Bất an, lo lắng - Kẻ thù của sức khỏe
Stress, căng thẳng, lo lắng, bất an làm cho sức khỏe bạn kém hơn, khả năng miễn dịch kém đi; ngay khi hàng rào miễn dịch bị phá vỡ, bệnh tật sẽ tấn công bạn.
Tâm thế, thái độ sống, những ứng xử trước tình huống nghịch cảnh nếu bị dẫn dắt bởi nhận thức sai sẽ càng làm cho tình hình thêm trầm trọng, khác nào bạn nhặt rác thải về xây số phận, tạo "nghiệp" phiền não...
Sự lo lắng, bất an là điều công phá sức khỏe ghê gớm và khi chúng ta để cơ thể trong những trạng thái này thì bệnh tật bắt đầu kéo đến nhiều hơn, những bộ phận yếu nhất trong cơ thể sẽ bệnh trước.
Bạn có biết rằng để khỏe mạnh, để giúp việc điều trị tất cả các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, huyết áp, … đều cần đến yếu tố tinh thần, sự bình an.
Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học trị liệu ở Mỹ cho thấy, trước những căng thẳng trong cuộc sống, nếu có tư duy tích cực thì các phản ứng sinh hóa của cơ thể cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực, và ngược lại. Đặt những câu hỏi như: "Năm rồi bạn có bị stress không?" và "Bạn có cho rằng stress có hại cho sức khỏe không?" với 30.000 người trưởng thành, theo dõi họ trong vòng 8 năm rồi đối chiếu con số tử vong cho ra kết quả nguyên nhân chết do sợ stress cao hơn hẳn chết vì bị stress thật!
BẤT AN CÓ THỂ ĐẾN TỪ ĐÂU?
Có vô số nguyên nhân dẫn đến tâm không an định, tùy vào hoàn cảnh của từng người. Nhưng có thể gói gọn trong 2 điểm cốt lõi chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân khách quan: Dù bạn có muốn hay không, đó là những cơn đau, bao gồm đau đớn vì bệnh tật trên cơ thể vật lý và bệnh về tâm lý tinh thần. Ai cũng phải có bệnh, đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống.
Nguyên nhân chủ quan: Để trí óc hoạt động quá nhiều, nói nôm na là suy nghĩ quá nhiều trong một lúc. Tâm trí của con người cũng là một cỗ máy, khi hoạt động nhiều quá thì nó sẽ kiệt quệ. Lúc tâm trí không vững chãi chính là lúc tâm bất an trỗi lên.
Trong nhiều sách của các bậc chân sư cũng dạy, sở dĩ trí óc suy nghĩ quá nhiều cũng xuất phát do cái bản ngã quá lớn, lúc nào cũng tư duy mọi thứ từ chữ Tôi. Tôi sẽ làm gì, tôi muốn cái này, tôi làm sao để đạt được điều đó… Bạn không tin ư, thử nhìn lại xem, có phải trong hàng triệu lần hoạt động trí óc đó, bạn đang để cái tôi dẫn dắt và làm chủ toàn bộ?
Ta cần cân bằng giữa thế giới nhỏ của bản thân và cuộc sống bên ngoài bởi cuộc sống vốn đã đủ phức tạp rồi, không cần phải trầm trọng hóa mọi thứ thêm nữa. Nếu bạn có thể làm điều gì đó để đơn giản nó, hãy làm. Nếu không, hãy để mọi thứ được tự nhiên!
BÌNH AN NỘI TÂM
"Nội" có nghĩa là bên trong. “Bình an từ bên trong” chỉ đơn giản là cảm giác yên lòng đến từ chính chúng ta. Bình an nội tâm là một nghệ thuật – nghệ thuật của việc tạo ra và duy trì sự tĩnh lặng của tâm hồn ngay cả khi thế giới xung quanh là một mớ hỗn độn.
Mặc dù đã biết định nghĩa, nhiều người vẫn không hiểu thấu cụm từ này, và tiếp tục làm sai lầm khi hỏi "Làm sao tôi có thể tìm được bình an nội tâm trong cuộc sống?".
"Tìm" mang nghĩa chúng ta vẫn phụ thuộc vào một cái gì đó ngoại tại, xa vời. Với "bình an nội tâm", ta không tìm, và có tìm cũng không thấy. Bởi đó là thứ ta phải tự mình tạo ra.
Hãy dành thời gian tận hưởng không gian riêng tư và tìm hiểu thêm về bản thân mình, hãy lắng nghe cảm giác từ bên trong, hãy nhìn thấu những mong muốn của bản thân, hãy xem liệu ta đang có đang gặp bất ổn, và nếu có thì vấn đề nằm ở đâu. Càng biết rõ mình, ta sẽ càng bản lĩnh trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Giá trị của sự bình yên lắng nghe tâm như vậy vượt lên trên mọi giá trị khác nên nó được ví như viên ngọc vô giá. Không có gì ở đời có thể so sánh với giá trị bình yên nội tâm, vì dù bạn có giàu có đến mức nào, danh vọng cao đến đâu, quyền lực mạnh cỡ mấy cũng vẫn bị khổ đau như thường nếu bạn không nhận ra viên ngọc bình yên thanh thản ấy nơi chính mình.
Từ giá trị cốt lõi bình yên sẽ đưa đến đời sống mãn nguyện và hài lòng. Điều này không có nghĩa là bạn không cần phải làm gì cả, không còn ước mơ và khát vọng nữa.
Khi bạn chạm vào được thế giới an nhiên nơi tâm mình, mọi ước mơ vẫn còn đó, nhưng không còn làm bạn đau đầu nữa, mọi khát vọng vẫn còn đó nhưng không còn tạo áp lực lên bạn nữa. Bạn vẫn hành động để thực hiện ước mơ, vẫn làm việc để đạt được khát vọng nhưng tất cả đều nằm trong sự bình yên của tâm hồn. Vì thế, dù bạn có thực hiện được ước mơ hay đạt được khát vọng hay không thì trong bạn luôn hiện hữu sự hài lòng với cuộc sống này.
Hãy cảnh giác với sự vọng động chính bản thân mình, đôi khi ta dồn sức chiến đấu vì những điều to tát, mà bỏ qua những niềm vui hàng ngày: tiếng cười của con trẻ, sự quan tâm chăm sóc của người thân, một cuốn sách hay, một mái nhà che chở ta khỏi nắng mưa. Đừng bao giờ quên những điều nhỏ bé mà trân quý này bởi đây chính là nguồn “dược liệu” - hàng rào miễn dịch bảo vệ sức khỏe.
Khao khát chinh phục những điều tốt hơn là việc đáng hoan nghênh, bởi lẽ nó là nguồn động lực để ta hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, cũng cần phải trân trọng cái nền tảng nơi ta đang đứng, những gì ta đang có trong tay. Trong đạo Phật điều này có nghĩa là “sống tỉnh thức ngay ở hiện tại”.
(Phổ Hiền biên tập)
- 575
Viết bình luận