6. Bài thứ 6: Chương Thanh Tịnh Huệ
Bài thứ 6
CHƯƠNG THANH TỊNH HUỆ
1. NGÀI THANH TỊNH HUỆ BỒ TÁT HỎI PHẬT
Khi ấy ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ tát ở trong Ðại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi chắp tay kính cẩn, đảnh lễ dưới chân Phật và quỳ thẳng bạch rằng:
- Bạch đức Ðại Bi Thế Tôn, Ngài đã vì chúng con, khôn khéo rộng nói những việc không thể nghĩ bàn. Những việc mà chúng con từ hồi nào đến giờ, chưa từng thấy và chưa từng nghe, hôm nay nhờ Phật khai thị khiến cho chúng con được liễu ngộ, thân tâm khoan khoái vui mừng, đặng lợi ích rất lớn.
Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài vì các vị Bồ tát và tất cả chúng sinh trong pháp hội này, chỉ dạy thứ lớp tu chứng của Như Lai như thế nào để cho chúng sinh hiện tại và đời sau, nhân nghe lời Phật dạy đây, mà được khai ngộ, lần lượt tùy thuận vào tính Viên Giác của đức Pháp Vương (Phật).
Ngài Thanh Tịnh Huệ thưa thỉnh như vậy ba lần, kính cẩn lạy Phật rồi trở lui.
Lược giải:
Ðại ý đoạn này, ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ tát hỏi Phật: Trên đường lối tu hành, từ địa vị phàm phu đến quả vị Phật, phải trải qua bao nhiêu địa vị? Thứ lớp tu chứng sai khác thế nào? Cầu Phật chỉ dạy, khiến cho chúng sinh được liễu ngộ, lần lượt nhập vào tính Viên Giác.
Thanh Tịnh Huệ là trí huệ thanh tịnh, tức là Bát nhã huệ. Từ chương này đến 6 chương sau là chú trọng về việc hạ thủ công phu. Trong khi tu hành bất luận giờ phút nào, cũng phải dùng Bát nhã trí để lãnh đạo; cho nên chương này ngài Thanh Tịnh Huệ đứng lên thưa hỏi, là tiêu biểu cho Bát nhã huệ vậy.
2. PHẬT KHEN NGÀI THANH TỊNH HUỆ BỒ TÁT
Khi đó đức Thế Tôn khen ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ tát và dạy rằng:
- Này Thiện nam, quý lắm! Ông vì các Bồ tát hiện tại và chúng sinh đời sau, thưa hỏi Như Lai về thứ lớp tu chứng sai khác như thế nào. Vậy các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy.
Khi đó ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ tát và Ðại chúng đều hoan hỷ và kính cẩn vâng nghe lời Phật chỉ giáo.
3. PHẬT DẠY: TRONG VIÊN GIÁC KHÔNG CÓ BỒ TÁT VÀ CHÚNG SINH
- Này Thiện nam! Trong tính Viên Giác thanh tịnh, không tất cả pháp, mà có đủ tất cả pháp. Nó tùy thuận các duyên biến hiện ra đủ tất cả, mà không thủ và không chứng. Thí như con mắt, thấy được tất cả vật, mà không tự thấy mình. Nó vẫn bình đẳng mà không tự thấy mình bình đẳng.
Này Thiện nam! Trong thật tướng (Viên Giác) không có Bồ tát và chúng sinh. Tại sao thế? Bởi Bồ tát và chúng sinh đều là huyễn hóa vậy. Khi các tướng huyễn hóa diệt rồi, thì không có người năng chứng và quả sở chứng.
Chúng sinh vì còn mê muội điên đảo nên chưa diệt trừ được các tướng huyễn hóa. Vì chúng sinh vọng khởi công dụng, để đối trị các tướng huyễn hóa, bởi có những tướng huyễn hóa đã diệt và chưa diệt, nên chúng mới thấy có thứ lớp tu chứng sai khác. Nếu người đặng tùy thuận tính Viên Giác tịch diệt của Như Lai rồi, thì không còn thấy có cảnh tịch diệt và người tịch diệt nữa.
Lược giải:
Ðại ý đoạn này Phật nói: Trong tính Viên Giác vốn không có tất cả pháp, mà tùy duyên hiện ra đủ tất cả các pháp sai khác. Ðoạn này giống với đoạn trong kinh Lăng Nghiêm. Phật thí dụ cây đàn: Trong cây đàn không có các bài bản hay và dở; song tùy duyên nó hiện ra đủ các tiếng hay và dở.
Trong tính Viên Giác không có năng thủ, sở thủ và năng chứng sở chứng, không Bồ tát và chúng sinh. Vì chúng sinh chưa diệt trừ được các tướng huyễn hóa, nên vọng khởi công dụng để dẹp trừ các tướng vọng huyễn này. Vì thế mà thấy có chứng và có đắc, bậc lớp sai khác. Nếu người tùy thuận được tính Viên Giác tịch diệt của Như Lai rồi, thì không còn thấy có một pháp nào cả.
Trong đoạn này có cái ví dụ: “Như con mắt không tự thấy con mắt”. Cái ví dụ này chỉ cho tính bình đẳng và vô công dụng của Viên Giác. tính Viên Giác tùy duyên hiện ra các pháp mà không thủ, không chứng. Cũng như con mắt bình đẳng chiếu soi tất cả vật, mà không thấy mình có chiếu soi và bình đẳng.
4. PHÀM PHU TÙY THUẬN tính VIÊN GIÁC (ĐỊA VỊ THẬP TÍN)
- Này Thiện nam! Tất cả chúng sinh từ vô thủy đến giờ, do lầm tưởng có “thật ta và vật của ta” rồi sinh lòng thương yêu cái ta và vật của ta, cho nên gặp cảnh nghịch với ta thì giận ghét, còn thuận với ta thì tham ái, say mê theo cảnh ngũ dục. Chúng chưa từng biết thân tâm này là hư vọng, mỗi niệm sinh diệt luôn luôn, không có thật ta.
Nếu gặp thiện hữu tri thức dạy bảo, chúng được khai ngộ tính Viên Giác thanh tịnh, hiểu rõ thân tâm này là hư vọng mỗi niệm sinh diệt không thật có cái ta; lúc bấy giờ chúng mới tự xác nhận rằng: thân tâm này là “trần lao vọng lự”.
Những người nào đoạn trừ được vĩnh viễn các trần lao vọng lự này, thì ngộ pháp giới thanh tịnh, nhưng đối với tính Viên Giác chưa được tự tại, vì còn bị cái “biết thanh tịnh” nó làm chướng ngại, những người như thế thì gọi là kẻ phàm phu tùy thuận tính Viên Giác.
Lược giải:
Ðoạn trên (số 3) là đứng về tính Viên Giác thanh tịnh bình đẳng mà nói, nên không có Bồ tát và chúng sinh sai khác. Nhưng đứng về phương diện sự tướng tu hành mà luận thì có lớp lang tu chứng rõ ràng. Bởi thế nên từ đoạn này (số 4) về sau là nói thứ lớp nhập Viên Giác, bắt đầu từ vị Thập Tín, Tam Hiền, Thập Thánh và đến quả Phật.
Ðại ý đoạn này, nói hàng Thập Tín tùy thuận tính Viên Giác. Bởi tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến giờ vì mê lầm chấp ta và cảnh vật của ta là chân thật, cho nên sinh ra tham, sân v.v… Nếu gặp Thiện tri thức dạy bảo, chúng giác ngộ được cái “ta” và “cảnh vật của ta” đều hư vọng, sinh diệt không thật, thì lúc bấy giờ chúng mới trừ được ngã chấp, đặng pháp giới Thanh tịnh. Nhưng, vì còn “biết thanh tịnh”, thế là còn pháp chấp chưa trừ, nên còn chướng ngại tính Viên Giác. Vì thế nên gọi là “chúng Phàm phu (vị Thập tín) tùy thuận tính Viên Giác”.
5. BỒ TÁT Ở VỊ TAM HIỀN, TÙY THUẬN TÍNH VIÊN GIÁC
- Này Thiện nam! Tất cả các vị Bồ tát, vì còn chấp cái “biết thanh tịnh” (giác), nên chướng ngại tính Viên Giác. Nay tuy đoạn được cái chướng ngại đó (cái biết thanh tịnh) nhưng còn trụ ở cái “giác”. Như thế cũng còn cố chấp ở nơi “giác”, nên tính Viên Giác vẫn còn bị chướng ngại, không được tự tại. Bởi thế nên gọi là bậc Tam hiền Bồ tát, tùy thuận tính Viên Giác.
Lược giải:
Các vị Bồ tát này, tuy rời được cái “biết thanh tịnh”, nhưng còn cái “biết giác”. Vì còn cái “biết giác” làm chướng ngại, nên tính Viên Giác không được hiển hiện. Ðại ý đoạn này nói: bậc Tam hiền Bồ tát tùy thuận tính Viên Giác, Tam hiền là: Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng.
6. BỒ TÁT LÊN THÁNH VỊ, TÙY THUẬN TÍNH VIÊN GIÁC
- Này Thiện nam! Nếu còn “biết” (chiếu) và còn có “giác”, thì đều còn chướng ngại (vì còn năng và sở).
Thế nên Bồ tát thường “giác” mà không trụ nơi “giác”, năng chiếu và sở chiếu đồng vắng lặng. Bồ tát tự dùng tâm chướng ngại diệt trừ các chướng ngại (dĩ vọng diệt vọng), khi các chướng ngại diệt hết, cũng không còn người năng diệt. Thí như có người tự mình chặt lấy đầu mình, khi cái đầu đã rụng rồi, thì cũng không có người chặt (năng đoạn).
Này Thiện nam! Tất cả kinh giáo của Như Lai đều như ngón tay để chỉ mặt trăng Viên Giác (chân lý). Vậy các ông phải biết: đây là ngón tay kinh giáo chớ không phải mặt trăng Viên Giác. Nếu các ông chỉ cố chấp ngón tay, thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Những người biết nhân ngón tay kinh giáo này, mà nhận được mặt trăng Viên Giác, thì gọi là Bồ tát lên Thánh địa, tùy thuận tính Viên Giác.
Lược giải:
Ðoạn trên nói, Bồ tát ở vị Tam Hiền còn “biết” và còn “giác”. Ðến đoạn này nói: Bồ tát đã lên Thánh địa, tuy thường “giác” mà không trụ trước nơi “giác”, vì không còn năng và sở. Cũng như người ta tự chặt cái đầu của mình, khi cái đầu rụng rồi, thì không có người chặt và kẻ bị chặt.
Tất cả kinh giáo của Phật đều là phương tiện để chỉ chân lý (Viên Giác). Hành giả phải nương các pháp phương tiện để đến chân lý; nếu cố chấp nơi phương tiện không bao giờ đến chân lý.
Giáo pháp của Phật cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Người muốn thấy mặt trăng thì phải nhân ngón tay mà xem, khi thấy mặt trăng (chơn lý) rồi thì phải quên ngón tay (phương tiện). Nếu cố chấp nơi ngón tay (phương tiện) thì người ấy không bao giờ thấy mặt trăng chân lý.
Cái thí dụ này giống như trong kinh Lăng Nghiêm, Phật thí dụ “ngón tay chỉ mặt trăng v.v...”
7. NHƯ LAI TÙY THUẬN TÍNH VIÊN GIÁC
- Này Thiện nam! Tất cả sự chướng ngại tức là Cứu kính giác, chính niệm hay vọng niệm đều là Giải thoát, trì giới hay phá giới đều là Niết bàn; trí huệ hay ngu si cũng đều là Bát nhã; Bồ tát và ngoại đạo đồng là Bồ đề; Vô minh và chân như đồng một cảnh giới; giới, định, huệ và dâm, nộ (giận), si đều là hạnh thanh tịnh; chúng sinh và quốc độ đồng một Pháp tính; địa ngục và thiên đường đều làm Tịnh độ; hữu tình và vô tình đều thành Phật đạo; tất cả phiền não là rốt ráo giải thoát, vì biển huệ pháp giới chiếu soi các tướng cũng như hư không. Ðây gọi là Như Lai tùy thuận tính Viên Giác.
Lược giải:
Các đoạn trên đã nói: từ vị Thập tín, thì bị cái “biết tịnh” làm ngại; qua vị Tam hiền, lại bị cái “biết giác” làm ngại; đến vị Thập thánh, tuy đã lìa hết các ngại, nhưng hãy còn cái “thường giác” chưa được viên dung.
Ðoạn này nói về quả vị Phật, đã hoàn toàn nhập Viên Giác tính, thấy tất cả pháp đồng một bản thể, nên nói: “Các chướng ngại tức là cứu kính giác, chính niệm và tà niệm đều là giải thoát, phiền não sinh tử tức là Bồ đề, Niết bàn, trí huệ, ngu si đều là Bát nhã v.v...”
Bởi thế nên Cổ đức có dạy rằng: “Mê thời chân như thành vọng tưởng, ngộ thời vọng tưởng, tức chân như”.
8. TÓM LẠI
- Này Thiện nam! Các vị Bồ tát và chúng sinh đời sau, chỉ trong tất cả thì giờ không khởi vọng niệm phân biệt, đối với các vọng tâm cũng chẳng cần diệt trừ, ở cảnh vọng tưởng, chẳng gia thêm phân biệt, ở nơi cảnh không rõ biết, chẳng cần phân biệt chân thật, khi nghe đến pháp môn này, không lấy làm lạ lùng và kinh hãi, lại sinh tâm tin chắc, hiểu biết rõ ràng, lĩnh thọ và phụng trì, thì ta gọi chúng sinh này là người tùy thuận tính Viên Giác.
- Này Thiện nam! Các ông phải biết. Những chúng sinh tùy thuận như thế, là đã nhiều đời tu hành, từng trồng rất nhiều công đức: “Cúng dường các đức Phật và các vị Bồ tát nhiều như số cát sông Hằng. Ta ấn chứng cho những người này sẽ thành tựu “Nhất thế chủng trí” (Phật trí).
Lược giải:
Ðoạn này Phật dạy cốt yếu có một câu: “Chỉ trong tất cả thì giờ, không khởi vọng niệm, v.v… đó là tùy thuận tính Viên Giác”. Nghĩa là: nếu trong tất cả thời mà vọng niệm không sinh khởi, thì tham, sân, si không sinh; 3 độc không sinh thì 3 nghiệp chẳng tạo, các nghiệp không tạo thì chẳng còn sinh tử luân hồi; sinh tử đã không thời chân tâm tự hiện, như thế là tùy thuận tính Viên Giác. Tỷ như ly nước đục để trên bàn, nếu trong tất cả thì giờ đều được yên lặng, không bị chao động, thì tính nước trong tự hiện.
Ðoạn này giống như trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Bất tùy phân biệt” (không theo trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt). Thật là một pháp tu mau chóng (viên đốn), nếu không phải người nhiều kiếp tu hành, đã từng trồng căn lành từ nhiều đời đức Phật, thì không thể lãnh thọ nổi pháp môn này.
Tóm lại, Phật dạy: Nếu các Bồ tát và chúng sinh đời sau, chỉ trong tất cả thời không khởi vọng niệm, cũng không cần để tâm diệt trừ vọng niệm v.v...những chúng sinh thật hành được như thế là căn lành của chúng đã trồng sâu từ nhiều đức Phật, và chúng đã nhập được tính Viên Giác, sẽ thành quả Phật.
Ngài Thanh Tịnh Huệ hỏi thứ lớp tu chứng của Như Lai, đến đây Phật trả lời đã xong hết.
9. PHẬT NÓI BÀI KỆ TÓM LẠI CÁC NGHĨA TRÊN
Khi ấy đức Thế Tôn, muốn tóm lại các nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Thanh Tịnh Huệ! Phải biết:
Viên mãn tính Bồ đề,
Không còn thủ và chứng,
Không Bồ tát, chúng sinh.
Giác và khi chưa giác,
Thứ lớp có sai khác:
Chúng sinh bị “biết” ngại (Thập tín)
Bồ tát bị “giác” ngại (Tam hiền)
Thánh Ðịa hằng vắng lặng (Thập thánh),
Vì không trụ các tướng,
Viên mãn quả Ðại giác,
Nên gọi “khắp tùy thuận” (Phật).
Các chúng sinh đời sau,
Tâm chẳng sinh hư vọng,
Ta nói chúng sinh này,
Hiện đời là Bồ tát,
Vì cúng dường chư Phật,
Công đức đã viên mãn.
Tuy có nhiều phương tiện,
Cũng đều tùy thuận Giác.
Lược giải:
Ðại ý bài kệ này Phật dạy: tính Viên Giác không có thủ và chứng, không Bồ tát và chúng sinh. Nhưng về thứ lớp tu hành thì có phân ra Tín vị, Hiền vị, Thánh vị, và Phật vị. Nếu như chúng sinh nào tâm chẳng sinh vọng tưởng, là Bồ tát hiện tại, vì chúng sinh này đã trồng công đức từ hằng sa chư Phật.
Pháp môn tu tuy có nhiều và thứ lớp chứng đạo có sai khác, nhưng cũng đều về tính Viên Giác.
Trong chương Thanh Tịnh Huệ này, ngài Thanh Tịnh Huệ hỏi Phật thứ lớp tu chứng như thế nào? Phật trả lời có hai phần:
1. Ðứng về lý tính Viên Giác mà nói, thì không có Bồ tát và chúng sinh, không thủ và không chứng.
2. Về sự tướng tu hành, thì có thứ lớp sai khác. Như về Tín vị thì bị cái “biết” (giả) làm ngại; ở về Hiền vị thì còn bị cái “giác” làm ngại; vào Thánh vị tuy được tịch diệt nhưng chưa được viên mãn.
Tóm lại, Phật dạy một câu “Nếu người đối với tất cả thời, không khởi vọng niệm, thì được tùy thuận tính Viên Giác”
- 52
Viết bình luận