi tâm ở trạng thái bất ổn, cơ thể có những biến đổi về thể chất và tinh thần có thể trở thành nguy cơ gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau như tim mạch, gan, thận… và theo Đông y là hại các tạng như can, phế, tỳ, thận.
Cần lưu ý rằng, sự phân chia thành thân bệnh, tâm bệnh ở đây chỉ mang tính chất tương đối vì thân và tâm không thể là những thực thể tách rời mà liên quan duyên sinh nhau trong cùng một hệ thống “con người”.
Ngoài quan điểm thân bệnh, tâm bệnh vừa trình bày, Phật giáo cho rằng nghiệp là yếu tố quan trọng góp phần vào tình trạng sức khỏe và bệnh tật của con người. Theo Phật giáo, cuộc sống không chỉ giới hạn ở sự hiện hữu của một cá nhân hay một đời trong kiếp sống hiện tại mà nó vận hành theo vòng sinh tử luân hồi nối dài khắp không gian và thời gian. Do đó, sức khỏe và bệnh tật con người liên quan đến nghiệp lành, nghiệp dữ mà họ đã tạo trong quá khứ cũng như hiện tại, tức là tùy vào cách nghĩ, cách hành động và lối sống của chúng ta mà có bệnh.
Nghiệp dữ đưa đến bệnh ở đây được Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, số 135 dẫn dụ chủ yếu là do não hại, đánh đập, hành hạ, sát hại các loài hữu tình, không tu dưỡng tâm từ, không biết phóng sinh cứu vật. Như vậy, bệnh là do túc nghiệp hành vi trong quá khứ, hay trong hiện tại của chính mỗi người chúng ta tạo thành chứ không ai khác.
Căn cứ vào cách nhìn nhận như thế, để giảm thiểu nghiệp bệnh, đạo Phật khuyến khích mỗi người hãy tự tìm ra nguyên nhân của bệnh, cũng như những nỗi khổ niềm đau ở nơi chính mình. Sau đó chữa trị y khoa kết hợp với thực hành các thiện pháp như: tụng kinh, niệm Phật, trì chú, sám hối, thiền chỉ, thiền quán, trì giới, đồng thời thực hành các giá trị đạo đức và tâm linh vô ngã, vị tha như làm phúc thiện, trải lòng thương yêu, độ lượng và tha thứ đến mọi loài, mọi người. Làm được như vậy sẽ góp phần chuyển hóa nghiệp lực xấu ác trong quá khứ thành các thiện nghiệp trong hiện tại, nhờ đó tội diệt phúc sinh, bệnh tật thuyên giảm.
Ở đây, xin nhấn mạnh, dùng thuốc men và chữa trị y khoa cũng là một trong những tác động chuyển nghiệp bệnh. Bởi lẽ đó, con người phải thận trọng, tránh sự hiểu biết sai lầm có thể dẫn tới thái độ cố chấp không tìm kiếm bất cứ sự chữa trị nào hay từ bỏ việc trị liệu từ Đông – Tây y.
Cần lưu ý rằng, tin nghiệp báo trong mối liên hệ với sức khỏe và bệnh tật không có nghĩa là tin vào thuyết định mệnh, và cũng không phải để bi quan. Nên nhớ, nghiệp chỉ nhấn mạnh đến tính tương quan tương duyên giữa nhân và quả chứ không mang tính chất cố định. Nên nghiệp xấu ở quá khứ làm chính nhân có bệnh ở hiện tại, nhưng bệnh này cũng có thể thay đổi hoặc biến mất do tác động của nghiệp duyên trong hiện tại.
(Nguồn: www.phatgiao.org)
- 3474
Viết bình luận