Sống như "người ta" bảo
25/07/2016 - 00:50
Lượt xem: 504
Sống như "người ta" bảo
Phát triển khả năng linh hoạt, mềm dẻo đem lại cho tâm ta nhiều tự do. Bạn có thể phản biện, tìm hiểu hay khám phá người khác, tuy nhiên thay vì soi mói, phán xét, chúng ta nên chú tâm hoàn thiện bản thân và nên để người khác được là chính họ.
Những câu hỏi thường gặp
“Hôm nay con đi học có được phiếu bé ngoan không?”
Thời còn học mẫu giáo, chắc ai cũng đã từng nghe cha mẹ, hay mọi người xung quanh hỏi câu đó vào mỗi ngày cuối tuần. Tuy chẳng để ý phiếu bé ngoan trông như thế nào, bạn hẳn rất hãnh diện mỗi khi có thể trả lời “Có ạ!”. Nếu không được nhận phiếu bé ngoan chắc chắn bạn sẽ rất buồn.
“Năm nay có được học sinh giỏi không?”
Cả xã hội đều cho rằng phải là học sinh giỏi mới là tốt, mới không tốn tiền bố mẹ cho ăn học, sau này mới tìm được việc tốt, và có tương lai sáng lạn. Mong muốn con cái học hành giỏi giang là nguyện vọng của tất cả các bậc làm cha làm mẹ. Nhưng nếu người lớn chỉ vì một chút sĩ diện với bạn bè đồng nghiệp, với họ hàng làng xóm, họ đã vô tình khiến con mình mắc “bệnh thành tích” quá sớm. Đôi khi chỉ vì làm vừa lòng cha mẹ, bạn có thể phải tìm mọi cách để có được điểm tốt, cho dù điểm số ấy không phản ánh đúng năng lực học tập của bạn.
Giấy khen là chuẩn mực giáo dục
“Năm nay thi trường nào? Cố gắng mà đỗ đại học nhé!”
Câu hỏi này đồng nghĩa với việc người khác chỉ sẵn cho bạn con đường tiếp theo để đi. Thậm chí bạn chẳng buồn nghĩ, hay cũng chẳng có nhu cầu phải suy nghĩ rằng ngoài việc thi đại học còn có lựa chọn nào khác hay không. Cho dù có rất nhiều lựa chọn khác nhưng vì người ta đã bảo thi đại học mới là con đường duy nhất, là con đường tốt nhất, bao nhiêu người đã đi con đường như vậy, nên tốt nhất là bạn cứ đi theo. Nhiều người còn chưa kịp nghĩ mình muốn học ngành gì, tại sao mình lại chọn trường đấy cũng chỉ vì người ta bảo ngành nào, trường nào “đắt giá” thì họ nộp hồ sơ vào đấy.
Cha mẹ nhọc nhằn đưa con đi thi đại học
“Đã có người yêu chưa?”
Chừng nào bạn chưa có người yêu, chừng đó người ta sẽ liên tục nhắc nhở: “Sắp hết Đại học rồi đấy, sao chưa có người yêu? Sao mà khó tính thế!”. Rồi một ngày, thật may mắn bạn đã có người yêu thì người ta sẽ chuyển sang quan tâm đến chuyện khác:
“Thế bao giờ thì cưới?”
Ai cũng mong hai bạn sẽ đến được với nhau, yêu là phải cưới. Nếu yêu mà không cưới thì không có tương lai, tốt nhất là hai bạn nên bỏ nhau. Nếu yêu lâu quá không đi đến đâu thì bạn cũng nên chia tay rồi tìm người khác phù hợp để cưới hỏi.
Nhiều người rất tốt bụng còn giúp mai mối cho bạn. Họ bảo: “Bạn bè cưới hết rồi kìa, không sốt ruột à?”, “Thôi ổn định đi, an cư mới lạc nghiệp được”, đối với nữ giới thì người ta lại càng lo lắng: “Đàn ông từng này tuổi chưa lập gia đình, rong chơi còn được, mình là thân con gái có xuân thì, không lập gia đình sớm rồi không kiếm được ai đâu”.
Cha khóc ngày con gái lấy chồng
Sau việc lập gia đình, mọi người sẽ tiếp tục đồng hành và nhắc nhở bạn lúc nào nên có con, lúc nào nên bắt đầu cho con đi học, nên cho con học trường gì. Nếu hai vợ chồng có không hạnh phúc mà muốn chia tay, người ta sẽ có mặt ngay để khuyên hai bạn cố ở với nhau để con cái có bố có mẹ.
Và rồi khi con cái bạn vào mẫu giáo, đến lượt con cái bạn sẽ được hỏi: “Hôm nay con đi học có được phiếu bé ngoan không?”
Đừng phán xét, hãy chú tâm vào việc của mình
Đa số chúng ta đều thích lăng xăng, tọc mạch vào chuyện người khác và khiến họ khó chịu. Điều đó khiến cuộc sống thiếu vắng sự hòa hợp và nghiêm trọng hơn là dẫn đến tranh cãi xung đột, hoặc những thái độ ứng xử tiêu cực. Chính vì thế, chúng ta cần có kỷ luật hay tự chủ ở một mức độ nhất định vì sự an ổn của mỗi cá nhân và sự hòa hợp cộng đồng.
Trong chừng mực nào đó, có thể vì quan tâm tới người khác mà ta cứ quẩn quanh và săm soi quá mức. Chỉ vì quan tâm lo lắng mà chúng ta bảo họ phải làm và không nên làm gì, ngay cả khi đó không phải là trách nhiệm của mình. Chúng ta phải luôn tỉnh táo để không rơi vào cái bẫy này.
Tập trung vào công việc của mình cũng không có nghĩa là thờ ơ, dửng dung với cuộc sống. Thay vì phán xét và bình phẩm người khác, chúng ta nên chú tâm vào việc mình làm nhưng cũng giang rộng vòng tay bất cứ khi nào ai cần giúp đỡ. Điều này giống như chúng ta chăm sóc con cái. Chúng ta canh chừng khi con trẻ lẫm chẫm tập đi, để chúng tự phát huy tối đa tiềm năng của mình nhưng vẫn luôn có mặt để trợ giúp kịp thời khi chúng bị té ngã.
Học cách được là chính mình
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có xu hướng sao chép bắt chước người khác từ lời ăn tiếng nói đến cách tư duy suy nghĩ, tạo ra những “chuẩn mực” rồi bắt đầu so sánh ta – người. Thỉnh thoảng, ta thấy hơn người khác nhưng cũng có lúc ta thấy kém họ. Những so sánh ta – người này ăn sâu vào tiềm thức đến mức chúng ta tạo ra những thước đo tự nhiên. Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường định nghĩa hạnh phúc, thành công bằng thước đo đơn điệu của ham muốn, sự hưởng thụ, danh vọng, vẻ đẹp bên ngoài và những tiện nghi vật chất. Tuy nhiên, những suy nghĩ như vậy sẽ chỉ khiến bạn trải nghiệm thêm nhiều bế tắc vì phiền não.
Nếu không sao chép nhau, chúng ta có thể bắt đầu phán xét, đánh giá người này tốt hay xấu, làm như vậy là đúng hay sai. Có thể có người nào đó làm điều gì đó tồi tệ nhưng làm sao bạn có thể biết anh ấy thật sự là người xấu.
Việc bạn muốn ăn mặc đẹp, trông bảnh bao cũng tốt thôi, tuy nhiên bạn không nên so sánh hay cạnh tranh với ai. Hãy là chính mình! Cứ an vui, cho dù người ta đẹp hơn, điểm tốt hơn, có gia đình hạnh phúc hơn hay có tồi tệ hơn bạn đi chăng nữa. Hãy tự tin gặp gỡ mọi người, dù là hội họp hay tiệc tùng, và trở về với tâm hoan hỷ vì giá trị cuộc sống ở bên trong tâm hồn bạn, nơi không có chỗ cho sự phán xét hay tỵ hiềm. Hãy chia sẻ với nhau những cảm xúc tích cực và chân thật. Cuộc sống sẽ chất lượng, hiệu quả hơn bao nhiêu nếu bạn biết thực sự buông xả, thư thái, thay vì luôn giằng xé bởi những băn khoăn nghi ngại không lối ra!
(Nhóm Đại Bảo Tháp sưu tầm và biên soạn
Nguồn: "Giác ngộ mỗi ngày"
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
- 504
Viết bình luận