Khổ tâm và vô tâm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Khổ tâm và vô tâm

Khổ tâm và vô tâm
 
Một thời, Thế Tôn trú ở Kosala, dạy các Tỷ kheo:
 
- Thành tựu với sáu pháp, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, hiềm hận, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Thế nào là sáu?
 
Với dục tầm, với sân tầm, với hại tầm, với dục tưởng, với sân tưởng, với hại tưởng. Thành tựu với sáu pháp này, các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, hiềm hận, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Thành tựu với sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không hiềm hận, không ưu não, không nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.
 
Với xuất ly tầm, với vô sân tầm, với bất hại tầm, với xuất ly tưởng, với vô sân tưởng, với bất hại tưởng. Thành tựu với sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không hiềm hận, không ưu não, không nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.
 
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm A la hán, phần Khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.240)

Lời bàn:
 
Tầm và tưởng là những hoạt động của tâm, sinh khởi khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Tư duy về dục lạc, về ham muốn sắc, thanh, hương, vị và xúc chính là dục tầm. Sân tầm là tư duy về các đối tượng mà mình không ưa, gây bực bội và chán ghét. Tư duy về sự gây tổn hại, tàn hại cho mình và người chính là hại tầm. Cùng với các tưởng như dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng là những tác nhân gây đau khổ, phiền lụy cho chúng sinh.
 
Khi nội tâm không bình an, bị khuấy động bởi tham dục, giận dữ và tàn hại thì khổ đau xuất hiện. Khổ tâm chính là một trong những nỗi khổ lớn của con người. Thậm chí nỗi khổ tâm tàn phá sức khỏe và tinh thần gấp nhiều lần so với nỗi khổ về thân xác. Vì thế phải nhanh chóng chuyển hóa những tâm địa xấu ác để tinh thần được thanh thản, sống vui an lạc.
 
Luôn thiết lập chánh niệm và xả ly dục sân hại, hướng tư duy đến từ bỏ, không hận thù bực tức, không gây tổn hại cho mình và người. Quán sát sự nguy hiểm của dục, sân, hại tầm và dục, sân, hại tưởng đồng thời an trú vô dục, vô sân, vô hại là cách nuôi dưỡng tâm hồn mát mẻ và tịnh lạc. Khi tâm được thảnh thơi, không đau khổ ưu phiền thì cuộc sống được cải thiện và từng bước thăng hoa.
 
“Tâm tịnh tức độ tịnh”, vì thế, chuyển hóa tâm là một trong những vấn đề trọng yếu của tu tập. Muốn an bình và hạnh phúc thì trước hết tâm tư phải bình an. Tâm an tịnh là chất liệu quan trọng để thiết lập hạnh phúc trong hiện tại. Người con Phật phải tự thân chứng đạt hạnh phúc chứ không cầu xin ân điển từ các đấng thiêng liêng. Để đạt được điều ấy, nỗ lực tu tập của tự thân loại bỏ các tâm niệm về dục sân hại là căn bản và cần yếu nhất.

____________

(*) Đại tạng kinh Việt Nam

(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6290080
Số người trực tuyến: