Sự kiện nào lớn nhất cuộc đời bạn?
Văn hóa chính là cách sống của mỗi người. Chẳng hạn, đó là những gì chúng ta làm, những nghi lễ chúng ta thực hiện trong mỗi sự kiện lớn nhất của cuộc đời mình như khi một đứa trẻ được sinh ra đời, khi cưới hỏi thành gia thất, khi ai đó từ giã cõi đời; hàng ngày chúng ta sống như thế nào, cầu nguyện những gì, tương tác, duy trì quan hệ với các thành viên trong gia đình như thế nào. Chúng ta cần hiểu rằng tại sao chúng ta lại làm mọi việc theo từng cách thức cụ thể và điều đó hàm nghĩa gì?
Bất cứ nền văn hóa nào chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo đều ẩn chứa rất nhiều lý do tinh thần và tâm linh đằng sau hành động của mỗi người, là một phần hình thành nên truyền thống và văn hóa. Nền văn hóa đó chính là cách bạn sống trong mối tương quan với sự thực hành Phật pháp. Bởi vậy, đánh mất bản sắc văn hóa đồng nghĩa với việc chúng ta đánh mất toàn bộ lối sống của mình. Ngày nay, con người thường chú trọng hơn đến nền giáo dục hiện đại mà quên đi khía cạnh văn hóa. Điều này không sai. Nền giáo dục hiện đại không có lỗi gì bởi chúng ta cần nó để tồn tại trong thế giới này.
Tuy nhiên, nếu bạn lãng quên nền văn hóa của mình, đời con cháu bạn sẽ không biết phải sống như thế nào cho đúng đắn. Ví dụ, chúng ta cần làm gì khi người thân qua đời, chúng ta cần cầu nguyện và làm gì khi sinh con? Tất cả những điều này sẽ bị lãng quên. Đôi khi chúng ta nói rằng mình đang thực hành tâm linh, có vẻ như chúng ta đang làm rất nhiều điều to tát nhưng thực chất đó chỉ là một phần của cuộc sống.
Thực hành tâm linh cũng chính là cuộc sống. Cách bạn nói chuyện với chồng hoặc vợ mình mỗi sáng thức dậy, cách bạn trò chuyện với láng giềng, đồng nghiệp cũng chính là thực hành tâm linh nếu bạn biết hòa nhập Phật pháp vào mọi hoạt động của đời sống thường nhật. Thêm vào đó, bạn hãy cầu nguyện trong từng giây từng phút, đó mới thực sự là một cuộc sống giàu có, phong phú. Là một hành giả thực hành Phật pháp, bạn vẫn cần học cách sử dụng máy tính và internet, điều đó rất quan trọng trong thời đại này.
Sự kiện lớn nhất của đời người
Người đời tuy có kiến thức thế gian sâu rộng nhưng đối với việc lớn nhất lúc lâm chung thì thường không biết. Họ thường bảo: “Con người khi hơi thở chấm dứt là chết, chết là hết, là đoạn diệt. Đó là lẽ tự nhiên”. Họ chỉ lo làm cách nào để lễ tang được thực hiện hoành tráng, được mọi người khen ngợi mà chẳng mấy quan tâm đến lợi ích cho người chết.
Hãy tưởng tượng sau này khi bạn chết, con cái bạn sẽ không biết làm gì, chúng không thực hiện nghi thức cầu nguyện cho bạn cho dù nghi thức đó là một nét văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng tâm linh. Chúng có thể thuê một thầy cúng không có nền tảng thực hành tâm linh chân chính về thực hiện một số nghi thức cúng vong. Lúc đó, bạn đã chết, thần thức của bạn trong giai đoạn này đang rất cần sự trợ giúp tâm linh nhưng lại chỉ nhận được sự trợ giúp từ một thầy cúng không có sự thực hành tâm linh đúng đắn mà chỉ chuyên đi cúng thuê như một nghề để sinh nhai. Trong khi bạn đang phải chịu biết bao đau khổ, sợ hãi, làm sao một người như vậy có đủ năng lực để hộ niệm cho bạn?
Quan điểm Phật giáo bộc lộ khía cạnh tích cực và độc đáo ở chỗ cho rằng cái chết chính là một phần của cuộc sống, bởi lẽ, sống hay chết đều chỉ là những trạng thái trung gian Bardo. Vì vậy, nếu đã chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang và kinh nghiệm tâm linh trong cuộc sống, thì thời điểm quan trọng nhất cuộc đời khi cái chết xảy đến sẽ là cơ hội quý giá để bạn thành tựu giác ngộ. Đối với bậc Thầy thành tựu tâm linh, khi cái chết đến, các Ngài hoàn toàn có thể buông xả mọi nỗi sợ hãi và an trụ trong tự tính tâm. Các Ngài không bối rối, không khởi vọng niệm, nhờ vậy mà có thể hợp nhất cái chết vào con đường giác ngộ giải thoát. Đối với các Ngài, cái chết chính là cơ duyên vĩ đại giúp nhận ra bản chất của sinh tử và hợp nhất cái chết với con đường giải thoát giác ngộ.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Tham khảo thêm
- 1231
Viết bình luận