16. Vũ Trụ Quan Phật Giáo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

16. Vũ Trụ Quan Phật Giáo

Vũ Trụ Quan Phật Giáo


A. MỞ ÐỀ

Một câu nan giải nhất của nhân loại: “Vũ trụ từ đâu mà có”?

Từ xưa đến nay câu hỏi này đã làm cho bao nhiêu đầu óc phải vô cùng bối rối, thắc mắc, và có khi đến cuồng loạn. Bao nhiêu mực đã chảy, bao nhiêu giấy đã chất chồng, bao nhiêu bọt mép đã khô cạn để thuyết minh về vấn đề trên. Nhưng cuối cùng, nhân loại vẫn chưa thấy được thỏa mãn.

Về phía các triết gia, người thì cho vũ trụ do nước tạo thành, người thì cho do không khí, người cho do hơi nóng, người cho do tứ đại, v.v... tạo thành.

Về phía các tôn giáo, thì hầu hết đều tin vũ trụ do một Tạo vật chủ dựng lên. Tạo vật chủ ấy tùy theo các tông giáo mà có tên khác nhau: hoặc Brahma, hoặc Ngọc Hoàng Thượng đế, hoặc Chúa Trời, hoặc Jéhovah, v.v... Vậy vấn đề này, đạo Phật trả lời như thế nào?

B. CHÁNH ÐỀ

I. ÐẶT VẤN ĐỀ TIÊN QUYẾT

Phật giáo, khác với các tông giáo khác, không tin có Tạo vật chủ. Ðối với Phật giáo, thì vũ trụ vạn hữu sinh ra, không nhờ một đấng nào, hay một phép nào ở ngoài nó cả, mà chỉ do tự kỷ nhân quả tiếp nối mà thành. Cái quả ở bây giờ là do cái nhân ở trước, các cái nhân ở trước là do cái quả ở trước nữa; cứ như thế đi ngược trở lên mãi, nhân này quả nọ, không bao giờ cùng. Như thế, đối với Phật giáo; vũ trụ là vô thủy (không có cái ban đầu). Mà đã vô thủy thì làm gì có cái nguyên nhân đầu tiên?

Sở dĩ người đời tin phải có một sự bắt đầu, là vì với sự nhận xét có giới hạn của mình, thấy vật gì cũng có cái bắt đầu cả. Thí dụ: cái bàn, trước khi chưa có thợ mộc đóng thì nó không có; hay con gà con, sinh ra là do mẹ nó, v.v... Tương đối mà nói, thì cái bàn hay con gà có một sự sinh thành; nhưng nếu chúng ta đừng cắt xén thời gian và không gian ra từng khoảng một như thế, thì chúng ta thấy rằng trước cái bàn không phải là không có gì hết mà phải có gỗ, trước gỗ là cây, trước cây là hạt, v.v... Con gà cũng như thế, trước con gà con, có con gà mẹ; trước con gà mẹ là mẹ, thì nó là con, do một con gà mẹ khác sinh ra, v.v...

Nguyên nhân thứ hai làm cho người đời tin có một sự bắt đầu của vũ trụ vạn hữu là ý niệm sai lầm về quan niệm “có và không”. Với con mắt trần nông cạn và hẹp hòi, khi chúng ta thấy một khoảng trống, thì gọi là không; thấy một vật có màu sắc, hình dáng, trọng lượng, v.v... thì gọi là có. Và cũng do sự quan sát hẹp hòi, nông cạn, chúng ta thường có quan niệm rằng: “cái không” có trước “cái có”. Thí dụ: một khoảng đất kia, thường ngày chúng ta đi ngang qua đó, nhận thấy trên ấy không có nhà cửa gì cả, ta gọi là đất trống. Bặt đi một dạo độ năm sáu tháng, ta không đi ngang qua đó nữa. Bây giờ có việc đi qua đó lại, ta thấy một tòa nhà đồ sộ cất lên, ta tự bảo khoảng đất ấy hết trống rồi. Trước là không có mà bây giờ là có. Ta phóng đại ý nghĩ ấy ra và cho rằng: “cái không” có trước “cái có”, hay “cái có” bao giờ cũng đến sau “cái không”. Và chúng ta dẫn cái suy luận ấy đi xa hơn để kết luận rằng: “cái không” mà thành “có” được, tất nhiên phải có một cái gì khác tạo ra.  

Nhưng chúng ta đã suy luận sai, và cái sai lầm ấy bắt đầu từ quan niệm sai lầm ấy về “có” và “không”.  

Trước tiên, chúng ta quên rằng: khoảng đất trống kia không phải là trống không, hoàn toàn không có gì cả, mà trống ở đây có nghĩa là không có nhà. Và cái “có” sau này là có nhà, chứ cũng không phải là hoàn toàn có, vì một ngày kia nó cũng sẽ tan rã, và trở thành không.

Cái “có” và “không” ở đây là “ có”, “không” tương đối. “Có” là có một cái gì, và “không” cũng là một cái gì. Còn nói một cách tuyệt đối, thì trong vũ trụ này chưa bao giờ có một cái không hoàn toàn không cả. Cũng như cái có mà ta thường thấy chung quanh ta cũng không phải hoàn toàn, vĩnh viễn có. “Có, không” đều tương đối, nghĩa là dựa vào nhau mà thành. Hoặc trong một chỗ này có thì chỗ khác không, hoặc đắp đổi nhau trong thời gian có trước rồi không sau, hay không trước rồi có sau. Khi lấy riêng ra từng pháp mà xét, thì thấy tuần tự có thành, trụ, hoại, không, nhưng xét toàn thể thì phút giây nào cũng đồng thởi có thành, có trụ, có hoại, có không cả.

Như thế, để kết luận: không phải cải không xuất hiện trước là có. “Không và có” đều có một lần. Và vì thế, cho nên không thể có nguyên nhân đầu tiên của cái có.

Trong hiện tượng giới, ta thấy có sinh diệt, có thể có, chúng ta cho là vô thường. Nhưng nếu xét toàn thể vũ trụ, đứng về thật tại giới, thì chẳng có sinh diệt mà vạn hữu là thường trụ.  

Như trên đã nói, không có nguyên nhân đầu tiên. Và do đó, ta sẽ đặt sai vấn đề, nếu ta hỏi: “Nguyên nhân đầu tiên là gì?”. Và ta lại càng đi xa hơn nữa trong sự sai lầm, khi hỏi: “Ai sáng tạo ra vũ trụ vạn hữu”?  

Phải đặt câu hỏi này mới đúng: “Thật thể của cái có và cái không tương đối (tức là vũ trụ vạn hữu) là như thế nào?” hay “Thật tại của vũ trụ như thế nào?”.

Ðó là câu hỏi thứ nhất, nhắm mục đích tìm hiểu thật thể, thật tính, thật tướng, hay nói theo danh từ triết học, nhắm mục đích tìm hiểu thật tại của vũ trụ vạn hữu.

Câu hỏi thứ hai là: “Phát nguyên từ thật tại, vũ trụ vạn hữu đã hình thành và biến chuyển bởi nguyên nhân gì, và như thế nào?”.

Ðây là hai câu hỏi chính, sau đó, chúng ta có thể thêm vào những câu hỏi phụ như: “Vũ trụ rộng hay hẹp, có cùng hay không cùng?”...

Trả lời câu hỏi thứ nhất, đạo Phật có Thật tướng luận; trả lời câu hỏi thứ hai; đạo Phật có Duyên khởi luận; trả lời câu hỏi thứ ba, Phật dạy: “Vũ trụ hay thế giới là vô lượng vô biên vô cùng vô tận”.

Dưới đây, chúng ta hãy lần lượt trình bày những vấn đề trên.

II. THẬT TƯỚNG LUẬN

Thật tướng luận là lý thuyết giải bày về thật thể của vũ trụ. Thật thể hay thật tướng của vũ trụ, đạo Phật thường gọi là Chân như. Chân nghĩa là chân thật, không giả dối. Như là luôn luôn như thế, không biến đổi, không sinh diệt, không còn mất, vô thủy vô chung. Vậy chân như là một thật thể không biến đổi, không sinh diệt, không còn mất, vô thủy vô chung. Vậy chân như là một thật thể không biến đổi, không sinh diệt, không còn mất, vô thủy vô chung, sáng suốt, có đủ tất cả những diệu dụng đức tính.

Ðể chỉ chân như nhiều khi Phật giáo, tùy theo mỗi trường hợp, cũng gọi bằng những danh từ như: Chân tâm, Viên giác, Thắng nghĩa, Phật tính, Giác tính, Pháp tính, Như như, Nhứt như, v.v...

Thật ra thì khó mà kể cho hết những danh từ chỉ cho Chân như. Nhưng dù có kể hết, thì cũng chỉ là kể danh từ, chứ không thể nhận thấy được Chân như, chỉ có những vị giác ngộ mới trực nhận, mới thể nhập, hay thể chứng mà thôi.

Ngôn ngữ, văn tự chỉ có thể diễn tả được hiện tượng giới; còn khi muốn trình bày về thực tại, thì trở thành bất lực. Và càng bám vào, càng y cứ nhất thiết vào văn tự, ngôn ngữ lại càng đi xa thật thể, chân như. Một triết gia Pháp, ông Bergson đã nói rất đúng rằng: ngôn ngữ, danh tự đã cắt xén Sự Sống (thật tại) ra thành manh mún. Thật thế, mỗi tên gọi, mỗi chữ đều có một phạm vi, một nội dung nhất định của nó. Dùng một cái có hạn lượng để đo lường, dò xét một cái không hạn lượng, vượt ra ngoài không gian và thời gian, thì chắc chắn là phải sai lầm.

Cho nên thái độ đúng đắn nhất, để trực nhận thật thể chân như là im lặng, lìa xa văn tự, ngôn ngữ. Ðó là thái độ mà đức Phật đã áp dụng lần đầu tiên sau khi chứng đạo dưới cây Bồ đề.

Nhưng nếu không nói gì cả thì làm sau cứu độ được chúng sinh, làm sao đưa nhân loại đến bờ giác. Cuối cùng đức Phật phải nói. Nhưng khi nói đến cái khó nói nhất là “Thật tại” hay “Chân như”, thì đức Phật không thể dùng một lối như thông thường được. Do đó, mà chúng ta thấy trong kinh điển Phật giáo, có những cách nói mới nghe thì rất vô lý, gàn dở như: cũng có, cũng không; không phải không, không phải có; không phải đồng, không phải khác; cũng đồng cũng khác; không phải một, không phải nhiều; không phải nhớp, không phải sạch; vân vân và vân vân...

Nhưng, mặc dù đã nói như thế rồi, đức Phật vẫn sợ người đời chấp vào những câu nói ấy mà cho là thật, nên Ngài lại rào đón thêm nữa: “Chân lý như mặt trăng, giáo lý ta dạy như ngón tay để chỉ mặt trăng cho các người thấy. Ðừng nhận lầm ngón tay ta là mặt trăng”. Hay: “Những điều ta biết như lá trong rừng, và cái ta nói ra như nắm lá trong tay này”. Hay: “Y theo kinh điển giải nghĩa thì oan cho tam thế chư Phật, nhưng lìa kinh ra một chữ thì lại đồng với ma thuyết”. Hay: “Suốt đời, Như Lai chưa hề nói một câu nào”.

Tóm lại, mục đích của Thật tướng luận là muốn cho chúng ta nhận chân rằng: Thật tại, hay Chân như không thể dùng ngôn ngữ văn tự mà thấy được; trái lại, phải rời bỏ tất cả danh tướng mà trực nhận. Nhưng để có một ý niệm thô thiển về Chân như, hãy tự bảo rằng: “Chân như là cái gì trái hẳn với hiện tượng giới”. Hay: “Hiện tượng giới là mặt trái của Chân như”.

Nhưng, khi nói đến hai chữ “mặt trái” đừng liên tưởng rằng có một “bề mặt” như bao nhiêu bề mặt ta thường thấy trong hiện tượng giới.

III. DUYÊN KHỞI LUẬN

Duyên khởi luận tức là những lý thuyết nói về nguyên nhân hay lý do sinh khởi của hiện tượng giới.

Duyên khởi luận trong Phật giáo có nhiều thuyết; những thuyết này không trái ngược nhau, mà chỉ khác nhau về phương diện sâu cạn, rốt ráo hay chưa mà thôi. Vậy chúng ta hãy tuần tự đi từ cạn đến sâu:

1. Nghiệp cảm duyên khởi: Nghiệp cảm duyên khởi luận là chủ trương của Tiểu thừa Nguyên thủy Phật giáo. Lý thuyết này rút ra từ trong “Tứ diệu đế” và “Thập nhị nhân duyên”. Như chúng ta đã học về “Tứ diệu đế”, Phật dạy nguyên nhân của đau khổ, của sinh tử luân hồi là do “hoặc nghiệp”. Hoặc tức là mê vọng; Nghiệp tức là hành động tạo tác. Vì mê vọng nên có hành động sai lầm, vì hành động sai lầm nên chịu quả đau khổ... và cái vòng nhân quả luân hồi cứ tiếp tục mãi, tạo ra có chánh báo là thân ta và y báo tức là sơn hà đại địa. Sơn hà đại địa sở dĩ có là có một cách tương đối với thân ta mà thôi. Khi nghiệp nhân biến đổi thì nghiệp quả cũng biến đổi. Và do đó chánh báo và y báo cũng biến đổi theo. Người khi tạo những nghiệp nhân làm người thì đời sau đầu thai lại, chánh báo vẫn là người và y báo vẫn là sơn hà, đại địa như người đã nhận thấy. Nhưng nếu tạo những nghiệp nhân dữ, thì chánh báo ở đời sau sẽ là loài súc sinh hay ngạ quỷ, và y báo, tức là cảnh giới ở chung quanh cũng không còn giống như cảnh giới của người nữa, nghĩa là vũ trụ vạn hữu sẽ biến đổi theo tầm mắt và sự hiểu biết của các loài ấy. Do đó mà gọi là “nghiệp cảm”, nghĩa là do nghiệp như thế nào, thì cảm thọ cái thân và cảnh như thế ấy. Nói một cách tổng quát, do nghiệp lực mà có thân (chánh báo) và thế giới (y báo). Chánh báo và y báo có thể thế này hay thế khác, tốt hay xấu, là do nghiệp lành hay dữ. Nhưng dù sao, hễ còn nghiệp là còn có hiện tượng giới. Dứt trừ được nghiệp là trở về với Chân như, là nhập Niết bàn.

2. A lại da duyên khởi: Thuyết này thuộc về Ðại thừa Thủy giáo, đi sâu hơn thuyết trên một tầng. Trong thuyết nghiệp cảm duyên khởi, chỉ nói có sáu thức là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý. Sau khi chết, ngũ uẩn tan rã, nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai. Nhưng dẫn dắt cái gì? Lục thức, hay ý thức sinh diệt vô thường, biến chuyển luôn luôn, thì nghiệp dù còn, mà lấy gì giữ gìn cái nghiệp quả, khiến cho nó triển chuyển không dứt?

Ðại thừa Thủy giáo, bổ khuyết cho thuyết trên, tìm thấy thêm hai thức nữa là Ðệ thất thức hay Mạt na thức, và Ðệ bát thức hay A lại da thức.

Mạt na nghĩa là cầm bắt lấy chỗ thấy biết, nghĩa là tự nhận có một cái ngã, và giữ gìn cái ngã ấy. Nhưng làm sao giữ được cái giả ngã ấy, trong lúc ngũ uẩn, lục thức đều sinh diệt vô thường hợp ly mãi mãi? Vậy thì dưới Mạt na thức, tất phải có một thức khác thường tại, trùm chứa tất cả chủng tử của các pháp mới được.

Ðó chính là thức thứ tám, hay A lại da thức, hay Tạng thức (thức trùm chứa). Thức này không phải vô thường như ngũ uẩn, mà là hằng khởi, thường tại. Nó có hai công năng: một là thâu nhiếp tất cả các pháp, hai là sinh khởi tất cả các pháp. Khi chúng ta gây thiện nghiệp hay ác nghiệp, thì những chủng tử được dồn chứa vào Tạng thức, đến khi đủ nhân duyên thì những chủng tử ấy phát ra hiện hành.

Bởi A lại da thức bao gồm hết thảy chủng tử của chư pháp, nên nó phát hiện được hết năng lực vô hạn của vạn tượng. Khi căn thân của ta vừa phát sinh là nó bao hàm khách quan giới (tức là vạn vật). Khách quan giới thiên sai vạn biệt là do trong chủ quan giới có ý thức tác động mà ra.

Tóm lại, A lại da thức là cái căn bản của hiện tượng giới. Từ vô thủy, A lại da thức đã bao trùm chủng tử. Hiện tượng giới do chủng tử này mà phát hiện. Hiện tượng đã phát hiện thì lại kích thích phát sinh duyên mới, dẫn đến chỗ tác dụng. Như thế, chủng tử cùng hiện tượng, nhân quả nhau mãi, mà làm cho hiển hiện vạn hữu, và làm nền móng qua bao kiếp nhân quả luân hồi.

Nhưng, nếu A lại da thức là nền móng của nhân quả luân hồi, thì A lại da thức cũng là căn nguyên của giải thoát, vì trong A lại da thức có đủ cả chủng tử hữu lậu và chủng tử vô lậu. Chủng tử hữu lậu là những hạt giống phát sinh ra thiên sai vạn biệt, tức là hiện tượng giới; còn chủng tử vô lậu, đối với ngoại giới biết có hư vọng, cho nên không để cho tâm vọng đọng, do đó có thể đưa đến sự giải thoát.

3. Chân như duyên khởi: Thuyết này là của Ðại thừa Chung giáo. Theo Ðại thừa Chung giáo thì Chân như tùy duyên sinh ra muôn pháp; hay nhất thiết duy tâm tạo. Tâm bao gồm tất cả và có hai phương diện: về phương diện động, thì tâm là cái cửa của sinh diệt; về phương diện tịnh, thì tâm là cái cửa của Chân như.

Nhưng vì sao, cũng một tâm mà có hai phương diện tương phản như thế? Ấy là bởi vô minh. Chân như vốn là thường trụ, bất động, nhưng bởi vô minh làm duyên, khiến cho nó vọng động, làm ra thiên sai vạn biệt. Vô minh không phải là vật có thật, nó dựa nơi tâm thể mà có. Nó là một vọng niệm, cho nên trong kinh thường nói: “Hốt nhiên niệm khởi, gọi là vô minh”. Do cái vọng niệm ấy mà thấy có chủ quan, có khách quan, có tự ngã, có phi ngã, có vũ trụ, vạn hữu.

Nhưng vạn hữu không phải ngoài tâm mà tồn tại được. Chân như tuy bị vô minh kích thích mà diêu động, nhưng trong động có tịnh, trong tịnh có động, cũng như nước và sóng ở trong biển: Ðứng về phương diện nước mà nhìn, thì tất cả sóng đều là nước; đứng về phương diện sóng mà nhìn, thì tất cả nước đều là sóng. Tâm dụ cho biển, Chân như dụ cho nước, và vạn tượng giới dụ cho sóng. Chúng sinh, vì vô minh che lấp nên chỉ thấy có vạn tượng giới; Bồ tát và Phật vì đã trừ vô minh nên thấy vạn tượng là chân như. Tâm gồm có chân như và vạn tượng: Tịnh là chân như, Ðộng là vạn tượng. Ðộng, Tịnh không rời nhau, không cùng là một, nhưng cũng không phải là khác nhau. Ðó là hai phương diện của Tâm. Ðể chỉ hai phương diện này, trong kinh thường có câu: “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Tùy duyên tịnh, sinh ra tứ thánh, tùy duyên nhiễm sinh ra lục phàm. Từ tịnh trở thành động là đi vào cửa của sinh diệt, và đó cũng là nguyên nhân phát triển của vũ trụ vạn hữu. Từ động trở về tịnh là đi ra cửa chân như, và đó cũng là nguyên nhân của giải thoát.

4. Lục đại duyên khởi: Lục đại duyên khởi là chủ trương của Mật tông hay Chân Ngôn tông. Lục đại là: địa, thủy, hỏa, phong, không (tức là không gian) và thức. Năm đại trước thuộc về sắc pháp (tức là vật), đại thứ sáu thuộc về tâm pháp (tức là tâm). Sáu đại này mỗi mỗi đều dung thông không ngăn ngại nhau, và tùy duyên sinh khởi ra vũ trụ vạn hữu.

Chia ra vật và tâm là trí thức của ta phân biệt ra như thế, chứ bản thể của thật tại vẫn là một, vẫn không thể phân chia được. Vật là hình tướng, tâm là lực hoạt động. Lực không lìa được hình. Lìa hình thì lực chẳng tồn tại được. Còn hình nếu không nhờ lực thì không phát hiện được. Vật và tâm là hai phương diện của bản thể nhứt như.

Ta có đây là do Lục đại kết hợp mà ra. Lục đại ly tán thì ta không còn. Còn mất chẳng qua là một cuộc đổi thay của Lục đại mà thôi. Lục đại kết hợp và ly tán làm thành vũ trụ hoạt động. Ðứng về phương diện tổng quát mà nhìn, thì vũ trụ là một sự hoạt động không ngừng của Lục đại.

Chân như là thực thể của lục đại, mà lý tính của ta trừu tượng được. Lìa hiện tượng không có thật thể được, lìa vật không có lý được.

Thánh, phàm khác nhau, thiện, ác khác nhau ở chỗ biết hay không biết phân biệt chân như với hiện tượng.  

5. Pháp giới duyên khởi: Pháp giới duyên khởi là chủ trương của Ðại thừa Viên giáo (Hoa Nghiêm tông). Thuyết này cho rằng pháp giới (tức vũ trụ vạn hữu) là một duyên khởi rất lớn nghĩa là các pháp làm nhân, làm duyên cho nhau, nương tựa, tương phản, dung thông nhau mà thành lập.

Cái năng lực chủ động của pháp giới duyên khởi, không phải thuộc về “nghiệp lực” của chúng sinh, không phải “tạng thức” sai biệt sinh diệt của A lại da, cũng không phải cái “lý tính bình đẳng” bất sinh bất diệt của chân như, mà chính là do vạn pháp, pháp này dung thông với pháp kia, pháp kia dung thông với pháp này, cùng nhau làm duyên khởi, mỗi lớp mỗi lớp không cùng tột, cho nên gọi là “vô tận duyên khởi” hay “trùng trùng duyên khởi”.

Như thế, vũ trụ vạn hữu là một cuộc đại hoạt động của hiện tượng, từ vô thủy đến vô chung, nối tiếp và tràn lan vô cùng tận, như những đợt sóng. Vì có hoạt động nên mới có sinh diệt chuyển biến. Nếu không có hoạt động thì không có chuyển biến, tức là không có vạn tượng, không có vũ trụ.

Sở dĩ các pháp làm nhân, làm duyên hòa hợp, dung thông nhau được là do mười đặc tính kỳ diệu mà Ðại thừa Viên giáo gọi là “mười món huyền môn”. Lại do mười môn “huyền môn” này, mà trong pháp giới, Sự, (chỉ cho sự tướng sai biệt), Lý (chỉ cho lý tính bình đẳng) Lý Sự và Sự Sự được dung thông vô ngại (xem lại bốn “Pháp-giới” và mười “Huyền môn” trong bài nói về Hoa Nghiêm tông).

***

Trong Duyên khởi luận của Phật giáo, chúng ta thấy có năm thuyết. Ðó là: Nghiệp cảm duyên khởi, A lại da duyên khởi, Chân như duyên khởi, Lục đại duyên khởi và Pháp giới duyên khởi. Có người ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao cũng là Phật dạy cả, mà lại bất nhất như thế? Khi thì Phật dạy chúng sinh và thế giới do Nghiệp cảm mà phát sinh, khi thì dạy do A lại da thức, khi thì do Chân như, khi thì do Lục đại, khi thì Trùng trùng duyên khởi, vậy thì viết theo lý thuyết nào đúng?

- Sự sai khác đó là vì căn cơ của chúng sinh không đồng, phải dắt dẫn dần dần từ thấp đến cao, chúng sinh mới hiểu được.  

Ðối với hàng Tiểu thừa thì Phật nói: “nghiệp”, vì hàng Tiểu thừa chưa nhận được tạng thức, chủng tử.... lần lên đến Ðại thừa Thủy giáo, các bậc này vì mới hướng về Ðại thừa, chưa rõ chân như tùy duyên sinh ra các pháp, nên Phật chỉ nói về “A lại da thức”. Ðến Ðại thừa Ðốn giáo vì hạng này chưa nhận được lý “Trùng trùng duyên khởi”, nên Phật nói “Chân như tùy duyên sinh ra các pháp”. Ðến Ðại thừa Viên giáo, thì các bậc Bồ tát căn cơ đã thuần thục, nên Phật mới nói đến “Lục đại” và “Trùng trùng duyên khởi”.

Sự sai khác ở đây, chỉ là sai khác về tầng bậc, chứ không phải sai khác về nội dung; sai khác về khía cạnh đứng nhìn và tầm mắt rộng hẹp, chứ không phải sai khác về bản chất.

Nhìn một cách nông cạn và nhỏ hẹp thì chỉ thấy có nghiệp lực; nhưng nhìn sâu hơn và rộng hơn tí nữa thì thấy: dưới cái nghiệp lực, là A lại da thức. Nhìn sâu và rộng hơn nữa thì thấy dưới A lại da thức là Chân như.

Vì Chân như tùy duyên mà sinh ra hiện tượng. Trước thì bảo rằng có A lại da thức mới phát khởi ra hiện tượng. Ðây thì tự thân Chân như tùy duyên mà hiện tượng phát khởi.

Khi đã khám phá ra chân như rồi, nếu nghiên cứu kỹ lưỡng tường tận hơn nữa, thì nhận thấy chân như không phải là một cái gì xa lạ, mà chính là chân như nằm ngay nơi vạn tượng. Chân như là khía cạnh Tịnh, mà vạn tượng là khía cạnh Ðộng của một cái gọi là “Nhất như” hay “Tâm”. Nhưng nếu đi sâu hơn nữa, thì Tịnh và Ðộng không phải là hai khía cạnh riêng rẽ, mà chính ngay trong Ðộng có Tịnh, trong Tịnh có Ðộng. Ðộng là “sự” (vạn tượng), Tịnh là “lý” mà ta trực nhận được qua “sự” qua cái “trùng trùng duyên khởi” của vạn hữu.

Ðến “Chân như duyên khởi” luận là ta đã tìm đến cái căn nguyên của vũ trụ vạn hữu. Nhưng nếu phải còn nói đến “Lục đại duyên khởi” và “Pháp giới duyên khởi” là muốn tìm hiểu cái hành tướng, cái then máy của vạn tượng để trực nhận chân như. “Lục đại duyên khởi'' luận là dựa trên kinh nghiệm mà quy nạp Chân như. Hai luận này không khác nhau về nội dung hay từng bậc, mà chỉ khác nhau về luận pháp mà thôi. Một bên đi từ sự đến lý, một bên đi từ lý đến sự.

Nếu có thể dùng một thí dụ để chứng minh một cách cụ thể những lý lẽ vừa nói đến trên đây, chúng tôi xin mạn phép dùng một thí dụ thô sơ sau đây, nhưng xin thưa trước rằng thí dụ không phải là lý lẽ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh nào của lý lẽ thôi.

Chúng ta đi vào xem một rạp hát kỳ lạ, khi đèn đã tắt và không biết trên sân khấu người ta đã bắt đầu trình diễn từ lúc nào. Rạp hát tối mò, trên sân khấu cũng không sáng mấy, mà chúng ta thì đứng ở đàng sau xa. Trước sân khấu, nhiều lớp màn mỏng buông xuống (dụ cho vô minh). Khi chúng ta vào thì một tấm màn từ từ kéo lên. Chúng ta thấy lờ mờ những cánh tay, những cái chân và cái miệng của một con nộm nhân đang múa máy, ca hát trên sân khấu. Chúng ta đoán chắc ở phía trong, ở đàng sau con nộm nhân ấy có một động lực (dụ cho Nghiệp cảm duyên khởi) làm cho con nộm nhân kia múa máy, ca hát.

Một cái màn nữa vén lên và ta tiến tới thêm một khoảng nữa để nhìn. Chúng ta thấy bóng dáng một người đang đứng sau con nộm nhân kia (dụ cho A lại da duyên khởi).

Một cái màn nữa vén lên và ta tiến tới gần sân khấu hơn nữa. Ta thấy rõ ràng hơn. Thì ra con người và nộm nhân là một: con người mang lớp nộm nhân và đã múa máy ca hát (dụ cho Chân như duyên khởi).

Một bức màn nữa được kéo lên, và ta đi sát đến sân khấu, ta nhìn thấu suốt đến hậu trường. Ta thấy rõ mỗi vật, mỗi người, từng chi tiết một trên sân khấu, sự liên lạc giữa vật này với vật kia, giữa người làm trò, người kéo màn, người đạo diễn v.v.... (dụ cho Lục đại duyên khởi).

Sau khi đã quan sát kỹ lưỡng sân khấu, ta quay mặt lại nhìn khán giả, và ta đã khám phá một sự thật vô cùng quan trọng: sự liên lạc mật thiết giữa người đóng trò và khán giả. Người đóng trò vui thì khán giả vui, người đóng trò than thở thì khán giả buồn. Ngược lại, khán giả cũng ảnh hưởng rất nhiều đến người đóng trò: người đóng trò đã tuân theo ý muốn của khán giả, khi đóng hay thì khán giả vỗ tay hoan hô và bắt buộc diễn viên đóng lại; khi diễn dở, thì khán giả la ó, phản đối... Diễn viên và khán giả, hậu trường và tiền trường, tất cả một rạp hát đều liên lạc mật thiết với nhau, làm nhân duyên cho nhau, ảnh hưởng mật thiết lẫn nhau (dụ cho Pháp giới duyên khởi).

Ðể kết luận về chương Duyên Khởi luận này, chúng ta có thể tóm tắt như sau:

- Nghiệp cảm duyên khởi, muốn nói: nghiệp lực là nguyên nhân của hiện tượng giới. Nghiệp bởi mê hoặc mà có.  

- A lại da duyên khởi, muốn nói: căn nguyên của hiện tượng giới là A lại da thức. A lại da bao trùm tất cả chủng tử hữu lậu và vô lậu. Do chủng tử hữu lậu mà phát sinh vũ trụ vạn hữu. Muốn giải thoát khỏi hiện tượng giới thì phải huân tập và làm phát hiện chủng tử vô lậu.

- Chân như duyên khởi, là muốn nói: chân như vì duyên với vô minh mà diêu động và làm phát sinh ra vũ trụ vạn hữu.

- Lục đại duyên khởi và Pháp giới duyên khởi là hai thuyết mường tượng giống nhau, đều thuyết minh hai phương diện hiện tượng và thật thể của nhất như. Bất tri bất giác là cái nguyên nhân của hiện tượng. Tri giác được thì giải thoát được.

Những thuyết trên này đều có những điểm giống nhau: mỗi thuyết đều công nhận có chân như là bản thể của vũ trụ vạn hữu. Cái nguyên nhân làm sinh khởi vũ trụ vạn hữu là mê vọng hay vô minh. Muốn giải thoát thì phải trừ cho được mê vọng.

IV. KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN CỦA PHÁP GIỚI

Chúng ta đã nói về nguyên nhân sinh khởi của vũ trụ, vạn hữu. Ðến đây chúng ta hãy nghe Phật dạy về sự rộng lớn vô biên và sự tồn tại vô cùng của vũ trụ, hay pháp giới.

1. Không gian: Theo lời dạy trong các kinh, thì vũ trụ hay nói theo danh từ của Phật giáo: pháp giới rộng lớn vô cùng vô tận. Thế giới mà chúng ta ở đây không phải chỉ có một, mà nhiều như cát sông Hằng. Cứ một ngàn thế giới nhỏ hiệp thành một Tiểu thiên thế giới; hiệp một ngàn Tiểu thiên thế giới thành một Trung thiên thế giới; hiệp một ngàn Trung thiên thế giới thành một Ðại thiên thế giới, hay “Tam thiên đại thiên thế giới”. Mỗi Tam thiên đại thiên thế giới như thế là gồm có một ngàn triệu thế giới của chúng nhỏ như thế giới ta. Hơn nữa, vũ trụ không phải chỉ có một Ðại thiên thế giới, mà gồm có vô số Ðại thiên thế giới.

2. Thời gian: Phật đã dạy: “Các pháp hữu vi, bất cứ một pháp nào cũng đều bị bốn thời kỳ chi phối, tức là thành, trụ, hoại, không”. Thế giới cũng vậy, không thể thoát ra ngoài cái luật: thành, trụ, hoại, không ấy được. Nhưng bởi vì trong pháp giới có không biết bao nhiêu thế giới, nên sự thành, trụ của một thế giới này là sự hoại, không của một thế giới khác, cứ như thế mà xoay vần không dứt.

Nếu lấy riêng ra một thế giới để đo lường thời gian, thì chúng ta sẽ có một con số như sau: Mỗi một thế giới đều có bốn thời kỳ hay bốn trung kiếp; mỗi trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp, mỗi tiểu kiếp có mười sáu triệu (16.000.000) năm. Như thế một thế giới từ khi thành lập, đến khi tiêu diệt, phải trải qua: 4x20x16.000.000 = 1.280.000.000 năm (một ngàn hai trăm tám mươi triệu năm). Nhưng, chúng ta đã biết thế giới nhiều như cát sông Hằng, thì sự tồn tại của Pháp giới lâu dài không thể suy tính, nghĩ bàn được.

Ở đây, chúng ta không có ý nêu lên những con số như trên để đo lường đích xác sự rộng lớn và sự dài lâu của Pháp giới là bao nhiêu. Chúng ta chỉ có mục đích là nêu lên những con số để có ý niệm về “sự vô cùng cô tận, vô thủy, vô chung” của Pháp giới mà thôi. Ý niệm ấy, ngày nay cũng được khoa học tán đồng.

C. KẾT LUẬN

Pháp giới tuy rộng lớn vô cùng vô tận, nhưng như chúng ta đã thấy trong đoạn nói về “Duyên khởi luận”, pháp giới và nhân sinh ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Hơn nữa, như trong nghiệp cảm duyên khởi đã nói: vũ trụ do nghiệp lực của chúng sinh chiêu cảm kết thành; nghiệp lành chiêu cảm thì thân căn được viên mãn, mà vũ trụ cũng tốt đẹp; còn nghiệp dữ chiêu cảm thì thân căn xấu xa mà vũ trụ ô uế, lắm tai họa.

Còn theo như A lại da duyên khởi đã nói: do chủng tử trong A lại da thức huân tập và hiện hành mà chúng ta có căn thân và thế giới như thế này hay thế khác. Nếu chúng ta huân tập chủng tử hữu lậu thì chúng ta quay cuồng mãi trong cảnh giới khổ đau, ô trược; nếu chúng ta huân tập chủng tử vô lậu, thì chúng ta sẽ thoát ra khỏi cảnh giới khổ đau này.

Theo trình độ, căn cơ của chúng ta hiện tại thì hai thuyết trên này thích hợp với chúng ta hơn; còn ba thuyết dưới thì vì cao quá, khó mà thực hành cho được.

Vậy chúng ta hãy theo lời Phật dạy trong hai thuyết “Nghiệp cảm duyên khởi” và “A lại da duyên khởi” mà cải tạo vũ trụ và nhân sinh.

Trong hai pháp này, về nghiệp thì chúng ta nên dứt trừ “sự hoặc” và “lý hoặc” cải tạo các nghiệp dữ đổi làm các việc lành, tức là ta chiêu cảm lấy quả báo đời sau được thân thể và vũ trụ rất trang nghiêm tốt đẹp, không còn bị khổ quả như hiện nay nữa.

Về chủng tử, thì hằng ngày chúng ta nên cẩn thận trong sự huân tập. Bởi vì công việc làm của chúng ta hằng ngày đều ghi vào tạng thức chúng ta, không khi nào mất được. Ta phải huân tập những điều chân lẽ chính của thánh hiền. Còn về phần tu tập, chúng ta phải quán tất cả các pháp đều do duy thức tạo, và phải phá trừ ngã chấp và pháp chấp.

Làm được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ cải tạo thân thể và vũ trụ xấu xa này trở thành trang nghiêm tốt đẹp.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333651
Số người trực tuyến: