Đánh thức năng lực giác ngộ tự thân
Người tu học không nhìn vào chỗ thiếu sót của người khác, mà chỉ nhìn vào chỗ thiếu sót của bản thân. Đây là năng lực giác ngộ cá nhân vô cùng quan trọng.
Ai có thể tìm ra được càng nhiều thiếu sót của bản thân thì năng lực giác ngộ của người đó càng mạnh. Người nào cứ mãi tìm kiếm khuyết điểm của người khác thì si mê của người đó càng sâu.
Vào thời thượng cổ, người người đều tu học, người người đều tu tâm, con người thời đó hầu như đều có thể sống đến hơn trăm tuổi. Về điều này, trong “Hoàng Đế Nội Kinh” đều có ghi chép rõ ràng. Hiện tại, một đời này của chúng ta, phần nhiều đều sống không được thoải mái lắm.
Rất nhiều người hàng ngày đều đang bới tìm khuyết điểm của người khác, hễ gặp chuyện thì cứ luôn oán trách người khác, trước nay không chịu nhìn lại bản thân mình. Ngày ngày luôn nghĩ đến việc tranh đấu tính kế người khác, họ không biết rằng người thích tranh tới tranh lui cuối cùng đều chỉ là công dã tràng.
Tâm tình của người ta có thể làm lợi muôn vật, thay đổi vạn vật. Tâm trạng của người ta có thể nuôi dưỡng sinh mệnh của chính mình. Tâm trạng người ta rối bời rồi thì thân thể của người đó sẽ mắc bệnh. Thân thể của chúng ta là đồng hồ đo của linh hồn.
Các biện pháp hỗ trợ việc học cách nhận thức bản thân
1. Hít thở
Tỉnh thức về thân và hơi thở là bước đầu tiên giúp trưởng dưỡng tỉnh thức về trạng thái xúc tình và phản ứng của bạn trong đời sống. Nếu lúc này cơ thể của bạn đang căng thẳng thì chắc chắn tâm bạn cũng sẽ sớm rơi vào tình trạng bất an. Hãy cố gắng tập trung vào hơi thở tập trung hít vào thở ra để cho tâm bạn có cơ hội nghỉ ngơi.
Việc điều hòa hơi thở giúp bạn xử lý tình huống với tâm tỉnh giá, bén nhậy và kiên nhẫn hơn. Bài thực hành Thiền định quán niệm Hơi thở sẽ giúp tâm kết nối với thân, giúp tâm bạn an lạc và rộng mở vô hạn. Nó cho bạn cơ hội suy nghĩ trước khi phát ngôn, kiểm tra trước khi hành động. Bạn cũng có thể sử dụng bài thực hành này trước một công việc khiến mình lo âu như gọi một cuộc điện thoại quan trọng, đi khám bệnh, hay lên một chuyến tàu đông đúc.
2. Hãy lựa lời một cách khôn ngoan
Một lời đem lại bình an còn hơn hàng ngàn lời sáo rỗng
~ Đức Phật ~
Nói lên những điều sâu thẳm trong tim giúp tâm bạn được bình an. Những lời bạn lựa chọn sẽ thể hiện thế giới quan của bản thân, những ai nghe lời này cũng sẽ hiểu được cách bạn nhìn nhận thế giới và nhìn nhận họ.
Lời nói cho chúng ta cơ hội kết nối, bày tỏ tình thương yêu, chia sẻ suy nghĩ, sáng tạo. Nhưng lời nói cũng có thể gây tổn thương, chỉ trích hay đổ lỗi, ức hiếp hay tầm phào hoặc gia tăng nỗi khổ đau phiền não.
Thường việc chỉ trích mạnh mẽ một ai đó nghĩa là ta đang phóng chiếu sự chỉ trích đến từ nội tâm mình. Đó cũng có thể là phần “Tôi-là-nhất” của bản ngã đang trỗi dậy… Khi tỉnh giác trong từng lời nói, bạn sẽ thấy sự khác biệt của tất cả mối quan hệ và từng khoảnh khắc trong ngày.
3. Món quà của Im lặng
Nếu có thể giữ yên lặng dù chỉ một giờ mỗi ngày, chúng ta sẽ thực sự bắt đầu trưởng dưỡng năng lực nội chứng. Chúng ta thường lãng phí thời gian nói chuyện tầm phào, bàn luận về người khác và việc này cũng làm lãng phí nhiều năng lượng. Vì vậy, thay vì luôn nói chuyện, luôn hướng ra bên ngoài, hãy tận dụng cơ hội yên lặng này để quay lại quan sát bên trong mình. Đừng ngại sự yên lặng; đừng ngại phải ngồi trong tĩnh lặng. Chính trong những giây phút đó, phần nội tâm bên trong của bạn rộng mở và phát triển, và vì thế cuộc sống bên ngoài cũng sẽ tự nhiên cải thiện mà bạn không cần phải lo lắng gì nhiều.
Việc thi thoảng tránh xa tất cả kích thích vọng tưởng, những thông tin từ bên ngoài và những việc gây xao nhãng trong cuộc sống có thể giúp bạn học cách xả bỏ bám chấp vào nhiều thứ. Đại chúng đến dự những khóa chuyên tu do chúng tôi tổ chức thường được yêu cầu ăn mặc giản dị. Họ chỉ cần mang theo áo ấm và dùng một xô nước cho mọi nhu cầu tắm rửa vệ sinh. Mọi người không đi xe hơi và chúng tôi cũng yêu cầu họ tắt hết điện thoại di động. Một số người cảm thấy nhẹ nhõm ngay lập tức, trong khi những người khác phải mất chút ít thời gian để quen với việc ‘tắt máy’ này. Nhưng khi những cạm bẫy của cuộc sống hiện đại không còn làm chúng ta xao lãng, điều thú vị là mọi người sẽ bắt đầu nhận ra sự hiển lộ của tự tính tâm dưới lớp vỏ bọc của bản ngã loạn động.
Nếu thực hành tịnh khẩu, bạn sẽ thấy mình bớt nói ra những lời sân giận phiền não. Bạn sẽ không trở thành kẻ ba phải mà chỉ đơn giản nhận ra mình chín chắn điềm tĩnh hơn. Bạn cân nhắc những phát biểu của mình và từ đó ít khi phải ân hận vì các vấn đề liên quan đến khẩu nghiệp.
4. Đọc, Quan sát, Lắng nghe
Khi quá bận rộn, chúng ta sẽ quên bẵng đi và không thực sự để tâm cho những thú vui thanh tao như đọc sách, nghe nhạc hay tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ cần tìm thời gian đọc vài trang sách hay, bạn sẽ thấy tâm mình thư thái hơn. Tâm chúng ta rộng mở khi không phải nghĩ hay nhìn mọi thứ bằng quan điểm của mình mà qua lăng kính tươi mới của một nhà văn hay người họa sĩ. Chúng ta cũng nhận ra lợi ích của việc lắng nghe, cho dù đó là âm nhạc, tiếng chim hót trong vườn hay những tâm sự chia sẻ của người thân quanh mình.
(Phổ Hiền tổng hợp)
- 519
Viết bình luận