Bốn loại an lạc
21/05/2016 - 12:52
Lượt xem: 435
Bốn loại an lạc
Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng tại Koli cùng với các Tỷ kheo. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ, Thế Tôn nói với Anàthapindika:
- Có bốn loại an lạc này, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội.
Này gia chủ, thế nào là lạc sở hữu? Ở đây, tài sản thâu hoạch được do siêng năng, tích lũy được do mồ hôi đổ ra, thâu hoạch đúng pháp. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.
Thế nào là lạc thọ dụng? Này gia chủ, thiện nam tử thọ dụng những tài sản thâu hoạch đúng pháp. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.
Này gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Thiện nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, dù ít hay nhiều. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.
Thế nào là lạc không phạm tội? Này gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành, khẩu hành và ý hành không phạm tội. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.
Này gia chủ, có bốn loại an lạc này, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Trong đó, hỷ lạc sở hữu, thọ hưởng, không mắc nợ chỉ bằng 1/16 hỷ lạc không phạm tội.
(ĐTKVN (*), Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Nghiệp công đức, phần Không nợ [lược], VNCPHVN (**) ấn hành, 1998, tr.682)
Lời bàn:
Lạc thú trên đời thì rất nhiều. Có những thú vui thỏa mãn các giác quan, hướng ngoại, ồn ào và ẩn tàng tổn hại, hiểm họa nhưng có những niềm vui hướng nội nhẹ nhàng, thanh tao và bền vững. Vì thế, hạnh phúc ở đời có tính tương đối, tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người nhưng chân hạnh phúc, an lạc đích thực thì chỉ có một, duy nhất, đó là thân tâm thanh tịnh.
Theo tuệ giác Thế Tôn, nhờ làm ăn chân chính mà trở nên giàu có, thành quả lao động ấy là một niềm an vui, đáng tự hào. Bởi lẽ, người giàu thì không thiếu nhưng mấy ai được bình an trong sự giàu sang nhờ mưu mô, tranh đoạt, lọc lừa. Tài sản do công sứclàm ra, cố nhiên mình có quyền thụ hưởng, chia sẻ. Và sự thọ dụng ấy mới thực sự thanh thản, an vui vì không hề lo sợ hoặc ray rứt, ăn năn. Thêm nữa, nhờ ăn nên làm ra nên thoát được nợ nần, không còn lo lắng, bị bức bách, phiền muộn và luôn ngẩng cao đầu trong cuộc sống.
Tuy vậy, không phạm tội mới là niềm an lạc to lớn và quan trọng nhất. Tất cả tư duy, lời nói và việc làm đều trong sáng, lương thiện, lợi mình và lợi người chính là an vui đích thực. Ba nghiệp thân khẩu ý thuần thiện hay thân tâm thanh tịnh là cơ sở để thiết lập nên bình an nội tại sâu lắng, vững chắc nhất. Và đây cũng chính là niềm an lạc mà những người con Phật luôn hướng đến.
(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
____________
(*) Đại tạng kinh Việt Nam
(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
- 435
Viết bình luận