Phiền não tự diệt ở nơi chúng đã khởi sinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phiền não tự diệt ở nơi chúng đã khởi sinh

Ngũ uẩn là một giáo lý căn bản của Phật giáo. Do không nhận thức đúng đắn về sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà chúng sinh phải trải nhiều kiếp trôi lăn trong sinh tử luân hồi.

Câu chuyện Đức Phật khi đi vào thành Kosambi khất thực.

Để trả mối thù tự ái bị tổn thương trước đây, bà thứ phi Migandiyā xứ Kosambi đã xúi giục dân chúng mắng chửi, nhục mạ Đức Phật một cách thậm tệ.

Tôn giả Ananda thấy vậy liền xin thỉnh Đức Phật đi qua thành khác khất thực. Đức Phật hỏi nếu qua chỗ khác cũng bị mắng chửi nữa thì sao?

Bạch Thế Tôn, thì đi chỗ khác nữa.

Phật nói, nếu đi đến đâu cũng bị mắng chửi, thì chúng ta cứ đi, đi mãi, hay sao?

Này Ananda, hãy để cho phiền não tự diệt nơi đâu chúng khởi sinh.

Quả nhiên, bảy ngày sau dân chúng thành Kosambi không còn nhục mạ Đức Phật nữa.

Đừng tưởng rằng bạn càng tu lên cao thì càng được an toàn hơn. Ngược lại, nếu bạn muốn được tốt hơn thì phải đối đầu với nhiều thử thách hơn. Ngay cả Đức Phật, sau khi giác ngộ vẫn còn chịu tám nạn lớn trong đó có sự mưu sát của Devadatta (Đề Bà Đạt Đa).

Cũng vậy, Đức Chúa bị Juda phản bội và phải chịu cực hình đóng đinh trên thập tự giá. Thánh Gandhi bị thảm sát mặc dù chủ trương bất bạo động.

Nếu chướng ngại là quả của nghiệp thì không có cách nào tránh né được.

Như Đức Phật dạy trong Kệ Pháp Cú 127:

“Không phải trên hư không,

không phải giữa biển cả,

không phải vào hang sâu,

không nơi nào trên đời

có thể tìm thấy được

chỗ tránh quả ác nghiệp”.

Vì vậy, bậc thiện trí thức sợ gieo nhân chứ không sợ gặt quả.

Nhiều người làm ác hay làm lành mà chẳng thấy báo ứng đâu cả nên không tin nhân quả nghiệp báo, nhưng đó là vì chưa đến lúc trổ quả mà thôi.

Vậy tại sao bạn không tận dụng sự quấy rầy của những người khác để trưởng dưỡng đạo tâm như nhẫn nại, thương yêu, cảm thông và trí tuệ?

Thật ra khi trong tâm còn phiền não thì dù đi tới chân trời góc biển nào khổ vẫn bám theo. Bạn luôn muốn đổi mới nhưng thực ra chỉ đổi cái khổ này qua cái khổ khác.

Rồi chúng ta không ngừng chọn lựa, nhưng khi đã chọn bề mặt thì chúng ta cũng phải lấy luôn bề trái của vấn đề...

Trong kinh Tương Ưng Bộ tập 3 có chép rằng:

“Năm uẩn là gánh nặng,

Kẻ gánh nặng là người,

Cần lấy gánh nặng lên,

Chính là khổ ở đời.

Còn bỏ gánh nặng xuống,

Tức là lạc không khổ,

Gánh nặng bỏ xuống xong,

Không mang theo gánh khác.

Nếu nhổ khát ái lên,

Tận cùng đến gốc rễ,

Không còn đói và khát,

Được giải thoát tịnh lạc”.

Thông thường, những hạnh phúc của con người đều là phù du, giả tạm và lừa phỉnh chẳng khác gì một miếng mồi ngon mắc vào lưỡi câu. Khi đã nuốt miếng mồi mà mình đang thèm muốn thì lưỡi câu kia cũng sẽ mắc vào cổ họng của mình. Cho nên không có hạnh phúc nào trong thế gian mà không hàm chứa trong đó sự đau khổ. Ngược lại sự giác ngộ (nhờ công phu tu tập) sẽ đưa đến an lạc, hạnh phúc tối thượng trong tâm hồn tạm gọi là Niết bàn bởi vì trong đó hoàn toàn không còn bóng dáng của ngũ uẩn cùng tam độc (tham lam, sân hận và si mê).

(Phổ Hiền sưu tầm)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328973
Số người trực tuyến: