Hạnh ngộ Minh Sư - phần 2
Thượng sư là bậc hướng đạo tâm linh
Trong Phật Giáo Kim Cương thừa, chúng ta thường nhắc đến mối liên hệ Thượng sư - đệ tử. Thượng sư là bậc hướng đạo, dẫn dắt đệ tử, không phải trong môn khoa học thông thường mà là khoa học giải thoát khổ đau và luân hồi sinh tử. Đây là lý do tại sao Thượng sư cần phải hội tụ đầy đủ những phẩm hạnh đặc biệt. Một bậc Thượng sư không thể đơn giản là người chỉ biết giảng Pháp, bởi nhiều người có thể thực hiện điều này khá dễ dàng và giáo pháp nói cho cùng chỉ là lý thuyết. Quan trọng nhất là người Thầy phải có những trải nghiệm chân thật, phải là bậc Thành tựu giác ngộ. Ngài chính là người thay vì đức Phật truyền dạy, hướng đạo cho chúng sinh. Nếu không có các Ngài thì chúng sinh không biết con đường tu tập chân chính đạt đến giải thoát.
Thượng sư là đối tượng quy y tối thượng
Bởi bậc Thầy là đối tượng quy y tối thượng nên Kim Cương thừa đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm cầu và lựa chọn bậc Thượng sư có đầy đủ phẩm hạnh. Nhân duyên hạnh ngộ Thượng sư quả thật là mối nhân duyên lớn nhất của đời người. Vì có rất nhiều bậc Thầy cũng như nhiều truyền thống tu tập nên trước khi thụ nhận giáo pháp quán đỉnh từ bậc Thượng sư, hãy khéo léo tiếp cận kiểm tra phẩm chất của Ngài. Ở mức độ ban đầu, bạn cần tìm hiểu xem bậc Thầy mình vừa hạnh ngộ là ai, việc tu tập theo Ngài có phù hợp với động cơ, tâm nguyện và hoàn cảnh của mình không? Bạn cũng có thể tu học theo Ngài một thời gian để kiểm chứng xem nội tâm có gì chuyển hóa tích cực… Trước kia, các hành giả chân chính thường mất đến mười hai năm để lựa chọn bậc Thầy. Các bậc Thầy cũng thường quán xét và thử thách đệ tử trong nhiều năm trước khi ban truyền giáo pháp quán đỉnh.
Một bậc Thượng sư được tôn kính do sự trưởng dưỡng và toàn thiện tâm chứ không nhờ hình tướng bên ngoài của Ngài. Thân tướng bên ngoài cũng chỉ giống như một kiến trúc hay một tòa nhà, nó vốn không có sự sống. Thượng sư chân chính là tâm Giác ngộ và các phẩm hạnh Giác ngộ. Vì sự chứng ngộ là một phẩm hạnh ẩn tàng nên nó không dễ nhận biết được, đó là lý do tại sao sự chứng ngộ được coi là Thượng sư “ẩn tàng” và vì phẩm hạnh này ẩn tàng nên đôi khi chúng ta gọi là Thượng sư “bí mật”.
Trong Kinh dạy rằng:
“Nếu biết coi Thượng sư là Phật, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của Phật. Nếu biết coi Thượng sư là Bồ tát, bạn sẽ nhận ân phúc gia trì của Bồ tát. Nếu coi Thượng sư là thành tựu giả, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của thành tựu giả. Nếu coi Thượng sư là một người bạn đạo, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của bạn đạo. Nếu không có tâm dâng hiến và lòng thành kính với Thượng sư, bạn hoàn toàn không nhận được ân phúc gia trì”.
Đức Phật sẽ không ở đâu cả mà ở ngay Căn bản Thượng sư của bạn. Ngài là sự hợp nhất của mười phương ba đời chư Phật. Vô số những phẩm chất giác ngộ của chư Phật được hội tụ và thị hiện một cách sống động nơi bậc Căn bản Thượng sư. Tâm nguyện và lòng từ vĩ đại của Ngài mang lại sự sống an lành cho muôn loài hữu tình, cũng giống như mặt trăng, mặt trời, thuốc trường sinh, y dược, con thuyền và cầu bè, tất cả đều là sự thị hiện sáng tạo của Căn bản Thượng sư.
Bởi vì mọi phẩm chất tâm linh của bạn phụ thuộc vào Thượng sư, nên hãy nghĩ rằng mọi hành động thân khẩu ý của bạn đều phụng sự Thượng sư.
Hãy luôn nghĩ đến Thượng sư với lòng kính ngưỡng và cầu nguyện Ngài trường thọ và phát nguyện thúc đẩy, hỗ trợ, mở rộng các hoạt động hoằng pháp tâm linh của Ngài.
- 12
Viết bình luận