Giải mã giọt Bồ đề tại Luân xa tim
Luân xa tim có thể giúp tạo dựng lại mối liên hệ giữa tâm và thân. Theo giải phẫu học bí truyền vùng Himalaya, ở chính giữa luân xa tim có một giọt Bồ đề hay còn gọi là Tâm giác ngộ. Giọt tâm này là nguồn gốc của mọi giọt Minh điểm có mặt ở khắp nơi trong thân. Bằng việc thực hành trưởng dưỡng tình yêu thương, chúng ta cân bằng lại sức khỏe thân tâm và hòa hợp với thế giới bên ngoài.
Thực hành cân bằng tâm
Bắt đầu bằng việc ngồi và trong lúc hít vào, quán tưởng hơi thở đi vào vùng tâm (không phải là bộ phận tim, mà là tâm của bạn) và tập trung sự chú ý vào đó. Trong khi giữ một viên thạch anh tại luân xa tim, hãy quán tưởng một tình cảm yêu thương, và để cho tình cảm đó tạo ra sự ấm áp an bình trong vùng ngực bạn. Điều này khiến cho não bộ thấy mọi việc đều ổn thỏa, do đó hệ thần kinh trở nên cân bằng. Hãy thư giãn trong khi hít vào và thở ra, trong khoảng 20 phút. Nếu tâm bạn vẫn không cân bằng, hãy theo dõi quá trình tái cân bằng trong lúc tiếp tục thở. Thực hành kỹ thuật này hàng ngày cho đến khi bạn có được thân thư thái trong khi tâm sáng rõ.
Nếu bạn hỏi người dân vùng núi Himalaya tâm nằm ở đâu, họ sẽ chỉ vào tim. Thậm chí họ còn thấy câu hỏi này của bạn thật kỳ lạ vì dường như câu trả lời vốn rất rõ ràng. Người phương Tây thường cho rằng tâm nằm trong bộ não. Ở phương Tây, toàn bộ hiểu biết về bản thân dưới góc độ văn hóa có liên hệ với não bộ, điều này giúp lý giải những căng thẳng con người phải trải nghiệm qua lối sống hiện đại. Trong khi đó, Phật giáo và hệ thống y học Phật giáo vùng Hymalaya chỉ cho chúng ta phương thức để quay về lối sống lành mạnh, tập trung nhiều hơn vào tâm.
Khôi phục sự bình an trong não bộ
Hạch hạnh nhân
Khoa học phương Tây đã chỉ ra mối liên hệ giữa hạch hạnh nhân trong não bộ với các trạng thái cảm xúc của con người. Hạch hạnh nhân bao gồm hai nhóm thần kinh có kích thước bằng hạt hạnh nhân, có chức năng kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Hệ thống này kiểm soát căng thẳng (stress) thông qua cơ chế phản ứng stress cấp (phản ứng “chống lại hoặc bỏ chạy”). Ngay khi nhận thức được nguy hiểm, hạch hạnh nhân chuyển sang chế độ “báo động đỏ”: nhịp tim gia tăng, miệng khô và máu rút ra khỏi hệ tiêu hóa để chuẩn bị cho các cơ bắp hoạt động. Tác động của các tế bào thần kinh (neuron) trong hạch hạnh nhân kéo theo phản ứng tức thì của cơ thể, nhanh hơn bất kỳ hành động suy nghĩ nào. Các trải nghiệm cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực, được lưu giữ trong các khớp thần kinh nơi hạch hạnh nhân sẽ tạo ra phản ứng stress cấp này. Thậm chí một kích thích rất nhỏ giống với trải nghiệm tiêu cực từng xảy ra, ví dụ như một nét mặt hay một hồi chuông điện thoại, cũng có thể tạo ra phản ứng hóa sinh đó.
Khi phản ứng này tiếp tục diễn ra lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian, nó có thể góp phần tạo nên các căn bệnh kinh niên, từ bệnh tim cho đến trầm cảm. Việc giải phóng oxytocin, còn gọi là “hormone tình yêu”, có tác dụng làm dịu hạch hạnh nhân và những phản ứng sợ hãi của hạch này.
Con người trong xã hội hiện đại có xu hướng sống trong trạng thái liên tục gặp phản hồi stress có điều kiện (những lúc kẹt xe, thời hạn chót cho công việc, sự cạnh tranh trong nhà trường, công sở…), điều này khiến tình trạng căng thẳng stress ngày càng gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng sống cộng đồng. Chính vì thế, y học hiện đại đang rất quan tâm đến các liệu pháp khơi mở hệ thần kinh đối cảm đảo ngược các triệu chứng stress của cơ thể. Các phương pháp thiền có tác dụng hiệu quả cao trong chữa trị stress vì thực hành thiền giúp thân thể chuyển từ trạng thái báo động đỏ sang trạng thái thư giãn. Việc tu tập theo các phương pháp của Đạo Phật, đặc biệt là các pháp thực hành thiền định, yoga của Kim Cương thừa, sẽ kích thích việc giải phóng oxytocin và do đó đưa tâm trở lại trạng thái thư giãn an bình.
Phật giáo và não bộ
Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa coi não bộ cũng chỉ là một cơ quan và hoạt động suy nghĩ, vốn dựa trên nền tảng tâm phân biệt nhị nguyên, là phương tiện làm gia tăng ý thức vô minh về bản ngã, tạo ra mọi khổ đau của chúng sinh. Sự vận hành của vô minh bồi đắp bởi các khái niệm nhị nguyên tích lũy qua năm tháng (môi trường nhà trường, xã hội…) sẽ làm rối loạn năng lượng khí (lung) sẵn có trong mỗi người. Bị trói buộc và chi phối bởi vô minh (tâm mê lầm), sở tri chướng (kiến thức tích lũy từ tâm phân biệt nhị nguyên) cùng các xúc tình tiêu cực (tâm ham muốn, ghen ghét, đố kỵ. v.v…), con người sẽ xa rời tự tính tâm (tính không), lìa bỏ nguồn năng lượng hợp nhất của trí tuệ bản lai và tình yêu thương vô điều kiện. Điều này khiến chúng ta trở nên mất cân bằng và càng trôi lăn theo vòng quay khổ luân hồi. Để quay về trạng thái hài hòa, khỏe mạnh và suối nguồn hạnh phúc vốn có, chúng ta cần tách rời khỏi suy nghĩ của não bộ và rèn luyện cách tương tác và kết nối với đời sống và thế giới từ tâm mình.
Quay trở về tâm
Mọi truyền thống y học ở châu Á đều gọi tim là vua (Tâm Vương). Trong y học Kim Cương thừa, kinh mạch sinh lực chạy song song với cột sống và đi qua luân xa tim. Khi kinh mạch này bị rơi vào tình trạng mất cân bằng năng lượng, khí làm tổn hại sẽ dẫn đến tâm bệnh. Các thầy thuốc Phật giáo Kim Cương thừa cũng giảng rằng những người theo đuổi quyền lực vật chất thường bị bệnh tim. Thiền và các kỹ thuật chữa bệnh khác tìm cách làm ba sinh lực Khí Trí tuệ (trung ương), Khí Tham muốn (bên phải) và Khí Sân giận (bên trái) hòa hợp với nhau. Kinh mạch ở tim có thể được an tĩnh bằng một kỹ thuật dễ áp dụng gọi là “cân bằng tâm”.
Y học thân – tâm
Người phương Tây thường tách rời tâm với thân, với hệ quả là con người trở thành những “cỗ máy hoạt động” thay vì được “làm người”, nếm trải sự “lệ thuộc” thay vì thành tựu “hợp nhất”. Qua việc tự tách rời khỏi tự tính tâm (Vũ trụ bên trong) và tự tính vạn pháp (Vũ trụ bên ngoài), không nhận biết được sự tương tác của bản thân và thế giới với năm nguyên tố cơ bản (địa, thủy, hỏa, phong và không), chúng ta đang ngày càng rời xa hạnh phúc chân thật bên trong đồng thời gây ra những nhiễm ô và tác động tiêu cực đến thế giới bên ngoài.
Nghiên cứu khoa học gần đây của Tiến sỹ Candace Pert, người đã phát hiện ra mạng lưới liên lạc trong cơ thể nằm trong hệ miễn dịch, dường như xác nhận mối liên hệ giữa thân và tâm. Tác giả mô tả một hệ thống trí nhớ toàn thân được tạo thành từ các neuropeptide (protein truyền tín hiệu cho não) và các thụ thể, với sự hỗ trợ của tâm và tuyến ức (cơ quan miễn dịch trung tâm). Những neuropeptide nói trên có mặt trong khắp cơ thể trong một hệ thống được Tiến sỹ Pert gọi là hệ thống “nội tiết miễn dịch tâm” (liên quan đến thân, tâm và tinh thần). Việc hiểu được các tư tưởng này có thể tạo ra sự thay đổi trong cách chúng ta giữ gìn sức khỏe thông qua phương pháp trưởng dưỡng tâm từ bi và tình yêu thương.
- 2443
Viết bình luận