Cúng chay, ăn chay ngày Tết tích phúc cho cả người còn lẫn kẻ mất | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cúng chay, ăn chay ngày Tết tích phúc cho cả người còn lẫn kẻ mất

Ngày Tết cúng chay, ăn chay là nét văn hóa mang đậm giá trị tâm linh và bản sắc dân tộc Việt. Theo quan kiến của đạo Phật, ăn chay tránh được nghiệp báo sát sinh, phát khởi tâm từ bi trước nỗi khổ đau của chúng sinh. Đối với người Phật tử, ăn chay ngày Tết là một pháp thực hành, còn đối với nhiều người, ăn chay chỉ đơn giản là để được lắng lòng, thanh lọc cơ thể, chay tịnh tinh thần để chiêm nghiệm cuộc đời nhân lúc Xuân sang. Đạo Phật chủ trương ăn chay giúp con người bớt sát sinh, tạo nghiệp ác để trưởng dưỡng lòng từ bi, hướng thiện. Trong Ngũ giới cấm của nhà Phật có giới cấm sát sinh. Do đó, cấm sát sinh và ăn chay có mối quan hệ thống nhất, chặt chẽ với nhau.

Do cả năm bề bộn công việc mưu sinh, một số người chỉ ăn chay vào ngày Tết để bù cho cả năm, nhằm cầu phúc đức, may mắn cho năm mới và sám hối những gì đã làm không phải trong năm cũ. Với những ngày đầu năm, người ta ăn món gì thì cúng ông bà tổ tiên món nấy. Cúng chay, ăn chay ngày Tết mang ý nghĩa cầu mong cho cửu huyền thất tổ được nhiều phúc lành, hướng về Phật pháp, hướng về điều lành được thanh thản và sớm siêu thoát. Trong thời khắc giao hòa của năm cũ và năm mới, bữa cơm chay thực sự mang đến cho con người sự an lạc và thanh tịnh.

Ngày lễ Tết là dịp đoàn tụ gia đình, vì vậy phong tục cúng chay, ăn chay thể hiện tinh thần nhân văn của người Việt và xuất phát từ Bồ đề tâm của những hành giả Phật giáo. Ðã là loại hữu tình, loài nào cũng biết đau đớn buồn khổ và ham sống sợ chết. Làm sao ta lại nỡ an nhiên vui vẻ, ăn uống trên sự đau khổ vô hạn của chúng sinh?  Chính mình khi sắp bị giết đã khóc thương sợ hãi, hoặc người thân bị giết thì cũng xót xa, oán hận, đau buồn. Làm sao ta lại nỡ vì sự đoàn tụ của gia đình mình mà lại làm cho chúng sinh khác phải sợ hãi đau thương và bị chia ly quyến thuộc?

Ở Việt Nam, phong tục ăn chay có từ thời nhà Lý, triều đại cực thịnh của dân tộc và của đạo Phật Việt Nam. Hàng năm, ngay từ những ngày đầu năm mới, người ta thường ăn chay, đi chùa lễ Phật. Vì vậy, ăn chay ngày lễ Tết mang đậm màu sắc ý nghĩa tâm linh, là nét văn hóa đặc biệt của người Việt Nam.

Tại nhiều vùng miền trên khắp đất nước ta, do cả năm vất vả mưu sinh, nên người ta thường ăn chay ngày Tết để cầu phúc đức, an lành, may mắn cho năm mới và sám hối những điều không phải đạo làm người đã làm trong năm cũ.

Lời dạy của Bồ tát Địa Tạng về việc cúng chay gia tiên

Trong Kinh Địa Tạng Bồ tát Kinh Địa tạng Bồ tát bản nguyện – Phẩm thứ bảy, Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đã chỉ dạy cho Trưởng giả Đại Biện như sau:

“Như có người nam cùng người nữ nào lúc sinh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.

Bởi vì cớ trên đây, nên những người thiện nam cùng thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng mà tu hành thời đặng hưởng trọn phần công đức.

Con quỉ dữ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.

Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thời đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo. Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sinh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho.

Qua khỏi bốn mươi chín ngày thời cứ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo. Người chết đó, nếu là kẻ có tội thời trải qua trong nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi.

Còn nếu là kẻ phạm năm tội vô gián thời phải đọa vào đại địa ngục chịu mãi những sự đau khổ trong nghìn kiếp muôn kiếp.

Lại vầy nữa, này ông Trưởng giả! Sau khi những chúng sinh gây phạm tội nghiệp như thế mạng chung, hàng cốt nhục thân quyến có làm chay để giúp thêm phước lành cho người chết đó.

Thời khi sắm sửa rồi, cùng trong lúc đương làm chớ có đem nước gạo, lá rau v.v... đổ vãi ra nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dùng cúng cho Phật cùng Tăng thời chẳng được ăn trước.

Nếu như ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thời người chết đó trọn không được mảy phước nào cả.

Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dùng cúng cho Phật cùng Tăng, thời trong bảy phần công đức người chết hưởng được một phần.

Này ông Trưởng giả! Vì thế nên những chúng sinh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả”.

Nếu ăn chay hợp cách, với lòng thanh tịnh hoan hỷ, phát triển tâm từ bi đến tất cả chúng sinh sẽ tạo ra một từ trường an lành, mát mẻ, từ đó gây ra ít bệnh tật, mang lại lợi ích cho thân tâm. Đặc biệt, trong những ngày Tết đoàn tụ sum vầy gia đình, năng lượng an lành ấy sẽ cùng cộng hưởng để cả gia đình được sống trong bầu không khí đầm ấm, hòa hợp và thanh tịnh.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6489657
Số người trực tuyến: