Làm sao để dung hòa được ham muốn - động lực phát triển của xã hội? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Làm sao để dung hòa được ham muốn - động lực phát triển của xã hội?

Nếu nói theo cách nhìn của đạo Phật, Đức Phật đã dạy biết đủ thường vui. Biết đủ có thể bị hiểu nhầm với sự tự mãn nhưng đó là hai điều hoàn toàn khác biệt. Biết đủ không có nghĩa là cứ ngồi một chỗ mà nhủ thầm: “Tuyệt thật, giờ thì ta có thể gác chân thư giãn vì ta đang rất thỏa mãn với cuộc sống!”. Sự hài lòng đến từ niềm tinh tấn hỷ lạc. Chúng ta hài lòng vì chúng ta biết rằng ngày hôm nay mình đã cố gắng hết sức, chúng ta thích nghi với đổi thay, thực sự tri ân cuộc sống và tình yêu chúng ta có với cuộc sống này.

Hạnh phúc chính là sự bằng lòng. Với một số người, điều này nghe có vẻ kỳ quặc vì dường như nó chẳng liên quan đến sự hưởng thụ hay thậm chí cả những niềm vui thông thường. Nhưng khi bạn hài lòng với điều gì đó, chẳng hạn như một công việc vừa hoàn tất hay món ăn mình vừa thưởng thức, như thế có nghĩa là bạn đang hạnh phúc. Đây không phải sự thỏa mãn có được khi ta đạt được mục đích hay hoàn tất một điều kiện nào đó. Nó đơn giản là mối quan hệ tương tác giữa bạn và cuộc sống. Chỉ cần thấy mình đã nỗ lực tối đa với động cơ tốt đẹp, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận những việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Như thế, bạn đang nắm giữ chìa khóa hạnh phúc trong tay mình.

Một số người quan niệm thước đo hạnh phúc là thành công bên ngoài. Tất nhiên, làm tốt một việc gì đó có thể khiến chúng ta vui sướng. Nhưng tôi tin hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta biết đủ. Nếu không thì dù có thành công tới đâu, chúng ta vẫn sẽ buông bỏ “hạnh phúc” có được để theo đuổi mục tiêu cao hơn. Chúng ta sẽ chẳng cho mình cơ hội tận hưởng tri ân những gì đang có mà cứ lao về tương lai khó nắm bắt.

Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ về sự trải nghiệm của chính bản thân mình. Từ nhỏ tôi luôn biết đủ, luôn cảm thấy mình bình an, hạnh phúc và có tất cả mọi thứ trên thế giới này. Mặc dù thực tế là tôi không có tất cả. Nhưng tôi biết trân trọng những gì mình có. Chính sự trân trọng đó là nguồn cảm hứng cho tôi làm việc nhiều hơn quên cả mệt mỏi để phát triển cuộc sống. Đúng là đôi khi thân thể vật lý có mỏi mệt nhưng tôi luôn được khích lệ, truyền cảm từ động cơ tri ân, trân trọng. Không có ai đó bảo tôi phải làm vì nếu vậy tôi sẽ ko nghe mà chính động cơ trân trọng, hài lòng với cuộc sống giúp tôi làm tất cả những điều lợi ích nhất cho mọi người và cộng đồng.

Nếu bạn đang có cuộc sống gia đình hạnh phúc, đầm ấm, bạn cần biết nâng đỡ, trưởng dưỡng tình yêu thương cho vợ chồng con cái mình. Khi mối quan hệ đó phát triển tốt đẹp, bạn mới có động cơ xây dựng gia đình, phát triển tài chính, mua nhà, sắm sửa của cải vật chất…Nhưng  động cơ đó cần luôn dựa trên sự tri ân, trân trọng.

Biết đủ khác với tham muốn, bởi tham muốn là chúng ta muốn những gì ngoài khả năng của mình. Đối với tôi, trân trọng những gì mình đang có và biết đủ là một trong những động cơ mang lại hạnh phúc trong cuộc sống.

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Tọa đàm “Sống hạnh phúc”, tháng 03/2018)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696316
Số người trực tuyến: