Căn nguyên của tâm bệnh và thân bệnh
Đức Phật dạy rằng nguồn gốc của mọi bệnh tật là do niềm tin vào bản ngã tồn tại chắc thật, sự tin tưởng này được gọi là vô minh. Giáo lý Đạo Phật dạy rằng ngay khi có niềm tin vào cái “ta” này, sẽ nảy sinh “người” và do đó xuất hiện tâm “nhị nguyên”, đây là sự phóng chiếu mang tính chủ quan, một cảm giác chia tách và thiếu vắng lòng bi mẫn.
Cách liên hệ vô minh này với bản thân và thế giới khiến ba năng lượng khí, mật, đờm mất cân bằng và tạo ra bệnh tật. Các thầy thuốc truyền thống Kim Cương thừa cho rằng khi đạt đến một trình độ giác ngộ nhất định về tự tính tâm (cũng chính là tự tính vũ trụ) chúng ta có thể đảo ngược được trạng thái lệch lạc này và có được sức khỏe thể chất (thân) cũng như tinh thần (tâm) hoàn thiện.
Chúng ta là ai?
Đức Phật dạy rằng chúng ta có nhận thức sai lầm rằng “bản ngã” là một thực thể riêng biệt. Trong thực tế, chúng ta được tạo ra từ ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Cái gọi là “Tôi” như thế không phải là một cá nhân hiện hữu độc lập mà được hình thành từ những yếu tố thành phần khác nhau.
Việc mê lầm tin tưởng, chấp trước vào một “cái tôi” vốn không thực sự hiện hữu là nguyên nhân gây ra khổ đau và là nguồn gốc của mọi bệnh tật. Sự bám chấp vào bản ngã tạo ra 84.000 xúc tình phiền não. Các phiền não này có thể được cô đọng thành năm loại: tham, sân, si, ngã mạn và tật đố. Suy nghĩ vô minh này cũng tạo ra Tam độc - tham ái, sân giận và si mê khiến cho ba năng lượng khí, mật và đờm mất cân bằng. Khi các năng lượng này gia tăng quá mức theo loại độc tương ứng (tham ái tác động đến khí, sân giận tác động đến mật, và vô minh tác động đến đờm), con người sẽ gặp bệnh.
Căng thẳng và bệnh tật
Y học Kim Cương thừa cho rằng nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật là sự mất cân bằng của khí, xuất phát từ tham ái. Việc bám chấp vào dục vọng vị kỷ và không muốn chấp nhận quy luật vô thường của vũ trụ sẽ dẫn đến đau khổ. Đây là yếu tố quan trọng mà y học phương Tây thường bỏ qua khi tìm hiểu nguyên nhân của các triệu chứng căng thẳng - stress, thể hiện qua các bệnh lý khác nhau như trầm cảm, lo lắng, huyết áp cao và các vấn đề về tiêu hóa. Các “căn bệnh thời đại” này đang phát triển nhanh trong xã hội cạnh tranh, chẳng hạn như tại Mỹ có đến 80% đơn thuốc thông thường được dùng để kiểm soát các rối loạn căng thẳng.
Các thầy thuốc Kim Cương thừa cho rằng lối sống phương Tây đặt tiêu chuẩn thành công là của cải vật chất và ngoại hình (càng gầy càng tốt) đã gây rối loạn về khí. Các nghiên cứu cho thấy những tham muốn đó không đem lại sự hài lòng. Mặc dù người phương Tây có thể giàu có hơn về của cải so với cách đây 50 năm nhưng họ lại không nhận thấy bản thân hạnh phúc hơn chút nào.
Y học Kim Cương thừa có cách tiếp cận sâu sắc hơn qua việc nhìn nhận nguồn gốc của bệnh tật đều bắt nguồn từ khí và bản chất bệnh tật thuộc về tinh thần. Vì thế các thầy thuốc thường bắt đầu chữa trị bằng cách giới thiệu và giải thích cho bệnh nhân về tính không. Tính không là tự tính chân thật của thực tại và là phương thuốc tối thượng, vì tính không loại trừ căn nguyên gốc rễ của Tam độc - sự bám chấp vào một bản ngã vốn không tồn tại. Giáo lý Đạo Phật dạy rằng theo chân lý tương đối, vạn pháp hiện tướng như thật, tuy nhiên theo chân lý tuyệt đối, vạn pháp lại là tính không. Bằng cách chuyển sự bám chấp vô minh vào bản ngã thành thế giới quan cởi mở hay vô ngã (trí tuệ), chúng ta mới có thể chế ngự được bệnh tật một cách căn bản và bền lâu.
Theo Phật giáo, điều kiện sức khỏe của thân có liên hệ đến hiểu biết về bản chất như huyễn và tính không của vạn pháp.
4 yếu tố tác động đến Tâm
Bốn yếu tố tác động đến Tâm (nêu tại Pháp tu mở đầu rèn luyện tâm trong Phật giáo Kim cương thừa) được dùng làm động cơ để tìm kiếm giải thoát hoàn toàn. Các yếu tố này bao gồm:
“Đời sống quý giá
Cái chết đến bất ngờ
Không ai thoát được Nghiệp
Vị kỷ là gốc rễ của mọi khổ đau”
Chúng ta chỉ có thể đạt được giải thoát hoàn toàn thông qua việc tu học nghiêm túc về Phật Pháp. Khi biết thực tại và chân lý của những câu nói này, trong tâm bạn sẽ xuất hiện một thái độ buông xả thực sự với các pháp bên ngoài và hướng vào soi chiếu nội tâm để nhận ra tự tính tâm (hay Phật tính vắng bặt bản ngã).
- 2970
Viết bình luận