Mẹ Thiên nhiên đã dạy chúng ta bài học gì? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Mẹ Thiên nhiên đã dạy chúng ta bài học gì?

Thiên nhiên luôn hào phóng và ưu đãi chúng ta. Chúng ta sống dựa vào thiên nhiên, hay nói đúng hơn, chúng ta là một phần không thể tách rời của tự nhiên. Từ thuở khai sinh nền văn minh nhân loại, chúng ta luôn sống hoàn toàn nhờ vào tự nhiên. Chính Mẹ Thiên Nhiên nuôi nấng và duy trì sự sinh tồn của chúng ta, giúp đem lại cho ta cuộc sống đủ đầy. “Chúng ta chính là Tự Nhiên!”.

Tuy nhiên, bản ngã luôn bảo ta rằng “Ta là chủ nhân của Thiên nhiên. Ta ưu việt hơn Tự nhiên, có thể sai khiến Tự nhiên, sai khiến tất cả. Ta là nhân vật trung tâm và đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Ta có toàn quyền huy động và sử dụng tất cả mọi nguồn lực tài nguyên thiên nhiên”. Vì cuộc sống của chúng ta được định hướng và phát triển một cách vị kỷ xoay quanh cái tôi cá nhân, cho nên mỗi ngày, thậm chí từng giây phút, chúng ta phải đương đầu với vô số thảm họa, bệnh tật. Đây là Nghiệp quả của chính chúng ta, nói cách khác, đó là kết quả các hành động tạo tác của chúng ta trong quá khứ. Nếu nói theo cách tiêu cực, chính chúng ta chiêu vời những nghiệp quả bất thiện này.

Chính chúng ta đã lạm dụng và làm tổn hại sâu sắc tới Tự Nhiên, khiến Tự Nhiên lâm trọng bệnh (biểu hiện ra bên ngoài là sự mất cân bằng của các đại Địa, Thủy, Hỏa, Phong). Điều này cũng giống như khi không giữ gìn sức khỏe, chúng ta để cơ thể bị ốm, bị cảm lạnh, khi đó cơ thể sẽ không thể điều tiết hài hòa và sẽ não hại chúng ta, khiến ta vô cùng mệt mỏi, thậm chí đau đớn.

CHÂN LÝ CỦA SỰ SỐNG LÀ SỐNG HÀI HÒA VỚI THIÊN NHIÊN

Xưa kia Đức Phật đã chỉ ra chân lí của sự sống rằng mọi loài đều có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, gắn bó khăng khít với nhau. Sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại của loài kia và ngược lại sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong của loài khác, có cái này sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.

Đức Phật giáo hóa đệ tử đưa những giáo lý của Phật giáo vào ngay cuộc sống hiện tại, không tham lam, không tàn ác, không mù quáng làm những việc tổn hại đến muôn loài, qua cách sống thiểu dục, tránh những ham muốn làm ảnh hưởng đến muôn loài. Đó là cách sống hiểu biết và cao thượng, hạn chế tâm vị kỷ, không vì làm lợi cho riêng mình mà gây tổn hại đến người khác, đến các sinh vật khác, sống hài hòa với thiên nhiên.

Từ bi và có trách nhiệm bảo vệ môi trường thiên nhiên dẫn đến kết quả môi trường trong sạch lành mạnh. Môi trường tốt ấy chắc chắn sẽ giúp cho đời sống của con người và vạn loài thanh thoát, nhẹ nhàng, an lạc từ thể chất đến tinh thần.

Thảm họa, nạn dịch có thể làm chậm lại nhịp sống của con người, song vũ trụ vẫn không ngừng vận hành, cỏ cây, hoa lá tiếp tục trổ lộc biếc, chồi non, rồi đơm hoa, kết trái. Cũng chính thảm họa, nạn dịch nhắc nhở chúng ta rằng con người chỉ là những đứa con yếu đuối của Mẹ Thiên nhiên. Nhân loại cuối cùng đã cảm nhận được sức mạnh của Tự nhiên một lần nữa.

Có những trận thiên tai xảy ra trong chốc lát đủ phá huỷ hết những công trình mà loài người tốn hàng chục hoặc hàng trăm năm mới dựng nên, cuồng phong, sóng thần, hỏa hoạn tính bằng giờ, động đất tính bằng giây. Bảy kỳ quan cổ đại của nhân loại xa xưa cũng đã thành cát bụi, thành phố Atlantic cũng đã chìm dưới đáy đại dương, thành Pompeii vùi trong lòng đất… Xem ra sức mạnh, trí khôn, năng lực con người quá bé nhỏ trước sức mạnh của Tự nhiên.

BÀI HỌC VỀ NỖI SỢ HÃI VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG

Những thảm họa, nạn dịch mà con người phải gánh chịu dù ở khía cạnh bên ngoài (sự phương hại của Địa, Thủy, Hỏa, Phong) hay bên trong (những xúc tình phiền não tiêu cực) đẩy con người vào nỗi sợ hãi tột cùng. Nhưng đó cũng là những bài học sâu sắc về cái gọi là "những khoảnh khắc đáng nhớ", cho chúng ta cảm nhận được TÌNH YÊU THỰC SỰ trên trái đất. Chính tình yêu thương của con người sẽ tiếp thêm sức mạnh để chúng ta dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi về thiên tai, nạn dịch này. 
(Mai An biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328383
Số người trực tuyến: