Tích luỹ công đức và trí tuệ từ việc chiêm ngưỡng tranh tượng Phật
Là Phật tử, chúng ta nên treo tranh tượng Phật, Mandala hay các biểu tượng giác ngộ của chư Phật trong nhà. Các biểu tượng giác ngộ, các hình ảnh Phật không chỉ mang lại nguồn năng lượng tích cực mà còn giúp chúng ta gieo trồng những hạt giống giác ngộ và trải nghiệm an lạc. Đó là sự giải thoát qua cái thấy.
Chiêm ngưỡng tranh tượng Phật
Chư Phật nêu biểu cho trí tuệ và lòng từ bi vô lượng, ngắm nhìn hình ảnh các Ngài sẽ đánh thức trí tuệ sẵn có nơi tâm mình. Có rất nhiều Đức Phật song tâm toàn tri của các Ngài chỉ có một; phẩm hạnh, công đức, trí tuệ của các bậc giác ngộ đều như nhau. Tuy nhiên, để kết nối với chúng sinh, chư Phật từ bi hóa thân xuất hiện trong các hình tướng khác nhau để tùy duyên hóa độ, giúp đỡ chúng ta. Mỗi hóa thân Phật nêu biểu cho những phẩm hạnh giác ngộ từ, bi, hỷ, xả, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Ví dụ Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara biểu trưng cho công hạnh giác ngộ của chư Phật trong khi Đức Phật Quan Âm là hóa thân của lòng từ bi, Đức Phật Dược Sư cứu độ các tật khổ của hết thảy chúng sinh, v.v….
Đặc biệt trong hoàn cảnh nhân loại đang đối diện với một đại dịch vô cùng nguy hiểm, bạn nên treo và chiêm ngưỡng những hình ảnh chư Phật Bản tôn với những bản thệ độ ách tai, vượt chướng ngại, cứu khổ cứu nạn và chữa lành thân tâm như Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, Đức Quan Âm, hay Đức Dược Sư.
(Tôn ảnh Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara)
Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara an tọa trên đài sen với tư thế du hý nêu biểu cho những công hạnh tức khắc cứu độ chúng sinh. Các sức trang hoàng của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara nêu biểu cho vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong của Ngài là lòng từ, bi, hỷ, xả. Sáu sức trang hoàng: Vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, vòng chân, đai lưng, vương miện bằng ngọc báu sáng chói trang hoàng trên sắc thân Ngài nêu biểu cho sự viên mãn sáu Ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ Ba La Mật. Đây cũng chính là trang sức giải thoát của Báo thân Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara.
(Tôn ảnh Đức Phật Quan Âm Tứ Thủ)
Đức Phật Quan Âm Tứ Thủ an tọa trong tư thế Kim Cương trên tòa sen trắng và đĩa mặt trăng, thân sắc trắng, một mặt và bốn tay, trang sức các thiên y lụa là và trang hoàng quý báu nêu biểu cho tất cả phẩm hạnh giác ngộ của Ngài. Áo da thú Ngài khoác trên vai nêu biểu hạnh nguyện nhập thế đồng sự cứu giúp chúng sinh của Ngài. Hai tay ở giữa Ngài chắp lại trước ngực nêu biểu Trí tuệ và Phương tiện hợp nhất song vận. Tay phải thứ hai Ngài cầm tràng pha lê nêu biểu sự liên tục cứu giúp chúng sinh mà không bỏ sót một ai. Trong khi tay trái thứ hai Ngài cầm hoa sen nêu biểu Bồ đề tâm thanh tịnh dù ứng hiện thân vào các cõi luân hồi nhiễm ô để cứu giúp chúng sinh, nhưng Ngài vẫn thanh tịnh vô nhiễm như hoa sen mọc trong bùn. Sáu sức trang hoàng trên thân Ngài nêu biểu cho Lục độ Ba la mật: Vòng Anh Lạc thứ nhất nêu biểu Bất Động Như Lai do Thiền Định thành tựu; Vòng Anh Lạc thứ hai nêu biểu Đức Phật Bổn Sinh do Bố Thí thành tựu; Vòng Anh Lạc thứ ba nêu biểu Đức Bất Không Thành Tựu Như Lai do Tinh Tiến thành tựu; Vòng Hoa trang nghiêm toàn thân nêu biểu vạn hạnh.
(Tôn ảnh Đức Phật Dược Sư)
Đức Dược Sư Phật an tọa trong tư thế Kim Cương, trên bảo tòa nguyệt luân, hoa sen, Ngài có 32 tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Ngài khoác trên mình ba tấm y giải thoát. Tay phải trong thế Thí nguyện ấn trì giữ thảo dược, tay trái để ngửa trì giữ bình bát chứa đựng thần dược đem diệu cam lồ diệt trừ vô lượng tật khổ cho hết thảy chúng sinh, thành tựu viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh.
(Tôn ảnh Đức Phật A Di Đà)
Đức Phật A Di Đà an tọa trên bảo tòa Khổng Tước vương nêu biểu sự giác tỉnh cùng khả năng chuyển hóa phiền não. Sắc thân Đức Phật A Di Đà màu đỏ nêu biểu lòng Đại bi, tướng thanh tịnh của hỏa đại, tay Ngài kết ấn đại định nêu biểu 6 đại vô ngại, phương Tây là phương trí tuệ nội chứng. Ngài trì giữ bình bát khất thực tràn đầy cam lộ. Ngài khoác 3 y làm bằng ánh sáng, tỏa sáng rực rỡ như những bảo báu nêu biểu cho các con đường tu tập Thanh văn, Bích chi và Bồ tát đạo
Khi chiêm ngưỡng một bức tranh Phật, chúng ta có thể tích lũy công đức và tiêu được rất nhiều chướng ngại tức thì. Kinh điển dạy rằng ngay cả một người lúc khởi tâm sân giận mà nhìn ảnh Phật thì công đức vẫn có thể tăng lên hàng nghìn lần.
Chiêm ngưỡng Mandala
Hình ảnh Mandala biểu trưng cho thân và tâm của Đức Phật. Ở dạng phổ biến nhất, Mandala là hàng loạt vòng tròn đồng tâm. Mỗi Mandala đều có một Bản tôn riêng an trụ trong cấu trúc hình vuông được đặt đồng tâm bên trong những vòng tròn này. Hình vuông hoàn hảo của Mandala chỉ ra rằng không gian tuyệt đối của trí tuệ vốn không si ám. Cấu trúc hình vuông này có bốn cổng được vẽ rất tỷ mỷ biểu trưng cho sự hội tụ của Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả).
Mandala không chỉ là phẩm vật cúng dường thiêng liêng mà còn được sử dụng để trang trí và làm cho những ngôi chùa, và nơi ở trở nên thiêng liêng. Sự hiển diện của Mandala trên thế giới này đã nhắc nhở người chiêm ngưỡng về nội tại của tính thiêng liêng trong vũ trụ và tiềm năng của nó trong bản thân mỗi người. Trong Đạo Phật mục đích của Mandala là chấm dứt sự đau khổ của con người, để thành tựu giác ngộ, để đạt được chính kiến về Thực Tại. Mandala là một phương tiện để khám phá ra phẩm chất siêu việt thông qua sự chứng ngộ Mandala nơi tự tâm của mỗi người.
(Mandala Thời luân Kim Cương)
Thời luân Kim cương là một loại lịch bao gồm ba hệ thống thời gian: bên ngoài, bên trong và bí mật. Hệ thống thời gian bên ngoài liên quan đến Đại Vũ trụ: các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta và vũ trụ. Hệ thống thời gian bên trong tương ứng với Tiểu Vũ trụ hay thân vi tế giác ngộ bao gồm các yếu tố chu kỳ thời gian, các kinh mạch năng lượng và chuyển động của kinh mạch năng lượng cùng năm đại (địa, thủy, hỏa, phong, không). Hệ thống thời gian bí mật là quán đỉnh cho phép hành giả được tu tập Kalachakra theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa, thực hành chân ngôn bí mật, các giai đoạn phát sinh và hoàn thiện, Căn, Đạo và Quả để cuối cùng đạt được giác ngộ.
Tu tập và an vị Mandala Thời Luân Kim Cương giúp chấm dứt tai nạn, chiến tranh cùng mọi tai họa, kiếp nạn khác, thúc đẩy an ninh, hòa bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, khi lâm chung được vãng sinh cõi Tịnh độ của Phật Bản tôn.
Chiêm ngưỡng các biểu tượng giác ngộ - Chữ A Thập Tướng Tự Tại
Các biểu tượng giác ngộ trên chữ A Thập Tướng Tự Tại có năng lực vô cùng mạnh mẽ, ví dụ: dấu Nada nêu biểu cho trí tuệ bất nhị, giọt đỏ nêu biểu thân Mandala, giọt trắng nêu biểu khẩu, phần chữ xanh nêu biểu thân - khẩu - ý Bản tôn Thời luân Kim cương, là Hóa thân của Trí tuệ Văn Thù trong hình tướng phẫn nộ, vòng hộ trì trí tuệ là vòng Hộ luân Kim cương bao quanh Mandala.
(Chữ A Thập Tướng Tự Tại)
Biểu tượng Chữ A Thập Tướng Tự Tại còn mạnh hơn gương bát quái khi chúng ta đặt ở trước cửa, bởi nó tạo ra một từ trường tích cực, giúp cân bằng ngũ hành, kích hoạt các loại khí trong nhà tăng lên theo hướng tích cực, hoặc khi nhà bị thừa hay thiếu khuyết khí, nhà méo, tâm lý không ổn định thì cũng được cân bằng lại.
- 868
Viết bình luận