Làm thế nào để cạnh tranh mà không bao giờ tuyệt vọng?
Trong thế giới hiện đại vẫn luôn tồn tại nhiều sự cạnh tranh, xét theo nghĩa tích cực thì đây là mặt tốt vì điều đó thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên nếu sự cạnh tranh bị thúc đẩy bởi lòng tham hay ham muốn chiến thắng bất chấp mọi thứ, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng vì cho rằng mình đã bỏ quá nhiều công sức mà không được như ý nguyện.
Có một số người may mắn, họ hiểu được trong sự cạnh tranh này mình đang ở đâu, mình sẽ đi đến đâu. Song số đông còn lại đều mờ mịt, không biết mình đang ở đâu hay sẽ đi đến đâu. Đó là vì chúng ta không biết nhìn nhận cuộc sống với con mắt tỉnh thức.
Cạnh tranh thật ra không mâu thuẫn với quan kiến của đạo Phật. Cạnh tranh nên được hiểu là mọi người cùng phấn đấu để giúp ích cho nhiều người. Bởi vậy, sự cạnh tranh này là cần thiết. Trong ngắn hạn có thể mọi người cạnh tranh lẫn nhau nhưng động cơ và định hướng lâu dài vẫn luôn phải hướng đến mục tiêu mang lại điều hữu ích cho cuộc sống, cộng đồng và rộng ra là tất cả chúng sinh hữu tình. Cạnh tranh còn có nghĩa là mỗi người dốc sức đi theo con đường riêng của mình, không cần chạy theo lối mòn của người khác.
Nếu sự cạnh tranh, so sánh chỉ thúc đẩy tham muốn và đố kỵ, hãy dừng lại!
Trong thế giới cạnh tranh ngày nay, chúng ta luôn chịu áp lực phải trở thành người giỏi nhất - trong khi cách sống đúng đắn là hãy làm mọi việc theo khả năng tốt nhất của mình.
Sự cạnh tranh tích cực có thể là động lực thúc đẩy chúng ta vươn tới những tầm cao mới. Nhưng nếu trong cạnh tranh, bạn cảm thấy hơn thua, được mất và lo lắng không biết mình đang ở đâu trên bậc thang viễn tưởng của thành công, danh vọng, bạn sẽ không tận hưởng được trọn vẹn hạnh phúc hiện thời của mình. Sức ép so bì đè nặng lên đôi vai bạn. Công cuộc kiếm tìm sự hoàn hảo, cố gắng trở thành nhân vật “số Một” sẽ hủy hoại tâm hồn bạn. Hoàn hảo là mục tiêu bất khả thi và thất vọng là điều không tránh khỏi.
Thay vì hoan hỷ trước thành công hạnh phúc của người khác, bạn lại nhìn họ đầy thèm muốn và đố kỵ. Hoặc đến khi thành đạt, bạn lại tự mãn, cúi nhìn người khác bằng ánh mắt coi thường của kẻ ở trên. Bạn hãy học cách buông bỏ tất cả những phán xét, so bì ấy và chỉ tập trung sống thật với chính mình! Chỉ đơn giản là nỗ lực hết sức trong các công việc và trách nhiệm của mình. Nếu cứ mất thời gian lo lắng liệu mình có đủ tài giỏi bằng người khác hay không, bạn sẽ chẳng giúp ích được gì cho ai vì sẽ luôn ám ảnh bởi nỗi sợ thất bại.
(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Tọa đàm “Sống hạnh phúc”, tháng 03/2018)
- 266
Viết bình luận