Sống tỉnh thức để trải nghiệm chân hạnh phúc
Dịch bệnh đã tạm lắng xuống nhưng khó khăn chướng ngại vẫn còn đó. Biến cố trong cuộc sống là lời cảnh tỉnh buộc chúng ta phải nhìn lại mình và hành động. Nếu không chịu dừng lại để rèn luyện tâm mình thì chúng ta sẽ mãi trở thành nô lệ của sợ hãi và bất an.
Tâm chúng ta như chú ngựa hoang
Tại sao chúng ta cứ để quá khứ ám ảnh và tương lai hù dọa? Tại sao ta cứ dai dẳng đeo bám vào hận thù và đau buồn đã qua, để những xúc tình đó ràng buộc, lấn át tâm mình?
Một câu chuyện Phật giáo kể rằng vị tu sĩ nọ đi cùng một người bạn. Đến đoạn đường bùn lầy rất khó đi, họ gặp một người phụ nữ đang mắc kẹt bên kia đường, không sao qua được. Thấy vậy, vị tu sĩ quyết định giúp đỡ, cõng cô vượt qua đoạn đường lầy lội và cô gái cảm kích vô cùng. Rất lâu sau, thấy người bạn đồng hành tỏ ra hết sức khó chịu, vị tu sĩ liền hỏi điều gì đã khiến anh bạn phiền lòng. Người bạn trả lời rằng anh rất bất bình vì địa vị của một người xuất gia không cho phép vị tu sĩ cõng phụ nữ như vậy. Đó thực sự là điều không nên làm. Vị tăng mỉm cười nhìn bạn và nói rằng: “Này sư huynh, ta đã để cô gái ấy lại bên đường từ rất lâu rồi, cớ sao anh còn mang theo đến giờ?”.
Chúng ta thường lưu giữ trong tâm quá nhiều chuyện đã qua và không cần thiết. Mọi suy nghĩ về quá khứ hay tương lai đều chỉ là vọng tưởng, là mộng huyễn không thực. Dù vậy, giống như khi ngủ mơ, ta chẳng hề biết mình đang mơ mà cứ ngỡ những cảnh trong mơ là hoàn toàn có thật.
Tâm ta cũng như một chú ngựa hoang, chúng ta không thể bỏ mặc mà phải điều phục, thuần dưỡng nó.
Hạnh phúc chân thật sẽ được hiển lộ khi tâm bạn lắng xuống, tĩnh tại. Nguồn hạnh phúc ấy có thể bị che lấp bởi vô số điều tiêu cực vô minh trong quá khứ, nhưng chúng chỉ là những thứ giả tạo hời hợt, những lăng xăng tạp loạn bề mặt, tựa như viên đá ném xuống làm xao động hồ nước mà thôi. Giờ đây, hãy để mặt nước tĩnh lặng trở lại và khi đó, bạn có thể nhìn thấu tận đáy hồ, nơi bạn phát hiện một bảo báu vô giá - đó chính là tự tính tâm, là hạnh phúc trong tâm bạn, vốn luôn chân thật, tịnh tĩnh và vô nhiễm cho dù bất cứ điều gì xảy ra.
Tâm an lạc là tinh tuý của bạn
Những oán giận, lo lắng khi không được buông bỏ có thể tích tụ lại thành những khối u ác tính hoặc kết sử phiền não trong góc khuất tâm hồn. Bạn là người duy nhất có toàn quyền lựa chọn hoặc để bệnh tật ngày thêm trầm trọng hoặc chuyển hóa nó.
Bây giờ là lúc bạn cần học cách buông bỏ chúng để viết nên một chương mới trong câu chuyện cuộc đời mình. Mỗi sớm mai thức giấc bạn đều có cơ hội cho một khởi đầu tươi mới và hoàn toàn tự do hân hưởng hạnh phúc nếu muốn. Đã đến lúc phải hành động, đừng trì hoãn vì bất kỳ lý do gì!
Điều quan trọng là bạn cần nhận ra nguồn hạnh phúc vốn luôn hiện hữu ngay bên mình. Hạnh phúc là tinh túy của chính bạn, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, bạn luôn có thể tìm về nguồn sức mạnh nội tâm và tự tin vào chính mình. Bạn sẽ cảm nhận được điều đó khi thực sự lắng nghe trái tim mách bảo.
Thi thoảng, chúng ta cũng cảm nhận được hạnh phúc nhưng trải nghiệm đó chỉ thoáng qua giây lát rồi lập tức bị che khuất bởi lớp lớp vọng tưởng chất chồng, tích tụ qua năm tháng. Tất nhiên, những lớp vỏ ấy không dễ dàng tan biến, nhưng nếu bạn nỗ lực thực hành nhìn xuyên qua bản chất của chúng, đó sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp đưa bạn dần quay về tự tính tâm.
Nếu muốn sống hạnh phúc trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại, đồng thời có đủ sức mạnh nội tâm để đối mặt với những chướng ngại trong cuộc sống, chúng ta không thể mong chờ điều đó tự xảy ra như một phép màu, mà cần nỗ lực rèn luyện tâm mình thông qua thực hành thiền định và chính niệm.
Trưởng dưỡng tâm chính niệm tỉnh giác để trải nghiệm an lạc
Thiền không chỉ là một phương pháp thực hành đem lại sự tĩnh tâm, mà còn là cách để chúng ta trưởng dưỡng tâm tỉnh giác và nhận thức rõ hơn về bản thân mình.
Bạn có thể đưa thiền vào cuộc sống thường nhật, thay vì xem nó như một thứ tách biệt. Khi bạn ăn sáng, hãy ăn trong chính niệm, khi đang uống trà hay trò chuyện với bạn bè, hãy chú tâm và cảm nhận sự thay đổi trong cơ thể và từng giác quan của mình. Đừng vội vã chỉ trích hay phán xét khi bạn thấy bản thân còn hành xử không đúng với điều mình muốn. Hãy chỉ đơn giản tập nhận biết từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Bạn nhận diện những cảm xúc sinh khởi trong tâm, tăng cường năng lực quán sát những xúc tình đó thay vì để chúng lấn át và nhấn chìm. Việc biết sống tỉnh thức như vậy không những giúp bạn thêm trân quý cuộc sống và các mối quan hệ mà còn giúp bạn khám phá ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời.
Hãy để tâm bộc lộ trọn vẹn. Bạn có thể cảm thấy hổ thẹn với một vài suy nghĩ và cảm xúc phát khởi, nhưng bạn cũng nhận ra khi bắt đầu bỏ lại bản ngã phía sau, bạn sẽ không còn thấy xấu hổ, cũng không còn phán xét, bạn không còn bám chấp vào những suy tư bất an, phiền não mà đơn giản chỉ cần quan sát và để chúng tan đi.
Thiền định không phải để chúng ta trở thành người “tốt hơn”, mà đó chính là phương pháp giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân, cả bên trong lẫn bên ngoài. Thay vì để tâm luôn lăng xăng tạp loạn hay tìm cách trốn chạy tránh né, nhờ thực hành thiền định, chúng ta có thể trở về phút giây hiện tại, dần thấy hòa hợp và biết cách sống với chính mình. Rồi chúng ta bắt đầu nhận biết những khoảng lặng vi tế diễn ra tự nhiên, những khoảnh khắc tâm tĩnh lặng và thư giãn giữa những giao tiếp và ồn ào của đời sống. Đó là lúc tự tính tâm hiển lộ. Cùng với việc trưởng dưỡng sự tỉnh giác, chúng ta sẽ nhận biết rõ ràng hơn trạng thái tâm hoàn toàn thư giãn và an lạc, hoàn toàn chú tâm và nhậm vận, tràn đầy tình yêu thương và lòng bi mẫn. Khi đó, tâm ta trong sáng tựa pha lê, mọi vọng tưởng tạp niệm, phiền muộn tức thì tan biến.
- 225
Viết bình luận