3. Bài thứ ba | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Bài thứ ba

Bài Thứ Ba

PHẦN CHÁNH TÔNG (tiếp theo)


7. KHÔNG NÊN CHẤP: "THẤY ĐƯỢC THÂN CỦA PHẬT LÀ THẤY ĐƯỢC PHẬT"

Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Ông có thể cho thấy cái thân tướng của ta đây là thấy được Như Lai chăng?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch thế Tôn! Không thể cho thấy cái thân tướng của Ngài đó là thấy Như Lai. Tại sao vậy? Vì Như Lai nói: “Cái thân tướng này, không phải thật là thân tướng của Như Lai”.

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu ông thấy các pháp (tướng) đều hư vọng, không thật (phi tướng) tức là thấy được Như Lai (thật tướng các pháp).

Lược giải

Đoạn này, Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá trừ cái chấp: “Thấy sắc thân của Phật là thấy được Phật”. Đây là lần thứ nhất, nói về việc thấy Phật.

Trên đường tu hành, phải có đủ cả Sự và Lý. Nhờ Sự tướng bên ngoài, mới ngộ được Lý tính bên trong; có ngộ Lý tính bên trong, mới thấy rõ được Sự tướng bên ngoài.

Người chấp Lý mà bỏ Sự, cũng như người chỉ kể suông đủ các thức ăn cao lương mỹ vị, nhưng bụng vẫn đói. Người mê Sự mà bỏ Lý, cũng như trẻ con mê bánh vẽ.

Nhờ có tượng cốt giả, kinh giấy, Tăng phàm v.v…là sự tướng bên ngoài, để giúp chúng ta nhớ lại tìm cầu Phật thật, Pháp thật và Tăng thật trong tự tâm của chúng ta.

Nếu bác bỏ Sự tướng bên ngoài là hư giả (không thờ Phật, tụng kinh v.v…) mà chỉ chấp suông về phần Lý tính bên trong (Phật tức tâm), thì đức Phật nơi tâm ta cũng không làm sao biểu lộ ra được.

Chư Tổ dạy:

“Thật tế lý địa, bất thọ nhất trần

Phật sự muôn trung, bất xả nhất pháp”.

Nghĩa là: Về Phật tâm thanh tịnh, thì không có một nảy trần. Nhưng về phần Sự tướng tu hành, thì không thể bỏ qua một pháp nào.

Trái lại, nếu chấp về Sự tướng (cầu Phật bên ngoài) mà không tìm Phật thật nơi tự tâm của mình, thì cũng không bao giờ thấy được Phật. Bởi thế nên Phật dạy:

“Nếu người chấp: “Thấy sắc thân của ta cho là thấy được Phật, nghe tiếng nói Pháp của ta cho là nghe được tiếng Phật”, thì người đó đã đi lạc về đường tà, không bao giờ thấy được Phật”.

(KINH KIM CƯƠNG)

Ngày xưa có hai vị Tỳ kheo, từ phương xa đến chiêm bái Phật. Đi đường xa hết nước, bị khát lâu ngày, vừa gặp ao nước có sinh trùng, một vị giữ giới không uống nên chết giữa đường; một vị uống nước được sống, đi đến ra mắt Phật.

Phật quở rằng: “Ông Tỳ kheo giữ giới kia tuy chết, nhưng ông vẫn sống và đã thấy ta rồi. Còn ông không giữ giới tuy sống, ở sát bên ta, nhưng thật ra ông đã chết và cách ta ngàn dặm”.

Tại sao, vị Tỳ kheo giữ giới bị chết giữa đường không thấy Phật, mà Phật lại cho “đã thấy được ta rồi”; trái lại, vị Tỳ kheo không giữ giới còn sống ở bên Phật thấy được Phật, mà Phật lại cho là “cách Phật ngàn dặm?”.

Cho biết, thấy cái sắc thân có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp bên ngoài của Phật, chưa phải là thấy được Phật; phải thấy “Phật tâm thanh tịnh” hay “Pháp thân Phật” mới thật là thấy Phật.

Song, đa số chúng sinh, chỉ rong ruổi chạy theo giả tướng, tìm thật bên ngoài, mà không biết xoay trở lại tìm đức Phật thật trong tâm của mình. Bởi thế nên cổ nhân quở: “Phật trong nhà không thờ, mà thờ đức Phật Thích Ca ngoài đường” là vậy.

Vì phá cái mê lầm này, nên Tổ Đơn Hà đốt một vị Phật gỗ (Phật giả). Có người hỏi ngài: “Đốt để làm gì?”. Ngài trả lời: “Đốt để tìm xá lợi” (tìm Phật thật). Ông chủ chùa thấy vậy sợ khủng khiếp, nên rụng hết râu mày; vì huỷ kinh đốt Phật là tội rất nặng.

Vì sự kiện này, nên cổ nhân có làm bài kệ:

Nguyên văn (dịch âm):

Đơn Hà thiêu mộc Phật

Viện chủ lạc tu mi

Nhất trường kỳ đặc sự

Thiên hạ thiểu nhân tri.

Dịch nghĩa:

Tổ Đơn Hà đốt Phật gỗ

Ngài viện chủ rụng râu mày

Một trường hợp rất đặc biệt

Trong thiên hạ ít người biết.

Trọng tâm trong đoạn văn này là hai chữ “thấy Phật”. Phật hỏi: “Ông có thể cho thấy cái thân tướng của ta đây là thấy được Như Lai chăng?” Ngài Tu Bồ Đề đáp: “Không thể cho thấy cái thân tướng của Phật là thấy Phật”.

Phật dạy tiếp: “Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng”, (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Sắc thân của Phật do tứ đại giả hợp, có hình tướng nên cũng là hư vọng. Bởi thế nên thấy sắc thân của phật, chưa phải là thấy được Phật.

Vậy thì thấy cái gì mới thấy được Phật?

Phật dạy tiếp: “Nếu ông thấy các pháp (tướng) đều là hư vọng, tức là thấy được Như Lai (thật tướng các pháp).

Ngài Thái Hư Pháp sư giảng:

Đoạn này không những nói sắc thân của Phật là hư vọng, mà tất cả các hình tướng, như thế giới chúng sinh v.v…cũng đều hư vọng, như hoa trong gương, như trăng duới nước, không có chân thật. Nếu người rõ thấu được các tướng đều hư vọng như vậy, tức là đã thấy được “Pháp thân của Như Lai”, tức là rõ thấu được “tướng chân thật của các pháp”, cũng tức là “Trí tuệ vô thượng”, và cũng tức là “Kim Cương Bát Nhã diệu tâm”.

(KIM CƯƠNG GIẢNG LỤC)

Tóm lại, đoạn kinh này, Phật dùng Trí tuệ Kim Cương Bát Nhã, phá trừ vọng chấp: “Thấy sắc thân có 32 tướng tốt, và 80 vẻ đẹp bên ngoài của Phật, rồi chấp là thấy được Phật”, mà quên xoay trở lại, tự tìm cầu đức Phật thật trong tự tâm của mình.

8. NGƯỜI TIN ĐƯỢC KINH NÀY, DO ĐÃ TRỔNG CĂN LÀNH TỪ NHIỀU KIẾP

Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng sinh nghe đến kinh này, chẳng biết có tin được không?”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ nên lo như vậy. Không những hiện tại mà cả vị lai đều có người nghe và tin được kinh này. Sau 500 năm, khi Như Lai nhập diệt, nếu có người xuất gia (trì giới) hoặc tại gia (tu phúc) nghe đến kinh này, mà sinh lòng tin thọ, thì biết người này đã trồng căn lành (đã tu), không phải mới bốn năm đời Phật, mà đã nhiều kiếp tu hành, từ vô lượng vô số chư Phật đến nay.

Lược giải

Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Không biết chúng sinh nghe đến kinh này, có tin được không?”. Đây là lần thứ nhất hỏi về việc tin thọ.

Phật vì những hàng Đại thừa Bồ Tát, nói kinh Kim Cương Bát Nhã, dạy các vị Bồ Tát, dùng Trí tuệ Bát Nhã, phá trừ các vô minh vọng chấp ngã, pháp, để trở về với bản tâm thanh tịnh là tính Bát Nhã chân không, vô trụ vô tướng.

Ông Tu Bồ Đề lo ngại cho chúng sinh căn cơ thấp kém, sợ e không hiểu và không tin, nên ông hỏi Phật: “Không biết chúng sinh nghe đến kinh này, có tin được không?”.

Đại ý, Phật dạy: không những hiện tại ở đời Chính pháp, có chúng sinh hiểu và tin được kinh này, mà vị lai, sau khi Phật nhập diệt 500 năm, trong đời Tượng pháp hoặc Mạt pháp, cũng có chúng sinh hiểu và tin được kinh này. Nhưng, những chúng sinh đời Tượng pháp hoặc Mạt pháp tin được kinh này, là do họ đã nhiều kiếp có tu hành, trồng căn lành từ vô lượng đức Phật về trước (như Ngài Tuệ Năng chỉ nghe một câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh này mà được tỏ ngộ), chứ không phải mới tu từ bốn năm đời đức Phật trở lại đây.

9. NGƯỜI THỌ TRÌ KINH NẦY CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Như Lai thấy rõ ràng và biết chắc chắn: Nếu có chúng sinh nào nghe đến kinh này, sinh tâm tin thọ, cho đến trong thời gian rất ngắn, chỉ nhất niệm, thì chúng sinh đó sẽ được phúc đức vô lượng vô biên.

Tại sao vậy? Vì chúng sinh này không còn chấp tướng ngã tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, tướng phải pháp và tướng không phai pháp”.

Lược giải

Phật khuyên người tin và thực hành theo kinh này, sẽ được công đức vô lượng. Đây là lần khuyên thứ nhất.

Người có cái khiếu về âm nhạc, mới nhận được cái hay và ưa thích về âm nhạc. Người có cái khiếu về hội hoạ mới thấy được cái đẹp và ưa thích về hội hoạ. Người có cái khiếu về văn chương mới thấy cái hay và ưa thích về văn chương.

Cũng thế, người có cái khiếu về Bát Nhã, hay nói theo danh từ Duy thức là “hạt giống Bát Nhã”, mới hiểu và tin được kinh Bát Nhã.

Người đã có hạt giống Bát Nhã, tất nhiên không còn chấp các tướng: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, tướng phải pháp (Phật pháp) và tướng không phải pháp (tà pháp). Người này đuợc nghe thêm kinh Bát Nhã làm cho hạt giống Bát Nhã của mình được sinh trưởng, sẽ mau đặng quả Bồ Đề. Bởi thế nên phật dạy: “Ta thấy rõ ràng và biết chắc chắn: chúng sinh nào nghe hiểu và tin được kinh này, thì sẽ được phúc đức vô lượng vô biên”.

10. GIÁO PHÁP CỦA PHẬT CŨNG NHƯ CHIẾC THUYỀN ĐƯA NGƯỜI QUA BỂ KHỒ

Phật dạy: “Nếu các ông còn chấp các tướng, hoặc chấp “tướng chính pháp” hay chấp “tướng phi chính pháp” thì cũng đều bị dính mắc nơi bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả. Bởi thế nên không được chấp “tướng chính pháp” hay chấp “tướng phi chính pháp”.

Cũng vì lẽ đó, nên Như Lai thường dạy: “Các thầy Tỳ kheo phải biết: giáo pháp của ta cũng như chiếc đò, đưa người qua sông; các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp.

“Chính pháp” còn không nên trụ chấp huống chi là “phi pháp”.

Lược giải

Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã, phá trừ cái chấp “chính pháp” và chấp “phi chính pháp”.

Phật dạy hành giả, không nên chấp một tướng gì cả; dù là “chính pháp” (hay Phật pháp) cũng không được chấp. Nếu còn trụ chấp, bất luận một tướng gì, thì cũng đếu bị mắc vào bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, hay nói gọn hơn là mắc vào tướng ngã, pháp. Nếu còn chấp ngã, pháp thì phiền não vọng chấp đua nhau sinh khởi. Phiền não vọng chấp sinh khởi, thì hành giả không thể hàng phục được vọng tâm và an trụ chân tâm.

Bởi thế nên Phật dạy:” Giáo pháp của Phật cũng như chiếc đò đưa người qua sông”. Khi đến bờ rồi hành giả phải bỏ chiếc đò, mà lên bờ. Trái lại, nếu hành giả cứ khư khư chấp giữ chiếc đò, thì không bao giờ lên bờ được. Người tu hành cũng thế, phải bỏ cái “chấp”, mới lên bờ giải thoát được.

Trong kinh Viên Giác chép:”Tất cả kinh giáo của Phật, cũng như ngón tay để chỉ mặt trăng. Người xem, phải nương ngón tay mới thấy được mặt trăng. Nhưng nếu chấp ngón tay (chỉ xem ngón tay) thì không bao giờ thấy được mặt trăng”.

Tóm lại, Phật dạy: “Chính pháp” (Phật pháp) còn không nên chấp, huống chi là “phi pháp”.

***

Ngài Xuyên Thiền sư ngộ được lý vô trước của kinh Bát Nhã, nên làm bài kệ rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Đắc thọ phàn chi mạt túc kỳ

Huiyền nhai tán thủ trượng phu nhi

Thủy hàn dạ lãnh ngư nan mích

Lưu đắc không thuyền tải nguyệt qui.

Dịch nghĩa:

Niu nhánh chuyền cây chẳng phải tài

Dốc đứng buông tay mới trượng phu

Gió lạnh đêm khuya câu chẳng có

Thuyền không chỉ chở bóng trăng thanh.

ĐẠI Ý

Câu thứ nhất, nói về tiệm tu, phải lần hồi, còn chấp trụ nơi danh tướng; cũng như người đi mà níu nhánh vịn cây, thì không có gì hay cả.

Câu thứ hai, nói về đốn tu, không trụ chấp các tướng; cũng như người đi lên dốc ngược, mà không níu vịn đâu hết, mới là bậc đại tài.

Câu thứ ba, nói về tâm cảnh đều vắng lặng, cũng như canh khuya thanh vắng, bầu trời yên lặng, mặt nước phẳng lặng như tờ, cá chim cũng đều lặng nghỉ, không hoạt động.

Câu thứ tư, nói về khi các vọng chấp các tướng ngã, pháp đã hết, thì chỉ còn ánh Trí tuệ Bát Nhã chân không; cũng như chiếc thuyền không (không chấp) chỉ chở bóng trăng thanh (Trí tuệ Bát Nhã).

11. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ THÀNH PHẬT VÀ THUYẾT PHÁP”

Phật hỏi ông Tu Bồ Đề:”Như Lai có thành Phật không? Và Như Lai có thuyết pháp không?”.

Tu Bồ Đề thưa:”Bạch Thế Tôn! Như Lai không thành Phật và Như Lai cũng không thuyết pháp. Tại sao vậy? Vì pháp của Như Lai, không thể chấp thủ, nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm, không phải chính pháp, mà cũng không phải phi pháp.

Như thế thì làm sao, có cái gì quyết định là “thành Phật”, và có cái gì quyết định là “nói pháp”.

Lược giải

Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “Như Lai thật có thành Phật, và thật có nói pháp”.

Trong Duy thức Tam thập tụng có chép:

Hiện tiền lập thiểu vật

Vị thị Duy thức tính

Dĩ hữu sở đắc cố

Phi thật trụ Duy thức.

Nghĩa là: nếu hành giả hiện tiền còn phần nào chấp mình có chứng Duy thức tính, thì chưa phải thật chứng Duy thức tính, vì còn vọng chấp có “sở đắc” vậy.

Nếu Như Lai có thành Phật, tất nhiên phải có chúng sinh chưa thành Phật, thế thì bốn tướng: ngã, nhân v.v…. đua nhau sinh khởi. Nếu còn ngã, nhân v.v…thì không phải là Phật.

Nếu Như Lai có nói pháp, tất nhiên phải có chúng sinh nghe pháp. Nếu còn có kẻ nói người nghe, tức nhiên còn nhân, ngã, bỉ, thứ. Nếu còn ngã, nhân thì không phải là thuyết Phật pháp. Bởi thế, nên Phật thuyết pháp 49 năm, mà rốt cuộc Phật nói:”Ta không nói một chữ”.

Đức Lão Tử nói: “Cái “đạo” mà có thể nói được, thì không phải thật là đạo. Cái “tên” mà có thể kêu gọi được, thì không phải thật là “tên” (Đạo khả đạo, phi thường đạo giả, danh khả danh, phi thường danh).

Kinh chép: “Một hôm, ông Tu Bồ Đề ngồi yên lặng dưới gốc cây. Trời Đế Thích đến rưới hoa cúng dường. Ô ng Tu Bồ Đề hỏi:”Ai rải hoa và rải hoa để làm gì?”. Trời Đế Thích thưa:”Ngài nói kinh Bát Nhã hay quá! Con đến rải hoa cúng dường”. Ông Tu Bồ Đề nói:”Ta không nói kinh Bát Nhã”. Trời Đế Thích thưa: “Ngài không nói, con không nghe”.

Kết luận:”Không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã”, như thế mới thật là “nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã”.

Ông Tu Bồ Đề đã hiểu: “Phật pháp” không thể nghĩ bàn, không thể chấp thủ, chẳng phải “có”, chẳng phải “không”, không phải “chính pháp” và cũng không phải “phi chính pháp”; nên bạch Phật rằng:”Như Lai không thành Phật và Như Lai cũng không thuyết pháp”.

Tóm lại, phải rời các vọng chấp, không còn dụng tâm suy nghĩ và lời nói luận bàn, mới thật là “thành Phật” và “thuyết pháp”.

12. PHẬT PHÁP KHÔNG CÓ SAI KHÁC, DO TRÌNH ĐỘ CỦA CHÚNG SINH MÀ THẤY CÓ SAI KHÁC

Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: “Phật pháp đã như thế, tại sao lại có các quả thánh hiền cao thấp khác nhau?”. Phật dạy: “Vì trình độ của chúng sinh có sai khác, nên có các quả thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp (vô vi) có sai khác”.

Lược giải

Đoạn này phá cái chấp “Phật pháp có sai khác”.

Đoạn trên đã nói: “Pháp của Như Lai, không thể chấp thủ, nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm, không phải chánh pháp và cũng không phải phi pháp”. Phật pháp đã cao siêu như vậy, vượt ra ngoài nói năng và suy nghĩ, tại sao lại có các quả thánh hiền cao thấp khác nhau?

Phật giải thích:”Vì trình độ của chúng sinh có sai khác, nên có các quả thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp có sai khác”

Trong kinh thường thí dụ:”Như ba con thú qua sông”. Nghĩa là Phật pháp như con sông, không cạn không sâu. Hành giả như ba con thú lội qua sông: Con Dê thì lội ngập đầu (dụ cho Tiểu thừa); con Nai thì lội ngập cổ (dụ cho Trung thừa); con Voi thì lội ngập ống chân (dụ cho Đại thừa).

***

Phật pháp cao siêu huyền diệu, không thể nói năng và luận bàn, nên Ngài Xuyên Thiền sư có làm bài tụng rằng:

Nguyên văn (dịch âm):

Hư không cảnh giới khởi tư lương

Đại đạo thanh u lý cánh trường

Đản đắc ngũ hồ phong nguyệt tại

Xuân lai y cựu bách hoa hương.

Dịch nghĩa:

Hư không rộng rãi lớn bao la

Lý đạo lại càng quá thẩm xa

Trăng, gió, nước hồ thường tự tại

Chào xuân đua nở trăm nghìn hoa.

ĐẠI Ý

Hư không đã rộng lớn bao la không thể nghĩ bàn, Phật pháp lại càng cao siêu huyền diệu rộng lớn hơn hư không. Cảnh vật thiên nhiên của vũ trụ, như trăng thanh gió mát, nước hồ phẳng lặng, xuân về trăm hoa đua nở v.v…đều nói lên tinh thần tự tại giải thoát của Phật pháp.

Kinh chép: “Nhất thế chư Pháp vô phi Phật pháp”. Nghĩa là “Tất cả các pháp thế gian cũng đều là Phật pháp”. Nếu mê thì pháp thế gian, còn ngộ là Phật pháp.

GIẢI DANH TỪ

Chấp thủ: nắm giữ

Chính Pháp: Pháp chân chính

Phi Pháp: Pháp không chân chính

Vô vi: Pháp không bị tạo tác thi vi, không sinh diệt, tức là chân như hay Phật tính.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6225050
Số người trực tuyến: