Phá vỡ chu kỳ của “tâm căng thẳng”
Hầu hết chúng ta đều bị căng thẳng. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Sức khỏe Tâm thần 2018, có 74% dân số bị căng thẳng, họ thực sự bị rối loạn và phải vật lộn để đối phó. Bạn nên rèn luyện tâm trước khi bản thân rơi vào khủng hoảng.
Ở Mỹ, con số thậm chí còn cao hơn, với 80% dân số cảm thấy căng thẳng nhiều hơn một lần một ngày.
Công việc, con cái và so sánh bản thân với người khác luôn là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng, cũng như các vấn đề về mối quan hệ, lo lắng về tiền bạc và thậm chí là phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ.
Các tác nhân kích thích có ở xung quanh chúng ta, khi tâm trí lo lắng lâu dài có thể có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến cơ thể, với các vấn đề như mất ngủ, huyết áp cao, tiểu đường và thậm chí là các bệnh về tim đều liên quan đến căng thẳng.
Tuy nhiên, có những bước bạn có thể thực hiện để thư giãn đầu óc và kiểm soát căng thẳng.
Lấy lại cân bằng tâm lý khi đang bị căng thẳng chi phối là điều không hề dễ. Nhưng nếu có thể tìm hiểu, trưởng dưỡng tâm trong hoàn cảnh thuận lợi hơn thì điều này sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh, sự linh hoạt để có thể đương đầu với những thời khắc khó khăn.
Thông thường, ai cũng nhận ra lợi ích khi tư tưởng được thoải mái, rộng mở. Tuy nhiên, khi thấy hài lòng và mọi thứ diễn ra suôn sẻ, chúng ta rất dễ lãng quên tâm. Chỉ khi mọi việc trở nên khó khăn, chúng ta mới nhận ra tâm mình đang không hoan hy, an lạc. Nhưng vì không có sự chuẩn bị nên khi đó ta rất dễ căng thẳng.
Các pháp thực hành thiền quán trong Đạo Phật như Thiền quán về Tri ân và về Vô thường là những phương pháp luyện tâm hữu ích để vượt qua những tình huống này. Chỉ cần vài phút thực hành mỗi ngày sẽ giúp bạn nhận thức rõ ràng hơn về cuộc sống.
Đặc biệt, Thiền quán về Tri ân giúp bạn nhìn vào khía cạnh tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Sau đó, khi nhận ra dù vô thường là một phần cuộc sống nhưng phản ứng với thay đổi ra sao lại tùy thuộc ở bạn, bạn sẽ phát triển được khả năng giải quyết những tình huống tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng.
Một trong những cách tốt nhất là dùng thân để làm dịu căng thẳng của tâm. Ngay khi căng thẳng xuất hiện, bạn hãy tập điều thân để hạn chế căng thẳng xuống mức có thể chấp nhận. Dưới góc độ này, bài thực hành Thiền quán niệm Hơi thở đặc biệt hữu ích. Càng thực hành, bạn thấy mình càng có thể ngăn chặn căng thẳng lo âu ngay khi cảm xúc này mới phát sinh.
Hiển nhiên, bạn nên rèn luyện tâm để phòng hộ cho những khi bản thân rơi vào khủng hoảng. Việc rèn luyện tâm bất cứ thời điểm nào cũng đều đem lại lợi ích. Vì tâm bị chi phối mạnh mẽ bởi cảm nhận của các giác quan (như nghe, chạm, nếm, ngửi,…), khi căng thẳng lên tới mức khủng hoảng, tốt hơn hết bạn hãy tránh những ảnh hưởng tiêu cực của hoàn cảnh và tìm đến môi trường bình yên hơn.
Lúc đó, với công cụ thiền quán, chúng ta sẽ có thể nhìn nhận tình huống một cách rõ ràng, sáng suốt mà không bị xúc tình và sự bất an về thể chất che mờ mắt. Trong một môi trường thư giãn hơn, với tâm rộng mở, bi mẫn và hiểu biết, chúng ta dễ dàng tìm ra giải pháp cho mọi việc.
(Mai An biên tập)
- 241
Viết bình luận