Cơ chế hoạt động của tâm trong tình huống khó xử | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cơ chế hoạt động của tâm trong tình huống khó xử

Bạn có nhớ trong những bộ phim hoạt hình thời xưa, các nhân vật thường phải đối mặt với hai lựa chọn đạo đức khác nhau, trên một vai họ là thiên sứ còn trên vai kia là ác quỷ không? Cảnh tượng đó minh họa sinh động những gì diễn ra trong tâm chúng ta khi đứng trước một tình huống khó xử về mặt đạo đức.

Bạn hãy thử cố nhớ lại một tình huống khó xử về mặt đạo đức tương tự mà bạn từng trải qua. Chắc hẳn bạn sẽ cảm nhận được một bên là dục lạc và sự cám dỗ, còn một bên là đạo đức và lương tâm.

Bạn có nhớ dòng suy nghĩ trôi chảy trong tâm trí bạn: “Làm tới đi!”, “Cơ hội này chỉ có một lần mà thôi”, “Không sao đâu, bây giờ ai cũng làm vậy cả”, “Cuộc sống là đây, hãy tận hưởng đi”, v.v….

Chợt một dòng suy nghĩ trái ngược ùa tới, tràn ngập tâm bạn như: “Đừng làm vậy”, “Mình sẽ làm hại đến người khác mất”, “Mình tử tế hơn thế này cơ mà”, v.v….

Nếu chúng ta gọi những luồng tư tưởng đối lập đó là thiên sứ và ác quỷ, sự tự chủ chính là quá trình trưởng dưỡng cho thiên sứ lớn mạnh, can trường hơn để ác quỷ không thể có chỗ đứng trong tâm chúng ta.

Khả năng tự chủ sẽ thay đổi bạn như thế nào?

Giả sử cách đây 5 năm bạn quen biết một người bạn tuyệt vời, người ấy luôn ngồi bên bạn, đồng hành với bạn suốt mọi chặng đường. Người ấy cũng rất tốt bụng, luôn luôn khen ngợi khi bạn làm những điều tốt và khuyên bạn tránh những điều không phải.

Giả sử người bạn này còn có sức mạnh thần thông. Người ấy có thể đọc được ý nghĩ của bạn. Mỗi lần bạn nghĩ tới điều tốt đẹp, người ấy sẽ tán thán hành động tốt của bạn. Bên cạnh đó, nếu bạn có xu hướng nghĩ những điều sai trái hay bất thiện, người ấy sẽ nhắc nhở bạn về tác hại của những ý nghĩ đó, nhờ đó mà ngăn cản các ý nghĩ tiêu cực chuyển biến sang một mức độ xấu hơn.

Hãy nghĩ xem, nếu có một người bạn tốt như vậy thì chỉ trong vòng 5 năm, cuộc đời bạn sẽ thay đổi tích cực hơn bao nhiêu? Hiển nhiên, bạn sẽ trở thành một người tốt  và hạnh phúc hơn nhiều. Cuộc sống sẽ thay đổi đáng kể, bạn sẽ có tấm lòng quảng đại, từ ái và lợi ích cho mọi người. Bạn sẽ ít sân giận hơn và đối xử với bản thân cùng những người xung quanh bằng lòng từ bi.

Trong Đạo Phật, bạn có thể “mượn” cho mình người bạn tốt này. Đây chính là vị “thiên sứ” mà chúng ta đã đề cập đến. Đạo Phật gọi bản chất này của tâm là “như lý tác ý”, “như lý khởi tư duy” hoặc “Yoniso Manasikara” trong tiếng Pali.

Đây là sức mạnh của việc tự chủ, nếu bạn đủ nhẫn nhục chống lại những ý nghĩ bất thiện, những cám dỗ, thôi thúc không lành mạnh của tâm thì tâm bạn sẽ trở nên tĩnh lặng. Bạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những chuyện xảy ra xung quanh mình và vô nhiễm trước những thứ khiến tâm vọng động, bất an, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác.

Căn nguyên của khả năng tự chủ

Nếu phân tích kỹ cơ chế hoạt động của tâm, bạn sẽ nhận ra rằng suy nghĩ của chúng ta liên tục đi theo hai hướng khác nhau. Mỗi người đều dành ra một phần lớn ý thức của mình để đánh giá những thứ tốt hay xấu đối với hạnh phúc của cá nhân họ.

Mặt khác, tâm nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta đều có mối liên hệ với nhau: mỗi người là những giao điểm giữa một mạng lưới quan hệ rộng khắp, ràng buộc cuộc đời chúng ta với những chúng sinh khác. Cách nghĩ này ảnh hưởng tới quá trình hình thành thái độ của mỗi người về cách chúng ta nên sống và những điều chúng ta nên làm. Đây là một yếu tố quan trọng quyết định mọi hành vi của chúng ta.

Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: “Tại sao mình không (mấy khi) thấy người đi trên đường phố mà lại không mặc quần áo?”. Lý do là: thứ nhất, mặc quần áo bảo vệ cơ thể chúng ta và tốt cho sức khỏe. Thứ hai, không mặc quần áo là điều cấm kỵ hoặc kỳ dị đối với xã hội.

Cũng như vậy, bạn có thể hiểu tại sao chúng ta lại kiềm chế không thực hiện nhiều hành vi tương tự. Bạn có thể thấy hai yếu tố nêu trên tác động tới hành động của chúng ta như thế nào. Ngoài ra, bạn cũng cần hiểu rằng đây thuần túy là một cảm xúc của con người. Động vật sẽ không bao giờ có cảm xúc như vậy; bởi lẽ đó mà động vật (cùng những người có tâm trí giống như động vật) không có khả năng tự chủ.

(Nguồn: True Buddhist Teachings)

(Còn tiếp)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328850
Số người trực tuyến: