Tàm và Quý - Người canh giữ tâm hồn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tàm và Quý - Người canh giữ tâm hồn

Đạo Phật dạy chúng ta rất nhiều cách khác nhau để trưởng dưỡng khả năng tự chủ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Giáo lý của Đức Phật đã chỉ ra rằng cách cơ bản nhất để tự chủ là thông qua các khái niệm Tàm và Quý (“Hiri & Ottappa” trong tiếng Pali).

Tàm có nghĩa là cảm giác hổ thẹn trước những hành vi phi đạo đức, gọi cách khác chính là lương tâm. Quý là e ngại hay dè chừng, lo sợ hậu quả của hành vi sai trái. Đức Phật dạy rằng con người kiềm chế được những hành vi bất thiện bởi vì trong tâm họ tồn tại lương tri và sự dè chừng trước hậu quả xấu.

Giáo pháp này có liên quan trực tiếp tới cách nghĩ của chúng ta như đã đề cập ở phần trên. Hổ thẹn và e ngại: chúng ta không muốn phải lo sợ trước những hậu quả đối với bản thân, và chúng ta không muốn phải chịu hổ thẹn trước xã hội.

Hãy lấy một ví dụ để hiểu rõ điều này hơn. Giả sử một người đang đi trên đường thì nhìn thấy một chiếc ví bị đánh rơi bên lề đường. Chiếc ví ấy dày cộm, anh ta thấy rất rõ những đồng 50 đô la lộ ra từ miệng ví. Xung quanh chẳng có ai, anh ta hoàn toàn có thể nhặt chiếc ví lên. Người ấy cũng đang rất cần tiền. Chỉ một giây sau, trong đầu anh ta xuất hiện ý nghĩ: “Hãy nhặt ví lên lấy tiền mà dùng thôi!”.

Giả sử người này là một tên trộm chuyên nghiệp, nghĩa là anh ta chẳng hổ thẹn hay lo sợ gì khi lấy trộm. Nói cách khác, anh ta không có Tàm và Quý đối với việc ăn trộm. Chắc chắn anh ta không chần chừ một giây nào trước khi nhặt chiếc ví lên, vét sạch tiền rồi vứt chiếc ví rỗng đi không? Bây giờ, chúng ta hãy xét tới một đối tượng khác: một người đức hạnh. Anh ta biết rằng hành vi sai trái thì đầy cám dỗ, nhưng sẽ chẳng mang lại kết quả gì ngoài đau khổ và nuối tiếc. Anh ta hổ thẹn khi làm những điều không phải, lương tâm sẽ không để cho anh ta yên. Anh ta cũng biết rằng hành vi sai trái sẽ tạo ra nhiều nghiệp xấu mà anh ta phải dành hết kiếp này và nhiều kiếp sau để trả nghiệp. Các bạn có nghĩ rằng một người như vậy sẽ đánh đổi thiện nghiệp của mình lấy vài tờ giấy gọi là tiền không? Dĩ nhiên là không. Bởi vì ngay tại thời điểm ý nghĩ tham lam ấy xuất hiện trong tâm, Tàm và Quý đã kiểm soát tâm và đưa anh ta ra khỏi hiểm cảnh.

Các bước thực hành giúp bạn luôn tự chủ trong mọi tình huống

Bước đầu tiên để rèn luyện khả năng tự chủ là bạn phải hiểu rằng hạnh phúc không đồng nghĩa với dục lạc thế gian. Bạn cần thuyết phục bản thân tin vào điều ấy!

Dục lạc từng mang lại được gì cho bạn? Món mỹ vị tuyệt vời nhất bạn từng nếm thử có xoa dịu được cơn thèm ăn của bạn trong những ngày sau không? Bài hát tuyệt vời nhất bạn từng nghe có xoa dịu được khao khát nghe thêm những bài hát khác hay hơn không?

Tất cả mọi người trên thế giới đều tìm kiếm hạnh phúc. Và có một cách chắc chắn để đạt tới mục tiêu đó, không phải bằng việc thỏa mãn khao khát của con tim mà là kiểm soát suy nghĩ của bản thân. Hạnh phúc không đến từ thế giới bên ngoài mà hiện hữu ngay trong mỗi chúng ta. Hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta ít khao khát hơn.

Cách tốt nhất để trưởng dưỡng khả năng tự chủ là thực hành Tàm và Quý. Bản chất của tâm là khi bạn càng nghĩ về một điều gì đó thì điều ấy sẽ càng khắc sâu. Nếu bạn kiên trì nghĩ tới những hậu quả của hành động bất thiện đối với bản thân và những người xung quanh, bạn sẽ cảm giác hổ thẹn và e sợ trước những bất thiện nghiệp đó dù nhỏ nhất. Đây là phương pháp chân chính để rèn luyện khả năng tự chủ!

(Nguồn: True Buddhist Teachings)

Tham khảo thêm

Cơ chế hoạt động của tâm trong tình huống khó xử

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6437775
Số người trực tuyến: