Bỗng dưng bị hứng ‘gạch đá’ trên mạng xã hội, bạn ứng xử ra sao?
Tâm trạng của bạn sẽ ra sao khi ở trong bão dư luận, bị “gạch đá” từ mạng xã hội lên án? Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất căng thẳng vì bản thân bị chỉ trích và cô lập. Tiêu cực hơn, bạn còn cảm nhận cuộc sống rất tệ, không có ai cần tới hay yêu thương mình, mặc cảm mình không xứng đáng để được yêu thương…
Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm. Có một sự thật là những căng thẳng, lo âu và hoảng loạn mà nỗi lo sợ gây nên cho bạn thậm chí còn lớn hơn chính những nguyên nhân thực tế khiến bạn thấy lo sợ.
Chúng là những kẻ “đeo bám” dai dẳng, ngấm ngầm ăn mòn sự dũng cảm và che đậy đi tài năng trong bạn. Hãy đối diện với chính nỗi sợ của mình và áp dụng những lời khuyên dưới đây, chúng sẽ giúp bạn có thêm động lực để vượt qua và khắc phục những sợ hãi của bản thân.
Dù nỗi sợ hãi có lớn thế nào, thì nó cũng sẽ phải chấm dứt
Đây là điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ. Không có nỗi sợ hãi nào là “mãi mãi” hay “cả đời” cho dù nó có khủng khiếp và dai dẳng đến thế nào.
Bạn phải tin vì đấy là sự thật: mọi nỗi sợ đều sẽ phải chấm dứt. Nghĩa là đừng bao giờ từ bỏ hy vọng chống chọi lại nó chỉ vì nghĩ rằng nó sẽ đi theo bạn cả đời. Chỉ có bạn mới có quyền cho phép nỗi sợ hãi đi theo hay dừng lại.
Sự thật là nỗi lo âu không bao giờ ngự trị mãi, bởi đơn giản là cơ thể bạn không cho phép điều đó. Bản thân nỗi hoang mang thường không tồn tại lâu, đó là phản ứng lại khi chúng ta có khuynh hướng muốn chần chừ. Hãy tự nhắc nhở bản thân mình đang muốn làm gì, và muốn từ bỏ điều gì. Tại sao?
Bởi vì bạn đang phải “giao tiếp” với nỗi hoang mang ấy, vì bạn vẫn có thể có được một số thứ từ những vấn đề hoang mang ấy, đồng thời vượt qua chúng. Điều bạn cần làm là nhận ra giới hạn của những nỗi lo âu, và tiếp tục bước đi. Bởi chỉ khi bạn chấp nhận sự tồn tại của nỗi sợ, thì bạn mới cảm thấy nó to lớn, bao trùm bạn (nhưng sự thật thì không, chúng chỉ tạo cho bạn cảm giác như thế). Vậy hãy xem giới hạn của chúng là bao nhiêu, và tận dụng năng lực của cơ thể bạn để có thể vượt qua.
Bạn càng hiểu biết nhiều, bạn càng ít lo sợ
Không ai dễ chịu khi bị cho rằng mình thiếu hiểu biết, nhưng cũng phải thừa nhận rằng không một ai có khả năng biết tất cả mọi điều. Nhưng ít ra, bạn phải biết về những gì bạn làm hoặc sẽ làm. Khi bị giới hạn thông tin, sự hoài nghi sẽ thống trị bạn, bạn trở nên căng thẳng và bất an về hệ quả của những hành động mà bạn thực hiện bởi bạn không chắc chúng sẽ dẫn đến đâu. Sự thiếu hiểu biết cũng khiến bạn sợ thay đổi, sợ những điều mình chưa biết, và sợ phải thử những điều mới hoặc khác biệt.
Ngược lại, việc thu thập nhiều thông tin hơn và tốt hơn về một chủ đề cụ thể giúp nâng cao sự dũng cảm và tự tin của bạn trong lĩnh vực đó. Bạn có thể thấy điều này tại những thời điểm trong cuộc sống khi mà bạn không có bất cứ nỗi sợ nào vì bạn biết bạn đang làm điều gì. Bạn cảm thấy mình có đủ trình độ, khả năng và hoàn toàn có thể xử lý với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống.
Hãy phân tích nỗi sợ của bạn và xác định những lo lắng đó là gì
Hãy tập đối thoại với chính bạn, thô lỗ hay nhẹ nhàng đều được, miễn là bạn thấy thoải mái nhất và miễn là bạn thể hiện được rằng bạn có khả năng giao tiếp thay vì nhượng bộ nỗi sợ. Sự thật là bạn càng nói nhiều với chúng, bạn càng thấy chúng sáo rỗng.
Câu hỏi đầu tiên, bạn cần hỏi vì sao những lo lắng ấy đến với mình, nếu được hay viết ra giấy và suy ngẫm thật kỹ, phân tích mọi gốc rễ của nỗi lo lắng ấy. Chỉ khi tìm được điều này bạn mới dễ dàng vượt qua được nó.
Một khi bạn đã xác định được những yếu tố chính khiến cho bạn e dè, lo sợ, bước tiếp theo chính là xác định và phân tích những nỗi lo lắng, sợ hãi cá nhân một cách khách quan. Tại phần đầu của trang giấy trắng, hãy đặt bút và viết “Tôi sợ điều gì?”.
Hãy nhớ rằng, tất cả mọi người thông minh đều sợ một điều gì đó. Điều đó là hoàn toàn bình thường và tự nhiên khi bạn lo lắng về sự an toàn về thể chất, cảm xúc cũng như tài chính của bạn và đồng thời của những người bạn quan tâm, lo lắng.
Một người dũng cảm không phải một người không hề biết sợ. Như Mark Twain đã nói, “Lòng dũng cảm là sự chống lại nỗi sợ hãi, là sự làm chủ nỗi sợ đó - không phải sự vắng mặt của nỗi sợ”.
Một điều quan trọng trong ứng xử, đó là: “Cách hay nhất đối với bóng tối là ánh sáng. Cách hay nhất đối với xấu là tốt”.
(Mai An biên soạn)
- 212
Viết bình luận