6. Bài thứ sáu
Bài Thứ Sáu
CHƯƠNG THỨ BA
PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ NGHĨA “BẤT GIÁC”
(Tiếp Theo)
D. NÓI VỀ “Ý” TƯƠNG TỤC, có 5 thứ:
CHÁNH VĂN
Trên đã nói “Tâm sinh diệt”, (thức A-lại-da) tiếp theo đây sẽ nói “cái “Ý” làm nhân duyên sinh diệt”.
Tất cả chúng sinh đều từ nơi tâm (A-lại-da) mà sinh ra mý (Mạt ma) và ý thức (thức thứ 6). Nghĩa là do thức A-lại-da có vô minh bất giác (nghiệp tướng) nên sinh ra Năng kiến (chuyển tướng) và Năng hiện (hiện tướng) rồi tiếp tục sinh ra các niệm (lục thô), chấp lấy cảnh giới v.v…gọi là “Ý”.
Lược giải
Đoạn này nói về sự quan trọng của “ý”. Trong các nơi khác, khi nói đến “ý” thì thường dùng để chỉ riêng cho thức Mạt na, là thức sinh diệt tương tục thắng hơn các thức. Nhưng chữ “ý” ở luận này là chỉ chung cho cả 8 thức; vì cả 8 thức đều có nghĩa “sinh diệt tương tục”.
Thức A-lại-da là gốc của sinh diệt, thức Mạt na làm nhân duyên cho sự sinh diệt tương tục; còn ý thức thì khởi hoặc tạo nghiệp, làm cho chúng sinh nhiều kiếp sinh tử không dứt.
“Ý” CÓ 5 THỨ
CHÁNH VĂN
Cái “Ý” này lại có 5 thứ: Nghiệp thức (nghiệp tướng), Chuyển thức (chuyển tướng), Hiện thức (hiện tướng), Trí thức (trí tướng) và Tươmng tục thức (tương tục tướng).
a. “Nghiệp thức” là sự vô minh bất giác làm cho tâm vọng động (tức là Tự chứng phần của thức A-lại-da)
b. “Chuyển thức” là phần Năng phân biệt (Kiến phần của thức A-lại-da) do tâm vọng động chuyển sinh ra.
c. “Hiện thức” là sự hiện bày của cảnh giới ngũ trần bị phân biệt (Tướng phần của thức A-lại-da). Cảnh giới này không có trước sau, trong tất cả thời, mặc tình sinh khởi, thường hiện ở trước.
(3 thức này thuộc về Tam Tế)
d. “Trí thức” là cái biết phân biệt các pháp nhiễm tịnh.
e. “Tương tục thức” là niệm niệm sinh diệt tương tục không gián đoạn.
(2 thức này thuộc về 2 món. Thô trước, trong 6 món Thô)
Năm thứ “ý” này, giữ gìn tất cả nghiệp lành dữ, từ quá khứ vô lượng kiếp về trước, cho đến ngày nay cũng không mất (trì chủng). Nó lại có công năng làm cho thành thục tất cả quả báo khổ vui về hiện tại cũng như tương lai, không sai mất (chấp thủ căn thân, thế giới và kiết sinh tương tục). Và nó công năng nhớ việc đã qua, nghĩ những việc hiện tại và suy tính những việc chưa đến (vị lai).
Bởi thế nên ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới) đều hư ngụy, duy tâm tạo ra. Nếu rời tâm thì không có cảnh giới sáu trần này (ba cõi).
Bài Thứ Sáu
Đoạn này nói về nghĩa chử “ý”, là chỉ cho một dòng sinh diệt tương tục không gián đoạn. Từ vô minh vọng động, sinh ra 3 món Tế, là Nghiệp tướng (nghiệp thức), Chuyển tướng (chuyển thức), Hiện tướng (hiện thức) và hai món Thô là Trí tướng (trí thức) và Tương tục tướng (tương tục thức).
Năm cái “ý” này có công năng giữ gìn thiện ác, quả báo khổ vui hiện tại và vị lai, làm cho không mất (đó là công năng trì chủng chấp thọ thân căn thế giới và kiết sinh tương tục của thức A đà na); nhớ nghĩ những việc đã qua và lo tính những điều chưa đến (đó là công năng của thức thứ 6), và một dòng sinh diệt, tiếp tục từ trước đến sau không gián đoạn, gọi đó là “ý”. Bởi thế nên chữ “ý” này là chỉ chung cho cả 8 thức.
Tóm lại, từ vô minh vọng động, sinh ra thức A-lại-da. Từ thức A-lại-da lại tiếp tục sinh ra 7 thức trước; rồi cùng nhau làm nhân làm duyên, lại thành ra một dòng sóng thức, sinh diệt tương tục vô tận, gọi đó là “ý”. Cũng vì rõ nghĩa này, nên Cổ nhân làm bài thơ có câu rằng: “…Nhất ba tài động vạn ba tuỳ …” (một lượng sóng vừa nổi lên, thì trăm ngàn lượng sóng đều nổi theo).
Nào ba cõi, nào 6 trần đều từ 8 thức này biến hiện. Bởi thế nên các pháp đều hư dối, duy tâm tạo ra; nếu rời 8 thức, thì các cảnh giới đều không còn.
CHÁNH VĂN
Nghĩa này thế nào? Do tất cả pháp đều từ vọng tâm của chúng sinh mà sinh khởi, nên tất cả sự phân biệt tức là phân biệt trong tự tâm. Nhưng tâm không có hình tướng gì cả, nên không thể thấy được nó. Phải biết, tất cả cảnh giới ở thế gian, đều do vô minh vọng tâm của chúng sinh mà được tồn tại, nên tất cả các pháp, đều không có thật thể, mà chỉ vọng tâm huyễn hiện, như bóng trong gương.
Nếu vọng tâm sinh khởi, thì các pháp đều sinh khởi; vọng tâm diệt thì các pháp đều diệt (Tâm sinh tắc chủng chủng pháp sinh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt).
Lược giải
Tất cả các pháp đều do tâm của chúng sinh sinh ra, nên chúng snh phân biệt các pháp, tức là phân biệt ở nơi tự tâm. Kinh Lăng Nghiêm chép: “Tự tâm thủ tự tâm, phi huyễn thành huyễn pháp” (tự tâm chúng sinh trở lại chấp lấy tự tâm chúng sinh; tâm không phải huyễn mà trở lại thành pháp hư huyễn).
Tất cả các pháp đều không thật có, chỉ nương nơi tâm mà tồn tại, như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Nếu tâm động thì các pháp sinh, tâm tịnh thì các pháp diệt. Trong Khế kinh chép: “tâm sinh tắc chủng chủng pháp sinh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt” là vậy. Tổ Qui Sơn nói: “Nhất tâm không sinh thì muôn pháp đều dứt” (Nhất tâm bất sinh vạn pháp câu tức). Bởi thế nên đoạn trước nói “Người quán vô niệm (không vọng niệm) thì hướng về trí Phật”.
Đoạn này đã nói về “ý tương tục” rồi, tiếp theo dưới đây sẽ nói đến ý thức.
E. NÓI VỀ “Ý THỨC”
CHÁNH VĂN
Trên đã nói về “ý” rồi, tiếp theo đây nói về “ý thức”. Ý thức tức là “thức tương tục”. Bởi chúng phàm phu chấp trước rất nặng nề nơi Ngã và Ngã sở, nên khởi ra các món vọng chấp, leo chuyền theo sự vật, phân biệt cảnh giới sáu trần, gọi đó là “ý thức” (thức thứ sáu). Cũng gọi đó là “Phân ly thức”, hay gọi “Phân biệt sự thức”. Thức này nương nơi kiến (kiến hoặc) và ái (tư hoặc) phiền não mà được nuôi lớn.
Lược giải
Đoạn này nói về “ý thức”.
So với 5 món “ý” nói trên, thì ý thức này thuộc về món thứ năm là “Tương tục thức”; trong Lục thô nó thuộc về Thô thứ hai là “Tương tục Tướng”; trong 8 thức nó thuộc về thức thứ 6.
Bởi thức này, niệm niệm tương tục, chấp Ngã và Ngã sở, leo chuyền theo các trần cảnh, phân biệt các sự vật, vọng chấp đủ điều, nên gọi là “Thức tương tục”.
Bởi thức này phân biệt 5 trần cảnh (Sắc, Thinh, Hương, Vị và Xúc) mỗi cảnh riêng nhau, nên gọi là “Phân ly thức”.
Bởi thức này phân biệt tất cả sự vật, nên cũng gọi là “phận biệt sự thức”.
Lại nữa, thức này nhờ 2 món phiền não là “Kiến” và “Ái” mà được nuôi lớn, “kiến” tức là kiến hoặc, thuộc về phân biệt hoặc. “Ái” tức là Tư hoặc, thuộc về Cu sinh hoặc. Do hai món phiền não này, nên ý thức mới khởi hoặc tạo nghiệp, quanh quẩn trong sinh tử luân hồi.
***
Trong “Môn sinh diệt” có 2 phần, trên đã nói về phần thuận dòng vô minh (lưu chuyển), sinh ra các pháp sinh tử tạp nhiễm; sau đây sẽ nói, chính nơi pháp tạp nhiễm lưu chuyển đó, để chỉ sự trở lại thanh tịnh (hoàn tịnh) tuỳ theo trình độ của người, hoặc mau hay chậm không đồng.
CẢNH GIỚI NÀY DUY PHẬT MỚI BIẾT ĐƯỢC RỐT RÁO
CHÁNH VĂN
Do vô minh huân tập sinh ra thức. Cảnh giới này, chúng phàm phu không thể biết được; dù cho hàng Nhị thừa dùng trí huệ quán sát cũng không thể biết được; các vị Bồ Tát từ Sơ tín cho đến Tam hiền (Trụ Hạnh, Hướng) phát tâm quán sát, chỉ biết được chút ít; bậc Thập địa Bồ Tát (Pháp thân Bồ Tát) cũng chỉ biết được từng phần; cho đến Đẳng giác Bồ Tát cũng không thể biết hết; duy có Phật mới biết được rốt ráo.
Tại sao vậy?. Vì tâm này từ hồi nào đến giờ, tính nó vẫn thanh tịnh, không có vô minh; song bị vô minhnlàm nhiễm ô (bất biến tuỳ duyên), vì thế nên rất khó biết. Bởi thế nên chỉ có Phật mới có thể biết được cảnh giới này.
Tóm lại, chân tam (tâm tính) vì thướng không vọng niệm, nên gọi là “bất biến” (chân như). Song chúng sinh vì không ngộ nhập được chân tâm (nhất pháp giới) này, lại sinh vọng niệm nên gọi là “vô minh”.
Lược giải
Người đang chiêm bao không bao giờ biết được chiêm bao; phải thức giấc rồi mới biết đó là cảnh chiêm bao; chúng sinh đang ở trong vòng vô minh vọng thức, không thể biết được vô minh vọng thức; bao giờ giác ngộ hoàn toàn, mới biết được rốt ráo cảnh giới của vô minh vọng thức.
Do vô minh huân tập vào chân như, nên chân vọng hoà hiệp biến thành thức A-lại-da. Chúng phàm phu vì đang ở trong vòng thức biến, nên không bao giờ biết được cảnh giới thức biến. Hàng Nhị thừa tuy dùng trí huệ quán sát, phá được ngã chấp; nhưng mây pháp chấp hãy còn dày bịt và che lối chân tâm, nên cũng không thể thấy được cảnh giới ấy. Các bậc Bồ Tát ở vị Tam hiền, mới phá được đôi phần phân biệt pháp chấp; nên chỉ biết được chút ít về cảnh giới này. Đến bậc Thập địa Bồ Tát , hễ phá được một phần vô minh, chứng được một phần pháp thân, thì thấy được một phần của cảnh giới này, và cứ tuần tự như thế, cho đến khi nào phá được 10 phần vô minh, thì chứng 10 phần pháp thân và biết được cả 10 phần của cảnh giới này. (Thập địa Bồ Tát, do phá vô minh, chứng được pháp thân, nên gọi là “Pháp thân Bồ Tát”). Bậc Đẳng giác Bồ Tát, vì còn vi tế vô minh, nên đối với cảnh giới này, biết cũng chưa tường tận. Đến quả vị Phật, do phá vô minh đã sạch hết, nên mới hoàn toàn biết được cảnh giới này; cũng như người đã hoàn toàn thức tĩnh, mới biết được rốt ráo cảnh mê mộng.
***
Trên đã nói nhân duyên trở lại bản tâm thanh tịnh rồi, dưới đây sẽ lược nói đến địa vị nào, mới đoạn được hoặc gì, để trở lại bản tâm thanh tịnh.
- 83
Viết bình luận