Khổ vui do mình
21/05/2016 - 16:08
Lượt xem: 250
Khổ vui do mình
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
- Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ. Thành tựu với năm pháp này, này các Tỷ kheo, ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sức mạnh hữu học, phần Khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.307)
Lời bàn:
Ai sống trên cuộc đời này cũng mong sao cho mình và người thân được vui vẻ, hạnh phúc. Tuy vậy, trang bị cho mình những chất liệu để loại trừ khổ đau, tăng trưởng an lạc thì không phải ai cũng làm được. Cho nên mưu cầu hạnh phúc, an lạc thì ai cũng có nhưng thực tế của mỗi cá nhân lại hoàn toàn khác biệt nhau, tùy thuộc vào nỗ lực chuyển hóa của mỗi người.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, những yếu tố gây nên đau khổ cho con người trong hiện tại và cả ở tương lai gồm: không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ. Người không có lòng tin thì rất dễ làm ác. Lòng tin là nền tảng cho quá trình phấn đấu, hướng đến các giá trị đạo đức. Không có lòng hổ thẹn thì điều gì cũng làm được. Con người sở dĩ khác với các sinh vật khác nhờ có lòng hổ thẹn. Biết xấu hổ với người và với chính mình nên từ bỏ việc ác. Không có lòng sợ hãi, chí ít là sợ nhân quả, nên “gieo gió thì gặt bão” là đương nhiên. Cộng thêm tính lười biếng lao động, sự lọc lõi khôn ranh, chuyên làm việc bất chính để thủ lợi riêng... Tất cả những hành vi này đã tạo nên đau khổ, tổn hại và vô vàn ưu phiền trong hiện tại và ở tương lai.
Người con Phật nhận ra các nguyên nhân của khổ đau nên tinh cần chuyển hóa thân tâm. Sống có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn và có trí tuệ thì chắc chắn hiện đời và đời sau luôn hạnh phúc, an lành. Khổ hay vui không phải do số phận an bài hoặc do thần linh chi phối mà chính ngay nơi hành nghiệp của chính mình.
(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
____________
(*) Đại tạng kinh Việt Nam
(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
- 250
Viết bình luận