Thương người bệnh khổ
21/05/2016 - 16:20
Lượt xem: 142
Thương người bệnh khổ
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, dạy các Tỷ kheo:
- Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, một người săn sóc bệnh không đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?
Không có năng lực pha thuốc; không biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng, đưa cái gì không thích đáng, không đưa cái gì thích đáng; vì muốn lợi ích vật chất, săn sóc người bệnh, không phải vì lòng từ; cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra hay đờm; không có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?
Có năng lực pha thuốc; biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng, đưa cái gì thích đáng, không đưa cái gì không thích đáng; vì lòng từ săn sóc người bệnh, không vì lợi ích vật chất; không cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra hay đờm; có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Săn sóc bệnh [2], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.542)
Lời bàn:
Bệnh khổ là lẽ thường nhiên, có thân ắt có bệnh. Ai cũng từng nếm trải bệnh khổ, chỉ khác là nhiều hay ít, bệnh này hay bệnh khác mà thôi. Khi lâm bệnh, người bệnh rất cần được chăm sóc và điều trị. Những người có gia đình, khi ốm đau thường được vợ, chồng hoặc con cái chăm sóc. Còn những người sống độc thân hoặc xuất gia, khi đau ốm phải nhờ huynh đệ, bạn bè hay tín đồ giúp đỡ, đôi khi phải tự mình chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo trong thiếu thốn mọi bề.
Theo tuệ giác Thế Tôn, những ai phát tâm săn sóc bệnh nhân vì lòng thương được phước báo vô lượng. Muốn săn sóc người bệnh được chu toàn, cần phải hội đủ các yếu tố căn bản như biết pha chế thuốc, biết kiêng cữ, săn sóc người bệnh với lòng từ, không ngại dơ bẩn, và nhất là biết nói lên những đạo lý chân thật giúp người bệnh hoan hỷ, an tâm điều dưỡng và trị liệu.
Bệnh thì khổ, thân khổ vì đau đớn, tâm khổ vì lo lắng về tình trạng bệnh tật, kinh phí điều trị đồng thời buồn tủi thêm khi không người săn sóc, an ủi, vỗ về. Sau mỗi cơn bạo bệnh, người ta thường rút ra nhiều bài học về sức khỏe cũng như thế thái nhân tình. Vì thế, chúng ta cần rèn luyện các kỹ năng săn sóc bệnh nhân theo lời dạy của Thế Tôn, để giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, những người thân và mọi người vượt qua bệnh khổ.
(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
____________
(*) Đại tạng kinh Việt Nam
(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
- 142
Viết bình luận