1. Bài thứ 1: Chương Văn Thù | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Bài thứ 1: Chương Văn Thù

Bài thứ 1

CHƯƠNG VĂN THÙ


1. NGÀI VĂN THÙ HỎI PHẬT

Khi ấy Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát ở trong đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi chắp tay đỉnh lễ và quỳ thẳng bạch rằng:

- Bạch đức Ðại bi Thế Tôn, xin Ngài vì thính chúng trong pháp-hội hiện tại này và các chúng sinh cầu Ðại thừa đời sau, từ bi chỉ dạy:

1. Nói lại nhân địa tu hành thanh tịnh của Như Lai;

2. Các vị Bồ tát đối với Ðại thừa, đã phát tâm thanh tịnh (Bồ đề) rồi, làm sao xa lìa được các bịnh (trừ vọng); khiến cho các chúng sinh khỏi đọa vào đường tà (tà kiến).

Ngài Văn Thù Bồ tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính lạy rồi trở lui, cùng với đại chúng ngồi yên lặng, để chờ nghe lời Phật chỉ giáo.

Lược giải:

Ðại ý đoạn này là ngài Văn Thù hỏi Phật hai điều:

1. Phật đã tu hành như thế nào mà được thành Phật?

2. Các vị Bồ tát, khi đã phát tâm Bồ đề rồi, làm sao cho các vọng đừng sinh?

Câu hỏi thứ nhất giống như câu hỏi trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan hỏi Phật: “... Xin Phật chỉ dạy cho con phương pháp nào mà tất cả các đức Phật tu hành đều được thành đạo chứng quả ...”.

Câu hỏi thứ hai, giống như câu hỏi trong kinh Kim Cương, ngài Tu Bồ Ðề hỏi Phật: “... Làm sao an trụ chân tâm và làm sao hàng phục được Vọng tâm...” (Vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm).

2. PHẬT KHEN NGÀI VĂN THÙ

Khi ấy đức Thế Tôn kêu ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát mà dạy rằng:

- Này Thiện nam, quý lắm! Ông vì các vị Bồ tát hiện tại và tất cả chúng sinh đời sau cầu pháp Ðại thừa mà thưa hỏi:

1. Nhân địa tu hành của Như Lai;

2. Khi đã phát tâm thanh tịnh rồi, làm sao xa lìa các bịnh, để khỏi đọa vào tà kiến. Vậy ông hãy chăm chú nghe, tôi sẽ vì các ông chỉ giáo.

Khi đó Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và đại chúng đều hoan hỷ, vừa kính cẩn và vừa chăm chú chờ nghe lời Phật dạy bảo.

Lược giải:

Phật trước khen ngợi, rồi sau dặn dò phải chăm chú nghe, là vì “Viên Giác” là cảnh giới thanh tịnh, phải định tâm chú thần mà nghe, không thể dùng tâm sinh diệt, ý nghĩ xằng xiêng mà nghe hiểu được.

3. PHẬT TRẢ LỜI CHO NGÀI VĂN THÙ

- Này Thiện nam, Như Lai có pháp “Ðại Ðà-la-ni” (1) tên là “Viên Giác”. Từ tính “Viên Giác” này mà sinh ra tất cả các pháp thanh tịnh: chân như, Bồ đề (Trí giác), Niết bàn (Viên tịch)  và Ba la mật (Ðáo bỉ ngạn), nay ta sẽ dạy trao cho các ông.

Này Văn Thù, nhân địa tu hành của các đức Phật, đều y “Viên Giác” này mà vĩnh viễn đoạn trừ vô minh, được sáng suốt thanh tịnh viên mãn, nên mới được thành Phật. Vậy “Vô minh” là gì?

Lược giải:

Ngài Văn Thù hỏi nguyên nhân tu hành của các đức Phật thế nào? Ðến đây Phật mới trả lời: Tất cả chư Phật đều y “Viên Giác” để chiếu phá vô minh mà được thành Phật. Nào là:chân như, Bồ đề, Niết bàn và Bát nhã Ba la mật đa v.v... cũng đều từ “Viên Giác” này mà lưu xuất.

Vậy muốn ngộ được “Viên Giác” trước phải hiểu rõ Vô minh và diệt trừ Vô minh là điều cần nhất.

4. PHẬT CHỈ “VÔ MINH”

- Này Thiện nam, tất cả chúng sinh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đảo làm mê mờ tính “Viên Giác”, như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Ðiên đảo vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp này làm thân mình, chấp cái vọng niệm sinh diệt duyên theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm mình. Như người nhặm con mắt, thấy trong hư không có các hoa đốm, hoặc mặt trăng thứ hai. Thật ra trong hư không chẳng có hoa đốm hay mặt trăng thứ hai, nhưng vì người nhặm con mắt vọng chấp. Bởi vọng chấp, nên chẳng những không biết được hư không, mà lại thêm mê lầm: chấp thật có hoa đốm sinh. Vì mê lầm mà có sinh tử luân hồi, nên gọi là “Vô minh”.

Lược giải:

Ðoạn này Phật chỉ rõ cái “Vô minh”. Vô minh là những cái vọng tưởng điên đảo che mờ tính “Viên Giác” (bản tâm thanh tịnh).

Bởi Vô minh vọng hiện ra có thân có cảnh rồi chúng sinh trở lại chấp thật ngã thật pháp, tạo ra vô số nghiệp, mê mờ chồng chập, che đậy tính Viên Giác! Vì thế mà nhiều kiếp sinh tử luân hồi, trầm luân trong biển khổ.

Cũng như người bị buồn ngủ (dụ cho Vô minh) nổi lên, làm cho mê mờ tính tỉnh táo (dụ cho Viên Giác); nhân đó hiện ra cảnh chiêm bao đủ cả người và vật (hiện thế giới và chúng sinh), rồi cũng khóc cũng cười, cũng mừng cũng giận, mỗi mỗi đều cho là thiệt cả, nên luyến ái triền miên, từ giấc chiêm bao này tiếp tục qua giấc chiêm bao khác, không biết chừng nào thức tỉnh.

Ðây là dụ cho Vô minh chồng chập che mờ tính “Viên Giác” (Chân tâm).

5. PHẬT DẠY “VÔ MINH” KHÔNG CÓ THẬT THỂ

- Này Thiện nam! Cái “Vô minh” này không có thật thể (thật vật). Như người ngủ chiêm bao, thấy các cảnh vật, đến khi thức rồi, thì cảnh vật kia không còn; và như người hết nhặm, thì các hoa đốm trong hư không tự tiêu diệt. Lúc bấy giờ không thể nói “thật có chỗ hoa diệt”, vì không thật có chỗ hoa sinh vậy.

Tất cả chúng sinh ở trong cái “không sinh diệt” (tính Viên Giác) mà vọng thấy có sinh diệt, cho nên mới bị trầm luân trong biển sinh tử luân hồi.

Lược giải:

Ðoạn này Phật dạy: Tất cả chúng sinh vẫn ở trong bản tính Viên Giác thanh tịnh không sinh không diệt, mà tự mình mê mờ (Vô minh) vọng thấy có sinh diệt, nên vĩnh kiếp triền miên, luống chịu trôi lăn trong biển sinh tử luân hồi, thật đáng buồn thương!

Nhưng “Vô minh” là hư vọng, không có thật thể, cho nên khi giác ngộ rồi, thì nó tự hết. Cũng như cái “Tối”, vì nó không có thật thể, nên khi “Sáng” đến, thì “Tối” tự mất. Nếu Vô minh là vật có thật, như núi, như sông v.v... thì không dễ gì làm tiêu nó được.

Phật lại tỷ dụ: Vô minh như chiêm bao, không phải thật vật, nên khi thức rồi thì cảnh chiêm bao tự mất. Vô minh như mắt người bị nhặm, thấy hoa đốm lăng xăng giữa hư không, khi hết nhặm rồi, thì hoa đốm liền tiêu.

6. PHẬT DẠY TU THEO “VIÊN GIÁC”

- Này Thiện nam, nhân địa tu hành của Như Lai là tu theo Viên Giác. Nghĩa là: biết các pháp đều hư huyễn, như hoa đốm giữa hư không, thì không còn sinh tử luân hồi và cũng không có người chịu sinh tử luân hồi.

Không phải phá hoại, làm cho các pháp mất đi mà kêu là không, chính bản tính của các pháp nó tự không. Cái “biết (năng biết) các pháp không” đó, cũng như hư không. “Cái biết như hư không”, cũng không luôn. Nhưng không thể nói: “không có cái biết”. Phải dứt trừ hết cả “có” và “không”, như thế mới gọi là “tùy thuận tính Viên Giác” (tu Viên Giác).

Lược giải:

Ðoạn này Phật dạy tu theo “Viên Giác”, có 5 tầng bậc:

1. Tầng bậc thứ nhất, là quán các pháp đều hư huyễn, như hoa đốm giữa hư không, nên không sinh tâm tham, sân, si. Ba độc không sinh, thì ba nghiệp thân, khẩu, ý chẳng tạo nghiệp. Vì không tạo nghiệp, nên không có cảnh luân hồi và người bị luân hồi.

2. Trên nói “cảnh bị biết” không, nói đến tầng thứ hai là “cái tâm hay biết” cũng như hư không.

3. Ðến tầng thứ ba, là cái biết “cái tâm hay biết cũng như hư không” cũng không luôn.

4. Sợ người lầm chấp cảnh giới này không có cái biết, nên đến tầng thứ tư, Phật dạy tiếp: “không phải là không có cái biết”.

5. Ðến tầng thứ năm, Phật dạy phải rời các vọng chấp “có” và “không”, mới nhập được tính Viên Giác.

7. PHẬT VÀ BỒ TÁT ĐỀU TU THEO “VIÊN GIÁC”

Tại sao thế? Vì trong Như Lai Tạng (Viên Giác) không có sinh diệt, không có thấy biết, như hư không thường còn, chẳng lay động, như tính của pháp giới viên mãn khắp giáp cả mười phương.

Ðây gọi là chỗ nhân địa tu hành của Như Lai, các vị Bồ tát cũng nhân nơi đây mà phát tâm thanh tịnh tu theo Ðại thừa. Chúng sinh đời sau cũng phải y theo đây tu hành, mới khỏi đọa vào tà kiến.

Lược giải:

Như Lai Tạng là tính Như Lai hàm chứa tất cả các pháp; cũng gọi là “Viên Giác”, cũng kêu là “Pháp giới tính” (bản tính của các pháp). Nó viên mãn khắp giáp cả mười phương, không có sinh diệt và cũng không tri kiến, như hư không thường còn chẳng lay động.

Phật dạy: Ðây là chỗ tu hành của Như Lai. Các vị Bồ tát cũng nhân nơi đây phát tâm thanh tịnh tu Ðại thừa. Chúng sinh đời sau cũng phải y nơi đây tu hành mới khỏi lạc vào tà đạo.

Ngài Văn Thù hỏi 2 câu:

1. Nhân địa tu hành của Như Lai.

2. Các vị Bồ tát phát tâm Bồ đề tu theo Ðại thừa, làm sao phá trừ được các vọng? Ðến đây Phật đã dạy xong.

8. PHẬT NÓI BÀI KỆ TÓM LẠI CÁC NGHĨA TRÊN

Khi đó Ðức Thế Tôn, muốn tóm lại các nghĩa trên, mà nói bài kệ rằng:

Văn Thù! Ông phải biết:

Chỗ chân địa tu hành

Của các đức Như Lai

Là dùng trí Viên Giác

Phá trừ hết Vô minh

Biết các pháp hư huyễn

Thì khỏi bị luân hồi.

Cũng như người chiêm bao,

Thức rồi cảnh mộng hết.

Cái biết cũng không còn

Sáng suốt khắp mười phương (Viên Giác),

Bình đẳng không chuyển động,

Tức thì thành Phật đạo.

Các huyễn diệt hết rồi,

Thành đạo cũng không thành:

Xưa nay tính viên mãn.

Bồ tát y nơi đây,

Phát tâm đại Bồ đề,

Các chúng sinh đời sau,

Tu đây mới khỏi đọa.

Lược giải:

Ðại ý bài kệ này: Các Ðức Phật dùng trí Viên Giác phá trừ Vô minh. Nghĩa là: biết muôn vật đều hư huyễn, như hoa đốm giữa hư không, không sinh tâm nhiễm trước, nên khỏi bị luân hồi.

Người được giác ngộ rồi cũng như người thức giấc chiêm bao: các cảnh vật đều không còn - Cảnh “bị biết” đã không, nên “cái biết” (năng biết) cũng không. Vì năng và sở đều không nên tính Viên Giác mới hiện ra sáng suốt chiếu khắp cả mười phương, bình đẳng không chuyển động, như thế là “thành Phật”.

Nói “thành Phật” là tạm nói mà thôi, thật ra cũng không “thành”. Vì tính “Viên Giác” của mỗi người đều sẵn có, chỉ trừ hết “Vô minh” rồi thì “Viên Giác” tự hiện ra, chớ có gì đâu mà gọi là “thành”.

Cũng như người có sẵn hòn ngọc trong túi, chẳng qua vì quên, nên in như mất. Ðếu khi nhớ lại thì ngọc vẫn ở sẵn trong túi áo, chớ đâu phải mới “đặng”. Bởi thế nên nói “thành đạo cũng không thành”.

Phật y theo Viên Giác này mà tu, Bồ tát cũng y theo Viên Giác này mà phát tâm Bồ đề, cho đến chúng sinh đời sau cũng phải y theo Viên Giác này tu hành mới khỏi lạc vào tà đạo

 



 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6481634
Số người trực tuyến: