Tỉnh thức với sự lười biếng năng động thời hiện đại
Có một người nghèo xơ xác sau khi làm lụng khá vất vả đã tích trữ được một bao lúa đầy. Anh ta lấy làm hãnh diện, treo bao lúa trên xà nhà để đề phòng chuột và kẻ trộm, rồi để chắc ăn hơn nữa, anh nằm ngay phía dưới để ngắm nhìn thành quả của mình.
Khi nằm đấy, anh bắt đầu suy nghĩ lan man:
- Nếu đem bán lẻ số lúa này, mình sẽ lời to, lấy tiền ấy mua thêm và lại bán, cứ mua đi bán lại như thế chẳng bao lâu ta sẽ giàu có và trở thành một người quan trọng trong làng xóm. Ta sẽ cưới một cô gái thật đẹp, và chẳng bao lâu ta sẽ có một đứa con... Có lẽ là một thằng con trai. Ta sẽ đặt tên nó là gì nhỉ?
Nhìn quanh nhà, tia mắt anh gặp phải khung cửa sổ qua đó anh thấy ánh trăng đang lên. Anh nghĩ:
- Thật là điềm tốt! Ta đã tìm được một cái tên hay. Ta sẽ gọi con trai ta là Nổi-Tiếng-Như-Mặt-Trăng...
Trong khi anh ta đang nghĩ vơ vẩn thì một con chuột đã trèo lên bao gạo, gặm đứt sợi dây. Vừa khi anh thốt mấy tiếng đặt tên đứa con, thì bao gạo trên xà nhà rớt trúng làm anh chết tức khắc. Dĩ nhiên là đứa con ấy không bao giờ được sinh ra.
Biết bao nhiêu người trong chúng ta, giống như anh chàng nọ, đã bị cuốn trôi bởi cái gọi là “sự lười biếng năng động”? Dĩ nhiên có nhiều kiểu lười biếng khác nhau tùy theo văn hóa Đông phương và Tây phương. Kiểu biếng nhác ở phương Đông là suốt ngày ngồi ngoài trời không làm gì cả, tránh né mọi công việc hay hoạt động hữu ích, uống hết tách trà này tới tách trà khác, nghe nhạc vang lên từ một chiếc máy thu thanh và tán gẫu với bạn bè. Kiểu lười biếng Tây phương thì khác hẳn: Độn đầy cuộc sống bằng những hoạt động hấp dẫn, sao cho không còn một chút thì giờ nào để đối phó với những vấn đề then chốt.
Nếu nhìn vào cuộc đời mình bạn sẽ thấy biết bao nhiêu công việc gọi là “trách nhiệm” cứ dồn dập ngày qua ngày. Bạn tự nhủ rằng mình muốn dùng thời giờ vào những chuyện quan trọng trong đời, nhưng không bao giờ bạn có quỹ thời giờ ấy cả. Thức dậy buổi sáng là đã có bao nhiêu việc: Mở cửa sổ, dọn giường, tắm, đánh răng, cho chó mèo ăn, giặt đồ, làm thức ăn sáng, đưa con đi học, đến công sở, rồi về đón con, nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, dạy con học bài…. - cả một dọc dài bất tận các công việc. Chúng ta nhìn ngày tháng trôi qua với đầy những cú điện thoại và chương trình, và bao nhiêu trách nhiệm – hay ta nên gọi là “vô trách nhiệm”?
Cuộc đời dường như xâm chiếm lấy chúng ta, như có một tối hậu thư oái ăm của nó, lôi tuột chúng ta đi, để cuối cùng chúng ta cảm thấy mình không có quyền kiểm soát nó nữa. Dĩ nhiên thỉnh thoảng chúng ta cũng cảm thấy khó chịu về điều này, ta chiêm bao ác mộng và thức dậy mồ hôi ướt đẫm, tự hỏi: “Ta đã làm gì đời ta?”. Nhưng nỗi kinh hoàng của chúng ta chỉ kéo dài tới bữa ăn sáng, rồi đâu vẫn hoàn đấy.
Trong ngôn ngữ vùng Himalaya, thân xác là “lu”, có nghĩa “một cái gì ta để lại sau lưng” như hành lý. Mỗi khi nói tới “lu”, người dân nơi đây luôn nhớ rằng họ chỉ là những lữ khách tạm thời cư trú trong đời này và thân xác này. Bởi thế ở vùng đất khắc nghiệt này, người ta không lãng phí thì giờ vào việc làm cho hoàn cảnh sống thêm tiện nghi. Họ luôn cảm thấy hài lòng nếu có đủ ăn, mặc và một mái nhà trên đầu. Nếu cứ tiếp tục như chúng ta – nghĩa là cố cải thiện hoàn cảnh sống, thì dần dần công việc ấy tự nó trở thành mục đích chính, và đó là một sự xao lãng chất chồng vô nghĩa. Có người nào tâm trí tỉnh táo mà lại cẩn thận trang hoàng cái phòng khách sạn mỗi khi thuê phòng không?
Xã hội ngày nay dường như dẫn chúng ta đi xa sự thật, làm cho người ta khó mà sống vì chân lý, và nó lại còn không muốn cho người ta tin rằng có chân lý hiện hữu. Và tất cả điều này thoát thai từ một nền văn minh tự cho là tôn thờ sự sống, nhưng kỳ thực đã tước hết ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một nền văn minh luôn luôn nói làm cho người ta “hạnh phúc”, mà kỳ thực đã làm bế tắc con đường dẫn đến suối nguồn của hạnh phúc chân thực.
Cõi luân hồi tân tiến được tổ chức tinh vi, thông bác, nó tấn công chúng ta từ mọi góc cạnh bằng tuyên truyền, và tạo ra một môi trường cám dỗ khó gỡ xung quanh chúng ta. Càng cố thoát, chúng ta dường như càng vướng sâu vào cạm bẫy tinh vi của nó. Bị mê mờ bởi những hy vọng sai lầm, mộng mị, tham vọng, chúng ta như người đang bò qua một sa mạc bất tận và chịu đựng cơn khát cháy cổ. Cái chúng ta khao khát cuối cùng chỉ là một cốc nước muối, càng uống chúng ta lại càng khát.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 884
Viết bình luận