Xem nhẹ chuyện được - mất, nội tâm mới bình an | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Xem nhẹ chuyện được - mất, nội tâm mới bình an

Không ai trong chúng ta có thể chặn đứng được dòng chảy bất tận của cuộc sống. Trong tất cả sự mong manh biến dịch của dòng đời, chỉ có cái chết là điều chắc chắn. Tại sao chúng ta không thể xả bỏ những kỳ vọng và nỗi sợ hãi, lo âu đeo đẳng đang xâm chiếm tâm trí và chi phối mọi hành động của mình để tinh thần và cuộc sống được bình an?

Trung bình mỗi ngày, Viện Sức khỏe Tâm thần khám cho khoảng hơn 300 ca mắc các chứng rối loạn tâm thần, stress. Ở nước ta, thống kê của Bộ Y tế cho thấy có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress. Đáng báo động, rất nhiều người thậm chí còn không biết mình đang mắc vào stress (nhóm bệnh về thần kinh) và không hiểu rõ trạng thái, tính chất căn bệnh tư tưởng này. Điều đó thật nguy hiểm.

Sợ hãi và lo âu: Nguyên nhân nào quan trọng?

Các nhà khoa học nói rằng sợ hãi và lo âu không giống nhau. Sợ hãi là phản ứng tức thời đối với một mối đe dọa thực sự, trong khi lo âu là cảm giác ám ảnh rất lâu sau khi mối đe dọa đã qua đi. Lo âu cũng là cảm giác xuất hiện khi chúng ta lo lắng về những điều sẽ hoặc không bao giờ xảy ra.

Vì thế, trong khi sợ hãi có thể là phản ứng hữu ích giúp chúng ta được an toàn trong hiện tại, thì lo âu dường như là vết tích của quá khứ hoặc một dự đoán hay kỳ vọng về tương lai. Lo lắng khiến tâm ta luôn cảnh giác sẵn sàng, nhưng cũng vì thế mà không thoải mái. Lo lắng thường là trở ngại trong đời sống.

Đáng tiếc là khi sợ hãi và lo âu, chúng ta có cảm giác tương tự như nhau - đó là lý do vì sao lo âu lại khó chịu đến thế. Nó làm căng nhức tất cả các giác quan trong khi chúng ta chỉ đang ngồi tại bàn làm việc hoặc nằm trên giường trong màn đêm yên tĩnh. Lo âu khiến chúng ta đau tức ngực và tâm bắt đầu nhiễu loạn, khả năng phóng đại trong tâm dường như là vô hạn.

Chống trả hay tháo chạy khỏi căng thẳng?

Tâm chúng ta có những cơ chế đặc biệt điều khiển thân thể, chuẩn bị đương đầu hay lảng tránh trong những trường hợp căng thẳng. Từ hàng ngàn năm trước, cơ chế này đã vô cùng hữu hiệu khi con người phải ra quyết định về việc chống lại hay tháo chạy khi đối diện các loài thú dữ như gấu và hổ.

Trong một tình huống căng thẳng như thế, một lượng Adrenalin* (tên gọi một loại hormon) sẽ chảy khắp cơ thể, và các suy nghĩ cẩn trọng được thay thế bằng năng lực phản ứng tức thời, đưa ra quyết định tấn công hay phòng vệ.

Quá trình này xảy ra tương đối nhanh chóng, trong vòng 2 đến 3 phút của sự kiện căng thẳng đang gặp phải. Khi tình trạng căng thẳng kết thúc, xung thần kinh đến tuyến thượng thận bị hạ xuống, có nghĩa là tuyến thượng thận ngừng sản xuất adrenaline. 

Trong thế giới ngày nay, bạn sẽ vẫn trải nghiệm phản ứng chống lại hay tháo chạy, nhưng các tình huống xảy ra thường đem đến những căng thẳng về tinh thần hơn là về thể chất.

Vì vậy, nếu bị căng thẳng – chẳng hạn như trong một cuộc họp với áp lực cao, hoặc tiếng la hét của con nhỏ trong siêu thị, đi tới bệnh viện hoặc tới nơi làm việc – bạn sẽ nhận một liều adrenalin mà tổ tiên loài người đã nhận khi đối mặt với một con hổ, và giống họ, bạn cảm thấy có nhu cầu mạnh mẽ phải chống lại (nếu không phải dùng chân tay thì cũng là dùng lời nói) hoặc trốn chạy khỏi tình huống đó (đóng sập cửa sau lưng).

Đó là những loại tình huống mà tâm ta phải gánh chịu căng thẳng rất lớn, thậm chí đối với nhưng người điềm tĩnh nhất. Đối với nhiều người, cơn giận dữ hay thất vọng sẽ thường tăng lên rất nhanh và khó kiểm soát. Bạn bỗng nhiên cảm thấy thật căng thẳng hay buồn tức. Bạn thực sự tức giận, vì lúc này các suy nghĩ dựa trên lý trí đã hoàn toàn bay biến.

Hai mặt tích cực – tiêu cực của lo âu

Nhưng bản chất của cặp bài trùng căng thẳng và lo âu vốn không phải là xấu. Chúng đến từ khu vực tình cảm và vô thức trong não bộ của chúng ta, và thông thường trạng thái hơi căng thẳng còn giúp chúng ta có động cơ tiến bước, giúp ta kết nối với tình cảm thay vì luôn hành xử duy lý trí.

Chúng ta thấy mình có khả năng bắt kịp những thời hạn công việc dường như bất khả thi và có nguồn năng lượng gia tăng những khi ta thực sự cần đến. Nếu có chút tự tin, chúng ta thường tìm được mục đích ý nghĩa cũng như cảm hứng ngay trong những lo âu này.

Tuy nhiên, chính lúc những xúc tình này thắng thế và áp đảo là lúc tâm chúng ta trở nên bất an, khó chịu, chúng ta mất cảm giác về sự cân bằng tự nhiên, thay vào đó là cảm giác mệt mỏi rã rời hoặc tê liệt. Dòng tư tưởng của chúng ta bị lạc nhịp, ta cảm thấy khó chịu, tâm tư loạn động và không thể hoàn thành việc gì. Sau đó chúng ta bắt đầu mất lòng tin vào bản thân, đòi hỏi nhiều hơn ở người khác khi cảm thấy không còn làm chủ được chính mình.

 Những chuyên gia về tâm lý khuyên bạn nên tìm ra những yếu tố cơ bản như sau:

  • Cảm giác liên tục bị áp đảo
  • Thường xuyên phản ứng tiêu cực với tình huống bất lợi
  • Phản ứng thái quá với những nhân tố gây căng thẳng

Khi cảm thấy rất căng thẳng, chúng ta cảm thấy tâm mình đang chống lại chính mình. Chúng ta phản ứng thái quá trước các tình huống mà thông thường ta vẫn có thể giải quyết êm xuôi. Ta khó nhìn nhận mọi việc một cách rõ ràng hoặc đưa ra quyết định sáng suốt . Cảm xúc sợ hãi lo âu xâm chiếm, tạo nỗi bực bội ngấm ngầm ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta không thấy được mặt tích cực của tất cả mọi việc, và vì thế không thể tìm ra lối thoát cho các vấn đề của mình…

LỜI KHUYÊN:

Muốn sống tốt cả đời này, chúng ta cần dựa vào tâm tính của bản thân. Không cần phải đạt thành tựu lớn, phải kiếm túi tiền to, sự cân bằng từ nội tại bên trong sẽ giúp cuộc sống trở nên đơn giản và dễ dàng hơn nhiều.

Có người nói rằng: "Chúng ta không có thời gian để đọc sách, nhưng lại có rất nhiều thời gian để nghĩ quá mọi chuyện." Không có biện pháp điều tiết, không có phương hướng thích hợp, cùng với nền tảng trí thức và bản lĩnh năng lực, ta rất khó có thể hiểu thấu và biết tận những đạo lý quan trọng trong cuộc đời. Vậy là càng nghĩ, chúng ta càng chìm trong những cảm xúc tiêu cực, đánh mất tự tin và tiềm năng tỏa sáng của bản thân.

Cần phải biết rằng, cuộc đời là một cây cầu thang vô tận. Cho dù chúng ta đứng tại bậc nào, phía dưới cũng luôn có người nhìn lên, cũng như phía trên luôn có người nhìn xuống. Ngẩng đầu, chúng ta có thể tự ti, cúi đầu, chúng ta có thể tự đắc, vậy chỉ có nhìn thẳng, luôn luôn tập trung vào mục tiêu trước mắt, chúng ta mới có thể thấy được bản thân thực sự của mình.

Nhất là khi đã bước vào tuổi 40, chúng ta đã nếm trải được rất nhiều điều, cay đắng hay ngọt bùi đều đã hưởng qua, nên xây dựng cho mình một tâm thái vững vàng, không so đo và tính toán. Được mất trên đời càng xem nhẹ, nội tâm yên bình càng lâu dài.

(Mai An biên soạn)

Chú thích:

*Adrenalin là một hormon có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6409070
Số người trực tuyến: