Sự hòa hợp vũ trụ
Thế giới đang phải trải qua một biến cố chưa từng có. Đại dịch Covid -19, với sức hủy diệt khủng khiếp - gần 4 triệu người nhiễm bệnh và 300.000 người chết trong vòng chưa đầy 3 tháng, có thể được coi là một trong những thảm họa y tế lớn nhất trong lịch sử loài người. Những gì đang diễn ra dưới góc nhìn của Đạo Phật chính là cộng nghiệp mà nhân loại đang phải gánh chịu. Gốc rễ của nó chính là lòng tham và sự ích kỷ của con người.
Để tránh những thảm hoạ tương tự xảy ra trong tương lai, bài học về nhân quả và sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta cùng đọc và suy ngẫm về những lời khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa về sự hoà hợp của vũ trụ:
Trong thời đại ngày nay, thành công thường được đo bằng tiền tài hoặc quyền lực. Điều này phổ biến đến nỗi xã hội bây giờ dường như chẳng còn chỗ cho tình yêu thương đích thực. Nếu dùng trí tuệ quán chiếu cách thế giới này đang vận hành, bạn sẽ không thể vui mừng. Những việc tồi tệ như đoạt mạng chúng sinh, hãm hại hoặc chà đạp lên người khác vì lợi ích bản thân, chiếm hữu tài vật không thuộc về mình diễn ra suốt ngày mà chẳng hề khiến nhiều người bận tâm. Hạnh phúc thành đạt được gói gọn trong hai chữ giàu có và quyền lực, những vấn đề khác dường như không có nhiều ý nghĩa.
Tôi nghĩ thực ra việc đạt được các thành tựu vật chất chẳng có gì sai trái, miễn là chúng đừng khiến chúng ta trở nên mê lầm và mất cân bằng. Vấn đề là, chừng nào còn trôi lăn trong luân hồi sinh tử, chúng ta còn bị chi phối bởi xúc tình tham ái, bị những ham muốn thúc đẩy quá xa so với những nhu cầu thực tế của bản thân và đồng thời xa rời luôn hạnh phúc chân thật. Mỗi khi đạt được một chút thành tựu vật chất, bạn sẽ đều muốn có được nhiều hơn nữa. Càng ngày, chúng ta càng có xu hướng sẵn sàng bất chấp mọi người, gạt bỏ mọi chướng ngại trên con đường hướng tới mục đích của mình. Chúng ta viện ra muôn vàn lý do để biện hộ cho lòng tham vô đáy.
Thí dụ, có nhất thiết phải ăn thịt thì chúng ta mới sống được không? Lẽ đương nhiên là không phải. Thế nhưng chúng ta lại đang giết hại quá nhiều chúng sinh khác, cho dù để làm thức ăn, hoặc để thỏa mãn những thú vui xa xỉ, thỏa mãn những ham muốn điên đảo khác, chỉ bởi vì chúng ta không biết hài lòng với những gì mình đang có được. Lúc nào chúng ta cũng ham muốn nhiều hơn.
Chúng ta buộc phải tước đoạt những gì thuộc về người khác hoặc chúng sinh khác, bao gồm cả nơi cư ngụ, sinh mạng, nguồn sống… Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, thảm hoạ. Mọi bất hòa đều bắt nguồn từ đây. Chúng ta chẳng hề có chút ý niệm gì về “thế giới đại đồng”, bởi chúng ta chỉ hiểu được ham muốn cá nhân, chỉ hiểu được đau khổ và hạnh phúc của bản thân. Thậm chí chúng ta còn chẳng thể cảm nhận hay tin rằng những chúng sinh khác cũng có thể cảm nhận được giống như mình.
Hiểu biết về “sự hòa hợp vũ trụ” là điều vô cùng quan trọng để có được hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà còn vì sự an bình và hòa hợp của cả thế giới. Tốt hơn hết là đưa được nhận thức này vào cuộc sống thường ngày, bằng những hành động thiết thực lợi lạc cho chúng sinh, đồng thời kiềm chế mình gây tổn hại cho người khác. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và phát triển dần lên.
Bạn có thể cố gắng ngăn mình không giết hại một sinh vật nhỏ bé, chẳng hạn như kiến hoặc côn trùng, thậm chí đến cả những con vật khiến bạn khó chịu như ruồi hoặc gián. Điều này sẽ giúp bạn tăng trưởng phẩm hạnh nhẫn nhục, kiên nhẫn bỏ qua những “khó chịu” nhỏ nhặt, trưởng dưỡng tình yêu thương của bạn hướng tới cả những chúng sinh nhỏ bé nhất. Khi con người chúng ta đã quen với việc giết hại chúng sinh loài khác, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ tiến dần đến không còn ghê sợ nếu phải giết hại một mạng người. Đến khi giết người cũng không còn chùn tay thì hành động tàn sát của chúng ta sẽ ngày càng trở nên ghê gớm và quy mô hơn. Một thói quen xấu bị chi phối bởi tham ái, nếu không được kiểm soát và kiềm chế, sẽ ngày càng trở nên một tập khí nghiêm trọng. Nếu như một người hôm nay có thể ăn trộm một đô la, rồi một ngày người ấy sẽ dám có hành động của kẻ cướp. Cũng như vậy, những thói quen tốt cũng cần được trưởng dưỡng từ những việc nhỏ nhất. Dần dần, chúng ta sẽ hành xử hướng thiện và mang lại lợi ích nhiều hơn cho bản thân và thế giới xung quanh.
Có rất nhiều người bàn luận về tình yêu thương hay lòng bi mẫn và tiến hành nhiều hoạt động để giúp đỡ cộng đồng. Thế nhưng những chúng sinh khác còn phải chịu đau khổ gấp trăm lần, ngàn lần thì lại đến giờ hầu như chỉ nhận được sự nâng đỡ vô cùng ít ỏi. Tôi luôn cảm thấy đau đớn mỗi khi nhìn thấy các con vật bị hành hạ. Lẽ đương nhiên, tôi đã nói rất nhiều về điều này và tôi cũng cố làm một vài việc nhỏ để làm gương, song những thành quả có được còn rất hạn chế. Tôi đoán chắc hẳn chúng ta sẽ phải nỗ lực để giúp thêm nhiều người hiểu ra rằng mọi sinh vật sống trên thế gian này đều bình đẳng như tôi và bạn. Chúng đều muốn được hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ. Từ cây cối, hoa cỏ, nguồn nước, núi, gió cũng đều như vậy. Các loài động vật, tôm cá, chim chóc, bò sát, côn trùng, cũng đều có cảm nhận giống như chúng ta. Nếu không hiểu được điều này, có thể nói chúng ta sẽ không bao giờ có được một thế giới thực sự hạnh phúc. Nếu những người ngồi cùng trong một căn phòng với bạn đang đau khổ, liệu bạn có thể hạnh phúc một mình được không? Có thể bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng chắc chắn sẽ không thể kéo dài.
Con người chúng ta có một tiềm năng rất lớn để trưởng dưỡng tâm từ bi quảng đại. Nếu tự cho mình là loài thống trị thế giới, chúng ta lại càng có trách nhiệm làm lợi lạc và nâng đỡ chúng sinh khác, bởi chúng ta cần hiểu mỗi người và mỗi chúng sinh đều là một phần không thể tách rời của vòng luân hồi sinh tử. Nói cách khác, mỗi chúng sinh đều ở chung trên một con thuyền và đều cùng cảnh ngộ như nhau.
Hãy nâng đỡ và bảo vệ sự sống của muôn loài
- 349
Viết bình luận