7. Bài thứ bảy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

7. Bài thứ bảy

Bài thứ bảy

I. Hư không từ chân tâm biến hiện

- A Nan, hư không vô hình, nhân các hình sắc mà hiển bày ra. Như ở trong thành Thất La này, khi dân chúng mới cất nhà, thì họ đào giếng để múc nước. Đào một thước đất, thì thấy có một thước hư không hiện ra, đào xuống mười thước, thì thấy có mười thước hư không hiện ra; hư không cạn hay sâu là tùy theo người đào nhiều hay ít. Vậy hư không này là do đất sinh, do đào mà có, hay không do đâu mà tự sinh?

A Nan, hư không này, nếu không do đâu mà tự sinh, thì khi chưa đào sao không thấy có hư không, mà chỉ thấy đất đặc? Còn nói “hư không do đào mà có “thì khi quăng đất ra, phải thấy hư không vào. Nếu quăng đất ra trước mà không thấy hư không vào, thời sao lại nói “hư không do đào đất mà có.” Nếu hư không không ra vào, thời đáng lẽ nó cùng với đất không khác; nếu không khác thời đồng với đất. Vậy khi quăng đất ra, sao chẳng thấy hư không ra?

Nếu nói “hư không do đào đất mới có,” thời khi đào, đáng lẽ phải ra hư không, chớ sao lại ra đất? Còn nói “hư không chẳng do đào mà ra “thì khi đào ra đất, tại sao thấy có hư không?”

Các ông nên chín chắn quan sát: đào là từ nơi tay người, tùy theo chỗ mà đào. Còn đất cục là nhân chỗ đất cát dời đi. Đào là việc thật, còn hư không thì trống không, hai cái không dính líu gì với nhau, không hòa không hợp. Vậy hư không từ nơi đâu mà ra, không lẽ không nhân đâu mà hư không tự có.

Các ông không biết trong chân tâm, tính (bản thể) của hư không (tâm) là chân giác (tâm); tính (bản thể) của giác (tâm) là chân không, vốn sẵn thanh tịnh, khắp giáp cả pháp giới, tùy theo tâm chúng sinh thế nào thì nó hiện ra thế ấy. Một chỗ đào giếng, thì một chỗ có hư không, khắp cả trong thế gian đều đào giếng, thì khắp cả trong thế gian đều có hư không; tùy theo nghiệp của chúng sinh mà hiện ra, không có phương hướng, xứ sở gì. Người trong thế gian không biết, khởi tâm phân biệt so đo, chấp cho là nhân duyên sinh, hoặc tự nhiên có, v.v… đều không đúng cả. A Nan, ông nên biết: hiện tiền tính của năm đại: đất, nước, gió, lửa và hư không vốn viên dung khắp giáp, không lay động, đều là chân tâm cả, không có sinh và diệt. Chỉ tại các ông mê muội không biết mà thôi.

Chú Giải

Đất, nước, gió, lửa và hư không, năm đại này thuộc về phần vật chất, đại diện cho các cảnh vật. Hai đại sau (kiến và thức) là thuộc về phần tinh thần, đại diện cho các thức.

II. Các cảm giác từ Chân tâm biến hiện

- A Nan, cái “thấy” không tự thể, nhân đối với cảnh vật và hư không mà có, như ông ngày nay ngồi trong rừng Kỳ Đà, sớm mai thấy sáng, chiều lại thấy tối; đêm không trăng thời thấy tối, có trăng lại thấy sáng. Nhân có tối và sáng, nên ông mới có thấy phân biệt.

Vậy cái “thấy” này cùng với tối, sáng và hư không là một thể hay không phải một thể? Đồng hay khác?

Này A Nan, khi tối thì không có sáng, khi sáng thì không có tối. Nếu cái thấy này cùng với tối đồng một thể, thì khi sáng đến, cái thấy phải mất. Còn cái thấy này cùng với cái sáng đồng một thể, thì khi tối đến, cái thấy phải diệt. Nếu cái thấy diệt, thì làm sao thấy sáng và thấy tối. Lại nữa, tối và sáng khác nhau, còn cái thấy lại không sinh diệt, như thế thời làm sao nói đồng một thể được.

Nếu nói cái thấy cùng với tối, sáng và hư không chẳng phải một thể, thì rời tối, sáng và hư không, ông hãy chia riêng cái thấy của ông ra, xem thử hình tướng của nó thế nào. Nếu rời tối, sáng và hư không thì cái thấy của ông như lông rùa, sừng thỏ; nghĩa là không có. Khi phân tách ra tối, sáng và hư không ba cái đều khác, thì cái thấy của ông ở chỗ nào?

Lại nữa, tối sáng trái nhau, thế nào nói đồng được? Rời tối, sáng và hư không ra, không có cái “thấy,” thì làm sao nói khác được? Không thể chia ranh đây là hư không, kia là cái thấy được, thời làm sao lại nói “không đồng”? Tối, sáng chẳng đồng, còn cái “thấy” không biến đổi, thì sao lại nói “không khác”?

Ông nên chín chắn suy xét: cái sáng là từ nơi mặt nhật, cái tối thuộc ban đêm, chỗ trống thuộc hư không, nơi bít thuộc về đất; cái “thấy” có biết, còn hư không không biết, không phải hòa không phải hợp. Vậy cái “thấy” từ nơi đâu mà sinh, không lẽ tự nhiên có?

Các ông không biết: trong chân tâm, cái tính của “thấy” là tâm, (giác minh) tâm là tính của thấy; vốn sẵn thanh tịnh khắp cả pháp giới, tùy tâm của chúng sinh phân biệt như thế nào, thì hiện ra theo sự hiểu biết của chúng sinh như thế ấy. Như một con mắt là có một cái thấy, nếu nhiều con mắt thì có nhiều cái thấy. Cho đến tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân xúc, ý biết, sáu cảm giác cũng vậy, đều khắp cả pháp giới, tùy theo nghiệp của chúng sinh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở gì.

Chú Giải

Như điện, vào đèn thì đèn cháy sáng, vào quạt quay phát gió, v.v… điện không có phương hướng xứ sở gì, chỉ tùy duyên phát hiện. Còn tâm cũng thế, tâm vẫn là một, nếu đến mắt thì thấy, đến tai thì nghe, v.v… tùy duyên phát hiện.

Thấy, nghe, hay, biết sáu cảm giác kể là một, cùng với hư không và bốn đại, thành ra sáu đại, tính nó viên dung vốn không lay động, đồng một thể chân tâm, không sinh không diệt, thế gian vì mê lầm không biết, sinh tâm phân biệt, chấp cho nhân duyên sinh, hoặc tự nhiên có, đều không đúng cả.

III. Thức (phân biệt) từ chân tâm biến hiện

- Này A Nan, cái “thức” (phân biệt) không có căn nguyên, nhân sáu căn và sáu trần mà vọng hiện. Ông nay dùng mắt xem khắp trong hội này, thì con mắt của ông chẳng khác nào như cái kiếng chiếu cảnh, không có phân biệt gì khác. Rồi cái “thức” của ông mới khởi lên, tuần tự phân biệt: Đây là ông Văn Thù, kia là ông Phú Lâu Na, đó là ông Mục Kiền Liên, nọ là ông Tu Bồ Đề, v.v… Vậy cái thức hiểu biết phân biệt này, từ cái thấy sinh, hay từ nơi cảnh vật sinh? Từ hư không ra, hay không do đâu tự xuất hiện?

A Nan, nếu nói “cái thức của ông từ nơi cái thấy sinh,” mà không có tối, sáng, cảnh vật và hư không bốn món, thì cái “thấy” của ông không có. Cái thấy còn không có, thời cái thức phân biệt kia làm sao từ nơi cái thấy mà sinh được.

Còn nói “thức phân biệt này từ cảnh vật sinh, chứ không phải từ nơi cái thấy.” Nếu không có cái thấy để thấy tối, sáng, cảnh vật và hư không các tướng, thời cái “thức” của ông từ nơi đâu sinh được.

Còn nói “thức từ hư không sinh, không phải từ nơi cảnh vật và cái thấy.” Nếu không có cái thấy thời không thấy được sáng, tối, cảnh vật và hư không. Còn nếu không có các cảnh vật thì thấy, nghe, hay, biết không từ nơi đâu mà có.

Nếu nói “thức không phải từ nơi cảnh vật và cái thấy sinh,” như thế thì nó đồng với cái không. Còn nói “nó có mà không phải đồng cảnh vật,” thì dầu cho cái thức của ông có phát sinh ra nữa, cũng không thể phân biệt cái gì được.

Nếu nói “thức không nhân đâu, thoạt nhiên xuất hiện,” thì sao khi ban ngày, ông không thể phân biệt được mặt trăng?

Ông nên chính chắn suy xét: Cái thấy thì nó gá nơi con mắt của ông, còn các hình tướng là ở nơi cảnh vật. Những gì có hình tướng thời có, còn không hình tướng là không. Cái “thức thì động (có phân biệt), còn cái “thấy” lại yên lặng (không phân biệt), không phải hòa không phải hợp. Vậy thì cái thức phân biệt của ông từ đâu sinh ra? Không lẽ không do đâu mà tự có?

Các ông không biết trong chân tâm, tính của thức là tâm, tâm mới thật là thức (chân thức), nó nhiệm mầu yên lặng, sáng suốt khắp giáp cả pháp giới, hàm chứa và sinh ra mười phương hư không thế giới, chỉ tùy theo nghiệp của chúng sinh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở. Thế gian không biết, khởi thức tâm phân biệt chấp trước, cho là nhân duyên sinh hoặc tự nhiên có, v.v… đều không đúng cả.

Các ông nên biết: đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy và thức tâm gọi chung là bảy đại, tính của nó đều là chân tâm viên mãn khắp giáp tất cả, vốn không sinh diệt. Các ông vì mê muội nên không biết.

Chú Giải

Chúng ta nên phân biệt rõ ràng: “thức và cái “thấy.” Cái “thấy” là thuộc các cảm giác, về phần trực giác. Nó cũng như cái kiếng chiếu cảnh, không có phân biệt tính toán. Còn “thức” thì có phân biệt tốt, xấu, hay, dở, v.v… So theo Duy thức tông, để nói cho dễ hiểu: “Thức” là chỉ cho thức thứ sáu. Còn cái thấy là thuộc về năm thức trước. Tóm lại, nói đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy và thức cộng lại là bảy đại, gồm cả vật chất lẫn tinh thần.

Đất, nước, gió, lửa, hư không là thuộc về vật chất, còn thấy và thức là thuộc về phần tinh thần. Trong vũ trụ tuy có thiên hình vạn trạng, nhưng tóm lại thì không ngoài vật chất và tinh thần.

Đoạn này là nói cả vật chất lẫn tinh thần đều từ nơi chân tâm, tùy theo nghiệp của chúng sinh mà hiện ra như thế này hoặc như thế kia, ngàn sai muôn khác. Như người chiêm bao thấy hiện ra các cảnh vật (đất, nước, v.v…)

Về bản thể của 7 đại thì chân, không có sinh diệt. Còn về hiện tượng (các hình tướng) thì vọng. Vì chúng sinh mê muội không biết, chấp thế này hoặc thế kia, (như người đương chiêm bao chấp các cảnh chiêm bao là thật). Một phen ngộ được chân tâm rồi, thì 7 đại này đều trở về thể tính chân tâm (như người thức giấc, thì cảnh chiêm bao liền hết; lúc bấy giờ mới biết các cảnh vật trong chiêm bao đó, đều do tâm chiêm bao hiện ra).

IV. A Nan vì ngộ được chân tâm nên đứng dậy phát lời thệ nguyện rộng lớn

Khi ấy A Nan và đại chúng nhờ Phật chỉ dạy cặn kẽ, nên mỗi người đều ngộ được chân tâm của mình rộng lớn khắp cả mưới phương hư không. Lúc bấy giờ ông lại thấy cả mười phương thế giới rất nhỏ hẹp và rõ ràng cũng như một lá cây cầm ở trong tay. Tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng trong thế gian này, đều ở trong chân tâm; chân tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới. Khi ấy xem trở lại cái thân thịt do cha mẹ sinh đây, thật nhỏ nhen làm sao! Như một hạt bụi nhỏ ở trong mười phương hư không, dù còn mất cũng không thấm vào đâu. Và cũng như một hòn bọt nhỏ, nổi trong biển cả rộng khơi, dầu sinh dầu diệt cũng không nhằm gì.

Vì ông A Nan hiểu ngộ được chân tâm của mình thường còn không diệt và rộng lớn như vậy, nên đứng trước Phật chắp tay kính lạy, và xứng theo chân tâm rộng lớn, mà nói bài kệ phát nguyện như vầy:

Nguyên văn chữ Hán:

Diệu trạm, Tổng trì, Bất động tôn,

Thủ Lăng Nghiêm vương thế hi hữu.

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng.

Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thâu.

Nguyện kim đắc quả thành bảo vương,

Hườn độ như thị hằng sa chúng.

Tương thử thâm tâm phụng trần sát,

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh:

Ngũ trược ác thề thệ tiên nhập,

Như nhất chúng sinh vị thành Phật,

Chung bất ư thử thủ Nê hoàn.

Đại hùng đại lực đại từ bi,

Hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc,

Linh ngã tảo đăng vô thượng giác,

Ư Thập phương giới tọa đạo trường,

Thuấn nhã đa tính khả tiêu vong,

Thước ca ra tâm vô động chuyển.


Dịch nghĩa:

Kính lạy Pháp thân, Báo thân cùng Hóa thân Phật, và kinh Thủ Lăng Nghiêm vương là ngôi Pháp bảo rất hy hữu trên đời. Tiêu trừ cho con các vọng tưởng điên đảo từ ức kiếp, khiến con chẳng cần trải qua vô số kiếp tu hành mà vẫn đặng pháp thân Phật.

Hôm nay con nguyện mau đặng thành quả Phật, để trở lại độ chúng sinh nhiều như hằng sa. Con nguyện đem thân tâm này phụng sự các Đức Phật nhiều như vi trần. Thế mới gọi là đền ơn chư Phật.

Cúi xin Đức Thế Tôn chứng minh cho lời thệ nguyện của con: Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sinh. Nếu còn một chúng sinh nào chưa được thành Phật, thì con thệ chẳng lãnh quả vui Niết Bàn.

Phật là đấng Đại Hùng, Đại Lực và Đại Từ Bi. Cúi xin Ngài tiêu trừ các điều mê lầm vi tế cho con, khiến cho con sớm đặng thành Phật quả, để hóa độ chúng sinh khắp cả mười phương thế giới. Giả sử hư không kia có thể tiêu diệt hết, chớ chí nguyện của con đây chẳng hề lay động.

Chú Giải

Ngài A Nan vì ngộ được chân tâm của mình rộng lớn bao hàm cả vũ trụ; vô biên thế giới, vô tận chúng sinh đều ở trong chân tâm cả. Lúc bấy giờ ngài thấy mười phương thế giới rất rõ ràng và nhỏ hẹp cũng như cái lá cây cầm ở trong tay, còn thân này nhỏ nhen như hạt bụi bay trong hư không, dầu còn mất cũng chẳng thấm vào đâu.

Bởi Ngài ngộ được chân tâm rộng lớn, cùng với chúng sinh đồng một thể không hai, cho nên Ngài mới xứng theo chân tâm rộng lớn, khởi ra đồng thể Đại bi, phát lời thệ nguyện rộng sâu như thế.

Xem như câu: Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sinh. Nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật, thì con thề chẳng lãnh quả vui Niết Bàn.

Và câu: Giả sử hư không kia có thể tiêu hết, mà chí nguyện của con đây chẳng hề lay động.

Trong kinh nói: “Thế giới vô biên, chúng sinh vô tận,” biết bao giờ độ cho hết tất cả chúng sinh, mà Ngài lại thệ nguyện xung phong vào đời ngũ trược tội ác trước hết, để cứu độ chúng sinh. Nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật, thì Ngài chẳng chịu an vui ở cảnh Niết Bàn.

Thật là lòng từ bi rộng lớn vô cùng. Chí nguyện cao thượng hy sinh độ đời của Ngài như thế đáng cho chúng ta trọn đời bái phục.

Trông lên Ngài rồi ngó lại ta thấy rõ tâm chí và hành vi của mình, thật cũng quá ư eo hẹp và thấp thỏi!

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6407802
Số người trực tuyến: