Biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, bạn sẽ sống hòa hợp với mọi người | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, bạn sẽ sống hòa hợp với mọi người

Một thời Đức Thế Tôn trú ở Rājagaha (thành Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja được nghe Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Ông phẫn nộ, không hoan hỷ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói những lời nói không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja:

- Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông không?

- Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng, các thân hữu, bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm tôi.

- Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm không?

- Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm, các loại đồ nếm.

- Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?

- Thưa Tôn giả Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi.

- Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng; nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng; gây lộn với chúng tôi là người không gây lộn; chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, gây lộn lại khi bị gây lộn, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ sự việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông! Này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông!

(Tương Ưng Bộ Kinh 1, Chương VII - Tương Ưng Bà La Môn.

Phẩm A-La-Hán Thứ Nhất, Phần Phỉ Báng)

Nội dung của giai thoại này cũng nhằm nói lên trước nhất là thái độ an nhiên của Đức Phật trước cơn lốc mắng chửi, phỉ nhục của những phần tử đối nghịch. Kế đến, nó còn gián tiếp giáo dục chúng ta nên có thái độ ôn hòa, nhã nhặn, không nên đao to búa lớn chửi mắng lại kẻ ác khẩu mà tìm cách ứng phó, giáo dục họ, hướng họ về con đường tốt. Cách xử trí như vậy không chỉ là giản tiện, tuyệt vời mà còn có hiệu quả giáo hóa cải thiện nữa.

Đứng trước những lời mẵng chửi, tâm lý con người thường sân hận, giận dữ, thậm chí dẫn đến ẩu đả lẫn nhau. Nhưng ở đây, Đức Phật vẫn an nhiên, không giận trách. Chính thái độ an nhiên này làm cho kẻ ác ngữ suy nghĩ lại thái độ sỗ sàng, xúc phạm của họ mà hối cải, quy phục.

Cách tốt nhất để được bình an là trưởng dưỡng sự tự tin vào bản thân

Chúng ta sống trong xã hội với những mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có sự kết nối với gia đình, họ hàng, bạn bè, hội nhóm, tín ngưỡng v.v... Các quan hệ này tạo thành một xã hội hòa hợp. Mặt khác chúng ta cũng dễ nhầm lẫn khi lấy các mối quan hệ chồng chéo làm thước đo cho chính mình.

Bạn có thể nhìn nhận một cách đơn giản rằng bạn là một cá nhân có tính cách, bản sắc và nhận thức riêng. Người khác cũng có những đặc trưng riêng. Nếu mọi người hiểu rằng tất cả có thể chung sống cho dù tín ngưỡng, sở thích, tính cách khác nhau, thì xã hội sẽ trở nên hòa hợp. Ngược lại, khi chúng ta thể hiện bất đồng một cách thô bạo, bám chấp vào những lựa chọn và giải pháp mà mình cho là đúng thì xung đột, mâu thuẫn xảy ra. Chỉ cần biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được sự hòa hợp tốt đẹp!

Trong mọi trường hợp, hãy chọn cho mình con đường trung đạo, hãy rộng mở tâm nhưng cần sống độc lập không lệ thuộc. Chắc chắn, mối quan hệ của bạn sẽ đơm hoa kết trái.

Đừng bao giờ thay đổi chỉ vì người khác. Và cũng đừng mong đợi họ sẽ thay đổi vì mình. Hãy giải phóng bản thân khỏi những định kiến do bản ngã tạo ra, đừng cố gắng áp đặt định kiến lên người khác. Bạn sẽ không thể là chính mình nếu không cho phép người khác được là chính họ.

Nếu bạn muốn thay đổi, hãy thay đổi vì chính mình và người mình yêu thương, từ sâu thẳm trong tim, với động cơ trong sáng không mong cầu kết quả vì không có gì đảm bảo mọi thứ sẽ xảy ra đúng như dự định của bạn. Bạn cần hiểu  cuộc sống là một hành trình để khám phá bản thân và phát triển các phẩm chất tự thân vì lợi ích của mọi người, cho dù họ có đối xử thế nào với bạn đi nữa!

(Mai An biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6484572
Số người trực tuyến: