8. Bài thứ tám | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

8. Bài thứ tám

Bài Thứ 8
 
CHƯƠNG THỨ BA
 
PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ Ý NGHĨA “BẤT GIÁC”
(Tiếp Theo)
 

K. NÓI VỀ BỐN MÓN HUÂN TẬP

CHÁNH VĂN

Lại nữa, vì có bốn món huân tập, nên các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh được sinh khởi không dứt.
 
1. Chân như (pháp thanh tịnh) huân tập
 
2. Vô minh (các nhân tãp nhiễm) huân tập
 
3. Nghiệp thức (vọng tâm) huân tập
 
4. Cảnh giới hư vọng (sáu trần) huân tập.
 
Sao gọi là “huân tập”? Chữ “Huân” là xông ướp; chữ “Tập” là quen. Thí như y phục không có mùi thơm, song vì người ta lấy vật thơm xông ướp vào, nên nó quen (có) mùi thơm.
 
Cũng thế, chân như là pháp thanh tịnh thật không có nhiễm ô, song vì bị vô minh huân tập vào, nên có tướng nhiễm ô. Trái lại, vô minh là pháp tạp nhiễm, cũng không có diệu dụng thanh tịnh, chỉ vì bị chân như huân tập vào, nên nó có diệu dụng thanh tịnh.
 
Lược giải

Đoạn này nói về việc “Huân tập” của tâm sinh diệt, để chỉ rõ lý do các pháp sinh diệt tương tục. Ở đây nên lưu ý nhứt, là hai chữ “huân tập”. Chúng ta được chứng Thánh Hiền hay bị làm phàm phu, đều do huân tập cả.

Thí như người không biết uống rượu, gần gũi bạn rượu nay nếm một giọt, mai uống một ly, như thế gọi là “Huân”. Lâu ngày người ấy vì quen hơi rượu, nên ghiền rượu, gọi là “Tập” (tập quán).

Chân như và vô minh huân tập nhau cũng thế. Nếu chân như mạnh, huân tập vô minh, thì vô minh biến thành tịnh dụng. Trái lại, nếu Vô minh mạnh, huân
tập vào chân nhưthì chân như biến ra tướng nhiễm ô. Cũng như nước lạnh và nóng đổ chung một bồn, nếu thế lực của nước nóng nhiều, thì làm cho nước lạnh trở thành ấm, trái lại, nếu thế lực của nước lạnh nhiều, thì làm cho nước nóng trở thành mát.

Hằng ngày chúng ta “huân tập” không biết bao nhiêu việc, huân tập cái gì thành ra cái nấy. Huân tập cái xấu nhiều, thành ra người xấu, Huân tập cái tốt nhiều, thành ra người tốt. Vào hàng bán hương chiên đàng, được xông ướp mùi thơm, thì ta thơm. Vào hàng bán thịt cá, bị ướp mùi tanh hôi, thì ta hôi. Gần gũi người hiền huân tập đức tính tốt, thì ta thành người lương thiện; gần gũi kẻ ác, huân tập theo tính hung dữ, ta thành người bạo ác. Bởi thế nên ngạn ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sang”. Hằng ngày chúng ta chung đụng, gần gũi, lân la không biết bao nhiêu hạng người, chúng ta phải thận trọng về sự huân tập này. Huân tập Phật (chân như) thì được thành Phật, huân tập chúng sinh (vô minh) thì làm chúng sinh.

Huân tập có bốn loại:

1. Chân như huân tập
 
2. Vô minh huân tập
 
3. Vọng tâm huân tập
 
4. Vọng cảnh huân tập

(Sẽ tuần tự giải thích từ thô đến tế như sau).
 
DO HUÂN TẬP NÊN CÁC PHÁP NHIỄM Ô SINH KHỞI KHÔNG DỨT
 
CHÁNH VĂN
 
Huân tập thế nào, mà các pháp tạp nhiễm sinh khởi không dứt? Do chân như mà có vô minh (hoặc); rồi vô minh làm nhân trở lại huân tập vào chân như (nghiệp) sinh ra vọng tâm (khổ); rồi vọng tâm (khổ) trở lại huân tập vào vô minh (hoặc) v.v…
 
Nghĩa là vì chưa ngộ nhập được chân như, nên bất giác (hoặc, tức là nghiệp tướng) vọng niệm sinh khởi (nghiệp, tức là chuyển tướng) và vọng hiện ra các cảnh giới (khổ, tức là hiện tướng).
 
Rồi do cảnh giới nhiễm ô vọng hiện này (khổ) trở lại huân tập vào vọng tâm, sinh ra vọng niệm chấp trước (hoặc, tức là bốn món Thô trước) và tạo ra các nghiệp (nghiệp, tức là món Thô thứ năm) rồi chịu tất cả khổ về thân và tâm v.v…(khổ, tức là món Thô thứ sáu).
 
Lược giải

Đoạn này nói do huân tập nên các pháp tạp nhiễm sinh khởi không dứt.

Vì chưa ngộ nhập được chân tâm, nên vô minh bất giác vọng động nổi lên (hoặc) rồi huân tập trở lại chân tâm (nghiệp)biến thành vọng tâm (khổ).

Rồi từ vọng tâm (khổ) trở lại huân tập vô minh (hoặc sinh ra vọng niệm (nghiệp) và cảnh giới hư vọng (khổ).

Cảnh giới hư vọng (khổ)trở lại huân tập vọng tâm, sinh ra vọng niệm chấp trước (hoặc) tạo ra các nghiệp (nghiệp) rồi chịu quả khổ về thân và tâm v.v…(khổ).
Cũng như 12 nhân duyên: Từ vô minh (hoặc) làm duyên cho hành (nghiệp), hành làm duyên cho thức, danh sắc, lục nhập, xúc thọ (khổ); thọ làm duyên cho ái (hoặc) và ái làm duyên cho thủ, hữu (nghiệp) sinh và lão tử (khổ) v.v…Ba đời nhân quả, từ hoặc tạo nghiệp (nhân quá khứ), do nghiệp nên thọ khổ (quả hiện tại). Rồi khổ lại mê hoặc tạo nghiệp, (nhân hiện tại) và vì tạo nghiệp nên phải chịu khổ về sau (quả vị lai), v.v…Như cái vòng tròn không có mối. Bởi thế nên nói các pháp tạp nhiễm tương tục sinh khởi không dứt.

CHÁNH VĂN

Nói về cảnh giới hư vọng (6 tuần) huân tập. Cảnh giới hư vọng (6 tuần) huân tập có hai món: 1. Cảnh giới huân tập làm tăng trưởng vọng niệm (Trí tướng và Tương tục tướng), 2. Cảnh giới huân tập làm tăng trưởng chấp thủ (Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng).

Nói về vọng tâm (nghiệp thức) huân tập.

Vọng tâm huân tập có hai món:

1. Vọng tâm (nghiệp thức căn bản) huân tập lại căn bản vô minh (làm cho tạng thức bất đoạn) làm cho các vị Bồ Tát, A la hán, Bích Chi Phật (Duyên giác) phải thọ khổ “Biến dịch sinh tử” (sinh tử biến đổi).

2. Vọng tâm (phân biệt sự thức) huân tập chi mạt vô minh (tức là bốn món Thô trước) làm cho chúng phàm phu chịu khổ “phần đoạn sinh tử”.
 
Nói về vô minh huân tập. Vô minh huân tập có 2 món:

1. Căn bản vô minh huân tập vào chân như làm thành tựu nghiệp thức (Tạng thức),

2. Chi mạt vô minh (kiến, ái) huân tập vào vọng tâm làm thành tựu (tăng trưởng) phân biệt sự thức (ý thức)
 
Lược giải
 
Đoạn này nói về 3 loại huân tập (còn loại thứ tư, là chân như huân tập, sẽ nói trong bài sau), từ thô về tế:
 
1. Cảnh giới hư vọng 6 trần huân tập vào vọng tâm, nuôi lớn chi mạ vô minh, cũng gọi nhuận sinh vô minh, tức là Niệm (Trí tướng và Tương tục tướng) và thủ (chấp thù tướng).

2. Vọng tâm (nghiệp thức) huân tập lại vô minh, nuôi lớn hai món khổ sinh tử của phàm phu và Thánh giả:

a. Vì vọng tâm (nghiệp thức huân tập vào căn bản vô minh, nuôi lớn “vọng niệm”, làm cho Tạng thức (A lai da) bất đoạn, nên các vị Bồ Tát, Duyên giác, A la hán phải bị khổ biến dịch sinh tử.
 
b.Vì vọng tâm phân biệt sự thức (ý thức) huân tập vào chi mạt vô minh, (Trí tướng, Tương tục tướng, Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng, tức là kiến hoặc và tư hoặc) nuôi lớn “chấp thủ”, làm cho 7 thức trước tương tục mãi mãi, nên chúng phàm phu phải bị khó phân đoạn sinh tử.

3. Vô minh huân tập làm thành tựu nghiệp thức và phân biệt sự thức:

a. Vì căn bản vô minh huân tập vào chân như, nên làm thành tựu nghiệp thức, tức là A-lại-da thức,

b. Vì chi mạt vô minh (Kiến: Kiến hoặc; Ái: tư hoặc) huân tập vào vọng tâm (nghiệp thức), nên làm thành tựu phân biệt sự thức tức là thức. Nói chung là bảy thức trước. Vì bảy thức trước phân biệt các sự vật, rồi chấp ngã, chấp pháp, nên các sự vật mới thành như thế này, hoặc như thế nọ. Bởi thế nên gọi là phân biệt sự thức.

Đã nói “Do huân tập nên các pháp tạp nhiễm sinh khởi không dứt” rồi; tiếp theo đây sẽ nói: “Do huân tập nên các pháp thanh tịnh sinh khởi không dứt”.

DO HUÂN TẬP NÊN CÁC PHÁP THANH TỊNH SINH KHỞI KHÔNG DỨT

CHÁNH VĂN
 
Huân tập thế nào, mà các pháp thanh tịnh sinh khởi không dứt? Do chân như huân tập vô minh, nên làm cho hành giả khởi vọng tâm nhàm chán khổ sinh tử, cầu vui Niết bàn. Nhờ công năng chán khổ sinh tử, ưa thú vui Niết bàn của vọng tâm đó, trở lại huân tập vào chân như, nên hành giả mới tự tin tính Phật (khả năng thành Phật) của mình, (ở vị Thập tín) và biết cảnh giới hiện tiền không thẫt có, chỉ do tâm vọng động hiện ra (thập trụ) rồi tu hành để xa lìa các nhiễm ô (thập hạnh và Thập hồi hướng). Khi biết xác thực, không có cảnh giới hiện tiền (Sơ địa) hành giả mới dùng các phương tiện tu hành (từ Nhị địa đến Cửu địa) và khởi ra hạnh tuỳ thuận chân tâm, không chấp thủ (Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng) không vọng niệm (Trí tướng và Tương tục tướng) và tu hành trải qua nhiều kiếp lâu xa (Thập địa).
 
Tóm lại, nhờ sức chân như huân tập này, nên vô minh diệt (Nghiệp tướng diệt). Vì vô minh diệt nên tâm không vọng động (Chuyển tướng diệt); do tâm không vọng động nên cảnh giới cũng theo đó mà diệt (Hiện tướng diệt). Do vô minh (nhân) và cảnh giới (duyên) đều diệt, nên các tướng vọng nhiễm của tâm cũng diệt hết (Lục thô diệt hết). Lúc bấy giờ, gọi là chứng Niết bàn, và hành giả được diệu dụng không thể nghĩ bàn (tự nhiên nghiệp).
 
Lược giải
 
Đoạn này nói do huân tập mà các pháp thanh tịnh sinh khởi không dứt.
 
Bên trong nhờ tính Phật (chân như) huân tập vô minh, nên làm cho hành giả phản tỉnh, nhàm khổ sinh tử cầu vui Niết bàn. Bên ngoài nhờ sự phản tỉnh này, trở lại huân tập vào tính Phật (chân như) làm cho hành giả giác ngộ cảnh giới này không thật, nên đã không sinh tâm tham luyến và tạo nghiệp; trái lại, còn tuỳ thuận theo tính Phật tu hành, phá trừ Tam tế Lục thô, trải qua bao vô số kiếp và 56 địa vị, từ Thập tín đến quả Phật.
 
Vì bên trong vô minh, bên ngoài cảnh giới đều đã diệt nên vọng tâm cũng diệt; do vọng tâm diệt, nên tính Phật (chân như) mới hiện ra, gọi đó là cảnh Niết bàn. Lúc bấy giờ hành giả được rất nhiều diệu dụng hoá độ chúng sinh không thể nghĩ bàn.
 
Chúng ta nên lưu ý đặc điểm này: khi mê thì vô minh làm cho vọng tâm tạo ra các tội khổ sinh tử triền phược; đến lúc ngộ thì chân như (tính Phật) làm cho vọng tâm phản tỉnh và tiến tu đến đạo quả Bồ Đề, Niết bàn.
 
Cũng như một cây gươm, nếu kẻ giặc cầm thì sát nhân vô đạo; còn người anh hùng tướng sỉ cầm, thì bảo vệ non sông. Bởi thế nên người tu hành, chỉ đổi cái “Dụng” mà thôi, chứ không phải trừ bỏ cái “Thể” vậy.
 
CHÁNH VĂN
 
Lại nữa, vọng tâm huân tập có hai thứ:
 
1. Ý thức huân tập (phân biệt sự thức), làm cho chúng phàm phu và Nhị thừa nhàm chán khổ sinh tử, và tuỳ theo năng lực của mình, lần lần tu hành đến Đạo vô thượng Bồ Đề.
 
2. Ý huân tập, làm cho các vị Bồ Tát phát tâm dõng mãnh, mau đến quả Niết bàn.

Lược giải
 
Đoạn này giải thích, vọng tâm huân tập trở lại chân như, có hai loại:
 
1. Ý thức (thức thứ sáu) huân tập vào chân như; nghĩa là do công năng phản tỉnh của ý thức, huân tập trở lại tính Phật saün có (chân như), nên làm cho chúng phàm phu và hàng Nhị thừa nhàm chán khổ sinh tử, phát tâm tu hành, lần lần đến đạo vô thượng Bồ Đề.
 
2. Ý (tương tục ý) huân tập trở lại chân như; nghĩa là do công năng phản tỉnh của ý, huân tập trở lại tính Phật (chân như), nên làm cho hàng Bồ Tát , phát tâm dõng mãnh tu hành, mau được quả Niết bàn.
 
Trên đã nói vọng tâm huân tập vào chân như, có thô và tế không đồng rồi; tiếp sau đây sẽ nói chân như huân tập vô minh, có “thể” và “dụng” không đồng.
 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6407862
Số người trực tuyến: