4. Bài thứ tư | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

4. Bài thứ tư

Bài Thứ tư

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ NGHĨA “GIÁC”

(tiếp theo và hết)


CHÁNH VĂN

Bản giác có 2 tướng. Lại nữa, do dứt các nhiễm duyên phân biệt, nên bản giác chia thành ra hai tướng: 1. Tướng trí tịnh. 2. Tướng nghiệp dụng bất tư nghị; hai tướng này không rời bản giác.

1. Tướng trí tịnh: (Thể): Hành giả nhờ sức huân tập và như thật tu hành, đến khi công phu tu hành đã viên mãn, phá trừ được thức A-lại-da (chân vọng hoà hiệp) và diệt các vọng tâm tương tục, thì pháp thân thanh tịnh hiện ra, đặng cái trí thuần tịnh, nên gọi là “Tướng trí tịnh”.

Lược giải

Nhờ dứt trừ các pháp nhiễm ô phân biệt, nên tính giác hiện ra có 2 tướng: 1. Bản thể sáng suốt trong sạch, gọi là “Tướng trí tịnh”.2. Diệu dụng không thể nghĩ bàn, gọi là “Tướng nghiệp dụng bất tư nghị”. Vì thể và dụng không rời tính giác, nên gọi “hai tướng không rời bản giác”.

Bậc Tam hiền, bên trong nhờ sức chân như huân ra, bên ngoài lại nhờ chính pháp huân vào, nên làm cho hành giả tự phát khởi tín tâm tu hành.

Đến hàng Thập địa Bồ Tát, do nhờ sức tu tập, nên ngộ nhập được tâm chân như, rồi y như tâm chân như này mà tu, nên gọi là “Như thật tu hành”.

Đến vị Đẳng giác Bồ Tát, thì sự tu hành, công đã thành quả lại mãn; lúc bấy giờ Bồ Tát phá trừ thức hoà hiệp và diệt tâm tương tục, nên pháp thân thanh tịnh hiện ra, đặng trí thuần tịnh, gọi là “Tướng trí tịnh”.

GIẢI DANH TỪ

“Thức hoà hiệp”: Đoạn trước nói “Sinh diệt và bất sinh diệt hoà hiệp”, gọi là A-lại-da”, nay nói “phá thức hoà hiệp” tức là phá thức A-lại-da. Song chỉ phá cái “tướng hư vọng tạp nhiễm” của thứcA-lại-da; không phải phá cái “thể tính” của thức này.

“Tâm tương tục”: Tâm tương tục tức là 7 chuyển thức (từ nhãn thức đến Mạt ma thức). Diệt tâm tương tục, tức là diệt “tướng” hư vọng tương tục của 7 thức trước, không phải diệt cái “thể” của 7 chuyển thức.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nghĩa này thế nào?

Đáp: Tất cả tâm thức đều là vô minh; song cái tướng vô minh (vọng) không rời tính giác (chân). Bởi thế nên không thể phá hoại (vì không rời tính giác), và cũng không phải không phá hoại được (vì là tướng vô minh).

Thí như trước biển cả (dụ tính giác) vì gió (vô minh) nên nổi sóng (tâm thức); sóng và gió đều động và không rời nhau; song tính nước chẳng động. Đến khi sóng đứng thì gió lặng; song tính ướt của nước không diệt.

Cũng thế, biển tâm thanh tịnh của chúng sinh, bị gió vô minh thổi động, nên sóng tâm thức nổi lên. Sóng tâm thức, gió vô minh đều động, lại không hình tướng và chẳng rời nhau; song biển chân tâm chẳng hề chao động. Nếu gió vô minh dừng, thì sóng tâm thức tương tục kia cũng lặng; song nước trí thuần tịnh (chân) không bao giờ diệt.

Lược giải

Vì vô minh sinh ra các tâm thức hư vọng, nên các tâm thức không rời vô minh. Song vô minh lại không thật thể, chỉ nương tính giác mà có, nên nó không rời tính giác. Đến khi vô minh hết, thức tâm diệt, thì tính giác hiện bày. Cũng như, vì gió thổi nên tính sóng nổi lên; sóng và gió đều động và không rời nhau. Đến khi gió đứng sóng lặng thì tính nước thanh tịnh bằng phẳng hiện ra.

CHÁNH VĂN

Tướng nghiệp dụng bất tư nghị (Dụng). Do tướng trí tịnh đủ vô lượng công đức và thường không đoạn tuyệt, nên có thể tuỳ thuận theo căn cơ của chúng sinh, tự nhiên ứng hiện ra tất cả các cảnh giới mầu nhiệm thù thắng, để làm lợi ích cho chúng sinh.

Lược giải

Từ chân như thể (tướng trí tịnh) khởi ra các diệu dụng (chân như dụng) không thể nghĩ bàn được (tướng nghiệp dụng bất tư nghị). Nhờ diệu dụng này mới có thể hiện ra được các cảnh giới thù thắng, tuỳ theo trình độ của mỗi loài, làm vô lượng công đức, để lợi ích cho tất cả chúng sinh không thể nghĩ bàn.

Ngài Đức Thanh giải: Bản giác khi còn ở tại vỏ mê, thì chúng sinh nương nơi đó mà tạo ra vô lượng vô biên các nghiệp, nên kinh chép: “Nghiệp lực không thể nghĩ bàn”. Nay Bản giác đã ra khỏi vỏ mê, được thanh tịnh, thì có đủ tất cả thần thông diệu dụng, cũng không thể nghĩ bàn được. Và Bản giác này nghĩ ra các cảnh giới thắng diệu, làm vô lượng công đức, tuỳ theo căn cơ của mỗi loài, ứng hiện đủ cách, để làm lợi ích cho các chúng sinh; như Ngài Quán Thế Âm hiện ra 32 ứng thân, 14 món vô úy …nên gọi là “Nghiệp dụng bất khả tư nghì” (Diệu dụng không thể nghĩ bàn).

GIẢI DANH TỪ

“Tự nhiên ứng hiện”: Nghĩa là ứng hiện một cách tự nhiên, không dụng công và cố ý. Thí như mặt trăng chiếu xuống ao, hễ nước trong thì trăng tự nhiên ứng hiện; trăng không có dụng công và cố tâm.

CHÁNH VĂN

Bản giác có 4 nghĩa

Lại nữa, Thể và Tướng của tính giác (chân tâm) giống như cái gương sáng sạch, và rộng lớn như hư không, bao trùm tất cả. Tính giác này có 4 nghĩa:

1. Như thật không: Như cái gương lớn sáng sạch, không có hình ảnh của cảnh vật (thật không). Tính giác (chân tâm) xa lìa các tướng của vọng tâm và vọng cảnh (ly nhất thế tướng); không có một pháp nào hiện ra cả; cũng như cái gương trống không. Đây là nói về nghĩa “Tịch” (vắng lặng) của tính giác, không phải nói về nghĩa “chiếu”.

Lược giải

Vì tính giác viên mãn thanh tịnh, nên dụ như cái gương sáng sạch; vì tính giác rộng rãi bao la, nên dụ như hư không rộng lớn. Nếu phân tách từng khía cạnh, thì tính giác có 4 nghĩa; đoạn này nói về nghĩa thứ nhứt:

1. Thật không: Đây là nói về nghĩa “tịch tịnh” của Chân tâm. Vì Bản thể chân tâm (tính giác) vốn thanh tịnh, rộng rãi bao la và ly tất cả các tướng, không thể dùng tâm thức suy nghĩ hay lời nói luận bàn được, (cũng như cái gương sáng sạch, không có lưu một hình ảnh gì ở trong gương cả) tức là pháp thân thanh tịnh saün có của chúng sinh, không phải do tu mới được.

CHÁNH VĂN

2. Nhân huân tập: Như cái gương sáng lớn, hiện đủ các cảnh (thật có). Trong tính giác (chân tâm) đủ các pháp (tức nhứt thế pháp); nghĩa là tất cả cảnh giới thánh, phàm đều hiện trong chân tâm thường trú nầy. Nó không xuất không nhập, không mất không hoại, vì tính của các pháp là chân tâm vậy.

Lại nữa, vì tính giác không vọng động, nên các pháp nhiễm ô, không thể làm nhiễm ô được; trái lại nó đủ tất cả các pháp vô lậu và làm nhân huân tập cho chúng sinh vậy.

Lược giải

Đoạn trước nói về “thể” của chân tâm, ly tất cả các tướng, cũng như cái gương sáng, không có một vật gì ở trong gương (như thật không). Đoạn này nói về Tướng và Dụng của chân tâm đủ tất cả pháp. Cũng như cái gương sáng, các cảnh vật đều hiện vào (như thật bất không).

Tướng và Dụng của chân tâm có 2 nghĩa:

1. Đủ tất cả pháp: Tất cả chúng sinh đều sẵn có các pháp vô lậu thanh tịnh, cũng gọi là “bản hữu Phật tính” hay “chánh nhân Phật tính”.

2. Nhân huân tập: Tất cả chúng sinh đều sẵn có tính Phật; tính Phật đủ vô lượng hằng sa công đức và thanh tịnh không động, nên các pháp nhiễm ô không làm nhiễm ô được. Tính Phật này làm chính nhân (chính nhân Phật tính) huân tập ở bên trong, khiến cho chúng sinh giác ngộ, nhàm chán khổ sinh tử, phát tâm cầu đạo giải thoát.

CHÁNH VĂN

3. Pháp xuất ly: Như cái gương đã sáng sạch, không còn bụi nhơ. Tính giác (tính Phật) đã sáng suốt thuần tịnh, ra khỏi hai chướng: Phiền não chướng, Sở tri chướng và xa lìa thức A-lại-da (Chân, Vọng hoà hiệp).

Lược giải

3. Pháp xuất ly: tức là “Liễu nhân Phật tính”, cũng gọi là “Chân như xuất triền”. Hành giả nhờ công phu tu tập, đoạn trừ phiền não chướng, sở tri chướng và phá thức hoà hiệp (A-lại-da), nên tính Phật (Chân như) không còn bị triền phược và được sáng suốt thuần tịnh.

CHÁNH VĂN

4. Duyên huân tập: Như cái gương sáng, phản chiếu trở lại. Tính giác (Phật tính) đã ra khỏi vỏ triền phược rồi, trở lại chiếu soi khắp giáp tất cả, và tuỳ theo tâm niệm của mỗi loài mà hiện thân hoá độ, làm trợ duyên huân tập trở lại vào tâm chúng sinh, khiến cho chúng sinh tu tập căn lành.

Lược giải

4. Duyên nhân Phật tính: Do Chân như đã xuất triền, nên có diệu dụng không thể nghĩ bàn: Chiếu khắp tất cả và tuỳ theo tâm niệm của chúng sinh mà thị hiện các thân hình để hoá độ, làm trợ duyên, huân tập trở lại vào tâm chúng sinh, khiến cho chúng sinh phát Bồ Đề tâm, tu theo chính pháp.

Công dụng cao cả và rộng lớn của Chân như (tính giác), chỉ có thể thí dụ như hư không. Thể tính sáng suốt thuần tịnh của Chân như (tính giác), chỉ có thể thí dụ như gương: dầu có bụi hay không, song chất pha lê (gương) vẫn sáng suốt, thủy chung như một.

(Đoạn này đã nói nghĩa “Giác” rồi, tiếp theo sau đây sẽ nói đến nghĩa “Bất giác” của thức A-lại-da).

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6239352
Số người trực tuyến: