8. Bài thứ tám: Tùy Phiền não | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

8. Bài thứ tám: Tùy Phiền não

BÀI THỨ TÁM

TUỲ PHIỀN NÃO

(Có 20 món)

o0o

Hai mươi món phiền não này, là tuỳ thuộc 6 món Căn bản phiền não trên mà sinh khởi. Vì phạm vi tương ưng của nó có rộng và hẹp không đồng, nên chia làm ba loại:

I. TIỂU TUỲ, có 10 món, mỗi món tự lực sinh khởi, phạm vi tương ưng nhỏ hẹp, nên gọi là “Tiểu”.

1. Phẫn: Giận. Tính của tâm sở này, khi gặp cảnh trái nghịch, nóng giận. Nghiệp dụng của nó là hay làm tổn hại người, vật và chướng ngại tính không nóng giận.

2. Hận: Hờn. Khi gặp cảnh nghịch, trước nóng giận rồi sau mới hờn. Tính của Tâm sở này là ôm ấp sự oán ghét không bỏ. Nghiệp dụng của nó là nóng nảy, buồn phiền và hay làm chướng ngại tính không hờn.

3. Phú: Che giấu. Tính của tâm sở này, vì sợ mất danh giá và tài lợi, nên che giấu tội lỗi của mình. Nghiệp dụng của nó là hay ăn năn, buồn và chướng ngại tính không che giấu.

4. Não: Buồn buồn. Khi gặp cảnh nghịch, trước giận hờn rồi sau mới buồn. tính của Tâm sở này hay nhớ lại những cảnh trái nghịch đã qua, rồi sinh buồn phiền. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại tính không buồn.

5. Tật: Tật đố, ganh ghét. Tính của tâm sở này hay ganh ghét đố kî những gì mà người ta hơn mình. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại tính không tật đố và sầu khổ lo buồn.

6. Xan: Bỏn xẻn. Tính của tâm sở này, bỏn xẻn, rích rắm, không chịu ban bố tiền tài hay giáo pháp cho người. Nghiệp dụng của nó là làm bộ quê mùa, ăn mặt nghèo cực, để tích trử tài sản và làm chướng ngại không bỏn xẻn.

7. Cuống: Dối. Tính của tâm sở này, dối gạt người để lợi mình. Nghiệp dụng của nó là làm việc không chân chính để nuôi sống và chướng ngại tính không dối gạt.

8. Siểm: Bợ đỡ, nịnh hót. Tính của tâm sở này, lựa thời thế nịnh hót, bợ đỡ người. Nghiệp dụng của nó là không nghe lời chỉ giáo chân chính của thầy, bạn và làm chướng ngại tính không dua nịnh.

9. Hại: Tổn hại. Tính của tâm sở này làm tổn hại các loài hữu tình. Nghiệp dụng của nó là làm bức não người, vật và chướng ngại tính không tổn hại.

10. Kiêu: Kiêu căng. Tính của tâm sở này, vì thấy mình giàu sang, quyền tước hoặc tài năng, rồi sinh ra kiêu cách và ngạo nghễ. Nghiệp dụng của nó là làm nhơn sinh ra nhiễm ô, tội lỗi và chướng ngại tính không kiêu căng.

II. TRUNG TUỲ, có hai món là Vô tàm và Vô quý; vì hai món Tâm sở này, duyên các Tâm sở bất thiện, phạm vi tương ưng của nó trung bình, nên gọi là “trung tùy”.

11. Vô tàm: Tự mình không biết, xấu hổ. tính của tâm sở này, khi làm việc quấy không biết tự hổ, khinh dễ những người hiền thiện. Nghiệp dụng của nó là làm tăng trưởng việc ác và chướng ngại tính biết xấu hổ.

12. Vô quý: Không biết thẹn với người. tính và tâm sở này, khi làm việc quấy, không biết thẹn với người, ưa làm việc tội ác. Nghiệp dụng của nó là làm tăng trưởng việc ác và chướng ngại tính biết thẹn.

III. ĐẠI TÙY, có 8 món sau đây. Tám món Tâm sở này biến khắp các Tâm sở bất thiện, phạm vi của nó rộng hơn hai món Trung tuỳ trước, nên gọi là “Đại tuỳ”.

13. Trao cử: Lao chao. Tính của Tâm sở này làm cho thân tâm chao động không yên tịnh. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại Định và Hành xả.

14. Hôn trầm: Mờ tối trầm trọng. tính của Tâm sở này, khiến cho tâm khi đối với quán cảnh mờ mịt không sáng suốt. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại Tuệ và khinh an.

15. Bất tín: Không tin. Tính của Tâm sở này là không tin các pháp lành, làm cho tâm tính ô nhiễm. Nghiệp dụng của nó hay sinh giải đãi và chướng ngại tâm thanh tịnh.

16. Giãi đãi: Biếng nhác trễ nải. Tính của Tâm sở này là biếng nhác, không lo đoạn ác và tu thiện. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại tinh tấn và tăng trưởng tính nhiễm ô.

17. Phóng dật: Buông lung. Tính của Tâm sở này phóng túng, buông lung, không thúc liễm thân tâm để đoạn ác tu thiện. Nghiệp dụng của nó là làm tăng ác tổn thiện, và chướng ngại tính không buông lung.

18. Thất niệm: Mất chính niệm. Tính của Tâm sở này không nhớ cảnh đã duyên. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại chính niệm và sinh tán loạn.

19. Tán loạn: Rối loạn. Tính của Tâm sở này làm cho tâm rối loạn. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại chính định và sinh ra ác tuệ.

20. Bất chính tri: Biết không chân chính. Tính của Tâm sở này, khi đối với cảnh, hiểu biết sai lầm. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại cái hiểu biết chân chính và sinh ra phạm giới.

Hỏi: Ba món Tâm sở: Trạo cử, Tán loạn và phóng dật khác nhau thế nào?

Đáp: Trạo cử là lao chao; dụ như con ngựa đứng một chỗ trong chuồng, nhưng đầu và mình vẫn lắc qua lắc lại không yên. Tán loạn là rối loạn; dụ như con ngựa chạy lăng xăng trong chuồng. Phóng dật là buông lung; dụ như con ngựa đã thoát ra khỏi chuồng, tuôn vào lúa mạ của người.

Hỏi: Bốn món Tâm sở: Sân, phẫn, Hận và Não, Hành tướng khác nhau thế nào?

Đáp: Sân là nổi nóng, dụ như lửa rơm. Phẫn là giận, dụ như lữa củi. Hận là hờn; dụ như lữa than. Não là buồn, dụ như tro nóng.

Hỏi: Siêng năng làm việc quấy, có phải là Tinh tấn Tâm sở không?

Đáp: Không phải. Siêng năng làm việc quấy là phóng dật Tâm sở.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6482209
Số người trực tuyến: