Ta là ai từ vô thủy kiếp?
Đôi khi bạn có thể tự hỏi một người ở miền quê xa xôi sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn bất thình lình đưa anh ta đến một đô thị tân tiến với đủ thứ công nghệ tinh xảo. Có lẽ người ấy sẽ tưởng mình đã chết và đang ở trong trạng thái thân trung ấm, sẽ há hốc miệng ra, đầy ngờ vực, mà nhìn những chiếc phi cơ bay trong bầu trời trên đầu, hoặc ngắm một người đang nói chuyện bằng điện thoại với một người khác ở bên kia địa cầu. Anh ta cho rằng mình đang chứng kiến những phép thần thông. Thế mà tất cả điều đó dường như rất tự nhiên đối với người sống trong thế giới tân tiến.
Trong đạo Phật, căn bản của sự đào luyện tâm được gọi là “ba công cụ của trí tuệ”: Văn tuệ, biết lắng nghe; Tư tuệ, biết tư duy quán xét, và Tu tuệ, biết thiền, áp dụng văn tuệ, tư tuệ vào đời sống. Nhờ đó chúng ta đi đến chỗ đánh thức tự tính tâm của ta, tìm thấy được sự thật ta là ai, và thể hiện niềm vui giải thoát - gọi là trí vô ngã.
Bạn hãy tưởng tượng một người tỉnh dậy ở bệnh viện sau một tai nạn xe hơi, và thấy mình hoàn toàn mất trí nhớ. Bên ngoài, mọi sự vẫn y nguyên: Anh ta vẫn còn gương mặt ấy, hình dáng ấy, các giác quan và tâm vẫn ở đấy, nhưng hoàn toàn không nhớ thực sự mình là ai. Cũng y hệt như vậy, chúng ta không thể nhớ được bản lai diện mục của mình. Kinh hoàng, sợ hãi, chúng ta nhìn quanh và đặt bày ra một lý lịch khác, một lý lịch mà chúng ta bám lấy với tất cả sự tuyệt vọng của một người đang rơi vào hố thẳm. Cái lý lịch giả tạo được bày đặt trong lúc vô minh đó gọi là cái tôi hay “tự ngã”.
Vậy, bản ngã là sự vắng mặt tri kiến chân thực về: “Ta là ai?”, cùng với những hậu quả của nó: Một sự bám víu tuyệt vọng, bằng mọi giá, vào một khối chắp vá, một hình ảnh tạm thời về cái ta, một tự ngã luôn luôn biến chuyển và phải biến chuyển để duy trì cái ảo tưởng về hiện hữu của nó. Bản ngã được định nghĩa là những di chuyển không ngừng của sự chấp thủ một quan niệm lừa dối về “tôi” và “của tôi,” và chấp thủ mọi khái niệm, ý tưởng, dục vọng.
Chừng nào ta chưa lột mặt nạ bản ngã thì nó còn tiếp tục đánh lừa chúng ta, như một chính trị gia bịp bợm luôn luôn rêu rao những hứa hẹn giả dối, hay một luật sư thiếu tâm đức với nghề không ngừng phát minh những lời nói dối và biện hộ tinh vi.
Nhiều đời kiếp vô minh đã đưa chúng ta đến chỗ đồng hóa toàn diện bản thể mình với bản ngã. Chiến thắng lớn nhất của bản ngã là thuyết phục được chúng ta tin rằng điều lợi lạc nhất cho nó cũng là cho ta, và lại còn đồng hóa sự sống còn của ta với của chính nó. Đây là một mỉa mai to lớn, khi ta xét rằng bản ngã và sự chấp thủ của nó chính là gốc rễ mọi đau khổ của kiếp người. Nhưng vì chúng ta đã bị bản ngã lừa bịp quá lâu, bị nó thuyết phục quá hay, đến nỗi nội cái ý nghĩ rằng ta có thể trở thành vô ngã làm cho ta sợ hãi. Bản ngã rỉ tai ta rằng, vô ngã là mất hết tất cả huyền thoại phong phú của con người, chỉ còn là một người máy vô vị hay một cây cỏ không óc não.
Bản ngã đánh một đòn xuất sắc vào nỗi sợ hãi căn đế của chúng ta, là sợ mất quyền kiểm soát, sợ cái mà chúng ta chưa từng biết. Chúng ta có thể tự nhủ: “Mình cũng nên buông bản ngã ra lắm chứ, mình đau khổ vì nó, nhưng nếu mình làm thế, thì cái gì sẽ xảy đến cho mình?”.
Bản ngã sẽ tán đồng ngay trong một cách ngọt lịm: “Tôi biết đôi khi tôi cũng phiền hà thật, và thực tình tôi hoàn toàn thông cảm nếu anh muốn buông tôi ra. Nhưng có thực anh muốn như thế không nào? Ai sẽ săn sóc anh? Ai sẽ che chở và thương lấy anh như tôi đã làm bao nhiêu năm nay?”
Và ngay dù ta thấy rõ tận ruột gan những lời dối trá của bản ngã, chúng ta cũng quá sợ không dám bỏ nó, vì ta chưa biết một tí gì vể tự tính của tâm ta, lý lịch chân thực của ta, nên rõ ràng ta không có cách nào khác hơn là bám lấy ngã. Chúng ta tuân theo những đòi hỏi của nó với thái độ tự khinh ghét, như bợm rượu với lấy chai rượu mà y biết đang tàn phá y, hoặc như kẻ ghiền ma túy lục tìm chất kích thích mà họ biết sau một hồi “lâng lâng” ngắn ngủi sẽ đem lại cho họ sự chán chê tuyệt vọng.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
(Còn tiếp)
- 1998
Viết bình luận