7. Bài thứ bảy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

7. Bài thứ bảy

Bài Thứ Bảy

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ Ý NGHĨA “BẤT GIÁC” (Tiếp Theo)

 

G. NÓI VỀ TÂM NHIỄM Ô

CHÁNH VĂN

Tâm nhiễm ô này (kể từ Thô đến Tế) có 6 lớp:

1. Nhiễm ô về chấp trước (chấp tương ưng nhiễm, tức là hai món Thô: chấp thủ tướng và kế danh tự tướng). Hành giả phải đến quả Nhị thừa hay vị Thập tín, mới trừ được món nhiễm ô này.

2. Nhiễm ô bất đoạn (Bất đoạn tương ưng nhiễm, tức là món Thô về tương tục tướng). Hành giả từ địa vị Thập tín đến địa vị Thập hồi hướng, phương tiện tu hành, lần lần xả bỏ, khi đến Sơ địa (tịnh tâm địa) mới hoàn toàn xa lìa được món nhiễm ô này.

3. Nhiễm ô về trí phân biệt (Phân biệt trí tương ưng nhiễm, tức là món Thô về Trí tướng). Hành giả phải từ Nhị địa (Cụ giới địa) lầân lần diệt trừ, cho đến Thất địa (Vô tướng phương tiện địa) mới hoàn toàn xa lìa nhiễm ô này.

4. Nhiễm ô về cảnh sắc (Hiện sắc bất tương ưng nhiễm, tức là món Tế về Hiện tướng). Hành giả tu hành phải đến Bát địa (Sắc tự tại địa) mới xa lìa được món nhiễm ô này.

5. Nhiễm ô về năng phân biệt (năng kiến tâm bất tương ưng nhiễm, tức là món Tế về Kiến tướng). Hành giả tu hành phải đến Cửu địa, mới xa lìa được món nhiễm ô này.

6. Nhiễm ô về nghiệp (Căn bản nghiệp bất tương ưng nhiễm, tức là món Tế về Nghiệp tướng). Hành giả từ Thập địa lên Đẳng giác Bồ Tát và phải đến quả vị Phật, mới có thể diệt trừ món nhiễm ô này.

Tóm lại, vì không ngộ được chân tâm (bất đạt nhất pháp giới nghĩa) nên sinh ra nhiều lớp nhiễm ô (Tam tế, Lục thô). Muốn diệt trừ các nhiễm ô này, hành giả phải trải qua nhiều địa vị: Bắt đầu từ địa vị Thập tín để tâm quán sát và học tập đoạn trừ tâm nhiễm ô. Qua Tam hiền rồi vào Thập địa, tuỳ mỗi địa vị, diệt trừ mỗi phần tâm nhiễm ô (vọng hoặc); đến quả vị Phật mới diệt hoàn toàn rốt ráo.

Lược giải

Vì không ngộ được chân tâm, nên sinh ra trùng trùng mê vọng. Các lớp mê vọng tuy nhiều, nhưng đại lược chia làm 6 lớp, từ Thô đến Tế.

1. Chấp tương ưng nhiễm (nhiễm ô về sự chấp trước) tức là hai món Thô thứ ba và thứ tư (chấp thủ tướng và kế danh tự tướng) trong 6 món Thô. Hành giả tu hành phải đến Nhị thừa hay Thập tín mới đoạn trừ được lớp vọng nhiễm này.

2. Bất đoạn tương ưng nhiễm (nhiễm ô về bất đoạn) tức là món Thô thứ hai (tương tục tướng) trong 6 món Thô. Hành giả tu hành từ địa vị Tam hiền đoạn trừ lần lần cho đến Sơ địa mới trừ hết lớp vọng nhiễm này.

3. Phân biệt trí tương ưng nhiễm (nhiễm ô về phân biệt) tức là món Thô thứ nhất (trí tướng) trong 6 món Thô. Hành giả tu hành từ Nhị địa cho đến Thất địa mới trừ được lớp vọng nhiễm này.

4. Hiện sắc bất tương ưng nhiễm (nhiễm ô về cảnh giới) tức là món Tế thứ ba (hiện tướng) trong 3 món Tế. Hành giả tu hành đến Bát địa mới đoạn được lớp vọng nhiễm này.

5. Năng kiến tâm bất tương ưng nhiễm (nhiễm ô về năng phân biệt) tức là món Tế thứ hai (kiến tướng) trong 3 món Tế. Hành giả tu hành, phải đến Cửu địa, mới đoạn được lớp vọng nhiễm này.

6. Căn bản nghiệp bất tương ưng nhiễm (nhiễm ô vềnghiệp) tức là món Tế thứ nhất (Vô minh nghiệp tướng) trong 3 món Tế. Hành giả tu hành khi sắp chúng quả Phật, mới đoạn trừ được lớp vọng nhiễm rất vi tế này.

Tóm lại, vì vô minh vọng nhiễm chồng chất nhiều lớp, từ nhiều đời nhiều kiếp, nên hành giả phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều địa vị để phá trừ. Phá một lớp vô minh, thì Hành giả chứng lên được một địa vị. Như thế, bắt đầu từ phàm phu, tu đến quả vị Phật, Hành giả phải trải qua thời gian là 3 lần vô số kiếp (A tăng kỳ kiếp) và qua 55 địa vị, mới đoạn mê hoặc (vô minh) được hoàn toàn và chứng được rốt ráo quả Phật.

CHÁNH VĂN

Sao gọi là “tương ưng” (3 món nhiễm về tương ưng)?

Vì Tâm vương, Tâm sở khác nhau (tâm niệm, pháp dị) và tính chất nhiễm ô của cảnh bị duyên không đồng; song Tâm vương khi duyên cảnh nào thì Tâm sở cũng ưng thuận duyên theo cảnh đó, nên gọi là “tương ưng”. (ngôn thuyết).

Sao gọi là “bất tương ưng” (3 món nhiễm về bất tương ưng)?

Vì tâm mới vừa bất giác vọng động, chưa phân ra căn cảnh hay Tâm vương, Tâm sở, nên gọi là “bất tương ưng”.

Lược giải

Trong 6 món nhiễm ô này, sở dĩ 3 món đầu (chấp tương ưng nhiễm, bất đoạn tương ưng nhiễm và phân biệt trí tương ưng nhiễm) đều gọi là “tương ưng”, là vì chúng nó thô phù, lại chia ra 2 phần rất rõ rệt (căn, cảnh; Tâm vương, Tâm sở) và có sự hoà hiệp nhau (tương ưng).

Còn 3 món nhiễm ô sau (hiện sắc bất tương ưng nhiễm, năng kiến tâm bất tương ưng nhiễm và căn bản nghiệp bất tương ưng nhiễm) lại gọi là “Bất tương ưng”; là vì chúng nó rất vi tế, còn ở trong vòng trừu tượng, chưa phân Năng, Sở, Tâm, Cảnh, nên chẳng có sự hợp nhau.

5. TÂM NHIỄM Ô VÀ VÔ MINH KHÁC NHAU THẾ NÀO?

CHÁNH VĂN

Tâm nhiễm ô là phiền não chướng (phiền não ngại) làm chướng ngại căn bản trí (vô phân biệt trí) duyên Chân như.

Vô minh là sở tri chướng (trí ngai làm chướng ngại hậu đắc trí (tự nhiên nghiệp trí) duyên các pháp sai biệt của thế gian.

- Tại sao tâm nhiễm ô lại chướng ngại căn bản trí? _ Vì tâm nhiễm ô sinh ra Năng kiến tướng (kiến phần) và Năng hiện tướng (tướng phần) rồi vọng sinh ra chấp thủ cảnh giới (thuộc về Lục thô), nên trái với tính Chân như bình đẳng

Tại sao vô minh (bất giác) lại chướng ngại Hậu đắc trí (sai biệt trí)? Vì các pháp thường tịnh, không có khởi động; còn vô minh thì bất giác vọng động, nên trái với tính thường tịnh của các pháp. Bởi thế nên không thể tuỳ thuận biết hết các cảnh giới thế gian.

Lược giải

Vô minh và tâm nhiễm ô khác nhau thế nào? Từ vô minh sinh ra tâm nhiễm ô (Tam tế, Lục thô) nên vô minh là gốc, mà tâm nhiễm ô là sự sai biệt của vô minh.

Vô minh thuộc về mê “Lý”, tức là sở tri chướng, làm chướng ngại Hậu đắc trí, cũng gọi là Sai biệt trí (trí này phân biệt các pháp sai biệt thế gian).

Tâm nhiễm ô thuộc về mê “Sự”, tức là phiền não chướng, làm chướng ngại Căn bản trí; cũng gọi là Vô phân biệt trí (trí này duyên Chân như).

Tại sao phiền não (tâm nhiễm ô) làm chướng ngại Căn bản trí, còn Sở tri (vô minh) lại chướng ngại Hậu đắc trí? Tính Chân như bình đẳng, không có năng sở bỉ thử, nên phải dùng Căn bản trí (vô phân biệt trí) mới duyên được Chân như. Song vì phiền não là tâm nhiễm ô lại chao động, có năng sở bỉ thử, ngàn sai muôn khác, trái với chân như bình đẳng, nên làm chướng ngại “Vô phân biệt trí” (Căn bản trí).

Các pháp thế gian không rời chân như, và chân như đã thanh tịnh nên các pháp thế gian cũng phải thanh tịnh. Song vì vô minh bất giác, trái với tính thanh tịnh của các pháp, nên không thật biết được các pháp. Bởi thế nên vô minh (sở tri chướng) làm chướng ngại Sai biệt trí (Hậu đắc trí).

Đã nói nhân duyên sinh diệt rồi, tiếp theo đây sẽ nói tướng sinh diệt.

l. BA TƯỚNG NHIỄM Ô SINH DIỆT

CHÁNH VĂN

Lại nữa, tướng nhiễm ô sinh diệt, có 3 thứ:

1. Tướng sinh diệt thô (chấp thủ tướng và kế danh tự tướng) đây là cảnh giới của địa vị Tam hiền (phàm phu) biết.

2. Tướng sinh diệt vừa Thô vừa Tế (tức là 2 món Thô đầu: Trí tướng, Tương tục tướng và 2 món Tế sau: Chuyển tướng và Hiện tướng), đây là cảnh giới của Bồ Tát (từ Sơ địa đến Đẳng giác) biết.

3. Tướng sinh diệt Vi tế (tức là món Tế đầu tiên: Vô minh nghiệp tướng) đây là cảnh giới chỉ có Phật mới biết.

Ba tướng nhiễm ô sinh diệt này, đều do vô minh huân tập mà sinh. Nghĩa là do vô minh bất giác làm nhân và cảnh giới hư vọng làm duyên, mới sinh ra các tướng nhiễm ô sinh diệt.

Bởi thế nên, nhân (vô minh) diệt, thì duyên (cảnh giới) diệt. Nếu vô minh (nhân) diệt, thì Tam tế diệt (bất tương ưng tâm diệt), và nếu cảnh giới (duyên) diệt, thì Lục thô diệt (tương ưng tâm diệt).

Lược giải

Tướng nhiễm ô sinh diệt có Thô và Tế, tức là Lục thô và Tam tế. Hàng Tam hiền (Trụ, Hạnh, Hướng) chưa đặng Thánh vị, nên đều gọi là phàm phu. Hàng phàm phu (Tam hiền) chỉ biết hành tướng của hai món Thô thứ ba và thứ tư. Bồ Tát từ Sơ địa đến Đẳng giác thì biết được hành tướng của 2 món Tế sau (Chuyển tướng và Hiễn tướng). Duy Phật mới biết được hành tướng của món Vi tế thứ nhất là “Vô minh nghiệp tướng”.

Các tướng sinh diệt Thô, tế này, đều do vô minh huân tập mà có. Nghĩa là do vô minh bất giác làm nhân, sinh ra 3 món Vi tế (Nghiệp tướng, Chuyển tướng và Hiện tướng); rồi do cảnh giới (Hiện tướng) làm duyên, sinh ra 6 món Thô.

Bởi thế nên vô minh (nhân) diệt, thì cảnh giới (duyên) diệt. Nếu vô minh diệt thì Tam tế diệt; và nếu cảnh giới (Hiện tướng) diệt thì Lục thô cũng diệt.

VẤN ĐÁP ĐỂ QUYẾT NGHI

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nếu tâm này (tâm nhiễm ô) diệt, thì lấy gì để tiếp tục tu hành? Và nếu tâm này còn tương tục, thì làm sao được thành Phật?

Đáp: Chỉ diệt cái “Vọng tướng” của tâm, chứ không phải diệt cai “Chân thể” của tâm. Cũng như vì gió nên nước nổi sóng. Nếu gió đứng thì sóng lặng, chứ nước không diệt.

Cũng thế, vì vô minh (gió) mà tâm thể (nước) sinh ra vọng tướng (sóng). Nếu vô minh (si mê) diệt thì vọng tướng của tâm cũng diệt, chứ tâm trí (tâm thể) không diệt.

Lược giải

Vì đoạn trước nói “Nếu Nhân diệt, thì tâm bất tương ưng diệt; còn Duyên diệt, thì tâm tương ưng diệt”, nên đoạn này mới có câu hỏi: “Nếu tâm này diệt, thì lấy gì để tiếp tục tu hành v.v…”

Đại ý trong lời đáp: Tâm có hai phần, chân thể và vọng tưởng. Tâm chân thể như nước; tâm vọng tướng như sóng. Nước vì gió mà có sóng, nên khi gió hết thì sóng lặng, chứ nước không diệt.

Cũng thế, vì gió vô minh làm chao động, nên nước tâm thể nổi lên các vọng thức, rồi sinh diệt tương tục. Khi gió vô minh hết, thì sóng vọng thức lặng, chứ nước tâm thể không diệt.

Trên đây có hai danh từ: Tậm thể và Tâm trí, giới nghĩa khác nhau. Nói “Tâm thể” là chỉ chung cho cả nhiễm tịnh, phàm thánh đều có Tâm thể. Còn nói “Tâm trí” là chỉ riêng về phần “Tịnh” của tâm thể khi đã rời nhiễm, và đặng thành thánh quả.

Trên đây nói phần “nhiễm tịnh sinh diệt, sinh ra tất cả pháp”, tiếp theo đây sẽ nói “nhiễm huân tập nhau”, để chỉ rõ các pháp sinh khởi không dứt.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327944
Số người trực tuyến: