5. Bài thứ năm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

5. Bài thứ năm

Bài Thứ Năm
 
PHẦN CHÁNH TÔNG (tiếp theo)
 
19. THỌ TRÌ KINH NÀY PHÚC ĐỨC VÔ LƯỢNG

Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Như trong sông hằng, có vô số cát, rồi lấy mổi một hạt cát, lại du cho một sông hằng. Vậy những số cát trong vô số sông Hằng đó, có nhiều không?”.
 
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm. Nếu chỉ tính nhũng sông Hằng mà thôi, hãy còn nhiều vô số, huống chi là tính tất cả số cát, trong vô số sông Hằng”.
 
Phật hỏi tiếp: “Tu Bồ Đề! Nếu có chúng sinh nào dùng 7 món báu, đựng đầy trong nhiều Đại Thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) để đem bố thí; số đại thế giới này cũng nhiều như số cát trong vô số sông Hằng, thì chúng sinh đó phúc đức nhiều khônG?”.
 
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm”.
 
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! ta nay thành Phật bảo ông: Nếu có người thọ trì đọc tụng hay giảng kinh này hoặc trọn quyển hay nữa quyển, cho đến tối thiểu, chừng bốn câu kệ, thì phúc đức của người này nhiều hơn người trước”.

Lược giải
 
Đoạn này Phật nói công đức người thọ trì hoặc giảng dạy kinh này (thí pháp) nhiều hơn công đức người bố thí thất bửu (thí tài) đựng đầy trong vô số Đại thế giới, nhiều như số cát trong vô số sông Hằng. Đây là lần thứ ba, Phật tán thán về công đức thọ trì kinh.
 
Ngọc ngà châu báu, không ai có nhiều được. Nhưng nếu có người, có nhiều châu báu, đựng đầy trrong vô số đại thế giới, đem bố thí, thì phúc đức người này không thể nghĩ bàn.
 
Nhưng nếu có người thọ trì hay giảng kinh này, hoặc trọn quyển hay nữa quyển, hoặc tối thiểu là bốn câu kệ, thì công đức của người sau nhiều hơn người trước.
 
Vì bố thí về châu báu, dầu nhiều đến đâu, cũng chỉ giúp cho người về phương diện vật chất, giàu sang, sung sướng nhất thời mà thôi, chứ không thể đem hạnh phúc vĩnh viễn cho người được.
 
Còn người thọ trì hoặc giảng dạy kinh này, tuy ít và dễ làm, nhưng thuộc về pháp thí, giúp cho người về phương diện tinh thần, có ảnh hưởng sâu rộng hơn. Mình và người được trồng hạt giống Bát Nhã, một ngày sau, không sớm thì chầy, thế nào cũng được nứt mộng nẩy chồi, đơm bông kết quả, sẽ được thành Phật, rồi hoá độ vô số chúng sinh cũng sẽ thành Phật. Bởi vì người trì kinh và bố thí pháp, thuộc về phúc vô lậu thanh tịnh, nên phúc đức nhiều hơn người bố thí vật chất.
 
Tóm tắt đoạn này, Ngài Phó Đại sĩ có làm bài tụng như sau:
 
Nguyên văn (dịch âm):
 
Bảo mãn tam thiên giới
Tê trì tác phúc điền
Duy thành hữu lậu nghiệp
Chung bất ly nhân thiên
Trì kinh thủ tứ cú
Dữ Phật tác lương duyên
Dục nhập vô vi hải
Tu thừa Bát Nhã thuyền.

Dịch nghĩa:
 
Đựng báu đầy Đại thiên
Bố thí trồng ruộng phúc
Chỉ thành nghiệp hữu lậu
Hưởng phúc cõi nhân thiên
Trì tụng bốn câu kệ
Tạo duyên lành với Phật
Muốn vào biển vô vi
Phải nương thuyền Bát Nhã.

ĐẠI Ý

Bài tụng này nói, của báu đựng đầy Đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí làm phúc, hành giả chỉ hưởng phúc hữu lậu của cõi nhân thiên. Không bằng người trì tụng bốn câu kệ, để gieo duyên lành với Phật, đặng nương nhờ thuyền Bát Nhã, dạo chơi biển vô vi, hưởng phúc vui vĩnh viễn.

GIẢI DANH TỪ

Sông Hằng: Tên một con sông bên Ấn Độ. Dài rộng và rất nhiều cát. Mỗi khi Phật thuyết pháp, muốn chỉ cái gì nhiều klhông thể tính được, thì Phật thí dụ “Như số cát sông Hằng (Hằng hà sa số).

Đại thế giới: Nguyên văn chữ Hán là “Tam thiên đại thế giới”, gọi tắt là “Đại thế giới”.

Nhân lên 3 lần ngàn, là một đại thế giới. Nghĩa là năm châu thế giới của chúng ta ở đây là một thế giới nhỏ; nhân lên 1000 thế giới nhỏ, gọi là “Tiểu thiên thế giới”, nhân lên 1.000 tiểu thiên thế giới, gọi là “Trung thiên thế giới”; nhân lên 1.000 trung thiên thế giới, gọi là “Đại thiên thế giới”; tức là một nghìn triệu thế giới nhỏ, gọi là một “Đại thiên thế giới”. Ngoài Thế giới Ta bà là “một Đại thiên thế giới”. Ngoài thế giới Ta bà còn hằng hà sa số Đại thiên thế giới.
 
***
 
20. CÔNG ĐỨC CỦA KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Những chỗ được giảng kinh này, hoặc trọn bộ hay nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì chỗ đó cũng được chư thiên, người và thánh thần đến cúng dường và đều kính trọng như chỗ chùa tháp của Phật”.
 
Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Nếu chỗ nào thờ kinh này, thì chỗ đó có Phật và có các vị đệ tử tôn quý của Phật. Bởi thế nên người chí thành thọ trì đọc tụng kinh này, người ấy sẽ thành tựu Trí tuệKim Cương Bát Nhã”.
 
Lược giải

Đoạn này tiếp theo đoạn trên, nói về công đức quý báu của kinh và khuyên người thọ trì kinh này. Đây là lần thứ tư.

Đoạn trước (đoạn 13) Phật dạy: “Tất cả Phật và pháp đều từ kinh này mà ra”. Bởi thế nên chỗ giảng kinh này và chỗ thờ kinh này, thì chỗ đó như chùa Phật hay tháp Phật, có Phật, có đệ tử tôn quí của Phật; thánh, thần, trời, người đều kinh trọng và cúng dường.

Vì kinh này rất quý báu như vậy, nên người chí thành thọ trì kinh này sẽ được Trí tuệ Phật (Kim Cương Bát Nhã).
 
***

21. ÔNG TU BỒ ĐỀ HỎI PHẬT VỀ TÊN KINH

Lúc bấy giờ ông Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gì? Và tại sao chúng con phải phụng trì”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Kinh này tên là “KIM CƯƠNG BÁT NHÃ Ba la mật”; Vì thế nên các ông phải phụng trì”.

Lược giải

Đến đây, ông Tu Bồ Đề thỉnh Phật xác định tên kinh và giải thích, tại sao phải phụng trì? Phật trả lời: Kinh này tên “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật” (nghĩa đã giải ở đề mục kinh). Vì “Kim Cương Bát Nhã”, nên các ông phải phụng trì.
 
***
 
22. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP VỀ KINH "KIM CƯƠNG BÁT NHÃ BA LA MẬT"

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói Bát Nhã Ba La Mật, tức là không phải Bát Bát Nhã Ba La Mật, thế mới gọi là Bát Nhã Ba La Mật”.

Lược giải

Đoạn này Phật dùng Trí tuệBát Nhã phá trừ cái chấp về kinh “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật”. Nếu hành giả còn vọng chấp “có kinh Bát Nhã và có ta phụng trì”, tức là hành giả còn chấp ngã (ta phụng trì) và chấp pháp (kinh Bát Nhã) thì không phải là kinh Bát Nhã và thọ trì Bát Nhã. Phải dẹp trừ hết các vọng chấp ngã, pháp v.v…mới phải thọ trì kinh Bát Nhã.

Bởi thế nên, Phật vừa nói ra tên kinh, sợ chúng sinh chấp tên kinh, nên Phậtliền phá chấp: “Như Lai nói Bát Nhã Ba La Mật, không phải Bát Nhã Ba La Mật, thế mới thật là Bát Nhã Ba La Mật”.

23. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP"
 
Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Như Lai có thuyết pháp không?”. Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Như Lai không có thuyết pháp”.

Lược giải

Đây là lần thứ hai, Phật phá cái chấp: “Như Lai có thuyết pháp” (lần thứ nhất ở đoạn 11).

Tiếp theo đoạn trên, ông Tu Bồ Đề hỏi kinh này tên gì? Phật nói kinh này tên là “Kim Cương Bát Nhã Ba la mật”. Sợ người chấp:”Như thế Phật co nói pháp Bát Nhã”, nên tiếp đến đoạn nầy, Phật phá luôn cái chấp:”Phật có thuyết pháp.

Nếu hành giả còn vọng chấp: “Phật có thuyết pháp”, thì không nhập được “Kim Cương Bát Nhã”. Vì ông Tu Bồ Đề đã nhập được lý “Kim Cương Bát Nhã”, nên ông trả lời: “Như Lai không có thuyết pháp”.

Muốn cho độc giả rõ thêm đoạn nầy, tôi xin nhắc lại lời giải thích ở đoạn trước thêm một lần nữa:Một hôm ông Tu Bồ Đề ngồi yên tịnh dưới gốc cây. Trời Đế Thích rưới hoa cúng dường. Ông Tu Bồ Đề hỏi: “Ai rưới hoa?”. Trời Đế Thích thưa: “Ngài thuyết kinh Bát Nhã hay quá! Con xin dâng hoa cúng dường”.
Ông Tu Bồ Đề nói: “Tôi không nói kinh Bát Nhã”. Trời Đế Thích thưa:”Ngài không nói Bát Nhã, con không nghe Bát Nhã”.

Kết luận: ”Không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã”, như thế mới thật là “nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã”.

Vì ngộ được lý chân không của kinh Bát Nhã, nên ngài Viên Ngộ Thiền sư có làm bài kệ rằng:

Nguyên văn (dịch âm)

Thập phương đồng tụ hội
Cá cá học vô vi
Thử thị tuyển Phật trường
Tâm không cập đệ qui.

Dịch nghĩa:

Mười phương đồng tụ hội
Người người học vô vi
Đây là trường thi Phật
“Tâm Không” mới được đậu.

ĐẠI Ý

Bài kệ này quan trọng nhất là hai chữ “Tâm không”. Nếu người nào tâm không còn các phiền não vọng chấp ngã, pháp v.v…thì người đó nhập được Kim Cương Bát Nhã, tức là đậu quả Phật.
 
***
 
24. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "THẬT CÓ VI TRẦN VÀ THẾ GIỚI"

Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Những vi trần chứa trong đại thế giới (1 nghìn triệu thế giới nhỏ) có nhiều không?”. Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn nhiều lắm”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói các vi trần, không phải thật vi trần. Như Lai nói thế giới, không phải thật thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới”.

Lược giải

Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “thật có vi trần và thật có thế giới”.

Phật đã dẠy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”; nghĩa là: phàm cái gì có hình tướng, đều là hư dối không thật. Tất cả muôn vật trong vũ trụ, lớn như thế giới, nhỏ như vi trần, cũng đều là hư giả không thật.

Do hiệp nhiều vi trần (bụi nhỏ) thành ra một vật lớn nhất, rồi tạm đặt tên là thế giới.

Trái lại, do vật lớn nhất như thế giới, chẻ cho đến thật nhỏ, không còn chẻ được nữa, rồi tạm đặt tên là vi trần (bụi nhỏ). Vật thế giới hay vi trần, cùng các vật khác, đều do vọng thức của chúng sinh, phân biệt so đo (kể đạt phân biệt) rồi đặt tên như thế này hay như thế khác, chứ không có thật thể.

Trong bộ Cu xá luận tung lược thích, về trang 210, có chép về vi trần và thế giới, đại ý như sau: Từ vật lớn nhất là thế giới, rồi chẻ nhỏ thế giới ra nhiều lần, cho đến thành hạt bụi bay qua lại các kẽ hở (như mỗi buổi sáng, mặt trời chiếu vào các kẽ hở, chúng ta thấy rất nhiều bụi bay qua bay lại). Các thứ bụi này gọi tên là:

1. Khích du trần: Bụi bay qua các kẻ hở.

2. Ngưu mao đầu trần: Hạt bụi nhỏ ở trên đầu lông con trâu. Bụi này do chẻ nhỏ bụi “khích du” mà thành.

3. Dương mao đầu trần: Hạt bụi ở trên đầu lông con dê. Thứ bụi này do chẻ nhỏ bụi “Ngưu mao đầu” mà thành.

4. Thố mao đầu trần: Hạt bụi ở trên đầu lông con thỏ. Thứ bụi này do chẻ nhỏ bụi “Ngưu mao đầu” mà thành.

5. Thuỷ trần: Bụi rớt trong nước không ướt, vì quá nhỏ. Thứ bụi này do chẻ nhỏ bụi “Thố mao đầu” mà thành.

6. Kim trần: Bụi này có thể lọt qua những vàng khối hay sắt dầy hoặc kiếng dầy; do chẻ nhỏ bụi “Thủy trần” mà thành.

7. Vi trần: Bụi nhỏ; do chẻ nhỏ bụi “Kim trần” mà thành.

8. Cực vi trần: Bụi rất nhỏ. Hạt bụi này do chẻ nhỏ bụi “Vi trần” mà thành.

9. Lân hư trần: Bụi gần mé hư không. Thứ bụi này nhỏ nhất, không thể chẻ nhỏ nữa được, nếu chẻ nữa thì thành hư không. Bụi này do chẻ bụi “Cực vi” mà thành.

Rồi trở lại, từ vọng tâm nhỏ như “Lân hư trần”

Tích tụ 7 Lân hư trần thành một “Cực vi trần”:

….7 cực vi trần thành một “Vi trần”

….7 Vi trần thành một “Kim trần”

….7 Kim trần thành một “Thuỷ trần”

….7 Thuỷ trần thành một “Thố mao đầu trần”

….7 Thố mao đầu trần thành một “Dương mao đầu trần”

….7 Dương mao đầu trần thành một “Ngưu mao đầu trần”

….7 Ngưu mao đầu trần thành một “Khích du trần”

Cứ tích tụ mãi mãi như vậy, thành những vật nhỏ, đến vật lớn, cho đến vật lớn nhất là “thế giới”.

Tóm lại, chứa nhiều vi trần thành thế giới; chẻ nhỏ thế giới thành ra vi trần. Vì trần và thế giới đều do sự đối đãi lớn với nhỏ, mà đặt ra cái tên để kêu gọi, chứ không có cái gì là chân thật.

Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, nói về vi trần và thế giới.

Nguyên văn (dịch âm):
 
Tích trần thành thế giới
Chiết giới tác vi trần
Giới dụ nhân thiên quả
Trần vi hữu lậu nhân
Trần nhân, nhân bất thật
Giới quả, quả phi nhân
Quả nhân tri thị quyển
Tiêu diêu tự tại nhân
Vọng kế nhân thành chấp
Mê thằng vị thị xà
Tâm nghi sinh ám quỉ
Nhãn bệnh kiến không hoa
Nhất cảnh tuy vô dị
Tam nhân nãi kiến sai
Liễu tư danh bất thật
Trường ngự bạch ngưu xa.

Dịch nghĩa:
 
Chứa trần thành thế giới
Chẻ giới hoá vi trần
Giới dụ quả nhân thiên
Trần là nhân hữu lậu
Trần nhân, nhân không thật
Giới quả, quả chẳng chân
Biết quả, nhân đều huyễn
Được tự tại tiêu diêu
Vọng thấy dây thành rắn
Chấp mê bởi tại tâm
Tâm sợ nên ma hiện
Mắt nhậm thấy đốn hoa
Một cảnh không sai khác
Ba người thấy chẳng đồng
Ai biết đó là huyễn
Tức là bậc Đại giác.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Bài tụng thứ nhất nói: chứa vi trần thành thế giới, chẻ thế giới thành vi trần. Thế giới là dụ cho quả nhân thiên, vi trần là dụ cho nhân hữu lậu. Nhân vi trần đã không thật, nên quả thế giới cũng hư vọng. Nếu người biết được nhân quả đều như huyễn, thì sẽ được tiêu diêu tự tại.

Tiếp đến bài tụng thứ hai, đại ý nói: Vì tính “Biến kế sở chấp”, nên chấp sợi dây là con rắn, ban đêm thấy bóng tối cho là ma; cũng như vì con mắt bị nhặm, nên thấy có hoa đốm giữa hư không. Cũng một cảnh không sai khác, nhưng ba người (biến kế sở chấp, y tha khởi và viên thành thật) thấy chẳng đồng. Nếu người được giác ngộ như Phật, mới biết đó là giả danh không thật.
 
***
 
25. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP "THẤY 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT LÀ THẤY PHẬT"

Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Ông có thể cho thấy 32 tướng tốt của Như Lai là thấy được Như Lai không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vì đức Như Lai nói 32 tướng tốt, chỉ giả gọi 32 tướng tốt”.

Lược giải

Đoạn trên (24) Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá chấp về y báo (chấp pháp) là vi trần và thế giới. Đoạn này Phật lại dùng Trí tuệBát Nhã phá chấp về chánh báo (chấp ngã); nghĩa là chấp “thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật”. Đây ;là lần thứ hai (lần thứ nhất ở đoạn thứ 7) Phật phá chấp về thấy Phật.

Nếu còn hấp “thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật”, tức là còn chấp ngã (ta thấy) chấp nhân (Phật) v.v…thì không nhập được Kim Cương Bát Nhã, nên không thấy được Phật thiệt.

Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, nói về việc phá các vọng chấp ngã, nhân, năng, sở v.v…

Nguyên văn (dịch âm)
 
Tảo trừ tâm ý địa
Danh vi Tịnh độ nhân
Vô luận phúc dữ trí
Quang thả ly tham sân
Trang nghiêm tuyệt năng sở
Vô ngã diệc vô nhân
Đoạn, thường cu bất nhiễm
Tần thoát xuất hồng trần.

Dịch nghĩa:
 
Quét sạch đất tâm ý
Đó là nhân tịnh độ
Không cần tu phúc huệ
Miễn bỏ được tham sân
Trang nghiêm không năng sở
Không ngã cũng không nhân
Đoạn, thường đều chẳng nhiễm
Siêu xuất cõi hồng trần

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Không cần tu phúc tuệ hay phương pháp nào khác, chỉ quét sạch tham, sân, si v.v…ở trong tâm địa của mình, đó là nhân để vãng sinh về Tịnh độ.

Dẹp trừ cái vọng chấp: năng, sở, nhân, ngã, đoạn, thường v.v…thì được siêu thoát cõi hồng trần, đó là trrang nghiêm cõi Phật.

GIẢI DANH TỪ

32 Tướng tốt: Phật có 32 tướng tốt

1. Dưới bàn chân no tròn

2. Dưới bàn chân có cả ngàn khu ốc

3. Tay chân mềm dịu

4. Ngón chân có màn như chân nhạn

5. Ngón tay ngón chân no tròn

6. Gót xứng với bàn chân

7. Bàn chân xứng với gót

8. Hai chân tròn vót như hai chân nai

9. Tay dài thòng tới đầu gối

10. Âm tướng qui tàng

11. Chân lộng ửng màu xanh tía

12. Tóc lông đều xoay qua phía mặt

13. Da trơn mịn không dính dơ

14. Màu da sắc vàng

15. Tay chân vai cổ, bảy chỗ đều đủ

16. Cổ tròn lạ thường

17. Hai cái nách no đủ

18. Dung nghi đoan chính

19. Thân tướng trang nghiêm

20. Hình thể xứng nhau

21. Oai dung như sư tử

22. Chói hào quang mỗi phía một lần

23. Hàm răng bốn mươi cái khít và bằng

24. Bốn răng cấm trắng và bén

25. Trong miệng có mùi thơm

26. Lưỡi dài che đặng cả cái mặt

27. Tiếng nói diệu dàng đủ giọng

28. Lông nheo như ngưu vương

29. Con mắt có quần đỏ

30. Mặt như trăng tròn

31. Chổ gian mi có lông trắng

32. Trên đầu lồi thịt lên, như đầu tóc
 
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327951
Số người trực tuyến: