Hé lộ bí mật không ngờ khiến người dân Bhutan tìm ra hạnh phúc chân thật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hé lộ bí mật không ngờ khiến người dân Bhutan tìm ra hạnh phúc chân thật

Người dân tại một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới khiến chúng ta phải ngạc nhiên khi họ thường xuyên quán niệm về một đề mục mà nhiều người muốn lảng tránh. Phải chăng đó là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc tại quốc gia này?


Thimpu

Trong một chuyến du lịch đến Thimpu, thủ đô của Bhutan, tôi tình cờ có dịp ngồi nói chuyện với một người đàn ông tên là Karma Ura, người đã khiến tôi thổ lộ hết tâm tư của mình. Có thể bởi anh tên là Karma, có nghĩa là một làn không khí mỏng. Cuối cùng tôi đã quyết định tâm sự với anh một điều rất riêng tư. Trước đó không lâu, tôi bất ngờ cảm thấy một số triệu chứng bất thường như hụt hơi, chóng mặt, tê tay chân. Lúc đầu, tôi sợ mình bị nhồi máu cơ tim hoặc có thể bị điên. Tôi đến gặp bác sĩ, làm một loạt các xét nghiệm và họ kết luận rằng….

“Chị chẳng bị sao cả”, Ura tiếp lời. Thậm chí ngay cả khi tôi chưa nói dứt lời, anh đã biết ngay nỗi sợ của tôi là vô căn cứ. Tôi sẽ không chết, hay ít nhất không thể chết nhanh như tôi sợ. Tôi không bị nhồi máu cơ tim mà bị chính nỗi sợ tấn công.

"Điều tôi muốn biết là tại sao bây giờ cuộc sống của tôi lại diễn ra một cách bất thường như vậy? Và tôi có thể làm được gì?". Tôi hỏi Ura.

“Chị nên dành 5 phút mỗi ngày để nghĩ về cái chết. Điều đó sẽ chữa lành bệnh cho chị”. Ura điềm tĩnh trả lời.

“Bằng cách nào?”, tôi hỏi mà như chết lặng người.

“Vấn đề nằm ở nỗi sợ hãi về cái chết. Chị sợ rằng mình sẽ chết mà không kịp chứng kiến con mình khôn lớn. Điều này làm chị thất vọng và sợ hãi”.

“Nhưng tại sao tôi lại phải muốn nghĩ về điều tồi tệ như vậy?”

“Những người giàu có ở phương Tây không chạm tay vào thi thể người chết, vết thương hở hay những gì bị thối rữa. Đây là một vấn đề đáng quan ngại. Trong khi đó, cái chết là quy luật dành cho tất cả mọi loài. Chúng ta sinh ra với hai bàn tay trắng và khi ra đi cũng không mang theo được gì. Vậy tại sao mỗi cá nhân không chuẩn bị hành trang cho hành trình cuối cùng của đời mình?”.

Cũng như con người, có nhiều địa danh trên thế giới khiến chúng ta bất ngờ, với điều kiện chúng ta phải cởi mở lòng mình để đón nhận những điều bất ngờ đó, đồng thời không hạ thấp giá trị đạo đức đã có từ lâu đời. Các quốc gia thuộc vùng Himalaya nổi tiếng với chính sách độc đáo, sáng tạo về chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia. Tại quốc gia này, chỉ số hạnh phúc được đặt vị trí ưu tiên hàng đầu, sự thành công được đo bằng tâm hài lòng của họ với cuộc sống và phiền não không được phép du nhập vào lãnh thổ đất nước. Bhutan là một quốc gia rất đặc biệt, nét đặc biệt mang đậm sắc thái hơn hình ảnh về một Shangri-La mơ mộng đầy nắng mà chúng ta vẫn tưởng tượng.

Theo lời khuyên của Ura, tôi thực hành quán niệm về cái chết một lần mỗi ngày. Thật ra đó là vì Ura động viên tôi làm theo cách dễ nhất, chứ trong văn hóa của Bhutan, mỗi người phải quán niệm về cái chết 5 lần một ngày. Đối với bất kỳ quốc gia nào, đó là điều rất đáng ghi nhận, đặc biệt là đối với những nước có điều kiện sống hạnh phúc gần giống với Bhutan. Phải chăng đây là bí ẩn về một mảnh đất luôn chìm trong tăm tối và tuyệt vọng?

Không hẳn như vậy. Một số nghiên cứu gần đây đưa ra giả thuyết rằng với việc thực hành quán niệm về cái chết thường xuyên như vậy, người dân Bhutan có thể sẽ đạt được điều gì đó. Năm 2007, hai nhà tâm lý học Nathan DeWall và Roy Baumesiter thuộc trường Đại học Kentucky thực hiện một nghiên cứu đối với hàng chục sinh viên. Các sinh viên này được chia thành 2 nhóm. Một nhóm phải nghĩ về một cơn đau trong một lần đến khám tại phòng khám nha khoa. Nhóm còn lại được yêu cầu quán niệm về cái chết. Cả hai nhóm đều phải hoàn thành nốt một từ gốc chỉ trạng thái tâm lý là “…..hạnh…..”. Nhóm được quán niệm về cái chết nhanh chóng tìm ra một từ rất tích cực, đó là “hạnh phúc”. Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng: “Cái chết là một thực tế tâm lý đáng sợ, nhưng khi con người quán niệm về nó, rõ ràng hệ thống tâm lý tự động đi tìm những suy nghĩ tích cực và  trạng thái hạnh phúc”.

Tôi chắc rằng những kết quả nghiên cứu khoa học như vậy không khiến Ura hay bất kỳ người dân Bhutan nào ngạc nhiên. Họ luôn hiểu rằng cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống, dù thích hay không, chúng ta không thể lảng tránh sự thật này, nếu cố tình chối bỏ chân lý đó, chính chúng ta sẽ phải hứng chịu khổ đau và tiêu tốn nhiều tiền cho các biện pháp điều trị tâm lý trị liệu.

Nhà văn Linda Leaming, tác giả của cuốn sách rất hay mang tên “Chỉ dẫn đến Hạnh phúc: Những điều tôi đã học được về cách sống, cách yêu thương và cách đi lên trong cuộc sống tại Bhutan”, cũng đã biết đến điều này. Bà viết rằng: “Tôi nhận ra quán niệm về cái chết không khiến tôi bị trầm cảm. Ngược lại, điều đó giúp tôi nắm bắt từng khoảnh khắc của cuộc sống và nhận ra những điều mà bình thường tôi không nhìn thấy. Tôi muốn khuyên bạn hãy đến đó, nghĩ về những điều không thể nghĩ, điều khiến bạn sợ hãi, vài lần trong ngày”.

Không giống như người phương Tây, người dân Bhutan không sống cô lập với cái chết. Bạn có thể nhìn thấy hình ảnh về cái chết ở khắp mọi nơi. Đặc biệt đối với các biểu tượng Phật giáo, bạn sẽ thấy cái chết được tái hiện với nhiều màu sắc rực rỡ và vô cùng đáng sợ. Nhưng không một ai, kể cả các em nhỏ, lại phải tìm chỗ trốn chạy khi nhìn  những hình ảnh này hay chiêm bái các vũ điệu tâm linh tái hiện lại cái chết.

Tại sao người dân Bhutan lại có thái độ khác biệt như vậy về cái chết? Đó là bởi họ quán niệm về cái chết quá thường xuyên đến nỗi họ cảm nhận cái chết luôn hiện hữu quanh họ.

Có một cách lý giải khác xuất phát từ niềm tin đạo Phật ăn sâu trong mọi tầng lớp dân cư tại quốc gia này, đặc biệt là quan niệm về luân hồi tái sinh. Nếu bạn biết rằng mình không chỉ sống có 1 kiếp, mà sẽ có kiếp sau, bạn sẽ bớt sợ hãi về kết cục của kiếp sống này. Theo quan niệm của các Phật tử nơi đây, bạn không nên sợ chết hơn việc bạn sợ phải vứt bỏ đống quần áo cũ.

Tất nhiên, điều này không nói lên rằng người dân Bhutan không trải nghiệm sợ hãi hay buồn đau. Họ cũng là con người, và đều có những cảm giác hạnh phúc và khổ đau. Nhưng nhà văn Leaming nói với tôi rằng: “Họ không trốn chạy những xúc tình thế gian. Người phương Tây muốn giải quyết nỗi buồn bằng cách cố gắng loại bỏ chúng hay áp dụng các phương cách điều trị. Đó là bởi chúng ta sợ nỗi buồn. Nhưng ở Bhutan, người dân chấp nhận nỗi buồn bởi đó là một phần của cuộc sống”.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể tiến bộ khi thực hành bài học của Ura. Tôi vẫn chỉ quán niệm về cái chết một lần mỗi ngày. Trừ những lúc nào đó quá căng thẳng, hay bị nhấn chìm trong nỗi khiếp sợ vô cớ, tôi mới thực hành quán niệm 2 lần trong một ngày.

(Tác giả: Eric Weiner

http://www.bbc.com)

Tham khảo thêm

Suy niệm về vô thường và cái chết để sống có ý nghĩa hơn

 




 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6336380
Số người trực tuyến: