Lời Phật Dạy Về Mối Nguy Hại Của Sự Giải Đãi
Người con Phật cần nhận thức sâu sắc lời dạy của Thế Tôn về sáu nguy hiểm của sự giải đãi để khắc phục.
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương xá, chấp tay đỉnh lễ sáu phương.
Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đỉnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:
Này gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: “quá lạnh”, không làm việc; “quá nóng”, không làm việc; “quá trễ”, không làm việc; “quá sớm” không làm việc; “quá đói”, không làm việc; “quá no”, không làm việc. Trong khi những công việc phải làm thì không làm. Tài sản chưa có không xây dựng nên, tài sản đã có thì bị tiêu tán.
Này gia chủ tử, quen thói giải đãi có sáu nguy hiểm như vậy.
Bài học đạo lý
Ai cũng biết, giải đãi là một tật xấu. Biếng nhác là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, trì trệ, lạc hậu và làm gia tăng các tệ nạn xã hội. Trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, muốn thành công phải dẹp tan sự lười biếng, tích cực làm việc, nhận chân giá trị cao quý của lao động.
Khi sức khỏe không được tốt, uể oải và mệt mỏi phát sinh. Đây là phản ứng ức chế của cơ thể, không phải thói biếng nhác, cần nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Nhưng lúc mạnh khỏe lại không thích làm việc cùng với tâm lý ưa làm chơi mà ăn thiệt, xem thường lao động chính là thói lười biếng. Vì thế, những người lười biếng, thường tìm mọi lý do để trốn tránh lao động như nắng nghĩ, mưa ngủ, mát trời thì đi chơi…
Trong khi miệng ăn thì núi lở. Có của ăn của để to như ngọn núi mà chỉ ăn không ngồi rồi thì núi của ấy cũng sập, huống gì những kẻ trắng tay. Cũng chính vì nắng không ưa, mưa không chịu, viện đủ duyên cớ: quá lạnh, quá nóng, quá sớm, quá trễ, quá đói hay quá no… để nghỉ ngơi nên nghèo khổ, tệ nạn mới tràn lan.
Xã hội tôn vinh, ca ngợi lao động là vinh quang; nhà tư tưởng thì cho rằng lao động là cơ sở của tiến hóa; người Phật tử luôn đề cao lao động, một ngày không làm thì một ngày không ăn…, mới biết giá trị của lao động. Người con Phật cần nhận thức sâu sắc lời dạy của Thế Tôn về sáu nguy hiểm của thói lười biếng, giải đãi để khắc phục. Nhất là giới trẻ, suy ngẫm về trách nhiệm của mình trước sự nghiệp của bản thân, trước sứ mạng phát triển của đất nước và tương lai của thế giới để vượt lên sự biếng nhác của tự thân bằng cách thực hành tinh tấn, “những điều tốt chưa sinh làm cho phát sinh, nếu đã sinh làm cho tăng trưởng; những điều xấu chưa sinh không cho phát sinh, nếu đã sinh phải làm cho đoạn diệt”.
(Nguồn: www.phatgiao.org.vn)
- 739
Viết bình luận